Chuyện xứ Phù Tang
Trần Thái Huy

Sau một thời gian dài “đánh nhau” với các “đổi thay bất thường” của bản thân, của trời đất, mãi hôm nay Chuyện Xứ Phù Tang mới trở lại, và bài viết này cũng được viết bằng tâm tình giống như 4 năm về trước lúc “Chuyện Xứ Phù Tang” chưa “bị” những “bất thường đổi thay” chi phối. Chỉ khác một điều duy nhất là…. bất định kỳ chứ không phải định kỳ vì “chả ai biết trước ngày sau sẽ ra sao”. Xin ngàn lần thông cảm và bắt đầu từ những câu chuyện vừa qua và đã qua

Những câu chuyện vừa qua

Núi Phú Sĩ
Trong phiên họp vào ngày 22 tháng 6 tại Nam Vang, Cam Bốt, Ủy Ban Di Sản Thế Giới của Cơ Quan Giáo Dục Khoa Học Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã chính thức công nhận Núi Phú Sĩ (thuộc 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka) là di sản văn hóa của thế giới. Đây là di sản thứ 17 của Nhật Bản được công nhận và là di sản thiên nhiên thứ 13.
Thắng cảnh Mihonomatsubara
 Ngoài ra, thắng cảnh có trồng nhiều thông Mihono Matsubara (thuộc tỉnh Shizuoka cách xa núi Phú Sĩ 45km) cũng được 19 nước hiện diện công nhận là 1 phần của di tích văn hóa núi Fuji dù trước đó đã bị ICOMOS (国際記念物遺跡会議Hội đồng quốc tế tư vấn về di sản của Unesco) khuyến cáo nên “đưa” thắng cảnh này ra ngoài danh sách vì Mihono Matsubara cách Phú sĩ 45 cây số, không thể coi là một phần của núi Phú Sĩ.

Năm 2003, Nhật Bản đã một lần nộp đơn xin UNESCO công nhận, nhưng “rớt đài” vì: Phú sĩ lúc đó trông không… có vẻ gì là thiên nhiên chút nào cả vì rác quá nhiều. Phải chờ cả 10 năm, mới thấy được…….

Niềm vui
3 giờ chiều ngày 22/6, khi được thông báo chính thức bằng điện thoại đến văn phòng tỉnh trưởng 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka, hình như đã đợi sẵn, người dân ở gần đó đều tràn ra đường đồng loạt la to: “Vạn tuế Phú Sĩ Sơn”, các biểu ngữ từ trên nóc các cơ quan hành chánh được thả từ trên xuống dưới: “Phú Sĩ là niềm vinh dự của tỉnh ta”. Bong bóng bay rợp trời chào mừng ngày hội lớn, các quán nhậu hạ giá chia vui với ngày lịch sử, các hàng quán xung quanh với những sản phẩm như đồ kỷ niệm, bánh trái có hình thù núi Phú Sĩ bán chạy như tôm tươi, vì chỉ có ngày đó (22/6) là có sản phẩm này. Đoàn người “lữ thứ” đang trên đường đến đỉnh cũng dừng lại, ôm nhau, tay bắt mặt mừng, hể hả cụng ly. Đúng là một ngày thật vui và đáng nhớ cho người dân 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka, nhưng….

Lo nhiều
Vui thì vui thiệt, nhưng chỉ 30% còn lo tới … 70%. Một viên chức đã phát biểu như thế, vì bên cạnh nỗi vui mừng, các giới chức liên quan cũng đã phải thú nhận những “nan đề” sắp phải đối phó.Vì khi đã được công nhận rồi thì phải tuân thủ theo một số điều kiện của UNESCO đưa ra, như đối sách an toàn cho người leo núi, làm thế nào để bảo tồn tốt đẹp vì di sản không chỉ là của riêng “chúng mình” mà còn là của “chúng ta” nữa. Để giải quyết, sở Bảo tồn Di tích-Văn hóa Nhật đã yêu cầu các tổ chức Tự trị ở xung quanh núi Phú Sĩ phải mau chóng “lên khung” các kế hoạch dựa theo lời yêu cầu của UNESCO. Ba nan đề đã được đặt ra:
Thứ nhất: lấy tiền đâu để bảo tồn và giảm thiểu tối đa sự soi mòn một cách tự nhiên đối với di sản trước việc số người leo núi càng ngày càng tăng?
Thứ hai: làm thế nào để giữ an toàn (tai nạn, hỏa hoạn….) cho người leo núi. Nhiều du khách ngoại quốc nhất là những loại Tây-Mỹ ba lô bất cần đời, khi leo núi chỉ “chơi” một T shirt, một “cặp dép râu” trong lúc nhiệt độ ở trạm số 5 ban đêm khoảng 10-15 độ C, trên đỉnh khoảng 0-5 độ C.
Thứ ba là: Với một số lượng người leo núi càng càng tăng thì “những chỗ dừng chân” như chỗ trọ, nhà vệ sinh, những bãi xử lý rác phải xây thêm và xây bao nhiêu thì đủ.
Theo con số mà bộ Môi trường Nhật đưa ra thì năm 2012 có khoảng 318.000 và năm nay sau khi được công nhận chắc chắn số người leo núi Phú Sĩ sẽ tăng lên khoảng 30%. Quyết định phải thu lệ phí đã được đặt ra là để vừa có tiền bảo tồn di sản vừa.... giảm thiểu được số người leo núi, nhưng thu phí bao nhiêu là chuyện mà các hội Tự trị và cả chính phủ Nhật đang bàn thảo. Dựa theo tình hình thực tế, lấy con số người leo núi Phú Sĩ năm 2012 làm tiêu chuẩn, các chuyên gia ngành thống kê ước tính là nếu thu 500 yen thì số người leo núi sẽ giảm 2%, thu 1000 yen sẽ giảm 5%. Muốn số người leo núi Phú Sĩ giảm 90% thì phải thu 10.000 yen. Hiện nay thì con số được coi là “trung dung” là 7000 Yen, vừa tạm thỏa mãn 2 mặt: bảo trì, duy trì đủ số người leo núi trong vòng kiểm soát được. Trong một chiến dịch gọi là “để thăm dò phản ứng” việc thâu tiền, thì từ gần cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tiền leo núi sẽ là 1000 yen nhưng đóng cũng được, không đóng cũng chả sao.
Lo thì lo thế, nhưng cuối cùng thì đâu cũng phải vào đó vì mọi người đều đã thấy rõ những gì phải đối phó, khoảng cách từ lúc “thấy được” cho đến “phương cách giải quyết” của người Nhật sẽ chỉ là một đoạn đường…. ngắn ngủi dù có chút…. chông gai.
Bà con nào chưa có hoặc đang có ý định ngắm nhìn cảnh mặt trời lúc đẹp nhất trên đỉnh Phú Sĩ Sơn, và muốn… tiết kiệm tiền hãy mau chóng tính chuyện …. leo núi vì năm nay còn miễn phí chứ từ năm tới trở đi là phải “tiền trao cháo múc”. Thời buổi này, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng trước khi lên đường thì xin nhớ một điều là ... phải ăn cho đủ no, mặc cho đủ ấm, nếu không thì
đi không rồi sẽ trở về không”
mà lại trở về
trên chiếc băng ca, sơn màu.... tang trắng”

Những chuyện đã qua
Những câu nói làm… mất lòng người của đô trưởng Tokyo
Sau lần thất bại xin đăng cai vào năm 2012, lúc còn ông “diều hâu” Ishihara Shintaro là đô trưởng, Tokyo dưới trướng của đô trưởng mới Inosei Naoki nhất quyết sẽ thực hiện cho bằng được ý nguyện: Olympic mùa hè phải được tổ chức tại Tokyo vào năm 2020.
Có tất cả 12 thành phố nạp đơn xin tổ chức Olympic mùa hè năm 2020, Sau hai lần tuyển chọn chỉ còn lại ba thành phố có điểm cao nhất được vào vòng chung kết đó là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Madrid (Tây Ban Nha) và Tokyo (Nhật Bản). Ngày 7 tháng 9 tới đây, Ủy ban Olympic Thế giới sẽ nhóm họp tại thủ dô Buenos Aires (Argentina) để quyết định nước nào được đăng cai.
Cả 3 ứng viên này đang chạy nước rút bằng những quảng cáo có lợi cho mình. Madrid là một đối thủ tuy nặng ký, nhưng Tokyo lại nghĩ rằng Istanbul mới là kỳ phùng địch thủ vì Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thuộc khối Hồi giáo, nằm giữa hai lục địa Âu-Á, chưa lần nào có dịp đăng cai. Gọi là vận động nước rút, nhưng phải đúng theo luật lệ quy định của Ủy ban Olympic Thế giới, tránh không được chỉ trích đối phương.
Thế nhưng không hiểu tại sao trước câu hỏi: ông nghĩ gì về thành phố Istanbul của ký giả tờ New York Times thì ông Inose trả lời một câu được coi là dở tàn dở tệ: đó là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo. Các nước Hồi giáo có chung một Đấng Tạo Hóa là Thần Allah, nhưng không hiểu tại sao họ luôn đánh nhau và phân biệt giai cấp. Chưa hết, ở một câu hỏi khác ông Inose còn cương “sảng”: Thổ Nhĩ Kỳ tuy là quốc gia có nhiều người trẻ, nhưng nếu tuổi thọ ngắn ngủi thì đâu có ý nghĩa gì, tôi muốn người Thổ sống lâu để có cái văn hóa Trường sinh giống như Nhật Bản.
Ban vận động Olympic (ông Inose đứng giữa)
Thế là đất bằng nổi sóng, khi tờ New York Times trích lại y chang bài phỏng vấn. Biết Nhật Bản bị hố nặng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ lên tiếng chỉ trích một cách chừng mực để lấy cảm tình với Ủy ban Thế vận Thế giới. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Abe đang công du ở Á Rập Saudi đã chữa lửa bằng cách xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ: Nhật Bản đã được nhiều sự cứu giúp từ tinh thần bao dung của Hồi giáo. Và “nếu Thổ Nhĩ Kỳ được chọn là nơi đăng cai thế vận, tôi sẽ là một trong người đầu tiên chia sẻ niềm vui lớn lao này.
Trở lại chuyện ông Inose, một người nổi tiếng về cái mồm độc địa luôn gây khó khăn cho người đối diện, biết mình bị “hố” đã họp báo xin rút lại lời phát biểu và chính thức xin lỗi chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Cờ Olympic lên tới đỉnh Everest 

Tình hình đã có vẻ lắng dịu, theo tin hành lang thì Tokyo đang chiếm ưu thế, chắc chắn là không phải do mồm ông “đã bớt độc” mà do nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự hiện diện của nhiều nhân vật tiếng tăm, nhất là có cô cựu xướng ngôn viên xinh đẹp Christel Takigawa nói 2 thứ tiếng Anh và Pháp hơn…. gió.
Biết thân biết phận, sau này cách ăn nói của ông đã…. dịu dàng hơn trước. Mong ông sẽ giữ được mãi mãi ít ra cho đến lúc đăng cai nhé.
Vì thế nói “đúng” nhưng “nghịch nhĩ” thì cũng khó sống lắm đó ông.

Những câu nói… làm người tức giận của Thị Trưởng Osaka
Thêm chú thích
Sau một thời gian dư luận tạm quên về những lăng nhăng tình ái, đất bằng lại dậy sóng khi tuổi trẻ tài cao Hashimoto Toru (43 tuổi), thị trưởng Osaka phun ra những “nhận định” nghe thật “lạnh người” vào hôm thứ hai 13/5.
Liên quan đến vấn đề “gái giải khuây” mà tiếng Nhật gọi là (慰安婦Ianfu) vào thế chiến thứ hai ông này nói: “Trong tình huống mà đạn bay như mưa, người lính có thể mất mạng bất cứ khi nào. Nếu muốn họ được chút thanh thản để tiếp tục chiến đấu thì hệ thống “gái giải khuây” là một điều cần thiết. Đó là điều ai cũng biết không cần tranh cãi”. Ông này nói thêm: “Mặc dù phải chịu trách nhiệm cho những hành động trong quá khứ do mình gây ra nhưng Nhật Bản không phải là nước duy nhất sử dụng hệ thống này, ngay cả quân đội Mỹ cũng đã dùng phụ nữ địa phương để giải khuây mà. Vì thế chỉ chỉ trích Nhật không thôi là điều không công bình,”
Chưa hết, trong chuyến thăm viếng Okinawa vào đầu tháng 5, khi gặp tự lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở đây, ông còn vấn kế: “Nên mở thêm những “ふうぞく業 (công việc giải trí)” cho lực lượng lính Mỹ ở đây”. Thế là đất trời nổi cơn gió bụi.
Hashimoto tuổi trẻ tài cao - hiếu thắng này bị dập tơi dập tả từ trong nước ra đến ngoài nước.
Ngày 16/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, đã nặng nề: “Nhận xét của Thị Trưởng Hashimoto mang tính khiêu khích và không thể chấp nhận. Những gì xảy ra cho các phụ nữ này vào thời ấy thật đáng ghê tởm và rõ ràng là vi phạm hết sức nghiêm trọng đến nhân quyền nhân phẩm của họ.” Đây là lần đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức “dũa” một chính trị gia không liên hệ gì với chính quyền hiện tại.
Một chuyến công du mang tính cách giao lưu với Hoa Kỳ dự định 1 tháng sau đó bị yêu cầu đình chỉ.
Vài ngày sau đó, trên trang mạng xã hội Twitter hay tại những cuộc họp báo, với cái miệng dẻo như kẹo kéo, một mặt thì xin lỗi về những phát biểu đã gây sự hiểu lầm và nhận là không thích hợp, một mặt thì cố “diễn giải” nào là: "tôi không bao giờ chấp nhận việc “gái giải khuây”, tôi xin rõ là: thời điểm đó những người chỉ huy thấy là cần thiết chứ không phải tôi chủ trương là cần thiết chế độ gái giải khuây” hoặc “công việc giải trí” (風俗業 fuzokugyou) chỉ có nghĩa là những dịch vụ đấm bóp, pachinko, game v.v… để thư dãn, nhưng người Mỹ thì cho ngay là “gái mãi dâm”. Đây là điều tôi phải “反省“ (phản tỉnh) vì đã không tìm hiểu cho rõ chữ nghĩa.
Hashimoto, nguyên là một luật sư, từng là nhân vật nổi tiếng trên truyền hình qua chương trình truyền hình nhất là chương trình “bàn thảo pháp luật” (行列のできる法律相談所) đã được nhiều người biết đến với những quan điểm chính trị có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan giống với cựu đô trưởng Tokyo Ishihara và nay hai ông là đồng đảng trưởng đảng Duy Tân Nhật Bản Hội.
Giờ này, tháng 7, có lẽ Hashimoto đã phản tỉnh反省nên đã có những phát biểu rất khiêm cung. Tuy nhiên, đang là mùa bầu cử nên có thể là như vậy, nhưng với bản tính “trời cho” thì tương lai chưa ai biết được.
Vì thế nói “đúng” nhưng “không đúng lúc” thì cũng dễ chết lắm.

Những câu nói đi vào lòng người của DJ. Police
DJ là viết tắt của hai chữ Disk Jockey. “Disk” ở đây nghĩa là dĩa hát và “Jockey” là người điều khiển dĩa hát, ám chỉ người phụ trách giới thiệu, thay dĩa hát vào máy rồi dùng tay điều khiển sao cho giật gân ở các tiệm “xập xình” dành cho giới trẻ. Còn police thì khỏi cần phải…. dịch. Và tại sao lại là DJ Police? Xin mời quí vị đọc tiếp.
-------------
Câu chuyện xảy ra hôm 4 tháng 6/2013.
Mặc dù không cuồng nộ, quá độ như một số các nước khác, nhưng trong những trận đấu của hội tuyển quốc gia, đặc biệt là các giải quốc tế thì các fan bóng đá Nhật cũng nhiệt tình không kém. Khu vực xung quanh nhà ga Shibuya, trung tâm thời trang là một trong những địa điểm tập trung nhiều fan nhất, vì ở đó là nơi tụ tập của giới trẻ, có nhiều quán ăn, quán càfe trực tiếp truyền hình mọi trận đá của hội tuyển quốc gia Nhật. Bình thường thì khu vực này đã đông người và xe cộ qua lại, nhưng lúc có trận đá tranh giải thì số người, đặc biệt là giới trẻ kéo đến đây đông gấp bội. Nếu đội Nhật thua thì tất cả buồn rầu, lẳng lặng ra về “nhìn nhau không nói”, nhưng thắng mà nhất là thắng lớn thì khỏi nói: sẽ là một đàn ong vỡ tổ, mọi người tràn ra đường la ó cho thỏa thích khiến giao thông bị kẹt ứ, có nhiều người hứng chí leo cả lên những chỗ cao nhảy múa, có lúc bị té gãy chân phải kêu xe cứu thương, cũng có đôi khi xảy ra vài vụ ẩu đả trông chẳng ra chi.
Khổ nhất là “bạn dân” vì cứ mỗi lần như thế là 24/24 không có thời gian dưỡng sức vì phải chuẩn bị mệt nghỉ. Trong trận đấu giữa Nhật và Úc vào đêm 04/06/2013 ở vòng chung kết khu vực Á châu của giải World Cup 2014, sở cảnh sát Shibuya đã tung ra hơn 300 “bạn dân” để điều phối giao thông và giữ trật tự, quyết không cho các fan bóng đá Nhật “quậy” khi Nhật thắng hay huề với Úc (chỉ cần huề Nhật cũng được vé đi Brazil dự World Cup).
18.30 phút: trước khi trận đấu bắt đầu là 300 “bạn dân” đã có mặt ở truớc nhà ga Shibuya và những khu vực xung quanh, để chuẩn bị bày binh bố trận.
19.00 đến 21.20: mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh vì Nhật đang bị dẫn trước 1-0
21 giờ 20 phút (10 phút nữa trận đấu mới kết thúc): Vẫn yên tĩnh nhưng “bạn dân” bắt đầu dàn ra phía trước. Tại thời điểm này Nhật đang bị dẫn trước 1-0 nên “bạn dân” tuy không vui nhưng cũng hơi… “tạm yên tâm” và thấy chưa cần thiết phải ban hành lịnh ‘’ứng chiến’’.
21.28 phút: (2 phút nữa là tiếng còi trọng tài thổi lên chấm dứt trận đấu) thì Nhật may mắn được hưởng quả phạt đền Penalty. Ngay sau khi cầu thủ Honda tung lưới đối phương lập tức lịnh “ứng chiến” được ban hành và dúng theo như dự tưởng, các fan Nhật từ trong các tiệm túa ra chật đường, hò reo náo nhiệt, xe cộ qua lại kẹt cứng. Nhưng cũng ngay lúc đó, từ một xe phóng thanh đã phát ra lời “kêu gọi” của một “bạn dân” còn rất trẻ với độ tuổi đôi mươi.
Cùng tất cả các fan bóng đá, cầu thủ thứ 12 đang khoác áo hội tuyển quốc gia, xin quí vị hãy thể hiện tinh thần đồng đội. Chắc quý vị đang thấy khuôn mặt cảnh sát hôm nay sao mà “ngầu” thế phải không? chẳng qua họ phải làm nhiệm vụ chứ thật ra trong lòng họ cũng vui và háo hức không kém quý vị. Việc vui mừng trong trật tự là coi như cầu thủ thứ 12 là quí vị đã ghi thêm bàn thắng cho hội tuyển quốc gia Nhật Bản. Đừng để trọng tài rút… thẻ vàng nhé.
Lời “kêu gọi” rất hay và có lớp lang đã … đánh động lòng người lôi cuốn người nghe khiến mọi người vỗ tay tán thưởng, thay vì điên cuồng la hét vô trật tự thì các fan lại đồng thanh la lớn rất trật tự: Keisatsu – Keisatsu (Cảnh sát – Cảnh sát)
Ngay trong tối hôm đó và liên tiếp những ngày sau, truyền thông Nhật cũng như cư dân mạng Internet đều lên tiếng ca ngợi người cảnh sát trẻ làm nhiệm vụ phóng thanh đánh động lòng người này. Báo đài nào cũng cho rằng những lời ngắn gọn đó đã đánh trúng tâm lý các fan bóng đá nên hoàn toàn không có một “sự cố” đáng tiếc nào xảy ra.
Do sự tán thưởng chưa từng có này của dư luận, nhất là giới truyền thông nên Giám đốc cảnh sát đô thành quyết định trao cho người cảnh sát trẻ tuổi giải thưởng DJ Police với lý do là “bạn dân” này đã linh động và phát huy sáng tạo để hướng dẫn mọi người giữ đúng luật pháp nên mọi chuyện tốt đẹp. Hình ảnh của cảnh sát viên trẻ này đã đi vào… lịch sử.
Nói đúng” và “nói sao cho vừa lòng người” sẽ làm lòng người mở hội
--------------------
Chuyện đã tạm đủ, xin để dành kỳ sau kể tiếp.
Trần Thái Huy

Tháng 7/2013


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors