Giá rẻ, mẫu mã đẹp, hợp thời trang, phong cách thời thượng... đó là những lý do mà người tiêu dùng quan tâm đến quần bò xuất xứ từ Trung Quốc (TQ).

Vì vậy, trước những thông tin chưa được kiểm chứng về một loại bệnh nan y gặp phải khi sử dụng loại quần này, không ít người tiêu dùng cảm thấy hoang mang.

70% người dân vẫn sử dụng quần bò TQ

Lâu nay người Việt vẫn sử dụng các loại quần bò có nguồn gốc từ TQ như một điều tất yếu bởi các sản phẩm đó không chỉ rẻ mà còn đa dạng về màu sắc, mẫu mã, kiểu dáng. Những điểm này các sản phẩm trong nước cũng như các nước khác nhập về khó lòng đạt được. 

Khảo sát tại nhiều chợ bán buôn, bán lẻ ở Hà Nội, có đến 70% quần bò nam, nữ xuất xứ từ TQ, số còn lại là sản phẩm trong nước và chỉ một số rất ít được nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới.

Tại những nơi được cho là “thiên đường mua sắm” như: Cầu Giấy, Kim Mã, Chùa Bộc, Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân, Phùng Khoang…, các loại quần bò có xuất xứ từ TQ được bày bán khá nhiều. Đặc biệt, những địa chỉ “ruột” của người tiêu dùng bình dân, đối tượng học sinh, sinh viên như: Chợ Phùng Khoang, chợ Nhà Xanh, chợ sinh viên thì có tìm mỏi mắt cũng không thấy một chiếc quần bò được sản xuất trong nước.

Người dùng, chủ hàng lo "sốt vó" vì tin đồn quần bò gây bệnh nan y 2

Người dùng, chủ hàng lo "sốt vó" vì tin đồn quần bò gây bệnh nan y 3
Quần bò có giá khá rẻ, dao động từ 150 - 350 ngàn đồng/chiếc.
Giá mỗi chiếc quần bò ở các chợ giao động từ 150 – 200 ngàn đồng/chiếc, cá biệt có những sạp hàng bán giá ấn tượng, chỉ 100 ngàn đồng/chiếc. Riêng đối với những cửa hàng tại Chùa Bộc, Kim Mã, Cầu Giấy, khu Ngã Tư Sở, Bà Triệu, Đại La, giá có phần nhỉnh hơn, giao động từ 200 – 350 ngàn đồng/chiếc.

Người dùng, chủ hàng lo "sốt vó" vì tin đồn quần bò gây bệnh nan y 4
Mỗi chiếc quần bò không ít thì nhiều đều được mài hoặc làm rách để phục vụ sở thích, phong cách của nhiều khách hàng.
Lý giải về sự chênh lệch giá, chị Vân - nhân viên một cửa hàng trên phố Kim Mã, cho hay: “Hàng chợ từ chất liệu, mẫu mã, chất lượng sẽ kém xa so với các sản phẩm bày bán ở cửa hàng”.

Hầu hết các sản phẩm quần bò có mặt trên thị trường ít nhiều đều được mài hoặc làm rách để hợp thời trang với những đối tượng khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, có hay không việc sử dụng phun cát để mài quần bò gây nguy hiểm đến tính mạng vẫn là một dấu hỏi lớn?!

Khi chúng tôi nói về những thông tin về quần bò TQ được mài bởi công nghệ phun cát và tin đồn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có nguy cơ nhiễm một loại bệnh chết người thì nhiều nhân viên và chủ hàng đều khẳng định: “Tôi cũng theo dõi những thông tin ấy trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên mãi sau mới biết đó chỉ là tin đồn. Nếu thực sự điều đó là có thật thì tại sao lại có những người mặc quần bò của TQ chục năm nay không vấn đề gì”.

“Nếu thực sự có công nghệ đó gây chết người, chắc chắn các cơ quan chức năng nước ta đã phải vào cuộc từ lâu rồi”, một chủ hàng trên phố Chùa Bộc nói.

Người dân hoang mang, chủ hàng ngán ngẩm vì… ế

Với thông tin chưa được kiểm chứng về 5 nhà máy TQ dùng công nghệ phun cát để mài quần bò có nguy cơ nhiễm một loại bệnh phổi nan y mang tên silicosis, không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn gây ra tình trạng kinh doanh ế ẩm của các nhà bán lẻ quần bò.

Trao đổi với chúng tôi, chị Minh (Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mình nghe thông tin đó thấy phát khiếp luôn, mấy chiếc quần bò khá đẹp, tôn dáng và ưng ý nhất cũng đành ngậm ngùi bỏ đi, thay vào đó là những chiếc quần vải được sản xuất trong nước”.

Người dùng, chủ hàng lo "sốt vó" vì tin đồn quần bò gây bệnh nan y 5
Thông tin về quần bò có thể gây hại đến cơ thể khiến người tiêu dùng hoang mang.
Cùng quan điểm với chị Minh, chị Lâm Nhi (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Hầu hết những chiếc quần bò của mình mặc từ xưa đến nay đều có nguồn gốc từ TQ. Đùng một cái có thông tin trên thấy hoảng lắm, thậm chí mình còn vứt luôn đi không dám mặc nữa ấy”.

Với những đối tượng có mức chi tiêu eo hẹp như chị Bích Ánh (SV ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng như hàng ngàn sinh viên khác thì những sản phẩm quần áo, váy, dây lưng, túi xách, giầy dép có nguồn gốc từ TQ là lựa chọn hàng đầu. Trước thông tin trên, chị Ánh chia sẻ: "Mức chi tiêu hạn hẹp nên buộc chúng em phải lựa chọn những chiếc quần có nguồn gốc từ TQ thôi, thực ra tụi em cũng muốn dùng hàng Việt, Mỹ, Ý... lắm chứ".

"Bọn em cũng đọc được thông tin quần bò được mài bởi công nghệ phun cát sẽ gây bệnh nguy hiểm, mới đầu rất lo sợ và cảm thấy tiếc nuối lắm. Nhưng sau đó 1 số cơ quan chức năng, chuyên gia khẳng định lại là không vấn đề gì, chúng em cũng thấy yên tâm hơn. Nhưng chắc chắn lần mua tới sẽ chọn sản phẩm trong nước dù đắt hơn khoảng 100 ngàn/chiếc để đỡ phải lo lắng", chị Minh Hà (SV trường ĐH Văn Hóa, Hà Nội) cho biết.

Chưa cần bàn đến những thông tin về căn bệnh chết người kia có thật hay không, với anh Phạm Khoa (Nhân viên kinh doanh) lại cho rằng: “Thế mạnh của các sản phẩm may mặc của TQ là mẫu mã, kiểu dáng khá ấn tượng, hơn nữa giá cả cũng rẻ nhưng điều trở ngại nhất là mặc một thời gian quần bò TQ sẽ nhanh chóng bị phai màu, hoặc rách. Mình đã lựa chọn các sản phẩm may mặc trong nước được hơn 1 năm nay nên cảm giác khá an toàn".

Người dùng, chủ hàng lo "sốt vó" vì tin đồn quần bò gây bệnh nan y 6
Bình thường cửa hàng này mỗi ngày tiêu thụ khoảng 15 chiếc nhưng hiện nay lượng bán ra chỉ còn 3-4 chiếc/ngày.
Người tiêu dùng hoang mang là thế, còn người bán hàng lại lo “sốt vó” vì sức tiêu thụ giảm đi rõ rệt. Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng (nhân viên bán hàng tại 1 kiốt ở chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy) ngán ngẩm: “Bọn em được trả công theo sản phẩm bán ra, vậy mà mấy ngày gần đây không hiểu nguyên nhân vì đâu mà lượng quần bán ra giảm rõ rệt”.

Tại Chùa Bộc, chị Hiền cho hay: “Thời gian trước mỗi ngày cửa hàng bán cũng được 15 chiếc nhưng hiện nay lượng bán ra đã giảm xuống còn 3-4 chiếc/ngày”.

PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Không chỉ để mài quần bò, công nghệ phun cát trước đây vẫn dùng làm hoa văn trên gương kính. Công nghệ phun cát có giá thành rẻ nhất, còn mài công nghiệp bằng đá mài sẽ rất tốn công, lâu nhưng công nghệ này đã bị nhiều nước cấm. Việc những cơ sở vẫn sử dụng công nghệ này rất có hại cho công nhân đứng máy mài quần bò. Còn người tiêu dùng có thể an tâm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi khi quần đã làm thành phẩm thì người sử dụng sẽ không có nguy cơ hít phải silic nữa do nhà sản xuất đã làm sạch không còn bụi silic trên quần trước khi đưa ra thị trường. Nếu có thì cũng không nhiều đến mức mắc bệnh bụi phổi”. 
(Theo Giadinh.net)
Theo Lê Bảo