Trường Làng Kandal
Education is the most powerful weapon which you can use to change the world.
Người Việt rất lạc quan và hãnh diện về tính hiếu học của dân tộc mình, trừ nhà văn Phạm Thị Hoài:
“Nhân đây cũng xin nói ngoài lề là cái tinh thần rất nổi tiếng và thường xuyên được ca ngợi rằng, người Việt hiếu học, cha mẹ muốn con hay chữ, yêu thầy, theo tôi một phần cũng rất đáng kể xuất phát từ tinh thần yêu địa vị và trọng quyền lực. Nếu chữ nghĩa không mở ra được một triển vọng thơm tho như vậy, một người đi học thi đỗ làm quan thì cả họ được nhờ, tôi tin rằng cái sự hiếu học kia chắc chắn là giảm đi đáng kể.”
Cái kiểu nói (“nhân đây”) của bà nhà văn nghe “mích lòng” thấy rõ nhưng e là hoàn toàn không trật, với mọi người dân Việt – trừ ông Út Em (*):
– Đời mình thì chịu thua rồi nhưng con cháu thì phải lo cho tụi nó học được cái chữ, con số để mai mốt lỡ mượn tiền ai rồi lúc trả còn biết đường ghi vô sổ là mình đã trả ngày nào, hay đã trả bao nhiêu, để không họ cứ đòi hoài cái chết mẹ … – anh Tư thấy ý tui nói đúng không?
– Dạ, đúng!
Tui lật đật tán thành ý kiến của Út Em, dù hoàn toàn không thấy đương sự có gửi gắm chút mộng ước quan quyền gì ráo trọi cho tương lai con cháu, trong khi chúng tôi đang ngồi nhậu (lai rai) tại căn nhà nổi của ổng ở làng Kandal – xã Phsar Chhnang – thuộc tỉnh Kampong Chhnang.
Địa phương này nằm trên giòng Tonlê Sap, một phụ lưu của sông Mê Kông, tuy chỉ cách thủ đô Nam Vang chưa tới một trăm cây số nhưng lại quá xa những địa điểm du lịch nên chả có ma nào ghé.
Và có lẽ vì vậy (vì cái gì hiếm thì qúi) nên tôi được Út Em tiếp đãi rất tận tình, dù không được linh đình gì lắm. Trước khi ngồi “uống sương sương vài ly” ổng đã chống ghe đưa tôi đi thăm ngôi trường Samaki, cùng với lời giới thiệu say sưa và hãnh diện:
Việt kiều bên Úc xây đó, tốn cả trăm ngàn đô chớ không phải ít đâu nha.
Sao tự nhiên ngay lúc đó tui muốn mình biến được (liền) thành một “Việt kiều bên Úc.” Thiệt là quá đã. Đúng là một niềm hãnh diện lớn lao.
Giữa cái làng nổi chen chúc lổn nhổn những mái lá xiêu vẹo xác sơ thì trường Kami nổi bật như một công trình kiến trúc hết sức tân kỳ, và vô cùng hoành tráng. Út Em tự hào là phải.
Dù trường ốc đã có sẵn sàng, và đàng hoàng đâu ra đó nhưng “quan niệm và triết lý giáo dục” (rất khiêm tốn) của Út Em – xem chừng – vẫn chưa được phần đông người dân địa phương chia sẻ. Đời sống có những nhu cầu căn bản được sắp sẵn, theo thứ tự ưu tiên: ăn/học. Ăn chưa đủ no, lo chi tới học!
Mà trường làng Kandal lại dậy tới ngày hai buổi lận: sáng học tiếng Miên, chiều tiếng Việt. Coi như mất nguyên ngày.
Tuổi thơ là một thành quả đặc thù thế kỷ XX. Trước đó, nhân loại phải dồn hết nỗ lực vào việc mưu sinh nên trẻ con chỉ là một người lớn thu nhỏ (miniature adult) với trách nhiệm đè nặng lên vai gần như bố mẹ.
Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 nhưng dân làng Kandal thì chưa, và chắc còn phải chờ lâu. Hy sinh “nguyên” cả một thành viên trong gia đình cho việc giáo dục là một kiểu đầu tư hơi xa xỉ (và cũng có vẻ rất xa vời) ngoài tầm tay với của rất nhiều cư dân, ở nơi đây.
Tui chợt “ngộ” ra điều này nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được thứ ngôn ngữ thích hợp để chia sẻ ý nghĩ của mình với ông bạn đồng hương, và đồng ẩm, ngồi bên. Út Em vẫn chậm rãi nhai khô (thứ thực phẩm mà tôi nghi ngại là thằng chả phải nhai một ngày hai lần, và đúng 365 ngày mỗi năm) chợt hất hàm nhìn ra phía trước:
– Anh Tư ngó cái con Sáu bán chuối nướng này nè. Nó đi bán mình ên cũng được vậy, ráng cực thêm chút xíu thôi, để cho thằng con tới trường mà nó nhứt định không chịu. Phải chi nó làm nghề cá mà tới mùa cần người phụ thì tui không trách …
“Con Sáu” đang chèo nghe ngang nhà, và chắc chắn không biết đang bị Út Em “đấu tố” nên còn ráng xề tới thiệt gần (chắc tại thấy khách lạ) cất tiếng chào mời:
– Ai chuối nướng hông?
Người phụ nữ còn rất trẻ nhưng đen đủi và gầy guộc như một con khô. Còn thằng bé thì tóc cháy nắng vàng hoe nhưng trông rõ có nét thông minh và lém lỉnh. Tôi không quen chụp ảnh nên lính quýnh một hồi mới mở được máy, và vì vụng về nên không thu được hình của cả hai mẹ con khi họ lướt qua.
– Chớ ba thằng nhỏ đâu anh Út?
Hai đứa đã khổ quá mà con này nó có cái tật hay nhằn nên thằng kia bỏ lên Nam Vang rồi. Nghe đâu đi phụ hồ nhưng bữa có việc, bữa không, không có tiền gửi về cho vợ nuôi con nên tui sợ nó trốn luôn quá. Nó với tui cũng có bà con xa nhưng mình lo thân còn chưa xong làm sao hụ hợ gì cho ai được.
– Anh Út ở đây bao lâu rồi vậy?
– Tui sinh ngay tại đây chớ đâu – giọng Út Em chợt có vẻ phẫn uất như thể tôi vừa mới chạm đến một vết thương (lòng) nào đó – hồi trào Lon Nol sợ bị nó “cáp duồn” nên tui chạy về bển. Tới chừng thấy êm êm vừa quay trở lại ở chưa ấm chỗ thì tiếp tới trào Khmer Rouge nên chạy thêm lần nữa, cứ chạy hoài thiếu điều muốn xút quần luôn.
Tất cả những người dân Việt sinh trưởng nơi đây thuộc thế hệ Út Em đều có có cái cái lý lịch (“chạy muốn xút quần luôn”) na ná như nhau cả. Họ sinh trưởng ở Cambodia, hốt hoảng bỏ về Việt Nam tị nạn (đôi lần) nhưng quê hương cũng không phải là nơi nương náu được nên rồi lại đành phải tiếp tục tha phương cầu thực.
Sau vài lần chạy qua/chạy về như vậy thì tài sản, đất đai, nhà cửa của đám Việt Kiều ở Miên đều mất ráo. Đến tấm giấy tuỳ thân để lận lưng (rồi) cũng mất luôn nên họ không còn gì để có thể chứng minh mình là ai nữa. Tình trạng vô tổ quốc của họ kéo dài từ đời mình … qua đến đời con cháu.
Út Em nói nghe như khóc:
– Ở đây thì tụi nó kêu mình là Duồn: “Tụi Duồn về quê mày hết đi.” Về tới bển thì họ kêu mình là Miên: “Đám Miên qua đây làm cái gì?” Riết rồi tui thiệt tình cũng không biết mình là cái giống gì nữa, anh Tư à.
Tôi ngồi chết trân, làm bộ ngó mông ra mặt sông đang loang loáng nắng, cứ như thể là mình không hề nghe gì về tình trạng không Miên/không Việt (“không biết mình là cái giống gì nữa”) của Út Em nhưng vẫn thấy mắt cay cay. Út Em ấm ức thêm:
– Đời tụi tui cam chịu như vậy thì đã đành rồi nhưng còn con cháu mình nữa chớ. Tui ước ao tụi nó đều được đi học. Học biết con số, biết cái chữ thì sẽ đỡ bị người ta ăn hiếp – đúng không, anh Tư?
– Dạ, đúng!
Tui lại nhiệt liệt tán thành “quan niệm và triết lý giáo dục” (vô cùng) khiêm tốn của Út Em, dù thâm tâm vẫn e ngại rằng niềm “ước ao” này – xem ra – vẫn còn hơi xa, so với những thực tế (não lòng) mà tôi đang nhìn thấy ở đất nước này, trong mấy tháng qua.
Nhà cầm quyền Phnom Penh và Hà Nội có rất nhiều điểm dị biệt trong đường lối, và chính sách điều hành quốc gia nhưng chắc chắn họ có điểm này chung: cả hai đều (nhất định) bỏ mặc, không ngó ngàng gì đến đám dân Việt trôi sông lạc chợ ở Cambodia.
Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã từng mạnh miệng tuyên bố “sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào.” Lẽ ra, ngài nên nói thêm rằng: “Trừ đám kiều bào ở Miên thì khỏi.” N.Q 36 chắc cũng có một điều khoản bất thành văn, và chỉ được hiểu ngầm là: “Không tiền, không kiều hối gửi về quê mẹ thì khúc ruột gần/xa gì cũng đều là ruột thừa ráo nạo.”
– Anh Út còn ai ở VN không?
– Còn bà dì, em má, ở Trà Vinh nhưng già lắm nên chắc bả cũng chết luôn gồi.
– Bộ không liên lạc gì hết trơn sao?
– Liên lạc cách nào, Trời?
Thay vì rượu vào lời ra, tuy chúng tôi vẫn uống tì tì nhưng chuyện trò – rõ ràng – mỗi lúc lại một thêm buồn bã và bế tắc. Tôi rụt rè gợi ý:
– Anh Út chống ghe cho tui trở lại trường học Nghe nói buổi chiều dậy tiếng Việt nên tui muốn ngó qua mấy cái lớp học này coi sao?
– Ở đâu mà ra tới mấy lớp?
– Có cả trăm em học sinh lận mà.
Nhưng mà có một cô giáo tiếng Việt hà, nên dồn hết vô một lớp luôn.
– Ý Trời, đông quá ai mà dậy nổi? Sao không mướn thêm thầy cô?
– Ngoài cái cô này ra, cả xã có ai biết chữ đâu mà đòi làm thầy giáo hay cô giáo. Cổ ở Việt Nam mới qua đó.
Út Em nói không sai. Tôi gặp cô giáo VN rồi mới biết đây một cành lan hiếm hoi và quí giá của cái xã này, hay (dám) của cả tỉnh Kampong Chhnang luôn nữa.
– Cháu tên là Bạch Lan, quê ở Sóc Trăng. Cháu theo chồng qua đây …
– Làm sao cháu dậy được cả trăm em học trò.
– Dạ thì cháu cũng phải “ráng” thôi. Cái khó là các em học mấy trình độ khác nhau. Lớp một nhỏ thì mới học a,b,c. Lớp một lớn thì đọc chạy mặt chữ rồi. Lớp hai thì tập viết, và bắt đầu tập làm toán cộng trừ …Bị không có sách giáo khoa, cái gì cũng phải viết lên bảng nên mất thì giờ, và dậy chậm rì hà…
– Lương lãnh đủ sống không cháu?
– Dạ, hơn trăm đô. Chồng cháu cũng đi làm nên “ráng” thì cũng được nhưng hổng biết là sẽ được bao lâu nữa?
– Ủa, sao vậy?
Nghe nói là hội chỉ đủ tiền trả cho tới cuối năm thôi. Qua Tết mình thì chưa biết vì còn phải chờ ngân quỹ.
Tôi quay qua hỏi một nhân viên MIRO (Minority Rights Organization) người Khmer đứng cạnh:
– Tổ chức của ông có tiếp tục tài trợ cho trường không?
Thằng chả nhún vai, cứ y như là Tây vậy:
– Tụi tao là N.G.O (non governmental organization) chớ có phải là chính phủ Cambodia đâu mà có tiền để trả ai hoài hoài được. Nếu vẫn nhận được tiền từ Vidan Foundation thì “project” này vẫn tiếp tục chớ, còn không thì phải ngưng thôi.
Đúng lúc, tôi thấy anh Nguyễn Công Bằng, đại diện Hội Thiện Nguyện Vì Dân (trụ sở ở Houston, TX) đang sớ rớ gần bên nên hỏi tiếp:
– Sang năm hội còn tài trợ cho ngôi trường ở làng Kandal không anh?
– Hy vọng là còn, tụi tui đang “ráng”…
– Xin lỗi, anh nói “đang ráng” là “đang” làm sao?
– Dạ thì “ráng” tiếp tục kêu gọi sự tiếp tay của đồng bào mình khắp nơi coi bà con ủng hộ ra sao. Có đủ tiền thì mới dám ký contract cho MIRO dạy tiếp, chớ đâu làm sao khác được…
Chiều vẫn rơi mênh mông trên sông, khiến tôi thốt nhớ đến bản nhạc Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy:
Chiều buông trên giòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều
Thấy tôi có vẻ trầm tư, Út Em nhắc nhỏ:
– Thôi mấy anh chuẩn bị trở lại thành phố đi. Ban đêm ngủ lại không tiện đâu. Nói nào ngay thì ở đây cũng không được an ninh gì cho lắm.
Nghe tới chuyện “không được an ninh” là tui lật đật nhẩy xuống ghe liền. Út Em ái ngại nhìn theo, ngập ngừng (chút xíu) rồi nói với:
– Bữa nào ghé nhậu nữa không, anh Tư?
– Ờ, thế nào tui cũng… “ráng” mà!
Thì cũng nói đại như vậy cho qua chuyện, chớ cái trường làng Kandal này mà đóng cửa luôn thì tui mặt mũi nào mà gặp lại Út Em cho được. Đ…mẹ, sao tui già đầu rồi mà vẫn cứ hay vướng vào nhiều chuyện lôi thôi (dữ) vậy Trời!
Tưởng Năng Tiến
(*) Tất cả nhân danh trong bài viết này đều đã được cải sửa.