Không ai ngờ cà phê bột ở Ðắk Lắk
lại chứa không bao nhiêu cà phê. (Hình: Báo Thanh Niên)
|
Từ kết quả này, người ta mới vỡ lẽ ra, phần lớn cà phê bột được sản xuất tại thủ phủ cà phê lớn nhất Việt Nam đã được pha trộn các loại “phụ gia” như bắp, cau, một số loại đậu.
Tin này được ông Ðặng Ngọc Luyện, phó chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Sản-Thủy Sản Ðắk Lắk, xác nhận. Ông Luyện nói rằng hàm lượng caffein trong bột cà phê của hầu hết cơ sở sản xuất tại Ðắk Lắk đều thấp.
Một phúc trình khác của chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Sản-Thủy Sản Ðắk Lắk còn liệt kê một danh sách dài các công ty sản xuất cà phê “dỏm”, như Cao Thiện Phát, Ðất Việt, Mê Việt, Hoàng An S... Tỉ lệ cà phê trong sản phẩm của họ nhiều nhất là 0.3%. Chi cục này còn khẳng định rằng các nhà sản xuất cà phê bột tại Ðắk Lắk đã độn thêm đậu, bắp để làm giảm giá thành - một yếu tố cạnh tranh quyết định tại Việt Nam hiện nay.
Theo chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Ðắk Lắk, giá cà phê bột ở Sài Gòn hiện nay là 40,000 đồng, tương đương $2/kg, trong khi giá cà phê hạt của Ðắk Lắk hiện nay đã là 43,000 đồng, tương đương $2.15/kg. Ông này nói rằng đó là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất Ðắk Lắk phải bớt cà phê hạt, thay vào đó là đậu, bắp để giảm giá thành.
Báo Thanh Niên còn trích dẫn phúc trình của bà chủ tịch Hội Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu thụ Ðắk Lắk cho biết, các nhà sản xuất tỉnh nhà đã dùng caramel, hương cà phê, bột vani, bơ, rượu và cả nước mắm để pha trộn vào bột cà phê. Có lẽ nhờ thủ thuật này, cà phê “dỏm” Ðắk Lắk tiếp tục lừa được dân ghiền cà phê.