Thời Sự Nhật Bản - 07-2014


Xưởng tơ Tomioka ở Guma được Unesco công nhận là di sản thế giới


Ngày 21 tháng 6 vừa qua tại một cuộc họp ở Qatar, Ủy ban Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO đã quyết định công nhận xưởng tơ Tomioka được xây dựng từ thế kỷ 19, cùng với 3 cơ sở có liên quan ở tỉnh Gunma là một di sản thế giới. Xưởng tơ này được xây dựng vào năm 1872 và trở thành xưởng tơ lụa quốc gia đầu tiên của Nhật Bản.
Xưởng gồm 4 tòa nhà, trong đó có 1 nhà xây bằng gạch và các khu nhà đã trở thành nguyên mẫu cho các nông dân bắt đầu tham gia sản xuất tơ lụa.

Và ngay ngày hôm sau 22/6, bất chấp trời mưa, đã có gần 5000 khách đến tham quan cơ xưởng này và đã có nhiều người xếp hàng trước xưởng Tomioka trước giờ mở cửa lúc 9 giờ sáng. Họ chụp ảnh và được nghe những hướng dẫn viên tình nguyện giới thiệu về xưởng. 
Chính quyền địa phương hy vọng với sự thừa nhận này, khách đến thăm viếng sẽ càng ngày càng tăng nên số lượng hướng dẫn viên cũng phải được tăng thêm để đáp ứng như cầu của du khách.
Như vậy, Nhật Bản có 18 địa điểm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, trong đó có 14 di sản văn hóa.

Bắc Triều Tiên và Nhật ký kết thỏa ước tìm người bị Bắc Hàn bắt cóc.

Tháng 12 năm ngoái, sau khi thẳng tay tử hình người cậu là Trương Thành Trạch  nhân vật số 2 được coi là thân Trung Quốc thì bang giao với Trung Quốc trở nên lạnh nhạt, viện trợ không còn dồi dào. Đói quá thì đầu gối phải bò, phía Kim Chính Ân phải đánh tiếng xin tiếp xúc lại với Nhật.
Thế là Nhật đã thương thuyết với Bắc Triều Tiên trên thế mạnh. Chưa kể các lần gặp bí mật qua một nhân vật mệnh danh là “Mr X”, 2 phiên họp chính thức, lần thứ nhất vào tháng 3 (30, 31) tại Bắc Kinh và lần thứ hai theo lời yêu cầu của Bắc Hàn muốn gặp Nhật tại Stockholm Thụy Điển vào 3 ngày 25, 26, 27 tháng 5 thay vì tại Bắc Kinh như thường lệ (để tránh áp lực của Trung Quốc) đã đưa đến kết quả.


Ông Abe Shinzo
Kim Chính Ân


6 giờ 20 chiều ngày 28/5, các đài truyền Nhật Bản đã được thông báo là 6 giờ 30 chiều sẽ có một thông báo quan trọng từ Thủ Tướng Abe. Chỉ 25 giây ngắn ngủi, ông Abe cho biết: Bắc Hàn đã đồng ý thành lập một Ủy Ban Đặc Biệt để điều tra hành tung người bị bắt cóc, người tình nghi bị bắt cóc, tất cả những gì liên quan đến người Nhật và Chánh Văn Phòng Nội Các Suga sẽ thông báo chi tiết..
Và cũng giờ đó, đài truyền hình Bắc Hàn cũng đã loan đi những tin tương tự, chuyện chưa từng có từ trước tới nay.
Trong cuộc họp báo, sau khi phân phát cho báo chí văn bản thỏa thuận cuộc họp giữa 2 bên, chánh văn phòng nội các Suga Yosahide đã giải thích rõ:
-          Bắc Triều Tiên đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra mới về những người đã bị các điệp viên của Bắc Triều Tiên bắt cóc hoặc nghi ngờ bị bắt cóc, những người vợ Nhật đã theo chồng sang Bắc Triều Tiên cùng mộ phần của binh lính Nhật đã chết tại Bắc Triều Tiên. Nếu “phát hiện” sẽ ưu tiên cho những người này trở về Nhật.
-          Trong vòng 3 tuần, ủy ban điều tra (không có người Nhật) sẽ được thành lập để bắt đầu công việc. Tìm đến đâu báo cáo đến đó, và Nhật Bản sẽ kiểm soát bằng cách cử đoàn điều tra đến Bình Nhưỡng để xem xét từng trường hợp một. Đoàn này sẽ là các quan chức Bộ Ngoại giao và Cảnh sát Nhật Bản.
Đổi lại Nhật Bản sẽ gỡ bỏ một phần những chế tài với Bắc Hàn khi xác nhận được Ủy Ban Điều Tra của Bắc Hàn có.... làm việc, chẳng hạn như:
-       Trên tinh thần nhân đạo, tạo sự đi lại dễ dàng hơn cho tàu bè, những người mang quốc tịch Bắc Triều Tiên vào Nhật.
-       Giảm thiểu những thủ tục về việc gửi tiền. Trước đây, khi gửi tiền sang Bắc Hàn phải cho biết  lý do và số tiền gửi.
-       “Rào cản” chỉ mang được tối đa 100.000 yen khi vào Bắc Hàn đã được tạm gác bỏ.
-       Viện trợ nhân đạo
-       v.v...
Đáp câu hỏi thời gian điều tra đến bao giờ thì ông Suga Yoshihide trả lời: trong vòng 1 năm.
Dù đã thấy le lói ánh sáng “đầu” đường hầm, nhưng chuyện này cũng còn gặp một chút chướng ngại vì cách hiểu “ý nghĩa” từ ngữ “nhân đạo” của 2 phía:
-       Vì “nhân đạo” Bắc Hàn yêu cầu phải cho con tàu Man Gyong Bon 92 cập bến lại nhưng phía Nhật thì “say no”, vì con tàu này không phải là đối tượng của tinh thần “nhân đạo”, trong quá khứ Nhật biết rõ đây chỉ là phương tiện chuyên chở tiền bạc bất hợp pháp, các hàng.... quốc cấm (máy móc, thiết bị chế tạo missile.....).
-       Trụ sở của Tổng Hội Bắc Triều Tiên đặt tại Tokyo, nơi được coi như “một tòa đại sứ của Bắc Triều Tiên” là một tòa nhà to lớn nhưng nợ nần chồng chất không trả được (gần 600 ức, khoảng 600 triệu mỹ kim) nên tòa án Tokyo đã ra lệnh bán đấu giá. Sau 2 lần “trúng” nhưng cuối cùng là “trượt” vì người “trúng” là 1 ông sư Nhật thân Bắc Hàn “chồng tiền” không đủ, hoặc dư sức “chồng tiền” nhưng giấy tờ không hợp lệ của 1 công ty Mông Cổ cũng là “fan” Bắc Hàn. Đến lần đầu giá thứ 3 thì một công ty Nhật đã “trúng mánh” và Tổng Hội này đang bị hối thúc dọn ra chỗ khác. (Xin xem chi tiết phẩn Thời Sự Nhật Bản số báo tháng trước 286).
-        Nếu phải dọn ra thì sẽ chả còn nơi nào để “đồng bào” tập họp tôn vinh... “Chủ tịch” Kim Nhật Thành, “tướng quân” Kim Chính Nhật, cậu Ủn Kim Chính Ân, nên phái đoàn thương thuyết Bắc Triều Tiên dựa vào 2 chữ “nhân đạo” yêu cầu chính phủ Nhật giúp giùm bằng một hình thức nào đó để không phải dọn ra, nhưng chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide trả lời: đây là chuyện của tòa án và tư nhân, chính phủ không có quyền can thiệp.
Tuy nhiên vào ngày 18/6 vừa qua, tòa án tối cáo Tokyo đã ra lệnh tạm ngưng việc bán đấu giá và việc chuyển nhượng tòa nhà cho công ty trúng thầu với lý do là phải xem xét thật kỹ về tình trạng đấu giá dù kháng cáo của phía Tổng Liên Hội đã bị tòa án sơ thẩm và phúc thẩm bác bỏ.
Vể tiến trình thành lập Ủy Ban điều tra thì cả 2 bên đã gặp nhau để bàn thêm chi tiết.
Tòa nhà của Tổng Liên Hội Bắc Triều Tiên


Con tàu “tình nghĩa” Man Gyong Bon 92
Thỏa thuận ký kết lần này đã làm gia đình có thân nhân bị bắt cóc bừng lên niềm hy vọng nhưng cũng không ít người cẩn trọng vì: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Tạm kết luận là so với kết quả điều đình mấy năm về trước thì lần này khá rõ ràng không còn màn lải nhải “việc đã giải quyết xong”. Nhật đang ở thế thượng phong đòi gì được nấy. Nhưng biết đâu “mai sau” khi mối tình Trung-Hàn đằm thắm lại thì chuyện này có thể lại phải gác sang một bên. Thôi cũng được đi, cứ tin như vậy cho .... tinh thần phấn khởi.
--------
Chuyện tạm gọi là “được như ngày hôm nay” là do quyết tâm của thủ tướng Abe. Ông đã “nuôi mộng” giải quyết việc này từ năm 1988, lúc còn làm bí thư cho bố ông là ngoại trưởng Abe Shintaro. Khi đó ông đã tìm gặp và tiếp xúc với một vài gia đình có thân nhân bị bắt cóc. Năm 1993, ông đắc cử dân biểu lần đầu và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những gia đình này. Năm 2006, khi làm Thủ Tướng lần đầu, ông đã đưa hẳn việc này vào chương trình hoạt động nhưng giữa đường đứt gánh phải từ chức. Lần nhậm chức thủ tướng lần 2 vào tháng 12/2012, ông lại tiếp tục việc đã làm. Ông luôn chủ trương: “việc của chúng tôi vẫn tiếp tục cho đến khi thân nhân của những người bị bắt cóc ôm được người thân của mình vào vòng tay nồng ấm”. Xin Bravo ông một phát.

Quốc Hội Nhật Ra Nghị Quyết Lên Án Trung Quốc Khai Thác Dầu Ở Hoàng Sa Một Cách Trái Phép

Có thể nói hơn phân nửa thời gian của phiên họp Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Nhật vào chièu ngày 11/06/2014 đều xoay quanh vấn đề âm mưu xâm lược của Trung quốc ở biển Đông, đặc biệt sự kiện Bắc Kinh kéo dàn khoan Hải Dương- 981 đến gần quần đảo Paracel (Hoàng Sa) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù đây là buổi họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, nhưng Bộ trưởng Tự vệ (Quốc Phòng) Onodera cũng đã được mời đến trả lời vì Bộ này nắm rõ nhiều tài liệu, dữ kiện liên quan đến sự bành trưóng quân sự của Trung quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Onodsera (Phải)
và Ngoại giao Kishida
    Dù thuộc đảng cầm quyền hay đảng đối lập, tất cả những câu chất vấn của các dân biểu đều yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Kishida cho biết lập trường của Nhật đối với các hành động khiêu khích mới đây của Trung quốc ở biển Hoa đông và biển Đông, nhất là vụ dàn khoan HD-981.
   Đây là lần đầu tiên các dân biểu thuộc đảng cầm quyền lẫn đối lập thống nhất ý kiến cũng như hành động đối với một Trung quốc đang ngang ngược xâm lược hết vùng này đến vùng khác ở Á châu-Thái Bình Dương. Những dữ kiện về dàn khoan HD-981, nhiều hình ảnh tàu Trung quốc đâm vào tàu tuần duyên, tàu đánh cá của Việt Nam được các dân biểu đưa ra làm bằng chứng cho các câu chất vấn của mình. Ngoại  Kishida đã trả lời rằng lập trường của chính phủ Nhật là không chấp nhận bất cứ một quốc gia nào sử dụng vũ lực quân sự để thay đổi hiện trạng. Ông Kishida cũng còn cho biết thêm là chính phủ Nhật đã chính thức yêu cầu Trung quốc phải rút dàn khoan HD-981 ra khỏi vùng quần đảo Paracel mà họ gọi là quần đảo Tây Sa.
Trước khi chấm dứt phiên họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Nhật, một Nghị quyết lên án Trung quốc gây bất ổn ở biển Đông qua dàn khoan HD-981 đã được đưa ra với sự tán đồng của tất cả các dân biểu trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Nhật. Nội dung Nghị quyết nói rằng việc Trung quốc tự ý tiếp tục khai thác dầu ở vùng quần đảo Hoàng Sa là nguyên nhân đưa đến sự bất ổn tại biển Đông. Hành động đó của Trung quốc là việc sử dụng vũ lực để mưu đồ thay đổi hiện trạng. Đây là điều không ai có thể chấp nhận được, yêu cầu Trung quốc phải tự kiềm hãm các hành động khiêu khích của mình. Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á khác lẫn Hoa Kỳ hợp tác với nhau để áp lực Trung quốc phải tuân thủ Công pháp Quốc tế, luật biển của Liên Hiệp Quốc. Phải nói đây là lần đầu tiên Quốc hội Nhật chỉ thẳng mặt Trung quốc để lên án về hành động xâm lược biển Đông bằng một Nghị quyết.
Ngay sau khi Nghị quyết lên án Trung quốc của Quốc hội Nhật được công bố là tối hôm đó truyền thông Nhật loan tải ngay trong các bản tin đầu giờ. Trong phần bình luận Thời sự Á châu của đài truyền hình Sakura TV Cable kênh số 132 vào tối ngày 11/06/2014 đã bình luận rằng Nghị quyết lên án Trung quốc về dàn khoan HD-981 là đúng, nhưng chưa đủ, cần phải có hành động đi kèm, nếu không thì Trung quốc vẫn không chịu rút dàn khoan HD-981 vì đây là một trong những hành động xâm lược của họ. Nghị quyết này không phải là xen vào chuyện nội bộ của nước khác mà là một hành động tích cực để bảo vệ Công ước Quốc tế, luật biển của Liên Hiệp quốc mà tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm không để cho Trung quốc ngang nhiên xâm phạm. Nếu để Trung quốc ngang nhiên lấn chiếm biển Đông thì quyền lợi giao thông của tàu bè Nhật trên vùng biển này cũng bị thiệt hại, đó là chưa kể đến chuyện Trung quốc tiến lên xâm lược biển Hoa đông và quần đảo Senkaku. Cũng trong phần bình luận này đài TV Sakura đã cho chiếu một số hình ảnh về cuộc mít-tinh biểu tình chống Trung quốc xâm lược Á châu vào ngày 31/05/2014 tại Tokyo của các hội đoàn Nhật tổ chức chung với cộng đồng người Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ….để yêu cầu chính phủ Nhật phải có hành động cụ thể đối với Trung quốc xâm lược.

  Có thể nói chưa bao giờ thời cơ thuận tiện bằng lúc này để Việt Nam hiệp tác với Nhật Bản để tố cáo, ngăn chận hành vi xâm lược của Trung quốc. Nhưng qua tuyên bố liên tiếp của các quan chức cao cấp đảng và nhà nước CSVN, đặc biệt là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La (Singapore) cho thấy lãnh đạo Hà Nội đang “lùi” lại sau tuyên bố mạnh của ông Nguyễn Tấn Dũng và nay lại xin Bắc Kinh mở lại đàm phán song phương như trong nhiều năm qua, mà trong quá khứ mỗi lần đàm phán với Trung quốc là Việt Nam mất đi một phần lãnh thổ, lãnh hải.

Tokyo Tạm Ngưng Viện Trợ ODA Cho Hà Nội

Ngày 02/06/2014 vừa qua, tất cả báo đài ở Nhật đều loan tải tin tức về chuyện Tokyo tạm ngưng viện trợ ODA cho Hà Nội và các khoản cho vay mới cũng bị tạm ngưng. Quyết định này đã được ông Ishikane Kimihiro (Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế thuộc bộ Ngoại giao Nhật) đưa ra trong cuộc họp với ông Nguyễn Ngọc Đông (Thứ trưởng  bộ Giao thông & Vận tải) tại Hà Nội

  Phản ứng chung của dư luận Nhật về quyết định này hơi phức tạp một chút, trên nhiều diễn đàn Internet hay những người đi đường được báo đài phỏng vấn đều có cái nhìn tương tự nhau là không thể để tiền thuế của chúng ta (tức là người Nhật) chạy vào túi riêng của quan chức tham nhũng Việt Nam, quyết định tạm ngưng viện trợ ODA cho đến khi nào phía Việt Nam thật sự điều tra làm rõ nội vụ là đúng, nhưng tại sao quyết định đó lại đưa ra vào thời điểm này khi mà chính phủ Nhật đang khuyến khích Hà Nội nên chọn thái độ mạnh mẽ hơn trong việc chống Trung quốc bành trướng ở biển Đông.
Ở các quốc gia tiến bộ như Nhật Bản, người dân bận rộn với công việc làm ăn nên thường không nhớ đến những tin tức mà mình đã xem hay nghe qua một lần, bởi vậy trong bản tin vào lúc 22 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 6 của đài truyền hình quốc gia Nhật NHK, đài này đã nhắc lại chuyện cán bộ, quan chức cao cấp Việt Nam nhận tiền hối lộ từ công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) trong dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt theo vốn ODA của Nhật. Vụ hối lộ này bị phát giác vào cuối tháng 3 năm nay và chính phủ Nhật đã yêu cầu phía Việt Nam điều tra làm rõ sự việc hầu ngăn chận tệ nạn hối lộ. Thoạt tiên phía Việt Nam tỏ vẻ nhanh nhẹn đáp ứng ngay lời yêu cầu này vì sợ nếu không hợp tác điều tra sẽ bị Nhật tạm ngưng viện trợ ODA như hồi cuối năm 2008 (vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhân hối lộ từ công ty Tư vấn Quốc tế Thái bình dương (PCI) để cho công ty này trúng thầu xây cất Đại lộ Đông Tây). Thứ trưởng Giao thông & Vận tải của Việt Nam là ông Nguyễn Ngọc Đông đã bay sang Nhật ngay để thu thập các thông tin chính thức từ cơ quan công tố Nhật về vụ công ty JTC đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam. Trước khi trở về nước, ông Thứ trưởng Đông này đã tuyên bố trước các ký giả rằng Việt Nam cam kết hợp tác tích cực để đẩy mạnh điều tra hầu xử lý vụ việc. Nhưng sau hơn 2 tháng, phía Việt Nam tích cực hiệp tác, đẩy mạnh điều tra như thế nào thì không ai biết, bây giờ thì thấy chính phủ Nhật đã ra quyết định tạm ngưng viện trợ ODA, điều này chứng tỏ phía Việt Nam không thật sự đẩy mạnh điều tra như lời ông Thứ trưởng Đông cam kết, trong khi phía Nhật đã xử xong vụ công ty JTC vào ngày 25/04/2014 với phán quyết là công ty này có tội, không được đấu thầu các dự án theo vốn ODA trong vòng 1 năm rưởi. Với phán quyết này đã làm cho công ty JTC mất nhiều uy tín nên Giám độc công ty này là ông Kakinuma phải từ chức.
Trong phần thời sự Quốc tế của đài truyền hình Sakura TV Cable kênh số 132 nói rằng trong khi trên Home Page của bộ Ngoại giao Nhật, cơ quan Viện trợ ODA Nhật đều loan tải rõ ràng là Nhật Bản tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam, nhưng trong bản Thông tin báo chí (Press Release) của bộ Giao thông &Vận tải Việt Nam lại chẳng hề đề cập gì đến chuyện Nhật tạm ngưng viện trợ ODA. Người dân Việt Nam biết đến tin này nhờ nghe đài BBC, RFA… chứ báo đài ở Việt Nam thì cho đến giờ phút này hoàn toàn không đả động gì đến tin này cả. Đây không phải là một tin tức bình thường, nó có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Việt Nam, vậy mà chưa có lịnh là không được loan chứng tỏ ở Việt Nam không có tự do báo chí. Nội chuyện đó không cũng đủ thấy khó mà có được sự hợp tác theo đúng nghĩa từ phía chính quyền Cộng sản Việt Nam. Nếu Hà Nội không tự chính mình xóa bỏ những cái ‘’Rỉ rét’’ đó đi thì không phải chỉ có Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác cũng sẽ ngưng viện trợ.
Theo các nhà ngoại giao tại Tokyo thì nếu như tại Đối thoại Shangri La 13 diễn ra ở Singapore vừa rồi mà ông Phùng Quang Thanh có thái độ cương quyết bảo vệ lãnh hải, lãnh đảo của Việt Nam trước sự xâm lược của Trung quốc giống như ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố tại Miến Điện, Philippines thì có lẽ Thủ tướng Abe sẽ tìm một giải pháp khác chứ không quyết định tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam như đã diễn ra. Cũng theo các nhà ngoại giao này thì cũng không sao hiểu nổi khi mà phát biểu ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khác với những gì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố. Hay là Việt Nam đã thay đổi lập trường chống Trung quốc xâm lược biển Đông.

Vất Rác Bậy Bị Bắt

Cuối tháng 5 vừa rồi, hãng Calbee vừa tung ra sản phẩm Poterich (khoai tây chiên xắt lát có nhiều mùi vị) với giá mỗi bao 208 yen. Để quảng cáo cho sản phẩm này, hãng Calbee đã in trên mỗi bao Porerich một tấm hình của nữ nghệ sĩ Mizuki Nana (34 tuổi) đang nổi tiếng như cồn tại Nhật.
Hình nữ nghệ sĩ Mizuki Nana trên bao Poterich
  
Nếu khách hàng nào cắt đủ 10 tấm hình nữ nghệ sĩ này (theo như hình minh họa) rồi dán trên một bưu thiếp (hagaki) và gởi về cho hãng Calbee sẽ được tham dự cuộc bốc thăm, nếu trúng sẽ được tặng một vé đi xem nữ nghệ sĩ Mizuki Nana trình diễn rồi sau đó được mời vào hậu trường bắt tay nghệ nhân nổi tiếng này.
Trong rừng người ái mộ nữ nghệ nhân này có anh chàng Fukumoto (25 tuổi) ở Kobe. Vì quá muốn bắt tay với thần tượng của mình một cái nên Fukumoto đã bỏ tiền ra mua 1 ngàn bao Porerich đem về nhà cắt hình Mizuki Nana dán trên 100 bưu thiếp gởi đến hãng Calbee để tham dự cuộc bốc thăm với hy vọng được trúng.
Câu chuyện đến đây thì bình thường mà thôi, nhưng khổ nỗi anh chàng Fukumoto này không thể nào ăn hết 1 ngàn bịch Poterich đã mua (gần cả 200 kilô) nên bỏ vào thùng đem đi vất ở một bìa đồi gần nơi cư ngụ của mình. Một số cư dân ở gần đó thấy rác quá nhiều như vậy nên đã thông báo cho cảnh sát biết để điều tra. Sau một thời gian điều tra, cảnh sát biết được những bao Poterich này đã được bán ra từ một số cửa hàng tiện lợi (Convenience Store) ở xung quanh nơi anh chàng Fukumoto cư ngụ. Cảnh sát hỏi các cửa tiệm Convenience Store rằng trong thời gian gần đây có ai đến mua một lần nhiều bao Poterich không?. Các tiệm đều trả lời là có. Vì mỗi lần mua là anh chàng Fukumoto này đều đưa thẻ point card ra để tính điểm mà khi đăng ký thẻ này với tiệm thì phải ghi tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại nên cảnh sát tìm đến ngay nhà của Fukumoto hỏi cho ra lẽ. Fukumoto thú nhận 89 thùng đựng 1000 bao poterich là do mình mang đi vất. Ngày 10/06/2014, cảnh sát đã lập hồ sơ giải tòa, nhưng vì sự việc chẳng có gì nghiêm trọng nên anh chàng Fukumoto này không bị bắt, ở nhà chờ ngày hầu tòa. Sở cảnh sát Akashi ở Kobe nói rằng ông Fukumoto này dại quá, nếu đem vất từ từ các thùng đựng Poterich vào những ngày đổ rác thì đâu có chuyện gì xảy ra cho mình.
Không biết tòa sẽ phạt Fukumoto như thế nào, nhưng theo các luật sư thì Fukumoto có thể bị phạt khoảng 5 vạn yen về tội vất rác bậy.

Lươn Nhật Có Nguy Cơ Bị Tuyệt Giống.

Theo con số thống kê thì hàng năm Nhật Bản tiêu thụ trên 10 tấn lươn, đứng hàng đầu thế giới. Vì tiêu thụ quá nhiều như vậy nên số lượng lươn ở Nhật không đủ cung ứng, phải nhập cảng từ Đài Loan, Trung quốc và một số từ các quốc gia ở Âu châu. Không hiểu vì lý do gì mà lươn từ vùng biển ở Nhật được thực khách đánh giá là ngon nhất vì vậy giá cả cũng cao gấp hai hoặc gấp ba lần lươn nhập cảng nhưng nhiều người vẫn thích mua để ăn, nhất là vào thời tiết mùa hè nóng nực, ăn lươn vào sẽ tăng sinh lực cho cơ thể.

Mỗi năm Nhật có khoảng 6 ngày ‘’Doyo no Ushi’’ nghĩa là trong những ngày đó người Nhật thường có tục lệ rủ nhau đi ăn lươn. Vì ăn nhiều quá nên mấy năm trước đây Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (viết tắt là IUCN. Liên minh này có sự tham gia của nhiều chính phủ các nước và các khoa học gia khắp nơi trên thế giới. nhiều chuyên gia học giả) đã lên tiếng cảnh cáo về nguy cơ lươn ở Nhật có thể bị tuyệt giống. Có lẽ do không mấy quan tâm về lời cảnh cáo này nên số lượng tiêu thụ lươn Nhật chỉ giảm một chút ít nên vào ngày  12/06/2014, Liên minh IUCN đã cho lươn Nhật vào danh sách báo động đỏ về các động vật có nguy cơ tuyệt giống. Tuy nhiên danh sách báo động đỏ này không có tính cách ràng buộc về mặt pháp lý nên không thể cấm người ta đánh bắt lươn Nhật, ngoại trừ khi được đưa vào Công ước Washington về việc buôn bán động vật, thực vật hoang dã.
Các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản nói rằng tuy lươn Nhật chưa đến nỗi tuyệt giống như cọp, tê giác v.v…, nhưng với tình trạng như hiện tại thì sẽ đưa đến tình trạng tuyệt giống. Nếu muốn để lại cho con cháu đời sau biết thì cần phải hạn chế tối đa việc ăn lươn, chứ không cần phải đợi đến khi nó được đưa vào Công ước Washington.

Sân Vận Động Chính Của Olympic Tokyo 2020 Được Thiết Kế Lại

Ông Masuzoe, Đô trưởng Tokyo, trong cuộc họp báo định kỳ vào ngày 10 tháng 6 vừa qua cho biết để tiết giảm ngân sách nên sân vận động chính cho Olympic Tokyo 2020 và một nhiều cơ sở thi đấu khác đã được thiết kế lại. Tháng 10 năm 2013, sơ đồ thiết kế sân vận động chính cho Olympic Tokyo 2020 với cái tên Shin Kokuritsu Kyogijo đã được trình làng với tổng chi phí lên tới 300 tỷ yen. Tất cả các cơ quan, các nhân vật liên quan đến tổ chức Olympic Tokyo 2020 đều không đồng ý với cái giá quá cao này vì có thể xây cất với giá rẻ hơn mà vẫn bảo đảm được sự an toàn. Hơn nữa với đồ án này thì chiều cao của sân vận động sẽ làm che mất mất vẻ đẹp quang cảnh xung quanh nó nên bị nhiều cư dân phản đối.
Theo sự trình bày của Đô trưởng Masuzoe thì mô hình mới đã được giới hữu trách chấp nhận vì tổng chi phí xây cấy là 162,5 tỷ yen, rẻ gần phân nửa so với đồ án trước đây mà vẫn chứa được khoảng 80.137 người với độ an toàn trên tiêu chuẩn quy định. Hơn nữa chiều cao của sân vận động sắp xây này chỉ còn 70 mét, nghĩa là thấp hơn đồ án trước 5 mét, giải quyết được chuyện bị cư dân phản đối.
Mô hình mới của sân vận động Shin Kokuritsu Kyogijo (Tokyo)

Dù với lý do gì đi chăng nữa thì chính quyền Tokyo và Ủy ban Thế vận hội Nhật phải trình bày cho Ủy ban Olympic Thế giới biết tại sao không thi công đúng theo những gì đã đã trình bày khi nạp đơn xin đăng cai tổ chức. Ngày 13/06/2014 vừa qua, một phái đoàn của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) do Chủ tịch Thomas Bach dẫn đầu đã đến Tokyo, nhân dịp này Đô trưởng Tokyo đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch IOC. Tuy không phản đối, nhưng Chủ tịch IOC yêu cầu chính quyền Tokyo cũng như Ủy ban Olympic Nhật Bản từ đây phải báo cáo thường xuyên cho IOC biết kế hoạch xây dựng những cơ sở liên quan đến Olympic Tokyo 2020.
Vì Hàn quốc lẫn Trung quốc đang có căng thẳng về ngoại giao với Nhật nên truyền thông hai nước này đã lên tiếng chỉ trích mạnh Nhật Bản không giữ đúng cam kết với IOC.

Ngồi Hạng Nhất Coi Sumo Lỡ Bị Thương Ráng Chịu?

Nói đến môn Sumo (Đô vật cổ truyền Nhật) thì bất cứ ai đã ở Nhật rồi đều biết vì bộ môn này mỗi năm tổ chức thi đấu chính thức đến 6 lần, mỗi lần 15 ngày và được đài truyền hình quốc gia NHK trực tiếp chiếu cho mọi người xem từ đầu đến cuối giải nên dù không muốn xem cũng bị bắt xem nếu như mở TV đài NHK đúng vào giờ trực tiếp Sumo hay tin tức thể thao.
Trước đây, khi nhiều lực sĩ Nhật chiếm đẳng cấp cao (Yokozuna, Ozeki) trong môn sumo này thì muốn đi xem cũng khó mà mua được vé vào cửa vì trận nào trận nấy đều đông nghẹt khán giả, nay thì ít khi mà chật rạp vì các đẳng cấp cao Yokozuna thì do các lực sĩ Mông Cổ chiếm hết và dành đoạt vô địch liên miên.
Tưởng cũng nên nói qua một chút về giá vé vào cửa xem Sumo. Hiện nay vé hạng chót, ngồi cuối võ đài là 3.300 yen, vé hạng nhất mà danh từ Sumo gọi là ghế Suna kaburi (ghế bị văng cát) giá 14.800 yen, ngồi ngay dưới võ đài. Tuy hiện nay môn Sumo này không đắt khách như trước đây nữa, nhưng vé hạng nhất năm khi mưới họa người thường mới mua được vì hầu như nó chỉ dành để bán trước cho những hãng xưởng, người có liên hệ với môn Sumo.
Ngồi ghế hạng nhất lẽ đương nhiên là xem rõ các lực sĩ Sumo vật nhau, nhưng ngồi xem phải hết sức cẩn thận, lơ đểnh 1 chút nhiều khi bị lực sĩ Sumo trên võ đài té xuống đè lên mình bị thương như chơi. Thử hỏi một lực sĩ Sumo nặng từ 120 đến 150 kilô mà lao từ võ đài xuống đề trên người mình thì chịu sao nổi.
Ghế hạng nhất (Sunakaburi seki) xem Sumo
  Từ trước đến nay đã có nhiều khán giả bị đè bị thương phải chở đi bịnh viện. Vậy khi bị thương như thế có được bồi thường thiệt hại hay không là điều mà nhiều người thích đi xem Sumo muốn biết. Trong mùa Sumo vừa rồi có một cụ bà bị thương nên câu hỏi này đã được đưa lên mạng. Hiệp hội Sumo trả lời rằng trên nguyên tắc Hiệp hội Sumo sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố như vậy. Theo khế ước với khán giả có in trên vé thì khi xem phải chú ý để tránh lực sĩ té từ võ đài xuống đè lên người. Khế ước này có đăng rõ ràng trên website của Hiệp hội Sumo.
Thế nhưng theo luật sư Watanabe của Hiệp hội luật sư Nhật Bản thì khán giả bị thương có thể kiện đòi Hiệp hội Sumo bồi thường chi phí chửa trị theo điều 717 luật Dân sự. Điều 717 này ghi rằng: Bất cứ ai xây dựng hay thiết kế vật gì trên phần đất sở hữu của mình mà để xảy ra tai nạn cho người khác thì phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn có thêm điều 709 luật Dân sự ghi rằng Cố ý hay không cố ý mà gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm.
Biết ghế hạng nhất là chỗ nguy hiểm, Hiệp hôi Sumo phải có nghĩa vụ thiết kế làm sao để tối đa tránh nguy hiểm cho khán giả chứ không thể đăng mấy dòng cảnh báo trên vé và gọi đó là khế ước. Thường thì những vụ kiện tụng như thế này, quan tòa thường khuyên đôi bên hòa giải với nhau, nghĩa là người bị thương sẽ được Hiệp hội Sumo bồi thường, nhưng không phải là trả hết chi phí chữa trị.

Hai Tỉnh Shizuoka Và Yamanashi Tranh Nhau Sở Hữu Đỉnh Núi Phú Sĩ

Ngày 2 tháng 6 vừa qua, người ta thấy trên website của viện Địa lý Nhật Bản cho đăng bản đồ núi Phú Sĩ và ghi rằng đỉnh núi Phú Sĩ thuộc thị trấn Fuji no Miya, tỉnh Shizuoka. Tỉnh trưởng Yamanashi là ông Yoko Uchi đã điện thoại đến phản đối ngay vì cho rằng đăng như vậy là không đúng vì quyền sở hữu đỉnh núi Phú Sĩ thuộc về tỉnh nào đang còn trong vòng tranh chấp. Qua ngày hôm sau Tỉnh trưởng Yamanashi còn tổ chức họp báo để lên tiếng chỉ trích viện Địa lý Nhật Bản làm ăn tắc trách cho đăng địa chỉ đỉnh núi Phú Sĩ thuộc tỉnh Shizuoka gây ngộ nhận cho nhiều người.

   Sự việc tranh dành sở hữu đỉnh núi Phú Sĩ giữa hai tỉnh này đã xảy cách đây cả 400 năm trước mà đến nay chẳng có lối giải quyết nào thỏa đáng, hơn nữa hầu hết người Nhật chẳng mấy quan tâm về chuyện tranh chấp này vì cho rằng tỉnh nào sở hữu cũng thế, núi Phú Sĩ vẫn là núi Phú Sĩ của Nhật Bản.
Tình hình thực tế cho thấy các nhà trọ trên đỉnh núi Phú Sĩ cho khách leo núi đều viết địa chỉ thuộc tỉnh Shizuoka, số điện thoại cũng là số code của tỉnh Shizuoka, ngoài ra trên đỉnh núi có một sở bưu điện cũng của tỉnh Shizuoka. Trong khi đó người leo núi Phú Sĩ phần đông xuất phát từ trạm Gogome (trạm số 5) lại mang địa chỉ thuộc tỉnh Yamanashi.
Vì tranh dành sở hữu mà chẳng đi đến đâu nên hầu hết các vị Tỉnh trưởng của hai tỉnh này đều bỏ qua, coi như hưu chiến, nhưng vì cái bản đồ mà viện Địa lý Nhật Bản cho đăng trên website của mình đã khơi dây cuộc tranh dành sở hữu đỉnh núi Phú Sĩ. Người dân tỉnh Yamanashi lẽ đương nhiên ủng hộ lập trường của vị quan đầu tỉnh của mình. Ngược lại  người dân tỉnh Shizu Oka thì cương quyết bảo rằng đó là sở hữu của Shizuoka. Theo các bình luận gia thì cuộc tái tranh dành quyền sở hữu đỉnh núi Phú Sĩ khó có ai giải quyết nổi và chắc chắn sẽ trở lại tình trạng hưu chiến như trước đây.


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors