Thời Sự Nhật Bản - Tháng 10-2014


Bắc Triều Tiên không giữ lời hứa?

Như chúng ta đã biết, tháng 7 vừa qua, Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã có những thỏa thuận có thể nói là tích cực nhất từ trước tới nay để giải quyết toàn bộ việc người Nhật đã bị Bắc Hàn bắt cóc vào thập niên 1970.
Qua các cuộc gặp gỡ thì hai bên đã đồng ý vấn đề này sẽ được giải quyết trọn vẹn trong vòng 1 năm kể từ ngày 4 tháng 7/2014 và đợt thông báo tin tức đầu tiên từ Bắc Hàn sẽ là vào cuối hạ và đầu thu tức là thời điểm cuối tháng 9 này. Trong lúc gia đình các nạn nhân của người bị bắt cóc đang trông chờ những tin tức như đã hứa của phía Bắc Triều Tiên thì ngày 19/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết là chính phủ Nhật vừa được Bắc Triều Tiên thông báo: cuộc điều tra và tìm kiếm vẫn còn đang trong giai đoạn đầu và hiện tại vẫn chưa có gì có thể gọi là báo cáo, và theo dự định là vấn đề này sẽ được giải quyết trong khoảng 1 năm. 
Khi nghe tin này, cũng trong hôm 19/9, đại diện các gia đình có nạn nhân bị bắt cóc đã gặp bộ trưởng đặc trách vấn đề bắt cóc yêu cầu giải thích rõ diễn tiến của sự việc thì Bà bộ trưởng cũng chỉ nhắc lại những điều mà hai bên đã hứa trong quá khứ và cho biết ngay chính bà cũng không thể xác định được bao giờ thì Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện lời hứa
Thủ tướng Shinzo Abe tỏ vẻ thất vọng về những “kết quả” không ngờ này và cho biết là sẽ dùng con đường ngoại giao qua ngả Trung Quốc để yêu cầu Bắc Triều Tiên giải thích rõ ràng hơn.
Đầu tháng 9 này, khi nghị sĩ Antonio Inoki sang Bắc Triều Tiên để dự ngày hội thể thao đã gặp một số lãnh đạo cấp cao của Bắc Triều Tiên và ai cũng cho biết là các việc điều tra đang diễn tiến tốt đẹp. Ngoài ra, ngày 12/9, người phụ trách vấn đề bắt cóc của Bắc Triều Tiên cũng tuyên bố: chúng tôi đã sẵn sàng những báo cáo sơ khởi và có thể báo cáo bất cứ lúc nào.
Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Theo các nhà bình luận thì Bắc Triều Tiên đang đòi Nhật Bản phải hủy bỏ thêm những chế tài thay vì một phần như trước đây.
Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ không nhượng bộ và kiên trì tiếp tục đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải thi hành đúng những điều đã thỏa thuận trên thế mạnh.
Việc Bắc Triều Tiên “lật lọng” là chuyện không lạ, nhưng vấn đề mọi người quan tâm là chính phủ Nhật sẽ phải đối phó thế nào?


Bệnh sốt xuất huyết do vi khuẩn Dengue đã lan tới Nhật.

Bệnh sốt xuất huyết do vi khuẩn Ebola gây ra đang bùng phát dữ dội tại một số quốc gia ở Phi châu đã cướp đi khoảng 729 sinh mạng (theo công bố vào giữa tháng 8/2014 của tổ chức Y tế Liên hiệp quốc) khiến cho cả thế giới lo sợ vì dịch sốt này có xác suất rất cao sẽ lây lan khắp nơi. 
Dịch sốt này được phát hiện vào năm 1976 tại Công Gô ở một ngôi làng ven sông Ebola nên các bác sĩ đặt tên là virus Ebola. Loại vi khuẩn này có trong thiên nhiên ở núi rừng Phi châu nên các loài khỉ, dơi, nhím… thường dễ nhiễm. Người nào tiếp xúc với các động vật mắc phải vi khuẩn Ebola dễ bị lây nhiễm và khi đã vướng bịnh rồi thì sẽ truyền sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất bài tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước miếng, tinh dịch). Hiện nay bệnh sốt xuất huyết Ebola chưa có thuốc chữa, bệnh nhân chỉ được chữa theo phương pháp trị liệu trợ giúp, bao gồm cân bằng chất lỏng và chất điện phân trong cơ thể bệnh nhân, duy trì tình trạng oxy, huyết áp và chữa các chứng   nhiễm trùng do biến chứng. 
Trong khi truyền thông Nhật liên tiếp loan tin về dịch bệnh sốt Ebola này thì vào ngày 01/09/2014, bộ Y tế-Lao động Nhật cho biết đã xác nhận có ít nhất 13 người ở Tokyo và 6 người khác ở các tỉnh phụ cận mắc bệnh sốt xuất huyết do vi khuẩn Dengue gây ra sau khi ba trường hợp khác xảy vào thượng tuần tháng 8, nâng tổng số ca bệnh lên thành 22 người. Tính đến ngày 16/09/2014 trên khắp nước Nhật có 126 người bị bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh sốt xuất huyết này do vi khuẩn Dengue do muỗi có tên khoa học là Aedes aegypti gây ra, nhưng loại muỗi này đã tuyệt giống ở Nhật từ năm 1945 nên lúc đầu người ta nghĩ rằng  những người nhiễm bệnh này đã đi du lịch ở Phi châu hay các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây, tuy nhiên sau khi điều tra thì biết rằng tất cả 22 nguời nhiễm bịnh từ đầu năm đến nay chẳng một ai xuất ngoại cả, chỉ có một điểm giống nhau là trong số đó nhiều người đã đến công viên Yoyogi ở Tokyo và bị muỗi ở đó chích, nghĩa là bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện trở lại ngay tại Nhật chứ không phải từ các nước Phi châu, Đông Nam Á đem về. 
Theo các khoa học gia nghiên cứu về muỗi thì loại muỗi Aedes aegypti này chỉ bay xa khỏi tổ tối đa từ 50 đến 100 mét và loại muỗi này chỉ sống trong vòng 40 ngày. Thông tin này ít nhiều đã làm cho nhiều người hơi an tâm, nhưng sau đó lại có thêm những ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue khắp nơi trên nước Nhật khiến cho mọi người lo sợ. Về phía các cơ quan chức năng thì việc trước tiên họ kêu gọi mọi người nếu ai bị muỗi đốt mà sau 3 hoặc 7 ngày mà thấy có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, xương hay khớp, nhức sau hốc mắt, phát ban, sưng hạch bạch huyết, buồn nôn thì hãy đi bệnh viện ngay. Việc thứ hai là đóng cửa và phun thuốc trừ muỗi  các công viên nơi tình nghi có loại muỗi Aedes aegyptisinh sống.  
Công viên Yoyogi (Tokyo) đóng cổng 40 ngày để đề phòng dịch sốt xuất huyết
 Trước tình trạng này các khoa học gia giải thích thêm rằng loại muỗi này không thể bay từ Tokyo sang các tỉnh phụ cận nói chi đến những nơi quá xa như Hokkaido hay Hiroshima, nhưng một người bị muỗi Aedes aegypti chích ở công viên Yoyogi là coi như bị nhiễm vi khuẩn Dengue trong người và người đó di chuyển đến một nơi khác mà bị một con muỗi nơi đó chích, máu của người có vi khuẩn Dengue sẽ tích tụ trong con muỗi đó và nếu như con muỗi này chích ai tiếp thì người bị chích đó sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn Dengue. 
Tuy không nguy kịch như bệnh sốt xuất huyết Ebola, nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Hiện nay cũng chưa có thuốc chữa về bệnh này, người mắc bệnh chỉ cần truyền nước biển. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp xương, nhưng không cho uống thuốc Aspirin hay thuốc Ibuprofen vì hai loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. 
Sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành quanh năm ở Việt Nam nhưng thường tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11. Trong năm 2013, có khoảng 66.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết dengue và đã có 42 trường hợp tử vong. Thường thì vào đầu mùa thu các thuốc trừ muỗi chẳng mấy người mua nhưng  hiện nay bán chạy như tôm tươi vì nhiều người  muốn mua ít nhất một bình để xịt vào người khi ra ngoài vườn hay những nơi có muỗi, bất cứ là loại muỗi gì. Ở Nhật cuối mùa thu là hết lo bị muỗi đốt, nhưng đến gần đầu mùa hè sang năm thì không biết phải tính sao. 


Nhật là quốc gia đầu tiên thành công việc ứng dụng tế bào gốc đa năng iPS 

Năm 2012, giải Nobel Sinh lý học và Y khoa đã được trao cho hai giáo sư Yamanaka Shinya người Nhật và giáo sư John Bertrand Gurdo người Anh. Công trình nghiên cứu của giáo sư Yamanaka là lấy tế bào của một con chuột bạch rồi tìm cách chế tạo ra một tế bào gốc đa năng và từ đó nuôi dưỡng để hình thành bất kỳ loại tế bào nào thay thế cho những tế bào đã bị chết trong cơ thể. Tiếng chuyên môn gọi đây là tế bào iPS (viết tắt của những chữ iduced Pluripotent Stem cells). Mặc dù đã thành công trong nghiên cứu, nhưng tiến trình chế tạo một tế bào iPS rất phức tạp và mất nhiều thời giờ, tuy nhiên giáo sư Yamanaka vẫn miệt mài trong phòng thí nghiệm của đại học Kyoto. Theo giáo sư Yamanaka thì các phương pháp thông thường trước đây khi chế một tế bào iPS tỉ lệ thành công chỉ đạt ở mức 1 đến 2%, nhưng bây giờ mức độ thành công có thể lên tới 20%. Cũng theo giáo sư Yamanaka thì bước kế tiếp là các nhà nghiên cứu, khoa học gia phải chứng minh được rằng những cơ quan nội tạng được tạo ra từ các tế bào đa năng iPS này là tuyệt đối an toàn và sẽ không phát triển thành ung thư.
Cuối tháng giêng năm 2014, viện nghiên cứu Vật lý & Hóa học Riken ở Kobe Nhật Bản cho biết nhóm nghiên cứu tế bào của viện do nữ tiến sĩ  Obokata Haruko làm trưởng toán đã thí nghiệm việc chế tạo tế bào gốc đa năng (STAP Cells) bằng một phương pháp hết sức đơn giản nhưng xác suất thành công rất cao. Theo nhóm nghiên cứu này thì chỉ cần lấy các tế bào bạch huyết (lympocite) của chuột sinh được 7 ngày ngâm vào dung dịch acid loãng ở nhiệt độ 37 độ C (ngang với nhiệt độ của cơ thể con người) trong vòng 25 phút để kích thích tế bào, sau đó lấy ra đem nuôi dưỡng ở một dụng cụ khác trong vòng một tuần lễ là có được một tế bào gốc đa năng gọi là STAP Cells.  
Tên tuổi của giáo sư Yamanaka đang nổi như cồn phải nhường bước cho nữ tiến sĩ trẻ đẹp Obokata. Truyền thông Nhật vào thời điểm đó đã ca tụng nữ tiến sĩ Obokata hết lời và dự đoán rằng giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2014 sẽ về tay người nữ tiến sĩ này, thế nhưng chỉ vài tuần sau đó nhiều nhà khoa học, chuyên gia ngành tế bào học trên khắp thế giới đã tìm thấy những nghi vấn, những trích dẫn về hình ảnh trên bản luận văn đã được đăng tải trên tập san khoa học Nature, nên yêu cầu phải đưa ra bằng chứng vì khó ai có thể nghĩ rằng việc chế tạo một tế bào STAP quá đơn giản như thế. Rút cuộc nữ tiến sĩ Obokata và nhóm nghiên cứu vẫn chưa  chứng minh  được kết quả nghiên cứu chế tạo thành công nên đã bị giới khoa học coi như là một sự lừa bịp. Giáo sư Sasai, người hướng dẫn cho nữ tiến sĩ Obokata trong việc nghiên cứu chế tạo tế bào STAP đã đứng ra xin lỗi vì thiếu trách nhiệm đã không kiểm chứng các kết quả thí nghiệm đến nơi đến chốn trước khi cho công bố, vì không chịu được những lời thị phi nên giáo sư Sasai đã tự tử chết vào đầu tháng 8, những sự việc này đã làm viện nghiên cứu Riken mang nhiều tai tiếng. 
Ngày 12 tháng 9 vừa qua, viện nghiên cứu Riken gỡ được phần nào tiếng xấu khi nữ bác sĩ Takahashi Masayo cùng nhóm nghiên cứu của bà đã cấy ghép thành công tế bào võng mạc được chế tạo từ tế bào gốc đa năng iPS cho một nữ bệnh nhân 70 tuổi tại một bịnh viện ở Kobe. 
Đây là lần đầu tiên trên thế giới tế bào iPS được đưa vào cơ thể con người thông qua phẫu thuật. Người phụ nữ này bị chứng thoái hóa điểm vàng thể ướt thường phải trải qua tình trạng suy giảm hoặc biến dạng thị lực. Đây là một chứng nan y về mắt, 3 năm trước đã phẫu thuật một lần và hiện tại đang uống thuốc nhưng bịnh tình ngày càng xấu có thể mù. 


Nhóm nghiên cứu của nữ bác sĩ Takahashi đã lấy một mẫu da của nữ bệnh nhân để tạo thành tế bào gốc đa năng theo phương pháp của giáo sư Yamanaka, sau đó đã tạo ra một màng biểu mô sắc tố bằng cách phát triển tế bào iPS thành các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Tấm võng mạc này được ghép vào mắt bệnh nhân sau khi cắt bỏ các màng bất thường trong mô võng mạc của bệnh nhân.  
 
Nữ bác sĩ Takahashi Masayo


Nhóm nghiên cứu của nữ bác sĩ Takahashi cho biết công việc phẫu thuật thành công, không có điều gì tổn hại xảy ra cho bịnh nhân, như bị mất máu, nhiễm trùng…, và bệnh nhân đã xuất viện sau đó 6 ngày và sẽ được tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 1 năm. Hy vọng đây là một bước tiến đáng kể của ngành y khoa Nhật Bản nói riêng và cả thế giới nói chung. 
Giáo sư Yamanaka khi biết được ca ghép tế bào iPS thành công đã họp báo chúc mừng. Giáo sư Yamanaka phát biểu rằng: Đây là một kết quả của những nỗ lực lâu dài theo đó nhóm đã đạt được một bước tiến trong một khoảng thời gian ngắn khoảng bảy năm từ khi tế bào iPS được tạo ra. Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhóm. Nhà khoa học giành giải Nobel còn nói thêm rằng: Giai đoạn ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu y khoa đã bắt đầu từ bây giờ. Tôi cảm nhận được trách nhiệm của một người phát triển công nghệ.
Lẽ đương nhiên là báo đài Nhật loan tải tin này rộng rãi, nhưng không làm rùm beng như chuyện của nữ tiến sĩ Obokata trong quá khứ. Chừng mực như vậy là tốt chứ quá lố chắc chắn sẽ bị phản cảm. Thưa có đúng không quý độc giả.


Thủ tướng Abe cải tổ nội các

Tất cả các vị Thủ tướng Nhật đều cải tổ nội các của mình ít nhất 1 lần trong thời gian cầm quyền. Có nhiều lý do để phải cải tổ nội các, nhưng chủ yếu là để cho các dân biểu, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền thay phiên nhau lên làm Bộ trưởng chứ chẳng phải nội các trước làm việc không tốt nên cần phải cải tổ. Chỉ cần làm Bộ trưởng vài tháng thôi cũng đủ có thành tích để ghi trong lý lịch của mình hầu dễ dàng kiếm phiếu trong những lần bầu cử kế tiếp. Trong tinh thần đó, vào ngày 03/09/2014, Thủ tướng Abe đã tiến hành việc cải tổ nội các. 6 trong 18 vị Bộ trưởng chủ chốt của nội các trước được lưu nhiệm còn 12 ghế Bộ trưởng khác được thay thế bởi người mới trong đó có 5 nữ dân biểu, nghị sĩ. Có thể nói đây là nội các có số nữ Bộ trưởng nhiều ngang với nội các đầu tiên của ông Koizumi (2001). 
Tân nội các Abe ra mắt vào ngày 3/9
 Ngay sau khi ra mắt nội các mới, Thủ tướng Abe đã mở một cuộc họp báo để khẳng định rằng đây là nội các đẩy mạnh việc nâng cao địa vị người phụ nữ trong chính trường và cũng là nội các đặt nặng sự nghiệp an sinh xã hội cho toàn dân. Theo Thủ tướng Abe thì để đẩy mạnh việc thực hiện nam nữ bình đẳng trong công ăn việc làm mà luật lao động đã quy định thì cần phải cải cách quy chế để có chính sách phù hợp hầu chận đứng nạn ít sinh con. Vì thế ông đã giao trách nhiệm này cho nữ nghị sĩ Arimura đảm trách. Ngoài ra còn thêm 4 nữ dân biểu, nghị sĩ khác được đưa vào các chức Bộ trưỏng Tư pháp, Bộ trưởng Nội chính, Bộ trưởng Kinh tế-Công nghiệp và Bộ trưởng đặc nhiệm về vấn đề An ninh xã hội.
Vấn đề an sinh xã hội qua quỹ lương hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, y tế, lao động... do dân biểu Iwasaki, người có nhiều kinh nghiệm đứng ra đảm trách chức vụ Bộ trưởng Y tế-lao động.
Các đảng đối lập khi được hỏi có nhận xét gì về nội các mới của Thủ tướng Abe thì đều trả lời rằng: việc cải tổ này chẳng khác nào  ‘’Bình cũ rượu mới’’, cứ xem danh sách những Bộ trưởng mới được đưa vào hầu như chẳng ai có kinh nghiệm gì cả trong việc điều hành một Bộ.
Theo những cuộc thăm dò dư luận của các hãng truyền thông Nhật thì số người ủng hộ tân nội các của ông Abe là 55,7%, tăng 3,9% so với trước đó vài tháng. Trong số người ủng hộ đó có đến gần phân nửa là nữ giới. Theo kết quả thăm dò này, các bình luận gia cho rằng Thủ tướng Abe đã đưa 5 nữ dân biểu, nghị sĩ vào các ghế Bộ trưởng để lấy lòng cử tri nữ giới, ít ra đây là một điểm thành công của ông Abe về mặt dân vận, còn cho rằng nội các mới sẽ làm được việc hơn nội các cũ thì phải cần phải đợi một thời gian.


Giám đốc tờ Asahi họp báo xin lỗi vì 2 “sự cố”

Ngày 11 tháng 9 vừa qua, báo Asahi đã họp báo xin lỗi về 2 “sự cố”: “Yoshida chosho” (Lời khai của Yoshida) và “Yoshida shougen” (Lời chứng của Yoshida). Dù cùng tên Yoshida nhưng đây lại là 2 nhân vật, và “nội dung” 2 sự việc khác nhau. Một ông là giám đốc lò nguyên tử Fukushima và 1 ông là “nhà văn”.
Sự cố thứ nhất: “Nhân viên cãi lệnh” sếp?
Mỗi khi một tờ báo nào đó đưa tin sai thì lập tức ban biên tập phải lên tiếng đính chính và xin lỗi độc giả nếu đó là sai sót không do cố ý. Trường hợp  ngụy tạo dữ kiện để dẫn dắt người đọc hiểu sai sự việc, khi bị phát giác ra thì sẽ bị ghép vào tội vu cáo, nhiều khi phải vác chiếu ra tòa nếu bị kiện và đương nhiên bị mất uy tín với độc giả. 
Asahi là tờ báo lớn thứ hai của Nhật, số phát hành ngày 20/05/2014 đã cho đi một bản tin và một bài phóng sự nói rằng bốn ngày sau khi tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai ichi xảy ra, 650 (90%) nhân viên Tổng công ty điện lực Tokyo đang làm việc ở đây đã bỏ chạy sang nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai ni cách đó 10 km để lánh nạn cho dù người chỉ huy trực tiếp của họ ở hiện trường là ông Yoshida Masao đã ra lịnh phải ở lại để cứu chữa. Bản tin này của tờ Asahi đã khiến người dân Nhật phẫn nộ vì hành động bất tuân thượng lệnh của các nhân viên bỏ chạy, ai cũng cho rằng đó là hành động thiếu trách nhiệm chẳng khác nào viên thuyền trưởng tàu Sewol của Hàn quốc bỏ chạy trước khi tàu bị chìm.
 Ông Yoshida Masao
Không biết bằng cách nào mà nhật báo Sankei có bản báo cáo và đã đăng trên số phát hành ngày 18 tháng 8. Theo lời khai trong bản báo cáo của Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai ichi là ông Yoshida (đã qua đời vào tháng 7 năm 2013 vì bệnh ung thư thực quản) với Ủy ban Điều tra của chính phủ thì chẳng có một nhân viên nào bỏ chạy khi tai nạn xảy ra, tất cả đều ở lại để cứu chữa bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của mình.
Dư luận Nhật đặt ra câu hỏi đâu là sự thật? các ký giả đã yêu cầu Ủy ban điều tra tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima xác nhận xem tin tức mà tờ Sankei loan tải có đúng không? nếu đúng tức là tờ Asahi đã cố tình đặt điều để nói xấu nhân viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ủy ban Điều tra đã công bố chính thức trên trang nhà của mình bản báo cáo của ông Yoshida về những việc làm của toàn thể nhân viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ khi tai nạn xảy ra cho đến lúc tạm thời ngăn chận được tình trạng rò rỉ phóng xạ. 
Khi báo cáo này được công bố thì dư luận Nhật bắt đầu chĩa mũi dùi vào tờ Asahi khiến cho tờ báo này mất uy tín mà cụ thể là tờ Asahi bày bán ở các sạp báo ít người mua hơn trước. Các nhân viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai ichi nói với các ký giả rằng khi tai nạn xảy ra, tất cả chúng tôi đều ở lại để cứu chữa tới cùng cho dù có thể bị nhiễm phóng xạ nhưng tờ Asahi lại cáo buộc chúng tôi là những kẻ bỏ chạy, thiếu trách nhiệm. Muốn thanh minh thanh nga chuyện này cũng chẳng có cơ hội.
Bị dư luận công kích quá nên vào tối ngày 11/09, Giám đốc tờ nhật báo Asahi là ông Kimura cùng với Tổng biên tập là ông Sugiura đã mở cuộc họp.
Giám đốc và Tổng biên tập tờ Asahi họp báo xin lỗi

Trước ống kính của các đài truyền hình lẫn 250 ký giả, Giám đốc và Tổng biên tập tờ Asahi đã cúi đầu xin lỗi mọi người về những điều sai lầm trong bản tin và bài ký sự mà tờ Asahi đã đăng trước đây về chuyện thiếu trách nhiệm của nhân viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai ichi khi tai nạn xảy ra. Cuộc họp báo dự định diễn ra trong một tiếng đồng hồ, nhưng cả hai bị các ký giả quay vòng vòng nên kéo dài thành hai tiếng. Khi được hỏi ký giả viết bài ký sự có tựa đề ‘’Chạy trốn trước khi địch đến’’ đăng trên báo Asahi ra ngày 18/08/2014 có trực tiếp phỏng vấn các nhân viên đã chạy trốn khi tai nạn xảy ra theo như bài ký sự viết hay không? Tổng biên tập tờ Asahi trả lời rằng lúc đó tôi nghĩ là có, nhưng bây giờ kiểm lại thì mới biết là không, ký giả viết ký sự theo tưởng tượng của mình mà Ban biên tập đã không kiểm lại cho kỹ.
Sự cố thứ hai: “phát tán” những câu chuyện phịa”
 
Ông Yoshida Seichi

Ngày 2 tháng 9 năm 1982, tờ Asahi đã cho đăng bài phóng sự có cái tít thật kêu “Cưỡng bức 200 phụ nữ trẻ Hàn Quốc tại tỉnh Tế Xuyên làm gái giải sầu” . Bài viết này dựa theo lời “chứng” của một nhân vật có tên Yoshida Seichi, tự xưng là người trách nhiệm đi mướn những nhân công lao động tại tỉnh Yamaguchi vào những năm của thế chiến thứ hai. Năm 1983, ông này lại viết quyển “Tội phạm chiến tranh của tôi” kể lại những hành động mà ông ta đã ép buộc các phụ nữ hàn quốc làm gái giải sầu trong các trại lính Nhật theo lệnh cấp trên tại Tế Xuyên và nhiều nơi khác.
Sau đó, trong 16 kỳ tờ Asahi đã cho đăng liên tiếp một loạt phóng sự liên quan đến việc này dựa trên lời chứng của Yoshida.
Những tố cáo này đã được phía Hàn Quốc và Trung Quốc sự dụng tối đa để công kích Nhật Bản, ngay Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1996 và Hạ Viện Hoa Kỳ năm 2007 đã dùng những bằng chứng của ông này để kết luận là việc cưỡng bức phụ nữ làm gái giải sầu là điều không thể phủ nhận. 
Từ trước tới nay, Nhật vẫn chủ trương là những hành động bắt phụ nữ mua vui trong chiến tranh là chuyện thật, nhưng đây chỉ là hành động tự phát của một vài đơn vị, chứ không phải là chủ trương của Nhật Bản thời đó. Vì thế, những lời tố giác ngay từ Nhật của một người Nhật “tham dự trực tiếp” đã làm lập trường của Nhật Bản yếu thế.
Sau một thời gian điều tra, ngày 30 tháng 4/1992 tờ Sankei Nhật Bản đã cho đăng tải những kết quả sau khi tìm hiểu sự thật tại tỉnh Tứ Xuyên về vụ cưỡng bức các thiếu nữ ở đây, kết quả cho thấy là đã không có những gì mà Yoshida Seichi nói. Tờ Sankei đã đặt câu hỏi với tờ Asahi và đương sự nhưng vẫn không được trả lời.
Năm 1997 thì tờ Asahi đã công bố ngưng những loạt bài tương tự với lý do “không biết đó có phải là sự thật hay không” dù năm 1995 thì chính Yoshida nhận tất cả chỉ là “sáng tác” chứ không phải sự thật.
Ngày 5 tháng 8, tờ Asahi đã chạy một bản tin có nội dung rút lại toàn bộ những gì đã đăng vào 16 năm trước vì tất cả là ngụy tạo.
Đúng ra là tờ Asahi phải có ngay những lời xin lỗi, nhưng không biết vì lý do gì mãi đến hôm 11 tháng 9 mới có cuộc họp báo chính thức xin lỗi về những chuyện “phịa tin”. 
Khi được hỏi tại sao lại có sự chậm trễ như vậy thì giám đốc tờ báo phát biểu đáng lẽ tôi phải xin lỗi khi tờ báo đưa tin rút lại bài về phụ nữ mua vui hồi tháng trước, nhưng tôi đã không làm như vậy và tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm.

Thế thì cả hai ông có ý định từ chức hay không thì Giám đốc Kimura tránh né, chỉ trả lời rằng trách nhiệm trước mặt của tôi là làm sao hồi phục lại sự tín nhiệm của độc giả. 
Báo ở các quốc gia tự do, dân chủ sống nhờ vào độc giả chứ không phải theo kiểu ’’Còn đảng còn báo’’ như hiện nay ở Việt Nam nên chắc chắn tờ Asahi phải lao đao một thời gian và có thể đóng cửa nếu như tờ báo vẫn cứ đăng tin thiếu kiểm chứng. Trong chiến tranh Việt Nam tờ  Asahi này vẫn thường đăng tin thiếu trung thực để nói xấu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam rất có lợi cho chế độ Cộng sản ở miền Bắc.


Tổng thống Putin hoãn chuyến thăm Nhật vào tháng 11 tới vì Tokyo theo NATO tăng cường biện pháp chế tài Nga 

Giữa tháng 3/2014, khi Tổng thống Putin đưa quân vào bán đảo Crimea của Ukraine nên đã bị các quốc gia Âu Mỹ áp dụng biện pháp chế tài. Tại thời điểm đó, Tokyo chưa muốn chế tài Moscow vì đang giao thiệp với Nga về 4 hòn đảo ở phía bắc qua chuyến thăm Nhật dự định vào tháng 11 năm nay của Tổng thống Putin. 
Nhiều bằng chứng cho thấy chuyến bay MH-17 của hãng hàng không dân dụng Malaysia bị bắn rơi tại Ukraine vào ngày 17/07/2014 là do hỏa tiễn của Nga cung cấp cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, vì vậy các quốc gia Âu Mỹ đã tăng cường biện pháp chế tài Nga. Việc bắn rơi một phi cơ dân dụng là phạm vào tội diệt chủng nên Nhật Bản phải theo các quốc gia Âu Mỹ để chế tài Nga cho dù biết rằng việc chế tài này sẽ gây khó khăn trong việc giao thiệp với Nga về vụ 4 hòn đảo. Đúng như dự đoán Moscow đã lên tiếng chỉ trích Tokyo về chuyện chế tài này và cho biết chuyến viếng thăm Nhật vào tháng 11/2014 của Tổng thống Putin có thể bị đình hoãn, nghĩa là chuyện giao thiệp về 4 hòn đảo đi vào chỗ bế tắc. Ngày 09/09.2014, cựu Thủ tướng Mori sang Nga nói chuyện tại Trung tâm Mậu dịch Moscow, dịp này Thủ tướng Abe đã viết một bức thư để nhờ ông Mori trao cho Tổng thống Putin. Theo chương trình thì Tổng thống Putin sẽ tiếp cựu Thủ tướng Mori vào lúc 8 giờ tối ngày 11/09/2014, nhưng mãi đến 11 giờ 15 tối mới được mời vào điện Cẩm Linh, nghĩa là bắt ông Mori chờ hơn 3 tiếng đồng hồ. Theo cựu Thủ tướng Mori thì Tổng thống Putin dù là bạn thân với tôi nhưng việc bắt tôi chờ lâu như thế chắc là muốn bày tỏ sự bất mãn về chuyện Nhật chế tài Nga cho Thủ tướng Abe thấy. Trong cuộc hội đàm này tôi có đề cập đến chuyến công du Nhật sắp tới của Tổng thống Putin, nhưng ông Putin bỏ lơ không trả lời. 
Trong thời gian này khối NATO họp khẩn để đưa ra biện pháp chế tài Nga mạnh hơn nữa vì Tổng thống Putin lại đưa quân đội vào giúp phe ly khai ở miền đông Ukraine và kêu gọi Nhật hưởng ứng. Ngày 19/09/2014, Thủ tướng Abe đồng ý áp dụng biện pháp chế tài Nga trên nhiều lãnh vực khác nữa. Quyết định như thế là coi như Nhật đóng lại việc tiếp đón Tổng thống Putin vào tháng 11 năm nay.
Theo các bình luận gia thì nếu ông Putin có sang thăm Nhật cũng không có gì  chắc chắn là ông ta sẽ chấp nhận lời yêu cầu của Nhật về vụ  4 hòn đảo ở Hokkaido. Trước đây nhiều vị lãnh đạo Liên sô và ngay cả ông Putin khi làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ trước cũng đã hứa nhưng không thực hiện.


Hàng quán chạy dọc bãi biển Shonan than trời vì vắng khách 

 

 
Shonan kaigan là một bãi biển rất nổi tiếng của Nhật trải dài từ Zaimoku (thị xã Kamakura) xuyên qua Enoshima (thị xã Fujisawa) rồi chạy tuốt đến thị xã Chigasaki nên chiều dài của nó ít ra cũng phải trên 42 km. Ngoài cảnh đẹp, sóng hiền và gần Tokyo, bãi biển Shonan còn được giới thiệu qua các tác phẩm nghệ thuật, các phim xi-nê, phim kịch do các tài tử thượng thặng của Nhật thủ diễn, hơn nữa năm nào vào mùa hè nam ca sĩ lừng danh Kuwata (sinh quán ở Chizasaki) cùng ban nhạc Southern All Stars cũng tổ chức ca nhạc ngoài trời ở bãi biển này nên Shonan kaigan đã nổi tiếng lại còn nổi tiếng thêm, bởi vậy số lượng người đến tắm biển Shonan vào mùa hè lúc nào cũng đông nghẹt mà không một bãi biển nào trên đất Nhật có thể sánh lại, kể cả những bãi biển ở Okinawa. Nhưng càng đông thì càng có nhiều vấn đề xảy ra như uống rượu say sưa, la hét om sòm, mở nhạc hết volume thâu đêm suốt sáng làm phiền đến đời sống thường nhật của cư dân. Đã từ lâu, dân chúng ở các thị xã dọc theo bãi biển Shonan đã yêu cầu chính quyền địa phương phải ra luật lệ làm sao trả lại cho bãi biển Shonan sự yên tĩnh. Vì nhận thấy đây là một thỉnh nguyện đúng nên vào tháng 3/2014 các chính quyền địa phương đã ra một luật cấm một vài  hành động đối với người đi tắm biển Shonan và áp dụng ngay vào mùa hè năm nay. Tuy luật lệ có khác nhau một chút tùy theo nơì, nhưng căn bản là khi xuống bãi biển là không được uống bia rượu, nấu nướng, mở máy nghe nhạc, cấm luôn những ai xâm hình trên người khi xuống bãi tắm không được ở trần. Chỉ cho hàng quán dọc theo bãi biển mở cửa đến 6 giờ chiều, có nơi còn cấm bán bia rượu.
  

Vì luật lệ quá khắt khe như vậy nên mùa hè năm nay giới trẻ không còn thích đến tắm biển Shonandai nữa. Sở du lịch thị xã Zushi cho biết sau một tháng kể từ ngày mở bãi biển Shonan khúc chạy ngang qua thị xã Zushi cho mọi người đến tắm chỉ có 14.320 người đến, nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì giảm hơn 70%, Những người kinh doanh hàng quán ở đây bực tức than rằng đi tắm biển mà cấm uống rượu, nghe nhạc, la hét, cái gì cũng cấm thì ai mà đến, vắng khách, hàng quán ế ẩm chỉ có nước dẹp tiệm. Luật lệ này gây thiệt hại nhiều cho khách đến tắm và người kinh doanh chúng tôi. 
Các chính quyền địa phương thì cho rằng luật này là để bảo vệ cho đời sống của cư dân, giới trẻ không đến thì sẽ có người dẫn cả gia đình đến chơi và tắm biển Shonandai nên chúng tôi không bi quan về chuyện ít người. 
Theo các kinh tế gia thì trong những dịp đi chơi thì giới trẻ tiêu tiền nhiều hơn những người đã có gia đình nên nếu tính về hiệu quả kinh tế thì luật này gây cản trở cho những người kinh doanh hàng quán ở bãi biển Shonan.



 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors