Thời Sự Nhật Bản - Tháng 5-2014


Tội phạm…. PC từ xa.Bắt lầm - bắt…thật- tạm thả - bắt lại


Như Nguyệt San Hiệp Hội đã đăng trong mục Thời Sự Nhật Bản số 271 tháng 3 năm ngoái bản tin về thủ phạm tình nghi hăm dọa giết người trên mạng Internet bị cảnh sát tóm cổ, nhưng qua gần 1 năm với 7 phiên tòa thủ phạm vẫn nhất định chối: hắn chỉ là một nạn nhân. Sau gần 1 năm giam giữ, điều tra tới lui, tháng 3 năm nay, bất chấp yêu cầu của viện kiểm sát, tòa sơ thẩm Tokyo đã chấp nhận cho 

Katayama được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 10 triệu vì chứng cớ mà 2 bên kiểm sát viện và luật sư đưa ra đã đầy đủ và Katayama cũng chẳng có lý do gì mà phải trốn nếu được tại ngoại hầu tra.

Sự việc tạm phóng thích này đã là một cái tát đau điếng cho cảnh sát và kiểm sát viện vì dầu có đủ bằng cớ nhưng vẫn chỉ là …. bằng cớ gián tiếp. “Góp công” vào việc tại ngoại hầu tra này có sự đóng góp “quá ưu việt” của luật sư Sato Hiroshi, người nổi tiếng vì đã từng giúp một người tù từ án chung thân là ông Sugaya Toshikazu (bị tình nghi giết một bé gái) trở thành vô tội vào năm 2009, nhờ luật sư Sato nhất quyết xin tòa cho thử nghiệm lại DNA vì DNA thời năm 1990 đã cho kết quả không chính xác.

Ai cũng tin Katayama sẽ không là kẻ như cảnh sát và viện kiểm sát kết tội, nhưng…..
Xin được tóm tắt câu chuyện để quí vị nắm vững vấn đề:
Tháng 8 năm 2012, người ta thấy trên một số trang mạng Internet xuất hiện một lời cảnh cáo: Sẽ dùng dao giết nhiều người nếu đến xem triển lãm truyện bằng tranh (Comic Market) của các họa sĩ tài tử được tổ chức tại Big Sight (Daiba, Tokyo). Lẽ đương nhiên Ban tổ chức triển lãm đã thông báo cho cảnh sát để được bảo vệ. Cuộc triển lãm vẫn tiến hành và không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, cảnh sát vẫn im lặng và mọi chuyện coi như chìm vào quên lãng. Đầu tháng 10 cùng năm thì Trang Nhà (Home Page) của Tổng nha Cảnh sát Nhật và một số tòa hành chánh tỉnh lại nhận thêm một lời cảnh cáo: Sẽ thẳng tay giết hại bất kể trẻ con nào đang theo học tại trường mẫu giáo Ocha nomizu (Tokyo).

Đến đây thì cảnh sát phải ra tay, trong thời gian đang tiến hành cuộc điều tra thì lại nhận được liên tiếp thêm 12 lời cảnh cáo khác, khi thì hăm dọa sẽ giết cô tài tử A ở chỗ này, ông Giám đốc X ở chỗ kia….Trung tuần tháng 10 năm 2012, cảnh sát cho hay là đã bắt được một nhóm 4 người bị tình nghi là thủ phạm của tất cả 13 email hăm dọa giết người tại 4 nơi khác nhau.

Nhưng cũng trong tháng 10, một email của một nhân vật nào đó được tung lên mạng và “thú nhận” là chính “mình” mới là thủ phạm. Điều này đã khiến cảnh sát bối rối đành phải điều tra lại và cuối cùng đã phải thả 4 người vì chẳng có một bằng chứng gì cả, ngoại trừ địa chỉ gốc (IP) Internet của 4 người bị cho là “phát tán” 13 email hăm dọa.

18 tháng 10/2012, Tổng nha Cảnh sát họp báo thú nhận là đã bắt lầm và cho hay 4 Trưởng ty Cảnh sát ở Fuku Oka, Osaka, Mie và Kanagawa đã đến tận nhà 4 người bị bắt lầm để cúi đầu tạ tội.

Sau một mail khó hiểu của thủ phạm cho biết là “sẽ tự sát vì đã thua trong game này” vào tháng 11/2013 thì cảnh sát lại tiếp tục điên đầu vì mất dấu…. thủ phạm, khiến sở cảnh sát phải cử cả người sang Mỹ học nghề từ FBI và treo giải thưởng 3 triệu cho ai bắt được thủ phạm, nhưng cũng không tìm được bằng chứng gì mới.



Sau gần 2 tháng im hơi lặng tiếng, đầu năm ngoái (5 tháng 1/2013) thủ phạm lại xuất hiện gởi một email lên mạng tiếp tục nhục mạ cảnh sát. Trong email thách thức này, thủ phạm còn gởi kèm theo tấm hình chụp một con mèo hoang có đeo một vòng dây màu hồng ở cổ và cho biết trong dây đeo đó có một con Chip chứa đựng chương trình virus lây lan này và “tiết lộ” thêm là con mèo này đang ở Kamakura.

Một lực lượng thật đông đảo cảnh sát đã được huy động đi tìm con mèo này ở Kamakura, sau gần 1 ngày “lục soát” thì tìm được con mèo và đúng như lời của thủ phạm viết thì bên trong vòng đeo cổ con mèo có gắn một con Chip.
Sau khi quan sát những camera “phòng phạm” xung quang khu vực này, cảnh sát cho biết đã tìm ra thủ phạm. Camera đã thu đầy đủ hình ảnh từ khi thủ phạm dựng xe gắn máy (bike), bước xuống, đến gần chỗ con mèo. Nhận diện được hình người bị tình nghi, lại còn có thêm cả số xe nữa thì thủ phạm chạy đâu cho thoát. Ngoài ra, thêm một yếu tố khiến cảnh sát xác quyết nữa là  “thủ phạm” này đã từng bị bắt một lần vào năm 2005 vì tội danh tương tự.

Ngày 10 tháng 2/2013, hôm đến nhà bắt thủ phạm, cảnh sát tự tin đã ngầm báo cho các ký giả hay để đến đó chụp hình, quay phim để tạm chấm dứt một “liên khúc” quá ê chề vì “nỗi nhục” bắt lầm người. Thủ phạm tên là Katayama Yusuke (30) tuổi đang làm việc cho một hãng computer.

Và từ đó cho đến lúc hầu tòa qua nhiều cuộc tra hỏi Katayama vẫn nhất định nói hắn cũng chỉ là nạn nhân. Còn việc tại sao có mặt ở Kamakura thì Katayama cho biết đó chỉ là sự tình cờ vì thấy con mèo có vẻ dễ thương. Còn các yếu tố có tính cách quyết định như dấu tay, DNA thì không có.

Tháng 3 năm nay, khi được tại ngoại hầu tra, Katayama và luật sư Sato Hiroshi họp báo tự tin “ngẩng mặt” vì chủ trương vô tội của mình đã được đứng vững dù đang trong thời kỳ hầu tòa và tin rằng thủ phạm thứ thiệt sẽ xuất đầu lộ diện để chứng minh rằng “tôi vô tội”.

Các phiên tòa cứ tiếp tục diễn ra trong lằng nhằng hỏi qua hỏi lại một cách nhàm chán. Nhưng sự việc đã sang một bước ngoặt khá… gắt đưa đến kết quả không ngờ.

Ngày 16/5, lúc Katayama đang có mặt tại tòa trong phiên tòa thứ 8 thì giới báo chí truyền thông nhận được email từ “thủ phạm chính” nói rõ: ta đây mới là thủ phạm, còn Katayama chỉ là kẻ bị hại.

Ngay ngày hôm đó, Katayama và luật sư biện hộ họp báo “huênh hoang” tiếp: thấy chưa, đến đây đã rõ ai là thủ phạm? Luật sư Sato cười hể hả vì đã cứu được người ngay.

Sự việc cứ tưởng là như thế, nhưng ngày 19/5, đột nhiên, cảnh sát công bố với báo chí một tin tức hấp dẫn có một không hai: “nhân viên chúng tôi bắt gặp Katayama đang chôn dấu một cái gì đó ở dưới chân cầu ở quận Arakawa, tới đào lên thì phát hiện một điện thoại cầm tay có chứa nội dung email gửi cho báo chí lúc 11 giờ 37 phút ngày 16/5. Chắc ăn, chúng tôi cho thử nghiệm DNA thì thấy đúng là “có dấu tay” của Katayama. 
Hắn đã dùng điện thoại di động gửi mail theo mode “hẹn giờ gửi đi” (yoyaku soshin), có nghĩa là cứ đúng giờ đó, ngày đó thì mail sẽ được gửi từ cái hố dưới chân cầu đến giới báo chí dù lúc đó hắn đang ở tòa”.

Tối 19/5, theo dự định thì Katayama và luật sư biện hộ sẽ có buổi họp báo, nhưng chờ mãi vẫn không thấy Katayama xuất hiện. Dù thế luật sư Sato Taro vẫn lên gân nói mạnh: Tôi tin chắc chắn Katayama không phải là thủ phạm, hắn không đến được vì một lý do nào đó.

Nhưng trên đường trở về nhà, luật sư Sato nhận điện thoại trực tiếp từ đương sự thú thật: hắn chính là thủ phạm của email gửi ngày 16/5 và là thủ phạm của tất cả những email khiến cảnh sát bắt lầm người từ trước tới nay. Hắn than với luật sư Sato: Tôi muốn chết bằng cách thắt cổ, tính cả chuyện lao vào xe điện, …. nhưng mãi không chết. Luật sư Sato “hết hồn” thuyết phục: Thôi cứ đến văn phòng rồi tính. 6 giờ sáng ngày 20/5, ông luật sư này đến đón “thân chủ” tại một khách sạn ở Shinjuku và 11 giờ sáng thì giao “thân chủ” cho viện kiểm sát và cảnh sát để “dẫn độ” trở lại trại giam sau khi tòa án hủy bỏ lệnh tại ngoại hầu tra.

Hỏi tại sao lại “dại” thế, Katayama trả lời: Tôi muốn vụ án cho xong để mẹ tôi bớt lo và tôi không nghĩ là cảnh sát theo sát tôi như vậy. Hắn còn tiết lộ thêm: “Tôi đã tính sai, đầu tiên tôi định là chờ đến ngày phán quyết mới gửi, nếu trắng án thì mail sẽ không gửi, nhưng nếu tôi bị án tù, thì mail này sẽ được gửi sau khi tôi vào tù 2 ngày”.

Được biết, sau khi tại ngoại hầu tra, cảnh sát Tokyo và tỉnh phụ cận đã theo dõi xít xao bước đi của Katayama nên đã chứng kiến từ đầu tới cuối việc tự biên tự diễn này.
Hôm 22/5, phiên tòa thứ 9 xử Katayama đã diễn ra với số người muốn theo dõi quá đông phải rút thăm. Trước tòa, Katayama nhún như con chi chi thú nhận: “khi chuyện bị bể, tôi có 3 lựa chọn: 1/ coi như không biết gì cả, 2/ chết 3/ thú nhận tất cả.
Về lựa chọn 1 thì…. chỉ mới thoáng qua 1 giây đã quyết định bỏ. Lựa chọn 2 thì đã cố gắng nhưng…. không chết được nên đành điện thoại cho “sensei”Sato để thông báo lựa chọn 3”.
Hắn xin lỗi tất cả từ người bị hăm dọa, bị bắt lầm, cánh sát, viện kiểm sát, luật sư, gia đình, những người ủng hộ vì hành động quá thô cạn và nông nỗi này.


Một người buồn và rất “quê” là luật sư nổi tiếng Sato vì đã “đầu tư” quá nhiều uy tín của mình vào lời khai của “thân chủ”. Luật sư “ưu việt” này đã rút lại chủ trương “thân chủ tôi vô tội”, nhưng cũng còn cố vớt vát đề nghị đưa Katayama đi khám nghiệm tâm thần vì còn quá nhiều điều chưa lý giải, và cay đắng nhận định về thân chủ của mình: “quả là nhân cách của một thiên tài: nói dối... mà không có ý định nói dối”
Chắc chắn kỳ này Katayama sẽ nhận một bản án tương đương khá nặng nề với quá nhiều tội danh và không biết trong những phiên tòa sắp tới hắn có là một thiên tài nói dối nhưng hoàn toàn không áy náy vì mình nói dối?”

Truyền Thông Nhật Liên Tiếp Loan Tải Biểu Tình Chống Trung Quốc Tại Việt Nam


Có thể nói trong suốt mấy tuần qua, báo đài ở Nhật đã loan tin rất chi tiết về tình hình căng thẳng ở biển Đông qua việc Trung quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào tận thềm lục địa Việt Nam. Những hình ảnh tàu Trung quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình Nhật đã làm cho người xem thấy rõ bản chất hung hăng xâm lược của Trung quốc. Hình ảnh rõ ràng như thế vậy mà các quan chức Trung quốc vẫn giải thích theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng là tàu Việt Nam xâm phạm lãnh hải Trung quốc bị rượt đuổi rồi đâm vào tàu Trung quốc. Kiểu giải thích ngược ngạo đó đã làm cho người xem phẫn nộ. Truyền thông Nhật cũng chú mục vào thái độ của Hà Nội đối với Bắc Kinh về vụ việc này, nhưng đặc biệt quan tâm đến phản ứng của người dân Việt Nam vì cho rằng không có dân thì chẳng một chính quyền nào có thể bảo vệ được đất nước. Nhiều bình luận gia Nhật giải thích thêm cho người dân của họ biết là tại Việt Nam hiện nay người dân nếu tự ý tổ chức biểu tình dù là biểu tình chống Trung quốc xâm lược vẫn bị đàn áp. Tin Blogger Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh vừa mới bị bắt được đưa ra làm bằng chứng chỉ vì blogger này thường đăng những bài chống Trung quốc xâm lược Việt Nam.

Những cuộc biểu tình phản đối Trung quốc của người dân Việt Nam tại Hà Nội, Sài Gòn vào hai ngày 10 và 11 đều được truyền thông Nhật Bản loan tải, họ cũng nói về cuộc biểu tình của người Việt ở Tokyo và nhiều nơi khác trên thế giới.
Biểu tình trước sứ quán Trung quốc ở Hà Nội vào ngày 11/05/2014

Cuộc biểu tình phản đối Trung quốc của hàng ngàn công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung quốc, Đài Loan tại khu công nghiệp Sóng Thần ở tỉnh Bình Dương sáng ngày 13/05/2014 đã trở thành bản tin nóng của truyền thông Nhật vào tối hôm đó. Bản tin cũng nói rằng các xí nghiệp Nhật ở khu công nghiệp này phải đem cờ Nhật ra treo trước cổng để người biểu tình khỏi lầm tưởng đó là hãng của Trung quốc hầu tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra và hầu hết các công nhân đang làm việc cho các xí nghiệp Nhật ở đó cũng nghỉ việc 1 ngày để tham gia biểu tình.
Được biết Cộng đồng người Việt tại Nhật đã liên lạc với nhiều tổ chức, hội đoàn người bản xứ để đề nghị cùng đứng ra tổ chức biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược biển Đông và biển Hoa đông, vào ngày thứ bảy 31/05/2014. Cuộc biểu tình này đã có hơn 500 người tham dự và khi đi trên đường phố đã được người hai bên đường vỗ tay ủng hộ.

Chính Quyền Abe Đẩy Mạnh Nhanh Việc giải thích lại điều 9 hiến pháp.


Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã muốn sửa đổi điều 9 Hiến pháp để Nhật Bản có đủ khả năng đối đầu với sự xâm lược của Trung quốc ở biển Hoa đông và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng muốn là một chuyện còn sửa đổi được hay không lại là một chuyện khác vì vẫn có nhiều người chống. Trước tiên cần phải có 2/3 dân biểu của Hạ Viện bỏ phiếu thuận và được Thượng viện thông qua, sau đó đem ra trưng cầu dân ý.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp này mà bước đầu tiên là giải thích lại bản hiến pháp hiện hành, tăng cường thêm cho quyền tự vệ của Nhật Bản, đảng cầm quyền của ông Abe đã nhờ một Ủy Ban gồm 14 người trong giới trí thức có liên quan đến vấn đề hiến pháp để hỏi ý kiến và tổ chức nhiều buổi thảo luận công khai từ trong ra ngoài, nhưng vẫn có nhiều người không đồng ý trong đó có đảng Công Minh là đảng đang liên hợp với đảng càm quyền.

Tình hình căng thẳng ở biển Đông mới đây do việc Trung quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào tận thềm lục địa Việt Nam đã khiến Thủ tướng Abe không còn chần chờ được nữa nên đã đăng đàn trình bày trực tiếp cho người dân hiểu để mong ủng hộ cho việc giải thích lại bản hiến pháp.
Theo hiến pháp hiện hành thì

Nhật Bản chỉ có quyền đánh trả lại để tự vệ khi bị tấn công ngay trên chính lãnh thổ và lãnh hải của mình. (tiếng Nhật gọi là quyền tự vệ cá biệt – Kobetsuteki Jieiken) 

Trường hợp tàu Mỹ và tàu Nhật cùng đi tuần tiễu chung trong hải phận Nhật, gặp tàu lạ xâm phạm lãnh hải và rượt đuổi, dù tàu lạ nổ súng vào tàu Mỹ thì tàu Nhật cũng không được bắn để tiếp ứng cho tàu Mỹ, chỉ được nổ súng khi nào tàu Nhật bị tấn công.

Mỹ và Nhật là đồng minh vì cả 2 cùng ký chung Hiệp ước An Ninh Mỹ Nhật, nếu Nhật bị nước nào đó tấn công, Mỹ có quyền can thiệp bằng quân sự nhưng ngược lại thì không. Quyền này gọi là quyền tự vệ tập thể (shudanteki Jieiken).
Nói tóm lại thì Nhật có quyền tự vệ nhưng chỉ trong trường hợp cá biệt bị trực tiếp tấn công, còn quyền tự vệ tập thể thì không sử dụng được vì điều này bị bó buộc vào điều 9 của bản hiến pháp hiện hành.

Điều 9 Hiến pháp của Nhật ghi rõ:
 Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.

Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Chuyện thật là vô lý, nhưng đây là một sự thật.

Ngày 15/05/2014 vừa qua, Thủ tướng Abe đã tổ chức một buổi họp báo ở phủ Thủ tướng để trình bày rõ lý do tại sao cần phải giải thích lại điều 9 Hiến pháp.

Ông nói: bản Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản được các quan chức Hoa Kỳ biên soạn ngay sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt đã hạn chế khả năng của Nhật trong việc thực hiện quyền của mình để tự vệ hay trợ giúp một đồng minh khác khi đồng minh bị tấn công.

Cũng theo Thủ tướng Abe thì đã đến lúc không một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ hòa bình cho đất nước của mình được cả, phải hợp tác, liên kết với nhiều quốc gia khác. Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố là Hoa Kỳ đã chấm dứt vai trò cảnh sát quốc tế rồi.

Ông Abe còn nói thêm rằng hiện nay kiều dân Nhật ở khắp nơi trên thế giới có khoảng 1 triệu rưởi người, hàng năm có chừng 18 triệu người đi du lịch hay đi làm việc tại các nước, rất nhiều người trẻ Nhật đi khắp nơi làm việc thiện nguyện, nếu những người này bị kẻ lạ tấn công mà lực lượng bảo vệ hòa bình (PKO) của Nhật dù có mặt ngay tại hiện trường ngay lúc đó cũng không thể làm gì được để bảo vệ cho công dân của mình vì điều 9 Hiến pháp hiện nay không cho phép, và phải nhờ lực lượng PKO bạn cứu giúp thì quả là một điều vô lý. Hiến pháp của một quốc gia được đặt ra trên căn bản là để bảo vệ sinh mạng và tài sản cho người dân thế nhưng mà trong trường hợp này điều 9 Hiến pháp lại không cho phép Tự vệ đội Nhật làm nhiệm vụ bảo vệ thì quá mâu thuẫn. Cần phải giải thích lại điều 9 này để bảo vệ đất nước và sinh mạng của người dân chứ không phải gây chiến tranh như một số người đã lầm tưởng hoặc cố tình lầm tưởng, và ông nhấn mạnh: sẽ không có việc cử tự vệ đội ra nước ngoài chẳng hạn như A Phú Hãn, Iraq chiến đấu. Dứt khoát Nhật Bản không bao giờ muốn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào xảy ra với bất cứ lý do gì.
Thủ tướng Abe giải thích về chuyện
cần sửa đổi điều 9 Hiến pháp (15/05/2014)
Việc giải thích này đang gặp sự chống đối của đảng Công Minh vì đảng này chủ trương: không cần phải giải thích lại hiến pháp, những trường hợp thủ tướng Abe đưa ra chúng ta cũng có thể dùng quyền tự vệ cá biệt, vì người Nhật bị trực tiếp tấn công.
Từ ngày 20 tháng 5, đại diện  hai đảng đã gặp nhau để giải quyết những chướng ngại và đề ra chi tiết những trường hợp cần phải giải quyết.

Các đảng Duy Tân Hội, đảng của Người Dân thì đồng ý với chính phủ Abe về việc giải thích này, còn các đảng khác thì chúng ta phải cẩn trọng hơn hoặc không muốn nước Nhật có …. chiến tranh. không
Trong khi ông Abe đang giải thích thì ngoài Phủ Thủ tướng có nhiều người Nhật tổ chức biểu tình phản đối, nhưng không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ việc Thủ tướng Abe đem việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp ra thảo luận một cách công khai minh bạch. Trong khi Trung quốc thì chỉ trích mạnh việc Thủ tướng Abe muốn sửa điều 9 Hiến pháp đồng nghĩa với chuyện chuẩn bị chiến tranh và yêu cầu Nhật phải tôn trọng những mối quan tâm về an ninh của các quốc gia trong vùng, phải tuân thủ con đường phát triển hòa bình, phải nghiêm túc xét lại lịch sử xâm lược của mình trước đây.
Nhiều bình luận gia Nhật lên tiếng rằng kẻ đang sử dụng vũ  lực quân sự để mong thay đổi hiện trạng ở biển Hoa đông và biển Đông không ai khác hơn là chính quyền CS Trung quốc nên tất cả những gì mà Bắc Kinh nói về hòa bình, ổn định đều là giả dối, nói một đường làm một ngả.

Nhật Hàn Căng Thẳng Ngoại Giao Khiến Phố Hàn Ở Tokyo Vắng Khách


Shin Okubo thuộc quận Shinjuku ở Tokyo là nơi có nhiều người Hàn quốc cư ngụ. Mặc dù ở khu này cũng có nhiều tiệm thịt nướng (yaki niku) hay các cửa hàng thực phẩm Triều Tiên nhưng vẫn chưa được gọi là  Korean Town (Phố Hàn). Năm 2002 khi phim kịch có tựa đề Bản Tình Ca Mùa Đông do tài tử bảnh trai Bae Young Jun thủ vai chánh trình làng đã nhanh chóng lôi cuốn khán giả Nhật, đặc biệt là các phụ nữ ở tuổi xồn xồn và họ đặt cho nam tài tử này một danh từ O Sama (ông Vua hay Hoàng tử của lòng tôi). Mỗi lần nam tài tử Bae Young Jun có dịp sang Nhật là các fan sắp hàng dài dài để được tận mắt nhìn thấy mặt, nhờ vào đó mà tài tử này hốt được bộn bạc ở Nhật từ phim ảnh đến quảng cáo v.v…

Phim, nhạc Hàn quốc bắt đầu bán chạy ở Nhật nên nhiều tài tử, ca sĩ Hàn quốc lần lượt kéo sang Nhật hốt tiền. Các cửa tiệm Hàn quốc ở Shin Okubo thấy dân Nhật đã bắt đầu mê phim và nhạc Hàn quốc nên nhập đủ loại vào để bán và mỗi lần có nghệ sĩ Hàn quốc nổi tiếng nào sang Tokyo là bỏ tiền ra mời đến khu Shin Okubo làm show để kéo người Nhật đến xem, từ đó khu này đã trở thành Korean Town với nhiều đầu tư của tài phiệt Hàn quốc.

Kankoku Ryu Hyakkaten là siêu thị bán đồ tạp hóa Hàn quốc đầu tiên ở Shin Okubo mở cửa vào năm 2005, tiếp theo sau là đủ mọi cửa hàng tưng bừng khai trương, đi lang thang trên phố Hàn ở Shin Okubo có thể tình cờ gặp được các siêu sao Hàn quốc ở đó nên mỗi ngày Korean Town ở Shin Okubo càng đông người qua lại.

Kankoku Ryu Hyakkaten đang làm ăn phát đạt, đầu năm 2013 thương vụ lên đến 1,6 tỷ yen nhưng những lúc gần đây phải dán giấy đóng cửa vì ế khách. Mà cũng chẳng phải riêng gì siêu thị này, các tiệm quán khác cũng đang lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh, thử tưởng tượng một nhà hàng thịt nướng lớn với hơn 200 ghế vậy mà hiện nay mỗi ngày có chừng ba hoặc bốn chục thực khách thì không sập tiệm sao được?
Siêu thị Kankoku Ryu ở Shin Okubo
Lý do khiến siêu thị Kankoku Ryu Hyakkaten và các tiệm quán khác phải tuyên bố đóng cửa là vì tình hình ngoại giao hiện nay giữa Tokyo và Seoul đang căng thẳng, nhiều phong trào chống Nhật ở Hàn quốc bộc phát mạnh khiến người Nhật không còn muốn đến Korean Town ở Shin Okubo nữa.
Nếu cứ tình trạng hiện tại không có gì thay đổi, thì khu phố này chắc sẽ tiêu điều lắm.
Ai dám bảo rằng kinh tế không liên can gì đến chính trị.


Thủ Tướng Abe bị hạch hỏi vì Đứng Đầu Về Việc Công Du Nước Ngoài


Mỗi năm vào tuần Golden Week (tuần lễ Vàng), Thủ tướng, Bộ trưởng hay các chính trị gia Nhật thường đi công du nước ngoài vì khoảng thời gian này không có họp hành gì cả.
Từ ngày lên làm Thủ tướng Nhật lần thứ hai (26/12/2012) cho đến tháng 5/2014, ông Abe đã đi công du nước ngoài đến 19 lần, nếu đem chia cho số ngày làm Thủ tướng thì trung bình mỗi tháng ông Abe đi công du 1,16 nước, đứng đầu danh sách Thủ tướng có số lần đi công du nước ngoài. Một Thủ tướng Nhật mà đi công du nhiều nói lên một điều là tình hình chính trường đang ổn định. Nếu cộng thêm số lần công du vào thời làm Thủ tướng Nhật lần đầu thì số lần công du nước ngoài của ông Abe là 27. Cựu Thủ tướng Koizumi là 51 lần, nhưng ông Koizumi làm Thủ tướng lâu đến 5 năm 5 tháng nên nếu chia theo số ngày thì vẫn thua xa ông Abe.
Thủ tướng Abe cùng phu nhân
công du Âu châu (05/2014)
Vì đi quá nhiều như thế nên nữ dân biểu Suzuki Takako thuộc đảng đối lập Shinto Daichi trong phiên họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện mới đây đã đặt câu hỏi: mỗi chuyến công du của Thủ tướng tốn bao nhiêu ngân sách quốc gia?. Ông Suga, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên chính phủ Nhật trả lời rằng tốn nhiều hay tốn ít tùy theo từng chuyến công du, chẳng hạn như vào tháng 1 năm 2013, chuyến công du của Thủ tướng Abe sang ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonesia tốn 27 triệu yen, chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 2/2013 là 37 triệu yen, tháng 3/2013 đi thăm Mông Cổ tốn 6 triệu yen. Ngoài ra còn phải tốn tiền xăng máy bay từ 53  yen triệu đến 88 triệu yen tùy theo bay xa hay bay gần. Tóm lại trung bình mỗi chuyến công du của Thủ tướng ngân sách phải chi 100 triệu yen.

Nữ dân biểu Suzuki hỏi tiếp, ngân sách có đủ tiền để chi như vậy hay không?, ông Suga trả lời rằng vì ngân sách nên có cái giới hạn của nó. Lấy niên khóa  ngân sách năm 2013 

(01/04/2013 đến 31/03/2014) ra để trình bày cho dễ hiểu. Tháng 1 năm 2014, Thủ tướng Abe sang công du Phi châu, sau đó sang Davos (Thụy Sĩ) tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rồi bay đến Sochi tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông. Ba chuyến công du này không có dự tính trong ngân sách năm 2013 nên phải liên lạc với bộ Tài chánh để yêu cầu thay vì chuyển số tiền chi phí về bưu chính viễn thông cho các cơ sở ngoại giao Nhật ở nước ngoài thì chuyển cho Phủ Thủ tướng để đắp vào chi phí cho 3 chuyến công du đó.

Bà Suzuki nhấn tiếp câu hỏi là tôi muốn biét ngân sách chi cho các chuyến công du của Thủ tướng Abe năm 2014 như thế nào? Đến đây thì Bộ trưởng Ngoại giao ra trả lời câu hỏi đó như sau: Ngân sách chi cho các chuyến công du của Thủ tướng năm 2014 đã được tăng từ 884 triệu yen lên thành 958 triệu yen. Với ngân sách đó thì chi được cho 10 chuyến công du, nhưng nếu Thủ tướng đi nhiều như mức độ vừa rồi thì chúng tôi cũng không biết tính sao, đây là điều làm chúng tôi nhức đầu.
Nhìn người mà nghĩ đến mình, điều gì cũng phải bạch hóa cho dân chúng biết, trong khi Quốc hội Cộng sản Việt Nam thì chỉ hỏi cho có hỏi và trả lời cho qua chuyện, thấy mà phát chán.


Nhật Cố Gắng Duy Trì Nhân Số 100 Triệu Người Vào Năm 2060


Sau thế chiến (1945), dân số Nhật Bản đã có đến 72 triệu người, con số này ngày càng tăng, nhưng tăng rất chậm. Năm 2004 đạt được con số cao nhất là 127 triệu 757 ngàn người rồi từ đó bắt đầu đi xuống và hiện tại (cuối năm 2013) nhân số Nhật là 127 triệu 140 ngàn người, giảm 617 ngàn người so với 9 năm trước. Lý do tại sao giảm thì ai cũng biết, nhưng tìm cách ngăn chận lại là chuyện khó vì phụ nữ Nhật hiện nay lập gia đình trễ và không muốn sinh con, theo số thống kê của bộ Y tế-Lao động-Xã hội Nhật thì hiện nay trung bình 100 phụ nữ Nhật sinh được 141 đứa con. Theo tính toán của các nhà thống kê thì với cái đà này thì vào năm 2060 nhân số Nhật chỉ còn 87 triệu người. Để ngăn chận việc nhân số giảm mạnh như thế, ngày 13 tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật đã lên tiếng báo động và đưa ra nhiều đề án giải quyết để làm sao vào năm 2060 nhân số nếu có giảm cũng phải còn 100 triệu người. Để cho người phụ nữ sinh con mà không cảm thấy khó khăn trong cuộc sống hàng ngày thì chính phủ phải tạo điều kiện dễ dàng gấp đôi như hiện nay, chẳng hạn như cho thêm ngày nghỉ trước và sau thời kỳ sinh đẽ, trợ cấp nhi đồng…và cũng có thêm cách là cho những người ngoại quốc sinh ra và lớn lên tại Nhật vào quốc tịch dễ dàng hơn, hoặc cho phép những người ngoại quốc ưu tú di dân đến Nhật…
Tưởng cũng nên nhắc lại là sau khi Nhật Bản được đăng cai tổ chức Olympic Tokyo 2020, Thủ tướng Abe đã phát biểu rằng để chuẩn bị cho kịp Olympic thì Nhật phải nhận thêm nhiều lao động từ các quốc gia Đông Nam Á sang làm việc. Lời phát biểu đó cho thấy Nhật đang thiếu lao động, nhưng không muốn nhận người Trung quốc.

Tổng Liên Hội Triều Tiên Tại Nhật Phải Giao Trụ Sở Trung Ương Cho Công Ty Marunaka


Vì Tổng Liên Hội Triều Tiên tại Nhật thiếu nợ các ngân hàng đến 6,27 tỷ yen mà không có tiền trả nên các chủ nợ đã làm đơn yêu cầu tòa án sơ thẩm Tokyo tịch thu trụ sở Trung ương của Tổng liên hội này để bán đáu giá.
Trụ sở Trung ương Tổng liên hội Triều Tiên tại Nhật
Trong cuộc bán đấu giá đầu tiên diễn ra vào tháng 3 năm 2013, nhà sư Ikeguchi (một người có mối thâm giao với Bắc Hàn) trụ trì chùa Saifuku ở Kagoshima mua được với giá 4,519 tỷ yen. Sau khi đấu giá được vị sư này tuyên bố sẽ cho Tổng liên hội Triều Tiên tại Nhật thuê sử dụng mà không lấy tiền, thế nhưng đến kỳ hạn đóng tiền để lấy tòa nhà thì sư Ikeguchi không tìm đâu ra đủ số nên coi như mất tư cách được mua và coi như mất toi 500 triệu yen tiền đặt cọc theo điều kiện mua đấu thầu của tòa án sơ thẩm Tokyo đưa ra trong cuộc bán đấu giá này.
Tháng 10/2013, tòa án mở cuộc bán đấu giá lần thư hai, lần này thì về tay một công ty Avar Limited Liability của Mông Cổ với giá 5,01 tỷ yen.Khi làm thủ tục đóng tiền thì nhiều giấy tờ của công ty này không hợp lệ (thiếu khuôn dấu chứng nhận của các cơ quan công quyền Mông Cổ), nhiều con số chi thu trong hồ sơ bất nhất…nên tòa án sơ thẩm Tokyo đã bác bỏ quyền được mua của công ty Mông Cổ này, nhưng công ty Avar Limited Liability không bị mất 500 triệu yen tiền đặt cọc như nhà sư Ikeguchi.

Ngày 20/03/2014, tòa án tổ chức bán đấu giá lần thứ ba, lần này thì lọt vào tay công ty Marunaka (buôn bán bất động sản & kinh doanh hệ thống siêu thị đặt bản doanh tại Takamatsu thuộc tỉnh Kagawa ở Shikoku ) với giá 2,21 tỷ yen, nghĩa là rẻ hơn 2,8 tỷ so với giá mà công ty Mông Cổ trả.

Hội Triều Tiên tại Nhật bất phục cuộc bán đấu giá này nên đã làm đơn kháng cáo. Trong thời gian chờ đợi tòa án phúc thẩm Tokyo phán xét, ông Tống Nhật Hạo (Trưởng phái đoàn đàm phán với Nhật về những vụ bắt cóc người Nhật trước đây) đã họp báo nói rằng:  Trụ sở Trung ương đó là cứ điểm sinh hoạt của người Triều Tiên tại Nhật nên không thể tịch thu để đem bán đấu giá, phía Nhật nên tìm cách vô hiệu hóa cuộc bán đấu giá trụ sở Trung ương này, đừng có máy móc giải quyết theo luật pháp mà phải hiểu rằng đây là điều căn bản nếu muốn phát triển sự quan hệ giữa 2 nước, còn không thì chuyện quan hệ đôi bên đâu cần thiết nữa.

Các quan chức những nước cộng sản không biết hoặc cố tình không cần biết tam quyền phân lập tại các quốc gia tự do dân chủ rất cao, bởi vậy những áp
lực kiểu này chẳng bao giờ có kết quả vì phía Hành chánh (chính phủ) không có quyền thay đổi phán quyết của Tư pháp (tòa án).
Ngày 12/05/2014 vừa qua, tòa án tối cao Tokyo đã bác đơn kháng cáo của Tổng liên hội Triều Tiên tại Nhật.
Toà án sơ thẩm Tokyo thông báo ngay cho công ty Marunaka đem tiền đến nộp để nhận chìa khóa, coi như vụ bán đấu giá này đã chấm dứt/

Nhà Máy Điện Hạt Nhân Kashiwazaki Kariwa Chưa Được Phép Tái Hoạt Động


Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa ở tỉnh Niigata có tất cả 7 lò phản ứng, hàng năm sản xuất khoảng 8 triệu 212 ngàn kilo watt. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Nhật Bản và năm 1997 trở thành số một của thế giới khi qua mặt được nhà máy điện hạt nhân Bruce ở Canada.

Năm 2007 do trận động đất lớn ở Niigata, nhà máy điện này phải cho ngưng 3 lò phản ứng. Tháng 3 năm 2012, các lò phản ứng còn lại phải ngưng để kiểm tra và cho đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại vì sau khi tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra vào năm 2011, quy chế điện hạt nhân ở Nhật đã thay đổi theo chiều hướng nghiêm khắc hơn đặt dưới quyền điều hành của Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản, đây là một Ủy ban độc lập, không trực thuộc chính phủ.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa (Nigata)
Cũng như các tổng công ty điện lực khác, tháng 9 năm 2013, tổng công ty điện lực Tokyo đã nạp đơn xin phép cho nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa ở tỉnh Niigata hoạt động trở lại vào tháng 7 năm 2014 với lý do đã kiểm tra kỹ càng tất cả các lò phản ứng và không thấy có vấn đề gì cả.
Ngày 16/05/2014, Uỷ ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản họp báo cho hay hiện nay Ủy ban đang ưu tiên điều tra hai lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Takahama tại tỉnh Fukui thuộc tổng công ty điện lực Kansai nên không đủ thì giờ gởi chuyên gia đến điều tra sự cấu tạo mặt đất nơi nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa tọa lạc, hơn nữa cư dân ở đó đang phản đối việc nhà máy điện hạt nhân này tái khởi động.
Cuộc họp báo của Ủy ban này cho thấy nhà máy điện hạt nhân Takahama có thể sẽ được hoạt động trở lại nên các tổ chức phản đối điện hạt nhân lên chương trình kêu gọi người dân Nhật biểu tình.

Ngày 17/05/2014,tại Nagoya,  cựu Thủ tướng Kan Naoto đã lên tiếng kêu gọi mọi người chống điện hạt nhân đến cùng vì nó rất là nguy hiểm, khi gặp tai nạn thì khó mà biết thiệt hại lên đến cỡ nào. Cựu Thủ tướng Kan cho biết  trước đây ông là một trong những người muốn đẩy mạnh chương trình điện hạt nhân, nhưng qua tai nạn nhà máy điện Fukushima khiến ông đã có suy nghĩ khác hẳn. Ông Kan còn tố: Thủ tướng Abe đã nói dối trước Ủy ban Olympic Thế giới là Nhật Bản đã khắc phục được nhà máy điện hạt nhân Fukushima, vì cho đến nay, tình trạng rò rỉ nước nhiễm phóng xạ trong các bồn chứa vẫn tiếp diễn.
Trước đó mấy ngày hai cựu Thủ tướng Koizumi và Hosokawa tổ chức họp báo tại Tokyo để ra mắt Ủy ban Xúc tiến sử dụng năng lượng thiên nhiên. Ngoài chuyện trình bày về những nguy hiểm của điện hạt nhân, hai vị  cựu Thủ tướng này còn nói rằng Ủy ban sẽ ủng hộ cho ứng viên nào chống điện hạt nhân vào cuộc bầu cử Tri sự (Tỉnh trưởng) Fukushima vào tháng 11 năm nay. Cựu Thủ tướng Hosokawa vừa cười vừa nói chủ trương chống điện hạt nhân của tôi trong cuộc bầu cử Đô trưởng vào tháng 2 vừa rồi không được cử tri quan tâm đúng mức, coi như thua một trận, nhưng con đường mà xã hội Nhật tiến đến điện hạt nhân zero  vẫn thuận buồm xuôi gió

Cựu Thủ tướng Koizumi thì nói rằng tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima là một bài học không chỉ riêng gì cho Nhật mà cho cả thế giới thế nhưng Thủ tướng Abe không chịu học hỏi mà cứ muốn điện hạt nhân. Đã hơn hai năm rồi Nhật Bản không có điện hạt nhân cũng đâu sao, kinh tế vẫn phát triển đấy mà, tại sao không đẩy mạnh việc khai thác các nguồn năng lượng thiên nhiên khác, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, sức gió…, 

Nói qua cũng phải nói lại, chính phủ của ông Abe không phải là không biết những yếu tố nguy hiểm của điện hạt nhân, nhưng nếu xét về mặt tổng thể, chính phú Abe đã phải chọn một quyết định khó khăn nhất: chủ trương duy trì điện hạt nhân vì sự “an nguy” của nền kinh tế Nhật Bản.

Chắc chắn dân Nhật sẽ vẫn chống điện hạt nhân dài dài, nhưng bao giờ đạt được “mục tiêu” thì lại là chuyện khác.






 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors