Ngày Quốc tế Phụ nữ, nghĩ về tinh thần “Phẫn nộ” của Hồ Xuân Hương



Giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam, chính quyền Vua Lê-Chúa Trịnh lâm cảnh suy vi, bất công xã hội dâng cao, chiến tranh loạn lạc triền miên. Trong bối cảnh đó đã lần lượt xuất hiện bốn gương mặt nữ với tài hoa văn thơ xuất chúng, trong đó đặc biệt hơn hết là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chủ nhân của “Cổ Nguyệt Đường” đã thể hiện được tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam, không cam chịu số phận do xã hội áp đặt một cách bất công, một tinh thần có giá trị ở mọi thời đại.

Bốn nữ danh sĩ nêu trên là: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân Công chúa và Hồ Xuân Hương. Để tìm hiểu về lịch sử văn học giai đoạn này nói chung và tài hoa, tư tưởng của tứ đại nữ sĩ này nói riêng, RFI trao đổi với Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần là một nhà sử học, nhà văn hóa kỳ cựu tại Việt Nam với nhiều công trình khoa học có giá trị. Đặc biệt, Giáo sư  cũng là một nhà Hán-Nôm lớn, am hiểu sâu sắc về thơ văn chữ Nôm, đặc biệt là về Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương trong tranh Bùi Xuân Phái
Hồ Xuân Hương trong tranh Bùi Xuân Phái

Lê Phước: Trước tiên xin Giáo sư sơ lược đôi nét về bối cảnh lịch sử văn học của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19?
Giáo Sư Nguyễn Khắc Thuần: Văn học dân tộc đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Đó là một hiện tượng đặc biệt của lịch sử văn học Việt Nam.
Về lực lượng sáng tác, đây là thời kỳ xuất hiện rất đông đảo đội ngũ những người cầm bút tài hoa. Về tổ chức, đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tổ chức mới, đặc biệt là Tao Đàn Chiêu Anh Các ở phía nam, thành lập vào năm 1736. Về tính đa dạng của đề tài, người ta thấy khác hẳn trước đó. Trong giai đoạn này, văn học tập trung ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi đất nước, ca ngợi thú chơi tao nhã của kẻ sĩ, và đặc biệt là về số phận con người, đồng thời thuật lại rất nhiều câu chuyện ly kỳ.
Về thể loại, ta thấy văn học giai đoạn này rất phong phú. Ngoài những tác phẩm sáng tác theo niêm luật của Trung Quốc cũ, thì các thể loại văn học dân tộc cũng ra đời và đạt được hiệu quả nghệ thuật rất cao. Về giá trị tư tưởng và giá trị văn học, thì cái mới và nét đặc biệt đã được thể hiện rất rõ.
Về tác phẩm, trước hết, ngoài một số tác phẩm của văn học Tây Sơn, số còn lại thiếu vắng hẳn những áng hùng văn. Nhưng thay vào đó có nhiều tác phẩm ca ngợi thiên nhiên đất nước, ca ngợi thú vui tao nhã của kẻ sĩ, như cầm, kỳ, thi, họa. Và lần đầu tiên con người, đặc biệt là người phụ nữ được đề cập đến một cách mạnh mẽ.
Về văn từ sử dụng, thì trong giai đoạn văn học này, chữ Nôm đã chiếm ưu thế trên văn đàn. Những tác phẩm lớn nhất về thể loại sáng tác, thì người ta thấy rằng,ngoài các loại cổ văn viết theo niêm luật cũ vẫn được sử dụng như câu đối, phú, chế, chiếu, biểu và các loại Đường thi… Người ta còn thấy nhiều thể loại văn học dân tộc cũng được sử dụng một cách phổ biến và đạt được những thành tựu nghệ thuật rất lớn lao, ví dụ như thơ lục bát, song thất lục bát, hay truyện thơ Nôm.
Đây cũng là giai đoạn mà đội ngũ tác giả cũng có những nét mới. Từ đây, thành phần xuất thân của đội ngũ người cầm bút có phong phú hơn giai đoạn trước. Ví dụ ở đây có cả đạo sĩ và nhà sư tham gia vào Tao Đàn Chiêu Anh Các.
Lê Phước: Thưa giáo sư, trong bối cảnh đó ta thấy trên thi đàn xuất hiện bốn nữ sĩ tài hoa, tiếng tăm vẫn còn vang vội đến hiện tại. Vậy xin Giáo Sư minh thị đôi điều về bốn cây bút nữ này?
Giáo Sư Nguyễn Khắc Thuần: Trong giai đoạn lịch sử văn học này, lnhiều tác giả nữ tài hoa đã nối nhau xuất hiện. Họ đã làm cho đời sống văn hóa và văn học trở nên sinh động, họ đã có những cống hiến rất đáng để đời đời ghi nhớ. Trong những cây bút nữ tài hoa của giai đoạn này, ta thấy nổi lên bốn tác giả tiêu biểu sau đây:
1) Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm
Đoàn Thị Điểm sinh vào năm 1705, mất năm 1748, hưởng dương 43 tuổi, quê quán ở huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc cũ, nay thuộc Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Thật ra, tổ tiên của bà là người họ Lê, và đến đời cha của bà là Đoàn Doãn Nghi mới đổi sang họ Đoàn. Chồng của bà là tiến sĩ Nguyễn Kiều, và bà là tác giả chính của Truyền Kỳ Tân Xã. Sở dĩ tôi nói là tác giả chính là bởi vì Truyền Kỳ Tân Xã chép nhiều chuyện ly kỳ, nhưng trong đó, theo nhiều nhà nghiên cứu, thì Truyền Kỳ Tân Xã chỉ có một số phần là do bà Đoàn Thị Điểm viết. Dù vậy, tên tuổi của bà trong Truyền Kỳ Tân Xã vẫn được đời đời ghi nhận, bởi bà đã tỏ rõ sự sắc sảo, sự tài hoa của mình.
Đoàn Thị Điểm cũng là một trong những dịch giả của Chinh Phụ Ngâm Khúc. Bản Chinh Phụ Ngâm được dùng phổ biến ngày nay là bản dịch của Phan Huy Ích. Chinh Phụ Ngâm có nhiều bản dịch khác nhau, trong đó có bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Chúng ta thấy rằng, chất nữ tính trong bản dịch của Đoàn Thị Điểm thể hiện rất rõ, và chất nữ tính này cũng đã được Phan Huy Ích nghiên cứu và kế thừa.
2) Bà Huyện Thanh Quan
Cây bút nữ thứ hai rất nổi tiếng và tài hoa là Bà Huyện Thanh Quan. Bà có cùng năm sinh và năm mất với Đoàn Thị Điểm. Tên thật của bà Nguyễn Thị Hinh. Chồng bà là Lưu Nghị, từng làm huyện lệnh huyện Thanh Quan, nên người đời mới gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Bà là người làng Nghi Tàm nay thuộc Hà Nội. Cha của bà là Nguyễn Lý, đỗ thủ khoa trong một khoa thi dưới thời hoàng đế Lê Hiển Tông. Bà là học trò của tiến sĩ Phạm Quý Thích. Bà Huyện Thanh Quan từng được giao dạy học cho công chúa và cung nữ dưới thời vua Minh Mạng, vì thế bản thân bà cũng là một trong những học quan tài ba.
Bà Huyện Thanh Quan đã để lại khá nhiều tác phẩm tiêu biểu, ví dụ như tác phẩm Thăng Long Thành Hoài Cổ. Hẳn là chúng ta ai cũng từng nghe câu:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Hay là bài Qua Chùa Trấn Bắc, rồi Chiều Hôm Nhớ Nhà, nhưng đặc biệt hơn hết là bài Qua Đèo Ngang hầu như ai cũng đều thuộc cả.
3) Công chúa Ngọc Hân
Nhân vật thứ ba rất nổi tiếng là Ngọc Hân công chúa. Bà sinh năm 1770 và mất năm 1799, hưởng dương 29 tuổi. Ngọc Hân công chúa là con của hoàng đế Lê Hiển Tông. Bà là Bắc Cung Hoàng Hậu của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, và là tác giả của bài Ai Tư Vãn, một tác phẩm có giá trị.
Lúc bà đến với Nguyễn Huệ là chuyện “Cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy”. Thế nhưng, về sau khi sống với Nguyễn Huệ, trọng đức, phục tài của Nguyễn Huệ, nên tình yêu của bà đối với Quang Trung Nguyễn Huệ trở nên đằm thắm và nồng nàn. Nhưng lúc tình yêu phát triển đến đỉnh cao thì Nguyễn Huệ đột ngột qua đời. Và bà đã viết bài Ai Tư Vãn để khóc chồng, cũng là để khóc một vị hoàng đế tài hoa, khóc một vị danh tướng đã có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc.
4) Hồ Xuân Hương
Cây đại bút thứ tư rất nổi tiếng của giai đoạn lịch sử này là Hồ Xuân Hương. Nguyên quán của bà là làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của bà là Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Lưu, nên chúng tôi mới nói nguyên quán của bà là Quỳnh Lưu. Kỳ thực Hồ Phi Diễn đã ra dạy học ở vùng Kinh Bắc và kết duyên với một người phụ nữ họ Hà, sinh được duy nhất một con gái đó là Hồ Xuân Hương. Ở Bắc Ninh ngày nay vẫn còn một ngôi mộ ghi rõ là mộ của Hồ Xuân Hương, và ở đấy có bia ghi bà sinh năm 1772 và mất năm 1822.
Lê Phước: Trong bốn nữ sĩ nêu trên, ta thấy Hồ Xuân Hương có nhiều nét độc đáo riêng, bởi bà là người có tinh thần “phẫn nộ”, dùng ngòi bút đả phá mọi bất công - những nỗi bất công đè nặng trên đôi vai phụ nữ.
Trong xã hội phong kiến theo Nho Giáo ở Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, thân phận người phụ nữ phải chịu nhiều điều thua thiệt so với cánh đàn ông. Ắt hẳn chúng ta ai cũng nằm lòng cái câu: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”. Người phụ nữ không bao giờ được làm chủ bản thân bởi sự ràng buộc của cái gọi là “Tam tòng”, theo đó “Tại gia tòng phụ-xuất giá tòng phu-phu tử tòng tử”, tức “Khi chưa chồng thì theo ý cha, khi có chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì phải theo con”.
Trở lại giai đoạn cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, thân phận người phụ nữ có lẽ được thể hiện rõ nhất qua mấy câu thơ sau đây của đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
Đau đớn thay, phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu
Hay như khi Thúy Kiều nói với Tú Bà:
Rằng tôi chút phận đàn bà
Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây
Và Hoạn Thư nói với Thúy Kiều:
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Phản ứng trước thực tại xã hội nam quyền đó, những phụ nữ chân yếu tay mềm biết làm gì hơn ngoài việc cam chịu. Đến như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan hay như Ngọc Hân Công chúa cũng chỉ biết dùng thơ văn để than thân trách phận mà thôi. Thế nhưng, đến với Hồ Xuân Hương lại hoàn toàn khác. Hồ Xuân Hương đã dùng ngòi bút đả phá mọi thứ bất công. Cái chí khí ngất trời của bà nào thua đấng mày râu như câu đối mà bà ứng khẩu đọc lên khi trượt chân vấp ngã và bị đám bạn thanh niên cười nhạo:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
Cái chí khí đó, cái tinh thần đó được Hồ Xuân Hương thể hiện qua những vần thơ với lời lẽ mộc mạc mà ý tứ thì vô cùng thâm thúy
Đi sâu vào chủ đề này, Giáo Sư Nguyễn Khắc Thuần phân tích:
Hồ Xuân Hương từ nhỏ đã nổi tiếng là người tài hoa. Và khi lớn lên thì tài hoa đó đã phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu to lớn. Vì cha bà là nhà giáo, nên từ nhỏ Hồ Xuân Hương đã được học chữ. Bà đã bắt đầu cầm bút từ nhỏ và trở thành người nổi tiếng về văn chương từ lúc thiếu niên.
Khi lớn lên, Hồ Xuân Hương đã mấy lần lấy chồng. Người chồng thứ nhất là ông Tổng Cóc. Người chồng thứ hai là ông phủ Vĩnh Tường. Xưa nay người ta cũng chỉ nói đến hai người chồng này thôi. Cả hai lần lấy chồng bà đều làm vợ bé. Và cả hai lần thì hai người chồng đều sớm qua đời. Theo kết quả tìm hiểu của chúng tôi, bà còn có người chồng thứ ba, đó là Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Và lần này bà cũng chỉ là vợ bé. Nhưng rồi ông chồng thứ ba cũng qua đời. Kể từ đó bà không còn kết duyên với ai nữa.
Hồ Xuân Hương mở một quán giải khát ở Hà Nội, và đấy chính là nơi gặp gỡ của các tao nhân mặc khách. Đó cũng chính là nơi mà tiếng thơ của Hồ Xuân Hương đã vang lên, không những Thăng Long, mà là cả nước, không những ở thế kỷ 18 hay đến thế kỷ 19, mà còn vang mãi đến hôm nay.
Cố thi sĩ Xuân Diệu gọi Hồ Xuân Hương là « Bà chúa thơ Nôm ». Cách gọi ấy rõ ràng là hoàn toàn xứng đáng.
Trước hết, bà là nhà thơ của phụ nữ, nói lên tiếng nói kết tinh những khát vọng chân chính và cháy bỏng của phụ nữ, thật sự cảm thông sâu sắc và ân cần chia sẻ bao nỗi đắng cay của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, Hồ Xuân Hương lên án sự bất công đối với phụ nữ, chất chứa trong vô số những thói tục hủ lậu, mà đặc biệt là tục đa thê:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ châm biếm cay nghiệt đối với mọi thói hư tật xấu của xã hội. Chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương khiến cho bất cứ ai hễ đọc được cũng đều nhớ ngay, và hễ đã nhớ thì lại muốn đọc cho người khác biết. Quy mô của việc truyền khẩu ngày càng lớn đã biến thơ Hồ Xuân Hương thành một hiện tượng rất độc đáo của đời sống văn học. Những kẻ bất tài mà cũng dám cả gan ngâm vịnh, xướng họa, bị bà mỉa mai, xếp vào hàng:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa
Hay những kẻ không hề có lý tưởng tu hành, chỉ chui vào chùa như một cuộc trốn chạy sự truy đuổi của xã hội, và đôi chân lấm bụi đời của họ đã làm ô uế nơi tôn nghiêm bị bà thẳng thừng chỉ trích:
Oản dâng trước mặt, năm ba phẩm,
Vãi mọp sau lưng, bảy tám bà
Bà thấy rất rõ, phía trong của những áo mũ xênh xang của đấng phụ mẫu tri dân là lòng phàm thô tục. Dáng vẻ đạo mạo bên ngoài của họ không đủ để che khuất những thèm khát tầm thường ẩn giấu bên trong:
Chúa dấu Vua yêu một chút này
Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, thật hiếm có những ai có tài năng dùng ngôn ngữ bình dân để diễn đạt một cách thiên tài những vấn đề rất tế nhị của cuộc sống đời thường như Hồ Xuân Hương.
Ngoài sự khẳng khái đấu tranh chống lại bất công đối với phụ nữ, ngoài chất trào lộng và châm biếm gay gắt, Hồ Xuân Hương còn là nhà thơ trữ tình nồng nàn, yêu đời. Trong thơ Hồ Xuân Hương, thiên nhiên không phải chỉ có vẻ đẹp của dáng hình, mà còn có cả sắc màu âm thanh, và cả cái tâm của người ngắm cảnh:
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương reo
Không ít lần trong thơ Hồ Xuân Hương, tình cảm kín đáo và đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam hiện lên một cách rất rõ. Có cái gì đó nửa như xa lạ, nửa như gần gũi, cũng là rất Hồ Xuân Hương:
Năm canh lơ lửng chờ ai đó,
Hay có tình riêng với nước non
Đọc Hồ Xuân Hương, chúng ta thấy một thiên tài văn học, chúng ta thấy một niềm tự hào về một người phụ nữ tài hoa và về dòng văn học do những người phụ nữ khởi xướng vào thế kỷ 18 và 19.
Lê Phước: Đến đây, ta thấy rằng, ngòi bút của Hồ Xuân Hương không kiêng nể một ai cả. Sự không kiêng nể này không phải là thể hiện thái độ vô lễ trong cách cư xử, mà là để nhắm đến mục tiêu cao cả khác: Đả phá bất công, vượt vòng kiềm tỏa mà xã hội dùng để trói buộc thân phận người phụ nữ. Hồ Xuân Hương chửi từ vua đến quan, từ thói hư tật xấu ngoài đời đến những biến chất tiêu cực trong nhà chùa. Bà đã khéo léo dùng tài văn chương của mình để làm đảo lộn cả trật tự nam-nữ trong xã hội Nho Giáo khi bà không ngại mỉa mai người quân tử trong bài Thiếu nữ ngủ ngày:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,
Một mạch Đào Nguyên suối chửa thông
Chúng ta thấy thiếu nữ ngủ ngày một cách hết sức hở hang và hớ hênh. Thế nhưng cái thâm ý ở đây là Hồ Xuân Hương muốn cho thấy người phụ nữ nằm ngủ kia đã vượt khỏi những ràng buộc áp đặt người phụ nữ trong chốn khuê phòng, một cách ngủ mà mấy nhà nho cổ hủ đều lên gân chửi.
Ấy thế mà, bộ mặt thật của đấng quân tử làm ra vẻ đường hoàng kia rốt cuộc cũng chỉ là một tay “phàm phu tục tử”, bởi khi thấy người phụ nữ vô ý vô tứ như thế thì đấng quân tử đã ứng xử như vầy:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
Hay như trong bài Vịnh cái quạt, Hồ Xuân Hương đã tả cái quạt như sau
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự bao giờ,
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Đọc qua thì chắc là ai cũng hiểu là lợi dụng việc tả cây quạt Hồ Xuân Hương muốn ám chỉ đến cái gì. Ấy thế mà, Hồ Xuân Hương lại đặt « cái đó » lên đầu người quân tử:
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Trong xã hội phong kiến suy tàn hồi cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam, một xã hội Nho Giáo cổ hủ, một xã hội chiến tranh loạn lạc, bất công đầy rẫy, thân phận người phụ nữ bị ràng buộc bởi những điều khắc khe nhất của Nho Giáo. Ấy thế mà lạ thay, lại xuất hiện tứ đại nữ sĩ với tài văn thơ nào kém cánh mày râu, tài năng hơn xa những “đấng trượng phu” học hành không vì mở mang kiến thức mà vì ngắm nghía công danh lợi lộc chốn quan trường.
Hồ Xuân Hương nổi lên như một hiện tượng với một tài văn thơ xuất chúng, với một tinh thần “phẫn nộ” trước những bất công đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, đâu đó trên thế giới vẫn còn nhiều thân phận phụ nữ “Bảy nổi ba chìm với nước non”, đã có nhiều phụ nữ “phẫn nộ” lao vào những cuộc đấu tranh đòi bình đẳng.
Và hôm nay ngày Quốc tế Phụ nữ, giở qua các trang báo ta thấy những thống kê gây quan ngại về thân phận người phụ nữ ở một số nơi trên thế giới : nào là nạn hiếp dâm phụ nữ không bị trừng phạt, nào và bạo hành gia đình đối với phụ nữ, nào là nạn tảo hôn …Nói chung là một quang cảnh u ám về quyền phụ nữ. Trong bối cảnh đó, đọc lại tinh thần « phẫn nộ » của Hồ Xuân Hương ta thấy rằng, tinh thần đó vẫn còn nguyên giá trị.


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors