Lê Thiên (Danlambao) - Chiến dịch "Tôi Muốn Biết" do Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) phát động đang tiếp tục thu hút sự hưởng ứng nồng nhiệt của hầu hết mọi giới, mọi thành phần người dân trong và ngoài nước như minh họa trên Dân Làm Báo bằng hình ảnh (bên cạnh nhiều hình ảnh độc đáo khác) xin phép được sao in lại sau đây:
Tôi muốn biết: Nhà cầm quyền CSVN vận dụng thế nào nội dung bản Hiến pháp (HP) 2013 vào thực tiễn của nền cai trị đất nước hiện nay?
HP 2013 của nước chxhcn Việt Nam, ngoài Lời Nói Đầu, có tổng cộng 11 Chương với 120 Điều.
Yếu tố Nhân dân (N viết hoa).
Đọc nội dung 3 điều (2, 3, 4) của Chương I – Chế độ chính trị, chúng tôi ghi nhận:
Điều 2
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Điều 3
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 4
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Các điều trên đây cho thấy lần đầu tiên HP Việt Nam tôn Nhân dân lên bậc thần thánh với N (Nhân dân) viết hoa! “Thánh Nhân dân” được ban cho cái quyền trị nước tuyệt đối: Quyền làm chủ! Quyền này được lặp lại tới hai lần ở phần đầu:“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do (1) Nhân dân làm chủ; (2) tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” (điều 2, khoản 2).
Rồi thì “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân” (Điều 3).
Điều 4 gồm 3 khoản vốn dành ra để làm nổi bật Đảng (Đ viết hoa), cũng đã xác quyết “Nhân dân” có quyền giám sát Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.”(Điều 4, khoản 2). Oai chưa?
Chưa hết! Bản thân Đảng CS còn phải “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4, khoản 2). Nói theo ngôn ngữ thời nay: TUYỆT VỜI TRÊN CẢ TUYỆT VỜI!
“Thánh Nhân dân”. Bề thế lắm! Uy nghi lắm! Đâu còn là tiện dân, lê thứ, hay dân đen…gì nữa!
Quyền của Nhân dân cứ theo Điều 6 HP 2013 phải là quyền tối thượng: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
“Nhân dân” nắm trọn quyền trị nước! Vâng! Chỉ Nhân dân mới có quyền TRỰC TIẾP ủy thác quyền của mình cho các CƠ QUAN NHÀ NƯỚC gồm cả hành pháp, lập pháp lẫn tư pháp, chẳng trao cho ông Đảng bà Đảng nào cả.
Đảng và Nhà nước.
HP 2013 chỉ nhắc tới Đảng trong Điều 4 (đã dẫn trên), rồi sau đó Điều 65 bảo“lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành… với Đảng, và… bảo vệ Đảng. Vậy là Đảng được nêu đích danh chỉ 3 lần. Với Nhà nước thì khác. Có đến trăm điều khoản vạch ra từng chức danh cùng nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước ấy từ Trung ương xuống địa phương.
Chẳng hạn:
- Chương V có đến 16 điều (đ. 69-85) phân định vai trò và nhiệm vụ của Quốc Hội trong đó nhấn mạnh tới trách nhiệm chính Chủ tịch QH;
- Chương VI dành ra 8 điều (86-93) cho chức Chủ tịch nước (và Phó Chủ tịch nước);
- Chương VII gồm 7 điều (đ. 94-101) vạch định vai trò Chính phủ trong đó có Thủ Tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các Cơ quan ngang Bộ v.v…;
- Chương VIII có 7 điều (đ.102-109) quy định thẩm quyền và trách nhiệm của Tòa Án ND, Viện KSND (Chánh án, Phẩm phán, Viện trưởng Viện KSND, v.v.);
- Chương IX với 3 điều (đ. 110-113) chỉ rõ trách nhiệm của Chính quyền địa phương (Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND).
Không thấy điều khoản nào trong HP 2013 nêu lên SỰ LỆ THUỘC của bất kỳ cơ cấu nào của Nhà nước đối với Đảng hay với bất cứ bộ phận nào của Đảng.
Căn cứ vào chữ và nghĩa trong HP 2013, ta có thể lập một sơ đồ về hệ thống lãnh đạo Nhà nước từ cấp lớn xuống cấp nhỏ như sau: Chủ tịch nước (+ Phó CT nước) ở vị trí cao nhất. Bên dưới (hay hàng ngang) là Quốc Hội. Bên dưới kế tiếp là Chính phủ (Thủ Tướng (+ các Phó Thủ Tướng), Bộ Trưởng và Thủ trưởng ngang Bộ. Dưới nữa hay hàng ngang là Tòa án ND Tối cao, Viện Kiểm sát ND. Cuối cùng là chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND Tỉnh, Huyện, Quận, Phường, Xã nối tiếp nhau theo hàng dọc).
HP 2013 không nêu tên bộ phận nào của đảng, nhưng….
Đọc HP 2013, chẳng thấy bộ phận nào của đảng được nêu đích danh có trách nhiệm cầm đầu, quản trị và điều hành Nhà nước, từ Trung ương tới địa phương.
Thế nhưng trên thực tế, nếu thiết lập một sơ đồ hệ thống cai trị Nhà nước xhcnvn, người ta thấy ngay vị trí cao nhất ở thượng tầng thuộc về Tổng Bí Thư Đảng vàBộ Chính Trị (với Ban Bí Thư Trung Ương, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng) rồi đến các loại Bí thư Đảng Ủy (Chi Bộ)… thống lĩnh bao trùm các cơ cấu Hành pháp, Lập Pháp và Tư Pháp của Nhà nước.
Cấp địa phương cũng vậy, bên trên các cơ cấu hành pháp, lập pháp và tư pháp địa phương, nghĩa là ngồi trên các Chủ tịch Ủy ban ND và HĐNH tỉnh, huyện, xã (phường) là các Bí thư Tỉnh, Huyện, Xã, Phường…
Bên trong các cơ quan kinh tế, tài chánh, kinh doanh, mậu dịch, văn hóa, giáo dục, hành chánh, chính trị, xã hội, … lớn nhỏ cũng đều có sự thò thọc, chi phối của các loại Bí thư Đảng ủy, Chi bộ.
Như thế hợp hiến hay vi hiến? Giải thích làm sao?
Ai, lấy tư cách gì để phong các loại “quan đảng” trên đây trị vì các “cơ quan quyền lực nhà nước”? Ai, lấy quyền gì mà ban cho các quan đảng được ngồi lên đầu, cưỡi lên cổ nhân dân, một tập hợp “Nhân dân (chữ N thần thánh hóa) vốn được “quyền làm chủ…, thực hiện quyền lực nhà nước” căn cứ vào chữ và nghĩa của HP 2013?
Thực ra, trong HP 2013 chỉ có một câu ở khoản 1 Điều 4 định nghĩa và diễn giảng Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” trong khi bản thân cái đảng ấy chỉ là một cái đội, “đội tiên phong của giai cấp công nhân…”. Một định nghĩa chủ quan, mơ hồ làm sao có thể là một định chế để mà khống chế quyền lực nhà nước lẫn quyền lực của Nhân dân?
Từ việc giải thích tư cách đảng trị một cách méo mó và vi hiến, người ta tùy tiện đẻ ra một lượng “lãnh đạo các nhà lãnh đạo” hống hách, kiêu căng, ăn hại và phá hoại mà nạn nhân chính là Nhân dân là thành phần phải gánh chịu bao mất mát từ tinh thần đến vật chất.
Các tầng lớp đảng trị tha hồ tác oai tác quái, bắt bớ giam cầm người vô tội, lộng hành cắt xén, ăn gian ăn giật công quỹ quốc gia lẫn tài sản của nhân dân. Họa hoằn vài con hạm lớn bị lộ mới mang ra xử như Bùi Tiến Dũng ở vụ PMU 18 (năm 2005), Huỳnh Ngọc Sĩ ở Xa Lộ Miền Tây (năm 2011), Dương Chí Dũng ở Vinalines (năm 2013)…
Đảng vụ hay quốc sự?
Đảng là đảng. Đảng viên chấp hành điều lệ của đảng. Và điều lệ đảng chỉ có hiệu lực trong phạm vi tổ chức đảng. Quan đảng có quyền gì dài tay chen vào việc quốc gia đại sự? Lấy tư cách gì để đi tới nước này nước khác, thậm thụt chuyện QUỐC GIA? Vậy mà điều ấy đã xảy! Một trong nhiều bằng chứng: Tại Hội Nghị Thành Đô 1990 bên Tàu, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã dắt theo một dàn nhân sự của đảng (Bộ Chính Trị) như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phạm Văn Đồng đi hầu Hán triều, cam kết với Trung cộng những điều có hại cho đất nước mà đến nay phía nhà cầm quyền CSVN vẫn bưng bít trong khi phía “đồng chí anh em” đã bật mí phần nào sự thật, khiến nhân dân cả nước và cả các đảng viên CSVN đều bày tỏ sự phẫn nộ.
Những Tổng bí thư đảng Nông Đức Mạnh trước đây và Nguyễn Phú Trọng hiện nay đã chẳng từng chu du ra nước ngoài, tự ý thương thảo chuyện đất nước, gây hại cho quốc gia sao?
Mới đây nhất, Phạm Quang Nghị và Lê Hồng Anh (Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng), kẻ đi Tàu, người đi Mỹ ngay trong năm 2014 này cũng chõ mỏ vào việc quốc sự! Đâu phải trong tư cách là thành viên lãnh đạo quốc gia, mà là “đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng”! Hết chỗ nói!
Riêng cấp địa phương, xin hỏi, ai thật sự là quan đầu tỉnh, quan đầu huyện theo Hiến pháp? Bí thư tỉnh, bí thư huyện? Hay chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện?
Báo Đất Việt mới ngày 10/9/2014 có một bài viết nói về chuyện “Bí thư Tỉnh ủy đánh gôn, bản tin không có gì lạ!” Đúng! Cái tin ông Bí thư tỉnh đánh gôn, giật giải nhì… không có gì đáng đọc. Chính việc “ông Bí Thư Tỉnh ấy là quan đầu tỉnh, sang trọng, quyền uy, oai phong lẫm liệt” như tác giả bài báo quả quyết, đó mới là điều đáng nói!
Phải chăng toàn bộ bản Hiến pháp 2013 với 11 Chương, 120 Điều chỉ dày đặc những chữ nghĩa xhcn, chữ nghĩa xạo hết chỗ nói... kiểu đánh tráo bài ba lá?
(14/9/2013 Hưởng ứng cao trào Tôi Muốn Biết)