Điều Rất May Của Bên Bại Cuộc
Tôi bỏ ra nhiều thập niên để nghiên cứu về Vũ Trụ Học, Thiên Văn Học, Đại Dương Học, Địa Chất Học, và Nhân Chủng Học. Sau khi đã hoàn toàn thông thiên văn/ đạt địa lý, và hiểu thấu (hết trơn hết trọi) mọi lẽ cơ trời huyền diệu – cuối đời – thấy mình vẫn còn rảnh rỗi quá xá nên bèn tìm hiểu thêm (chút đỉnh) về tiểu sử của những vị lãnh tụ được sùng bái (nhất) trong khối cộng: Stalin, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Hồ Chí Minh.
Cả năm đều có một điểm này chung: khi họ chuyển qua từ trần thì dân chúng đều khóc lóc quả trời, quá đất – đến nỗi có nơi bị lụt lội, thiệt hại đến mùa màng vì dư … nước mắt!
Họ còn có một điểm chung nữa: không ai mang dép khi tiếp xúc với quần chúng, trừ ông Hồ Chí Minh. Cuộc đời của nhân vật huyền thoại này gắn liền với đôi dép như hình với bóng, ông lê la dép khắp mọi nơi – kể cả khi đi công du ở nước ngoài:
Khi Bác tới thăm 1 ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ thì có một chuyện lạ xảy ra. Lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác.Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng. Sau đó họ vội vàng ghi chép lại những gì mình vừa thấy. Từ những góc độ, cự ly khác nhau, các phóng viên thi nhau bấm máy, họ chen nhau để có được những vị trí thuận lợi.Rồi tiếp theo đó là cảnh đám đông dân chúng kéo đến từ các ngả, ùa vào để được ngắm nghía đôi dép. Đó chỉ là một cảnh tượng tự hào và cảm động mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác trong rất nhiều nơi Bác tới thăm. (“Trăm phóng viên nước ngoài vây kín đôi dép của Bác” – Tin Ngắn, 19/05/2013).
Cảnh tượng “tự hào và cảm động mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác” ở New Delhi, thực ra, chả là cái (đinh) gì nếu so với lòng sùng kính của đồng bào trong nước – nhất là đối với những người ở vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng:
“Không dối lòng đâu, mỗi lần đi “dép Bác Hồ” là thấy bụng không nghĩ điều trái, chân không đi hai đường. Chẳng riêng mình, cả làng này ai cũng vậy. Chiến tranh khỏi nói, hòa bình rồi có biết bao chuyện khó… Bông Rẫy hồi chiến tranh chỉ có 50 hộ, bây giờ đã lớn lên gần 120 hộ mà không còn ai đói, chỉ còn 10 hộ nghèo. Ai cũng có xe máy, hơn một nửa đã làm được nhà xây. Không ai nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép… Không nhờ phép lạ “dép Bác Hồ” sao được thế? Có “dép Bác Hồ” là thắng tất!Đinh Ngút cất lên một tràng cười sảng khoái. Ông nâng niu đôi dép mòn vẹt trên tay nói tiếp:- Bông Rẫy bây giờ hãy còn gần hai chục người giữ được “dép Bác Hồ” năm sáu chín như mình. Năm ngoái huyện đội vào xin mấy đôi, nói để làm bảo tàng, dân làng mới cho. Phải để giáo dục bọn trẻ chứ. Mất “dép Bác Hồ” là giẫm phải vết chân kẻ xấu đấy. Mừng là lũ thanh niên bây giờ rất biết nghe lời người già. Chúng nó cũng học theo đi “dép Bác Hồ”. Nhất trí với nhau: Ngày thường không nói, có ngày lễ là phải đi “dép Bác Hồ”. Hôm học tập đạo đức, tư tưởng Bác mới đây, già trẻ ai cũng lấy “dép Bác Hồ” ra mang, y như là chuẩn bị lên đường hồi chiến tranh vậy…(Lê Quang Hồi. “Làng Bông Rẫy Mang Dép Bác Hồ.” Quân đội Nhân dân 1-6-2009).
Đôi dép lốp của Bác, rõ ràng, không chỉ đã đi vào trái tim toàn thể nhân loại mà còn đi vào vũ trụ và (sẵn trớn) đi luôn vào lịch sử văn học nghệ thuật, và danh nhân của dân tộc Việt:
“… vào năm 1970, một năm sau ngày Bác đi xa, nhà thơ Nam Yên đã viết một bài thơ lời lẽ dung dị nhưng rất mực thắm thiết, gợi lên cảm xúc thương mến Bác vô bờ. Bài thơ được nhạc sĩ Vân An phổ nhạc:“Dép Bác, đôi dép cao su
Bác đi từ ở chiến khu Bác về
Phố phường trận địa
Nhà máy đồng quê
Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi,
Dép này, Bác trải đường dài
Dép này, Bác mở tương lai nước nhà
Đường đi chiến đấu gần xa
Dấu dép cha già dẫn lối con đi.”Bác Hồ là biểu trưng của tất cả những gì dung dị, mang một bản sắc dân tộc Việt Nam nhuần nhị, sâu xa nhất. Ngay cả quần áo, đồ dùng tiện nghi của Bác cũng đơn sơ, mộc mạc trong đó đôi dép của Bác trở thành một hình tượng thân quen, thắm thiết đối với chúng ta… (Trung Đức. “Đôi Dép Bác Hồ Đôi Dép Cao Su.” vietnamngayve 23-03-2013).
Hai chữ “chúng ta” trong câu văn thượng dẫn, tiếc thay, không bao gồm cái đám dân miền Nam – nơi vùng địch tạm chiếm. Ở đây, trong suốt chiều dài của cuộc chiến vừa qua không ai được mang dép như Bác, và người dân cũng thiếu vắng hình ảnh của của lãnh tụ kính yêu (cỡ Bác) để tôn thờ. Và có lẽ vì thế nên có người đã sinh ra lòng đố kỵ, ghanh tị, rồi thốt ra những lời lẽ xúc phạm đến Bác một cách rất nặng nề:
Nhưng người Hà Nội đến lạ! Họ biết Xã Hội Chủ Nghĩa là cái bánh vẽ cực kỳ thối tha mà cứ hớn hở ngồi vào lột lá bóc ăn và xơn xớt khen ngon khen ngọt đến nỗi người ngoài nhìn vào phát thèm. Họ biết Hồ Chí Minh gian manh xảo trá mà cứ ngoác miệng ngợi ca lúc ông ta còn sống và khóc khô nước mắt khi ông chết. (Vũ Biện Điền. Phiên Bản Tình Yêu, Volume II. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2012).
Nói thư thế là “vơ đũa cả nắm.” Ở đâu mà không có kẻ này, kẻ nọ. Ở Hà Nội, cũng có người ngắm đôi dép bác Hồ với đôi mắt ráo hoảnh:
“Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nded. Fall Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2008).
Ồ thì ra Bác dùng dép để chưng! Thảo nào mà đôi dép râu đã được toàn ban Tuyên Giáo Trung Ương cầy cục, bằng mọi cách, để đặt nó lên …bàn thờ tổ quốc cho bằng được mới thôi!
Và thế mới biết là cái khái niệm “chính chủ” của (đương kim) Bộ Trưởng Đinh La Thăng không phải là hoàn toàn vô lý hay vô cớ. Cùng là đôi dép cao xu, sản xuất hàng loạt, nhìn thô kệch y hệt như nhau mà Bác thì xử dụng nó như là vật trang sức cho cuộc đời hoạt động chính trị của mình, và cũng phần nào nhờ nó mà sự nghiệp cách mạng của Bác có lúc đã lên đến “đỉnh cao chói lọi,” còn đám thường dân (dấm dớ) mà buộc phải xỏ chân vào là đời kể như khốn nạn – nếu không bỏ mạng thì cũng bỏ mẹ như chơi. Coi nè:
Hình ảnh này nếu dùng để minh hoạ cho bài thơ “Vay Tuổi” của Phùng Cung là (kể như) hết xẩy:
Con vừa mười sáu tuổi đời
Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh
Đèn con tiễn đến cổng đình
Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao
Khe Sanh – Dốc miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ…
Dù cũng sinh ra trong thời chinh chiến nhưng vì sống bên này vỹ tuyến nên tôi may mắn hơn những người cùng tuổi với mình. Trong khi họ chân đi dép râu, vai đeo ba lô, tay ôm súng đạn vượt Trường Sơn thì tôi vẫn được ngồi yên lành ở trường trung học công lập Trần Hưng Đạo – Đà Lạt.
Dù vậy, rất ít khi tôi chịu ngồi yên trong lớp. Một tuần, ít nhất cũng có đến hai ba hôm tôi bỏ học. Tôi ra ngồi cà phê Tùng (Đà Lạt) để tập uống cà phê đen, hút thuốc lá Basto Xanh, nghe nhạc Beatles hay đọc Im Lặng Hố Thẳm và Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thịện – nếu vào buổi sáng.
Chiều, tôi đi lang thang quanh đồi Cù rồi ngồi dựa gốc thông hát nhạc vàng (Thu Vàng, Chiều Vàng) nho nhỏ chỉ đủ chính mình nghe:
- Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương- Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng.
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời
Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
Mãi cho đến sau Mùa Hè Đỏ Lửa, khi đã hai mươi tuổi, tôi mới nhận được giấy mời của Nha Động Viên đi trình diện nhập ngũ “để sát cánh cùng quân dân cán chính chống cộng sản xâm lược.”
- Ý Trời, cộng sản xâm lược hồi nào vậy cà?
- Sao hồi giờ không nghe ai nói gì hết trơn hết trọi về cái vụ này há?
- Mà họ xâm lược làm chi mới được chớ? Why and for what?
Đến khi tôi tìm ra được giải đáp cho những câu hỏi trên thì mọi sự đã trở nên quá muộn, tôi đã trở thành một kẻ thuộc bên thua cuộc. Dù sao (nói có thánh thần làm chứng) tôi vẫn cảm ơn Trời là đã may mắn không sinh ra và lớn lên … ở Bên Thắng Cuộc, cái bên mà vô số thiếu niên hay thiếu nữ phải đi dép râu để cùng với Bác hành quân rồi trở thành “những đoá hoa bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc” hay tù binh trên đường Trường Sơn. Hiếm hoạ mới có người vào đến được Sài Gòn để rồi trở về với con búp bê, hay cái khung xe đạp trên vai!
Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh. Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại. Nhưng ở bên bại cuộc (chắc) đỡ bại hơn, chút xíu!
Tưởng Năng Tiến