Đối với một quốc gia mà nói, việc lựa chọn chính thể cũng giống như tìm cho mình một con đường đi vậy. Con đường đó đúng hay sai, bằng phẳng hay gập ghềnh, hạnh phúc hay khổ đau, đều tùy thuộc vào quyết định tối quan trọng này. Chính vì như vậy, cho nên cần có sự tham gia ý kiến và quyết định của toàn dân. Trọng trách đó phải được người dân ủy nhiệm thông qua những cơ quan có đủ năng lực. Phải được cân nhắc và lựa chọn bởi một chính phủ đa thành phần, gồm có sự tham gia rộng rãi của tất cả các đảng phái, tổ chức và cá nhân. Vì rằng, nếu quyết định này rơi vào tay một cá nhân độc đoán hay đảng phái duy nhất thì sẽ dẫn đến sự thiên vị. Theo đó mà lợi ích tối cao của nhân dân cũng ngang nhiên bị tước đoạt.
Sức mạnh của một đất nước tùy thuộc vào phương pháp và cách thức mà người ta tổ chức quyền lực nhà nước. Cho nên cần phải có một hình thức chính thể đúng đắn, một cấu trúc nhà nước hợp lý, và chế độ chính trị tốt đẹp. Nếu 3 yếu tố này kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, thì tiềm lực và sức mạnh của dân tộc sẽ được phát huy hiệu quả nhất, nhằm xây dựng một đất nước hạnh phúc và phồn vinh.
Bây giờ là thời đại của tự do dân chủ, khái niệm “Dân chủ” trở thành cơ sở lý luận, là mục tiêu của mọi nỗ lực chính phủ. Người dân có quyền lựa chọn bộ máy nhà nước, giám sát tính đúng đắn và hiệu quả của nó. Các cơ quan quyền lực này không có nhiệm vụ nào khác ngoài trách nhiệm phục vụ tổ quốc và nhân dân. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều theo chính thể cộng hòa dân chủ (là hình thức mà trong đó, quyền bầu cử và giám sát bộ máy nhà nước thuộc về toàn thể nhân dân). Các quốc gia này được gọi là dân chủ. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có những quốc gia tự nhận mình là “cộng hòa dân chủ” nhưng lại là một chế độ độc tài trá hình: Nói là dân chủ,nhưng chỉ có một đảng duy nhất được phép cầm quyền. Thực chất đó là những chế độ dân chủ giả hiệu, kẻ cai trị tự đặt ra những quy định nhằm hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền làm chủ của nhân dân. Trong số này, các nước Cộng Sản là những ví dụ điển hình nhất.
Điều cốt yếu trong quản lý nhà nước, là người dân có thể tham gia rộng rãi vào việc thành lập các cơ quan đại diện từ trung ương đến địa phương. Người dân thực sự được trao quyền làm chủ, chứ không phải một cơ quan hay đảng phái nào làm thay điều đó. Các quyền này phải được quy định cụ thể trong một bản hiến pháp dân chủ (đa đảng) thì mới có tính khả thi. Trong các chế độ độc đảng thì khái niệm “dân chủ” chỉ mang tính hình thức mị dân, quyền lực nhà nước thực chất nằm trong tay đảng độc tài.
Đối với chế độ chính trị, thì đó là những phương pháp mà bộ máy nhà nước sử dụng để thực thi quyền lực và quản lý đất nước. Cho nên, trong chế độ dân chủ thì quyền lực nhân dân được thực thi, đất nước phát triển dựa trên ý nguyện của người dân. Các quyền tự do dân chủ được phát triển rộng rãi mà không hề bị hạn chế. Ngược lại, trong thể chế độc tài phản dân chủ, ý chí của đảng cầm quyền được thực thi, trong khi quyền lực nhân dân lại bị tước bỏ. Để mị dân, chế độ độc tài ban phát một số quyền tự do, dân chủ hạn chế. Nhưng một khi người dân đòi hỏi các quyền đó ở mức cao hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước thì lập tức họ sẽ bị đàn áp.
Lịch sử văn minh nhân loại, đất nước nào cũng cố gắng lựa chọn cho dân tộc mình một chế độ chính trị thích hợp và tiến bộ nhất. Mục tiêu là để phát triển đất nước, nhân dân hạnh phúc, và dân tộc phồn vinh. Ở các quốc gia dân chủ hiện nay, chủ yếu tồn tại hai hình thức chính thể: Quân chủ lập hiến và Cộng Hòa.
Các nước có chính thể “Quân chủ lập hiến” đều có nguyên nhân lịch sử và chính trị riêng. Tuy nhiên vai trò của hoàng gia cũng chỉ mang tính biểu tượng, mà không ảnh hưởng đến quyền lực của nhân dân. Một số quốc gia quân chủ lập hiến tiêu biểu như: Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan…; đối với chính thể “Cộng hòa”, thì đây là hình thức tổ chức chính quyền phổ biến nhất ở các quốc gia dân chủ. Điểm tiến bộ nhất của nó là nhân dân được trao quyền lực một cách vô hạn định. Chính thể cộng hòa được phân chia thành hai hình thức: Tổng thống chế và Đại nghị chế. Trong đó thì Cộng hòa tổng thống là hình thức dân chủ trực tiếp, với vai trò to lớn của nguyên thủ quốc gia (tổng thống). Người dân trực tiếp bầu ra tổng thống chứ không phải là nghị viện (quốc hội).
Trong một thể chế dân chủ, người ta có thể lựa chọn đồng minh mà vẫn không bị phụ thuộc, không mất đi độc lập và chủ quyền. Vì các quốc gia dân chủ xử sự trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong thể chế độc tài thì lại khác, việc lựa chọn đồng minh hay quan hệ hợp tác là xuất phát từ lợi ích của đảng cầm quyền. Ví như quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chẳng hạn. Mặc dù họ tuyên bố là quan hệ “đồng chí anh em”, nhưng thực chất là Việt Nam bị Trung Quốc lấn lướt trong mọi tình huống. Dẫn đến việc Trung Quốc ngang nhiên xâm chiến biển đảo của Việt Nam. Trong khi đó nhân dân Việt Nam phản đối thì lại bị chính phủ đàn áp.
Việc lựa chọn chính thể có vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia, nó quyết định đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Từ đó mà xác định hướng đi và phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, người ta có thể lựa chọn sự liên minh với các khối, hay đồng minh chiến lược. Cũng có thể đất nước đó lựa chọn trung lập (không tham gia bất cứ liên minh chính trị, quân sự nào), hoặc là trung lập tạm thời hoặc trung lập vĩnh viễn (Thụy Sĩ chẳng hạn). Tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu, mà chính phủ sẽ lựa chọn cho quốc gia mình một vị thế thích hợp.
Tóm lại, muốn có một chính thể tốt nhất chúng ta phải đấu tranh quyết liệt để chấm dứt tình trạng độc tài toàn trị hầu có thể xây dựng một chính thể cộng hòa thực sự dân chủ qua con đường Tổng Tuyển Cử Tự Do.
Viết từ Việt Nam ngày 16/09/2014
Minh Văn (ĐVDVN)
Nguồn: www.dangvidan.net
Tác giả gửi đến DienDanCTM