Thông tấn xã ITAR-TASS, dẫn nguồn tin Cơ quan hợp tác quân sự-kỹ thuật Liên bang Nga, hôm Thứ Hai bác bỏ tin Trung Quốc vừa ký thỏa thuận mua một số lượng lớn vũ khí của Nga gồm 24 máy bay chiến đấu Su-35 cùng 4 tàu ngầm động cơ diesel lớp Lada.
Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35-E, tên gọi theo NATO là Flanker-E. (Hình: GMReview via Getty Images) |
Đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên vì trước đó tin này đã được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) loan báo, tờ Nhân Dân nhật báo đăng lại và sau đó BBC loan tải.
Theo ITAR-TASS, trong chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã không ký bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc Moscow bán vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại cho Bắc Kinh, kể cả máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm diesel lớp Lada. ITAR-Tass khẳng định là hai bên đã không hề đề cập đến các vấn đề mua bán vũ khí hay hợp tác sản xuất vũ khí trong suốt thời gian ông Tập Cận Bình thăm Nga.
“Điện Kremlin đã chính thức bác bỏ việc thảo luận bán vũ khí cho Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Trong quan hệ Nga - Trung, các hợp đồng thương mại hầu như không bao giờ được đưa ra thảo luận trong những chuyến thăm của nhà lãnh đạo cấp cao”, ông Vasiliy Kashin, một chuyên gia quân sự của Trung Quốc làm việc tại Trung tâm chiến lược và công nghệ (CAST) trụ sở tại Nga cho hay.
Giới truyền thông Nga giải thích rằng có sự lo ngại về thỏa thuận bán vũ khí cho Trung Quốc vì sợ rằng Trung Quốc có thể sao chép trái phép để sản xuất các máy bay chiến đấu của họ như từng làm nhiều lần trước kia. Hồi năm 1995, Trung Quốc và Nga đã đạt thỏa thuận sản xuất 200 máy bay chiến đấu Su-27SK, còn gọi là J-11A với chi phí là 2,5 tỷ USD cho tập đoàn chế tạo máy bay Shenyang. Tuy nhiên, năm 2006, Nga đã hủy bỏ thỏa thuận này sau khi phát hiện được 95 chiếc máy bay của Trung Quốc được thiết kế theo kiểu của Nga. Nga cũng nghi ngờ Trung Quốc chế tạo trái phép các máy bay dùng cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Nhưng chuyên gia quân sự Vasiliy Kashin tin rằng, vì Trung Quốc chưa đủ trình độ kỹ thuật trong việc chế tạo động cơ phản lực và phải mua của Nga, nên những rủi ro khi bán máy bay sang Trung Quốc là không đáng kể.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti thì dự tính của Trung Quốc mua máy bay Su-35 Flanker-E đã đình trệ từ năm ngoái sau gần 2 năm thương lượng. Ông Viktor Komardin. Phó giám đốc tổ hợp quốc doanh xuất cảng vũ khí Rosoboronexport giải thích là Trung Quốc chỉ chịu mua một số ít trong khi Nga cho rằng phải bán được một số lượng lớn thì mới có hiệu quả kinh tế. (HC)