Thời Sự Nhật Bản - 01-2014


Trung Quốc lại dở trò

Ngày 23/11, Trung Quốc đã “tự ý” ấn định vùng “nhận dạng phòng không” (ADIZ) (*) và ra một thông báo: kể từ nay, máy bay nào muốn bay vào vùng này thì phải báo cáo kế hoạch và phi trình bay, nếu không tuân thủ thì sẽ áp dụng “hành động khẩn cấp”. Thế giới phẫn nộ, nhất là Nhật, vì tự nhiên cái vùng Trung Quốc “tự vẽ” lại bao trùm luôn cả một phần không phận đảo Senkaku của Nhật.  Mỹ cũng bị ảnh hưởng, vì máy bay Mỹ thường tập trận ở Okinawa cũng nằm trong vùng tự định này.

Một mặt Nhật, Mỹ cùng những nước khác kêu gọi Trung Quốc hãy rút lại những qui định vô lý ADIZ, một mặt thì cứ cách vài ngày lại cử máy bay vào vùng nhận dạng, lẽ dĩ nhiên không báo trước, lúc thì B52, P-3C Orion của Mỹ lúc thì P-3, E-767, F-15 của Nhật nhưng các trạm kiểm soát phòng không của Trung Quốc hoàn toàn không khám phá ra cho đến khi Mỹ-Nhật tiết lộ: “Bay cả tiếng rồi có nghe có thấy cái gì đâu”. Quê quá, Trung Quốc liền cho truyền hình chiếu vài đoạn: máy bay “ta” khẩn cấp cất cánh để cảnh cáo những máy bay “thù địch”, nhưng quan sát đi quan sát lại thì chả ai thấy máy bay thù địch đâu cả, chỉ thấy toàn là máy bay của “phe ta”. 
Với tôn chỉ: an toàn là số 1, đầu tiên thì có 2 hãng máy bay lớn của Nhật là JAL, ANA bất an nên đã dự định báo cáo kế hoạch bay, nhưng chính phủ Nhật đã khuyến cáo: Đừng vẽ đường cho voi chạy. Thế là các hãng máy bay Nhật đã đồng ý ngưng. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, Hoa Kỳ chấp nhận việc các hãng máy bay Mỹ nộp phi trình. Chính phủ Mỹ giải thích: việc không phản đối việc nộp báo cáo của các hãng hàng không tư nhân không có nghĩa là Mỹ công nhận ADIZ của Trung Quốc.
Ngày 3/12, phó tổng thống Mỹ Biden và thủ tướng Abe đã gặp nhau và hai bên đều đồng ý: không thể im lặng trước hành động tự ý này và tái xác định lại hiệp ước An Ninh Mỹ-Nhật vẫn không thay đổi. 
Ngày 4/12, ông Biden gặp Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Tiên Triều, cả hai chỉ nói bâng quơ về vụ ADIZ, nhưng khi gặp giới doanh nhân Trung Quốc, ông Bide nói thẳng: việc Trung Quốc tự ý ấn định vùng ADIZ đã gây nhiều lo lắng cho các nước, và lẽ dĩ nhiên truyền thông Trung Quốc đánh ông tơi tả. 
Ngày 6/12, ông Biden gặp Tổng Thống Hàn Quốc bàn vài chuyện, dịp này bà Park Geun-Hye đã “mắng” Nhật vài câu khiến ông ....cười xòa và khuyên: “thôi mà, đoàn kết với nhau đi”. Trong bài nói chuyện tại đại học Yonsei, Hán Thành, ông khẳng định: "Tôi đại diện Tổng thống Hoa Kỳ để nói rõ ràng là chúng tôi không công nhận vùng đó. Nó sẽ không có ảnh hưởng gì tới những hoạt động của Mỹ. Không. Hoàn toàn không."
Ngày 15 tháng 12, Hàn Quốc cũng lập ADIZ và Nhật cũng đồng lòng dù vùng của Hàn Quốc định có chồng lên vùng của Nhật một chút xíu, nhưng chồng hẳn lên phần của Trung Quốc.
Nhìn lại thì thấy giữa 3 nước Nhật-Trung-Hàn có một liên hệ chồng chéo, lung tung. Về mặt “đánh quân phiệt” thì “Trung-Hàn” là bạn, về mặt chống ADIZ của Trung Quốc thì “Nhật-Hàn” lại cùng phe.
Việc Trung Quốc lập ra cái trò này chỉ là muốn “đánh” Nhật, nhưng không ngờ lại gặp phản ứng khắp nơi. Ngay “đồng minh” của Trung Quốc là Nam Hàn (trong việc đánh Nhật) cũng lên tiếng phản đối, vì “vùng nhận vơ” này bao trùm luôn một chút đảo Ieodo của Hàn Quốc. EU, Úc, Phi, Anh, Đài Loan cũng chống và Đài Loan vẫn cử các phi cơ thường xuyên bay vào vùng nhận dạng của Trung Quốc.
Các nhà bình luận đã nhận định
1/  Trung Quốc đã không lượng định trước sự chống đối lan rộng khắp nơi.
2/ Việc máy bay Mỹ, Nhật bay ra bay vào vùng ADIZ như đi chợ những vẫn không thấy phản ứng gọi là “hành động khẩn cấp” nào coi cho được, có nghĩa là Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát.
3/ Đây chỉ là một hành động “già đâu nhưng non dại”, khuyến khích thêm “quân phiệt Nhật tái võ trang lăm le tái diễn trò xâm lược” một cách đầy chính nghĩa khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ khai thác sự kiện Trung Quốc thành lập vùng phòng không để tăng cường khả năng quân sự của Nhật Bản và liên kết nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ chung với Hoa Kỳ.
---------------------------
-(*1) Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) là vùng nằm ngoài không phận của một quốc gia và do quốc gia đó tự đặt ra, vì lý do an ninh quốc gia hoặc lý do nào đó. Các quốc gia quy định ADIZ sẽ có các yêu cầu bắt các máy bay dân sự khi bay qua khu vực này phải nộp chi tiết về kế hoạch bay. Nếu không nộp mà xuất hiện trong khu vực ADIZ, Quốc gia đó sẽ áp dụng “hành động khẩn cấp” chẳng hạn bị máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp chế tài khác. 

Năm 1969, Nhật Bản đã lập ra ADIZ dựa theo lằn ranh của Hoa Kỳ vạch ra từ thế chiến thứ hai để chặn máy bay của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên....nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Nói rõ hơn một chút nữa là trong vùng này radar Nhật có thể nhận biết được “vật lạ” khi xuất hiện để có thể đối phó kịp thời. Từ lúc radar phát hiện được “vật lạ”, thì cần bao nhiêu phút để máy bay có thể xuất kích và chặn đánh địch ở chỗ nào. Chứ khi “nó” vào tới không phận mới phát hiện được thì bên dưới đã nát bét rồi.


Quốc Hội Nhật Thông Qua Đạo Luật Bảo Vệ Bí Mật Quốc Gia

Sau gần 2 tháng bàn cãi, cuối cùng đạo luật Bảo vệ bí mật Quốc gia đã được Quốc hội Nhật thông qua vào ngày 6 tháng 12 vừa rồi với đa số phiếu của hai đảng cầm quyền Tự do Dân chủ và Công Minh. 

Theo luật này thì sẽ phạt nặng bất cứ quan chức nào tiết lộ tin tức bí mật quốc gia hoặc thu thập thông tin bí mật quốc gia một cách bất chính (ý chỉ các ký giả). Trên nguyên tắc một đạo luật như thế là cần thiết. Nhưng như thế nào và ai là người có quyền quyết định đó là bí mật quốc gia. Đó chính là điều rất mơ hồ mà các đảng đối lập và đại đa số người dân Nhật đưa ra để chống đối. Một ví dụ điển hình là khi một xe chở các thanh nguyên liệu hạt nhân bị tai nạn, chính quyền ra lệnh bắt dân phải sơ tán mà không nói lý do vì cho rằng đó là bí mật quốc gia. Thế thì, Ai? cơ quan nào quyết định đó là bí mật quốc gia và quyết định như vậy có đúng hay không?
Để tránh trường hợp lộng quyền, muốn dấu những thông tin không có lợi cho chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tất cả mọi người đều đòi hỏi cần phải thành lập một Ủy ban Giám sát độc lập để thẩm định xem một vấn đề gì đó mà đó mà chính phủ cho là bí mật quốc gia có hợp lý hay không.
Dân Nhật biểu tình trước Quốc hội
để phản đối luật Bảo vệ bí mật quốc gia

Thủ tướng Abe cũng đã đồng ý sẽ thành lập một Ủy ban Giám sát độc lập, nhưng cụ thể như thế nào sẽ bàn thảo sau.

Trong những ngày Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu thông qua đạo luật này, gần 15 ngàn người dân Nhật đã tổ chức biểu tình phản đối trước Quốc hội, Phủ Thủ tướng.

Những cuộc biểu tình này đã khiến cho ông Ishibashi (Tổng thư ký đảng cầm quyền Tự Dân) bực tức nên viết trên trang blog của mình rằng: Chiến thuật biểu tình, la hét phản đối đạo luật Bảo vệ bí mật quốc gia cũng không khác gì hành vi khủng bố.

Viết như vậy là coi như châm thêm ngòi nổ cho sự tức giận, các đảng đối lập và truyền thông Nhật đã lên tiếng chỉ trích ông Ishibashi không tiếc lời, chỉ trích rát quá khiến cho ông Suga, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng phải lên tiếng bảo rằng chắc chắn ông Ishibashi sẽ rút lại câu viết ấy vì đã gây nhiều hiểu lầm. 
Thủ tướng Abe cũng đã có lời khiển trách ông Ishibashi và chính ông ta đã chính thức lên tiếng xin lỗi về việc mình đã viết như thế, nhưng vẫn bị báo đài đem ra chỉ trích và yêu cầu từ chức vì một vị Tổng thư ký của một đảng cầm quyền mà có lối suy nghĩ nông cạn như vậy rất có hại.

Nói gì thì nói chứ biểu tình ôn hòa là một quyền của người dân đã được luật pháp quy định rõ ràng mà không ai có thể tước bỏ trừ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.


Món Ăn Nhật Được UNESCO Công Nhận Là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Của Thế Giới 

Cái câu ‘’Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật’’ hiện nay không còn thích hợp nữa vì cơm Tàu nhiều dầu mỡ, ăn vào dễ mập; còn nhà Tây thì không đủ tiện nghi như nhà Mỹ và con gái Nhật thì chẳng còn chiều chuộng chồng như xưa nữa. 

Bây giờ với khuynh hướng con người thường tìm ăn những món ít dầu mỡ để khỏi tăng cholesterol nên cách đây khoảng 3 thập niên các món ăn Nhật bắt đầu được nhiều người để ý. Thức ăn Nhật khi dọn lên bàn rất là mỹ thuật, nhưng nếu ai, nhất là ngưòi Việt Nam, mới ăn lần đầu tiên thì ít ai cảm thấy ngon vì khẩu vị không hợp, đó là chưa kể đến món cá sống nhìn thấy ớn, nhưng khi đã ăn quen rồi thì không sẽ lại muốn ăn thêm nữa.


Món Nhật thì nhiều vô kể, tiêu biểu nhất là món cá sống, sushi và tempura (tôm, cá, các thứ rau tẩm bột rồi chiên, nhưng độ béo trong các món chiên này rất ít). Thức ăn Nhật đầu tiên được người Âu Mỹ tích cực đón nhận rồi dần dần đến các quốc gia khác. Nhà hàng Nhật ở khắp nơi trên thế giới mọc lên như nấm,  giá cả hơi cao nhưng  thường đông khách. Đãi khách mà ăn ở nhà hàng Nhật là coi như chơi sộp rồi đó.

Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cả thế giới hơi ngán về các loại nông sản, thủy sản nhập từ Nhật vì sợ nhiễm phóng xạ. Điều này ít nhiều làm cho món ăn Nhật bị mất tiếng nên vào tháng 6 năm 2011, Hiệp hội Đầu bếp Nhật ở Kyoto đề xuất việc nạp đơn xin tổ chức UNESCO công nhận món ăn Nhật (Washoku) là di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới. 
Khi đưa ra đề xuất này Hiệp hội đã dựa vào ba lý do chính sau đây để nói về tinh thần tôn trọng thiên nhiên của người Nhật biểu hiện qua các thức ăn. 

- Thứ nhất, món ăn Nhật có liên hệ mật thiết đến ngày Tết, ngày mùa và những ngày lễ hội. 
- Thứ hai, sơn hào hải vị của Nhật rất đa dạng theo mùa và theo địa dư của từng vùng và 
- Thứ ba là thiên nhiên “hiện hữu” trong cách trình bày các món ăn Nhật. 

Nhận thấy đây là điều cần thiết phải làm nên chính phủ đã chỉ thị cho sở Bảo tồn Văn hóa thuộc bộ Giáo dục & Khoa học xúc tiến việc nạp hồ sơ vào tháng 3 năm 2012. Ngày 4/12, đã được UNESCO công nhận trong một phiên họp định kỳ của UNESCO được tổ chức tại Baku, thủ đô của quốc gia Azerbaijan.  

Đây là lần đầu tiên thức ăn Nhật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, trước đây đã có Pháp, Ý. Spain, Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ)…


Đương Kim Đô Trưởng Tokyo Đang Bị Truy Về Chuyện Không Khai Báo Tài Chánh Vận Động Bầu Cử.

Luật lệ bầu cử ở Nhật quy định rằng tất cả ứng cử viên mọi cấp đều phải khai báo rõ ràng về sổ sách chi thu lúc tranh cử, ai vi phạm sẽ bị nghiêm phạt. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị mất chức, ở tù hay chỉ bị cảnh cáo. Trong cuộc bầu cử Đô trưởng Tokyo vào tháng 12 năm 2012, ông Inose đã thắng cử với số phiếu áp đảo đối phương. Ủy ban Bầu cử hoàn toàn không phát hiện được bất cứ một hành vi gian lận nào từ cá nhân ông Inose và văn phòng vận động bầu cử cho ông ta. Ngày 18/12/2012, ông Inose nhậm chức Đô trưởng Tokyo trong vẻ vang.
Tháng 11/2013, Ủy ban Bầu cử Hạ viện Quốc hội Nhật phát hiện ra 8 người vận động bầu cử cho dân biểu Tokuda Takeshi (thuộc đảng cầm quyền Tự do Dân chủ) có hành vi gian lận bằng cách mua phiếu trong cuộc bầu cử. Cảnh sát đã bắt những người này để điều tra, trong đó có hai bà chị ruột của dân biểu Tokuda hiện đang điều hành tài đoàn Y liệu Tokushukai với 280 cơ sở y tế trên khắp nước Nhật, trong đó có 66 bệnh viện lớn. Trong khi điều tra về sổ sách tài chánh, cảnh sát thấy có một số tiền 50 triệu yen được ghi hai chữ ‘’đã xuất’’.  cảnh sát hỏi xuất về chuyện gì thì người chị của dân biểu Tokuda khai rằng xuất cho ông Inose, ứng viên Đô trưởng mượn. Từ lời khai đó cảnh sát tìm đến gõ cửa ông Đô trưởng Inose để hỏi cho ra lẽ. 
Không biết do đâu mà các ký giả biết tin nên vào lúc 13 giờ ngày 22 tháng 11 họ đã kéo đến tòa Đô chánh hỏi ông Inose cho rõ chuyện thực hư. Biết là không thể nào dấu được nên ông Inose  bảo rằng đúng là ông có mượn của bố dân biểu Tokuda Takeshi 50 triệu yen không có tiền lời và có viết giấy mượn hẩn hoi. Khi được hỏi mượn để làm gì thì ông Inose cho hay mượn để phòng hờ nếu khi vận động bầu cử mà thiếu tiền thì sử dụng, khi đó sẽ viết thêm vào báo cáo chi thu tài chánh, nhưng sau đó thì đã không sử dụng số tiền 50 triệu vào cuộc vận động bầu cử.
Có lẽ biết mình hớ vì theo luật bầu cử thì số tiền mà mình có được trong tay dự định sẽ dùng cho việc vận động bầu cử cũng phải khai cho dù chưa sử dụng, nên chỉ hai tiếng đồng hồ sau, trong một cuộc họp báo định kỳ hàng tuần, ông Đô trưởng Inose lại nói ngược hẳn những điều ông nói trước đó là số tiền ông mượn cho cá nhân ông, hoàn toàn không liên hệ gì đến việc bầu cử cả. Tôi là nhà văn, trong thời gian vận động bầu cử sẽ rất bận rộn không viết lách gì được cả, cảm thấy bất an nên mượn tiền để phòng hờ cho chuyện chi tiêu gia đình.
Ông Đô trưởng Inose đưa giấy mình đã viết mượn tiền để giải thích
Mặc dù Đô trưởng cố gắng giải thích và cúi đầu xin lỗi về chuyện mượn tiền của mình đã gây hiểu lầm, nhưng chẳng thuyết phục được ai nên đã có nhiều người lên tiếng yêu cầu ông nên từ chức. Các đảng đối lập cũng như giới truyền thông quyết truy ông Inose đến cùng.
Một ký giả đặt câu hỏi: Khi mượn tiền ông nói là có viết giấy mượn hẳn hoi, nay nợ trả rồi thì đương nhiên phía cho mượn phải gởi trả giấy mượn tiền do ông viết. Xin cho xem nội dung giấy mượn tiền mà ông đã viết. 

Đô trưởng Inose trả lời rằng phía dân biểu Tokuda đã gởi trả lại giấy mượn tiền đó đến văn phòng tôi qua đường bưu điện, mỗi ngày văn phòng tôi nhận không biết bao nhiêu là thư từ, nhưng người phụ tá cho tôi thấy cái thư đó không quan trọng nên đã vất sọt rác rồi.

Nhưng hôm sau ông lại trình cho mọi người giấy mượn tiền, nghĩa là ngược hẳn những điều ông đã nói. Lúc đầu thì ông bảo giấy mượn tiền gửi trả trực tiếp đến văn phòng ông bằng đường bưu điện, sau đó ông lại nói giấy mượn tiền ông nhận qua một người khác.  

Chiến thuật đối phó của ông là đổ hết cho vợ về việc quản lý số tiền 50 triệu yen mà vợ ông đã ra người thiên cổ. Ngoài ra, các nghị viên còn tìm thấy những mờ ám trong việc chi các khoản về vận động bầu cử, theo sổ sách thì có một số tiền được dùng để chi cho những người đi vận động cho ông, chẳng hạn tiền “lương”, tiền trú ngụ “khách sạn”, nhưng khi hỏi lại thì chả ai nhận được ngân ngoản này cả. Việc này thì ông lại đổ hết cho người bí thư phụ trách tài chánh vận động bầu cử, còn ông thì không biết gì.

Để tránh các đảng đối lập sẽ gay gắt chất vấn nên vào ngày 9 tháng 12 vừa qua, trong buổi điều trần ở nghị trường, ông Inose đã ngỏ lời xin lỗi về chuyện mượn tiền  và để chuộc tội thì sẽ làm việc 1 năm không lãnh lương. 

Được biết lương Đô trưởng 1 tháng là 1 triệu 599 ngàn 480 yen, cộng thêm tiền Bonus mỗi năm 2 kỳ khoảng 6 triệu 563 ngàn 140 yen. Nghĩa là năm tới ông Inose sẽ không lãnh 26 triệu yen.

Hầu hết những cuộc họp của nghị viên thành phố, họp báo định kỳ của ông đều bị truy hỏi vấn đề này, nên cả tháng nay, những công việc chính của Tokyo như ngân sách, kế hoạch mới và nhất là việc chuẩn bị một Ủy Ban Cho Thế Vận Hội Olympic 2020 đã bị đình trệ.
Nhiều chính trị gia tên tuổi của đảng cầm quyền Tự Dân cũng đã lên tiếng: Chính quyền Đô thành của ông Inose coi như đã hết, chẳng khác nào một xác chết.

Và sáng ngày 19 tháng 12, ông Inose đã họp báo tuyên bố từ chức đô trưởng với lý do là không muốn công việc của tòa đô chánh ngưng trệ, nhất là việc chuẩn bị cho Olympic 2020. Và ông sẽ từ bỏ chính trường, đóng góp cho đất nước với tư cách nhà văn.
Việc ông từ chức vào thời điểm này tuy tạm chấm dứt việc truy hỏi, nhưng việc nhận 50 triệu yen là mượn cho ông, mượn để vận động bầu cử, ông vẫn chối quanh, chối quẩn không có câu trả lời rõ ràng dứt khoát. 

Luật Mới Đi Xe Đạp Đã Bắt Đầu Áp Dụng Từ Ngày 1 Tháng 12 Năm 2013

Vì tai nạn do xe đạp gây ra ngày mỗi nhiều nên cảnh sát đã đệ trình lên Quốc hội một tu chính án về luật đi xe đạp và đã được thông qua vào ngày 14/06/2013. Sau 5 tháng rưỡi công bố, ngày 1 tháng 12 vừa qua, luật mới này đã được áp dụng. Luật mới sửa đổi này có 2 điểm quan trọng mà người đi xe đạp phải nhớ rõ để khỏi bị phạt.

Thứ nhất, xe đạp phải có thắng (phanh) trước và thắng sau, nếu vi phạm có thể bị phạt tù (từ 3 tháng trở xuống) hay bị phạt tiền (từ 5 vạn yen trở xuống). Khi cảnh sát chận xe đạp lại để kiểm soát thắng mà không dừng cũng bị phạt mức án như trên. 

Thứ hai, xe đạp phải đi bên phía tay trái (trước đây có thể đi luôn cả bên phải), ai vi phạm sẽ bị phạt tù mức án tương tự. 

Xin quý độc giả tham khảo hình dưới đây thường thấy tại các thành phố hay những nơi có đông xe cộ lưu thông để khi sử dụng xe đạp sao cho đúng.


Nhân đây cũng xin nhắc lại một số luật lệ đi xe đạp đã có từ trước mà ít người chú ý.
- Uống rượu đi xe đạp sẽ bị phạt từ 5 năm tù trở xuống hay 1 triệu yen trở xuống.
- Đi xe đạp mà vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 3 tháng tù trở xuống hay 5 vạn yen trở xuống
- Đi xe đạp mà nghe điện thoại di động, đeo head phone nghe nhạc sẽ bị phạt từ 5 vạn trở xuống
- Đi xe đạp ban đêm không có đèn sẽ bị phạt từ 5 vạn trở xuống.
- Trời mưa cầm dù đi xe đạp cũng sẽ bị phạt từ 5 vạn trở xuống
- Đi xe đạp chở hai (không phải là em bé) sẽ bị phạt từ 1 ngàn trở lên hay 2 vạn trở xuống.
- Đi xe đạp hàng hai, hàng ba sẽ bị phạt từ 1 ngàn trở lên hay 2 vạn trở xuống. Ngoại trừ những nơi có để bảng cho đi hàng hai thì không sao.

Khi sử dụng xe đạp xin quý đồng hương nhớ những điều này để khỏi bị cảnh sát phạt. 


Truyền Thông Nhật Nói Về Bản Hiến Pháp Mới Của Việt Nam

Ngày 28 tháng 11 vừa qua, hầu như các báo đài lớn ở Nhật đều đưa tin và bình luận về việc Quốc hội Cộng sản Việt Nam bấm nút thông qua bản Hiến pháp mới sửa đổi. Đặc biệt nhật báo Sankei và đài truyền hình Fuji kênh số 8 đã dành khá nhiều chỗ cho chủ đề này.
Các nhận xét chính của giới truyền thông Nhật bao gồm:

- Một số điều gọi là mới sửa đổi trong bản hiến pháp này lại vẫn viện dẫn lý do quốc phòng và an ninh để giới hạn thêm về nhân quyền, bất kể thực tế là nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cam kết tôn trọng từ năm 1977 khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên hiệp quốc, và mới đây nhất là vào ngày 12 tháng 11 khi quốc gia này được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
- Nhà nước Cộng sản Việt Nam tiếp tục dùng thủ thuật cứ ca ngợi và cam kết tôn trọng nhân quyền nhưng rồi lấy luật pháp để trói các quyền đó lại. Các điều khoản luật pháp đó do chính nhà cầm quyền soạn rồi lấy cớ là an ninh quốc phòng để cấm. 
- Với bản hiến pháp mới này đảng Cộng sản Việt Nam yên chí sẽ kéo dài thời gian cầm quyền vì đã buộc được quân đội trước hết phải trung thành với Đảng chứ không phải với tổ quốc. 
- Với những lập luận như thế thì rõ ràng là nhân quyền ở Việt Nam hiện nay do nhà nước quyết định chứ không phải là quyền tất yếu mà con người khi sinh ra đã có như bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định. 
- Là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc mà không tuân thủ và hành động đúng theo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thì khó có thể trông đợi Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết khác.

Vẫn theo truyền thông Nhật, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chuyện sửa đổi Hiến pháp của nhà nước Cộng sản Việt Nam không chỉ chi phối trực tiếp đếnđời sống của người dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia có quan hệ với Việt Nam; trong đó có Nhật Bản. 

Vào đầu năm 2013, các hãng Nhật đang đầu tư ở Việt Nam lẫn những công ty dự định vào Việt Nam làm ăn, sau khi rút khỏi Trung quốc, đã quan tâm nhiều về chuyện Việt Nam sẽ sửa đổi hiến pháp. Tất cả đều mong bản hiến pháp mới của Việt Nam sẽ đặt nền tảng cho một hệ thống pháp lý mới, độc lập với các thế lực chính trị, dựa trên các luật lệ quốc tế, và công bằng. Ngay cả chính phủ Nhật cũng kỳ vọng bản hiến pháp mới sẽ mở ra nhiều cánh cửa hợp tác trực tiếp với xã hội dân sự tại Việt Nam hơn vì chính phủ Nhật đã bị áp lực nhiều từ công luận Nhật về việc xử dụng những khoản viện trợ phát triển quá phí phạm cho nhà nước Việt Nam. 

Bằng chứng về sự quan tâm và nôn nóng trên là việc nhiều công ty và tổ chức phi chính phủ (NGO) Nhật đã mời các chuyên gia am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam đến để tham khảo về chủ đề này. Hầu hết đều đã bật ngửa khi nghe các chuyên gia này đoan chắc rằng chẳng có gì thay đổi nếu không muốn nói là siết mạnh hơn trước. Để giúp cử tọa dễ hình dung mức độ lạc hậu ngoài sức tưởng tượng của hiến pháp Việt Nam, một chuyên gia đã đưa ra thí dụ: "Nếu đảng Tự Do Dân Chủ đang cầm quyền ở Nhật sửa đổi hiến pháp để bắt buộc Tự Vệ Đội (tức quân đội Nhật) phải trung thành với đảng này thì người dân Nhật chúng ta nghĩ sao?"

Câu hỏi đó vẫn còn để lại ấn tượng mạnh trong giới điều hành hãng xưởng Nhật. 
Tác hại của Hiến pháp 2013 đối với dân tộc Việt Nam đã bắt đầu.


Câu Chữ Nhật Nào Thịnh Hành Nhất Trong Năm 2013

Từ năm 1984 cho đến nay, hàng năm vào ngày 2 tháng 12 là nhiều người Nhật chờ nghe công bố những câu tiếng Nhật nào được chọn là thịnh hành nhất trong năm. Thường thì một năm chọn một câu ngắn gọn mà khi nói ra được nhiều người hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Câu chữ được chọn chả phải là một tiếng mới lạ gì cả, nó đã có sẵn trong ngôn ngữ Nhật, nhưng bỗng nhiên năm đó được nhiều người nhắc đến. Thường thì mỗi năm chọn một câu, nhưng năm 2013 vừa qua có đến 4 câu được chọn.

-Ima desho ((Chính là) Bây giờ phải không?) là câu thứ nhất được chọn. Câu này phát xuất từ một quảng cáo của trường luyện thi Đông Tiến. Giáo sư dạy Anh văn nói với học sinh rằng biết được tiếng Anh thì đi đâu cũng dễ xin việc làm phải không? Giáo sư toán thì nói toán học là một ngôn ngữ chứ không phải là phép tính. À vậy thì bao giờ các trò học? (Chính là) Bây gìờ phải không?
- Bai Kaeshi (Trả gấp đôi) là câu thứ hai được chọn. Câu này lấy trong phim kịch Hanzawa Naoki của đài truyềnh hình TBS (kênh số 6) được trình chiếu từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2013 vào 9 giờ tối chủ nhật. Naoki là một nhân viên ngân hàng khi bị cấp trên đì, nhưng cố nén tức giận rồi tự nhủ với lỏng mình là sẽ làm cho người đì mình phải trả lại cái giá gấp đôi.
- Je, je, je (ê,ê,ê) cũng là câu được chọn lấy trong phim kịch Ama Chan (Những Phụ Nữ lặn bắt bào ngư) của đài truyền hình NHK vào lúc 8 giờ sáng. Je, Je, Je là tiếng địa phương ở vùng Đông Bắc Nhật (nơi xảy ra trận động đất & sóng thần 2011). Khi môt chuyện gì quá đổi ngạc nhiên thì người dân ở vùng này hày nói Je, je, je. Thật ra đã từ lâu người dân vùng này không còn dùng mấy chữ je, je, je nữa, nếu còn sử dụng thì chỉ có những phụ nữ lặn bắt bào ngư nói với nhau mà thôi. Vì phim kịch mỗi buổi sáng của đài TV NHK được nhiều người ở khắp nước Nhật xem nên từ je, je, je được sống lại.
- Omotenashi (Lòng hiếu khách) là câu cuối cùng được chọn. Câu này do nữ xướng ngôn viên Christel Takigawa (lai Pháp) làm việc cho nhiều đài truyền hình nói khi giới thiệu Nhật Bản trước Ủy ban Olympic Thế giới lúc vận động xin đăng cai tổ chức Tokyo Olympic 2020. Vì Tokyo được chọn làm nơi tổ chức Olympic 2020 nên câu nói rất duyên dáng của Chritel Takigawa được dân Nhật đánh giá cao.
4 nhân vật được trao giải 
Được biết giải thưởng này do nhà xuất bản Jiyukokumin tổ chức, người được trao giải chỉ nhận được một tấm huy chương chứ không có tiền thưởng, tuy nhiên tên tuổi được truyền thông nhắc lui, nhắc tới cũng là cách hái ra tiền.
Ngoài ra, ngày 12 tháng 12, Hiệp Hội Kiểm Định chữ Hán Nhật Bản tại Kyoto đã chọn “chữ Hán năm nay” là chữ ”輪”, âm Việt là “Luân” nghĩa là vòng tròn, Có tất cả 17290 phiếu tham gia cuộc bình chọn này, trong đó có 9518 phiếu chọn chữ “Luân”. Chữ này được nhiều người chọn là vì năm nay, Tokyo đã được quyền đăng cai Olympic 2020; vòng tròn cứu giúp những người bị thiên tai, bão lụt càng ngày càng lớn... 


Chính Phủ Nhật Sẽ Tăng Thuế Loại Xe Hơi Phân Khối Nhỏ Và Xe Gắn Máy


Để khuyến khích người dân sử dụng loại xe hơi chạy bằng đìện (Eco Car) nhằm bảo vệ môi trường, chính phủ Nhật quyết định sẽ không đánh thuế vào loại xe này, thay vào đó từ tháng 4 năm 2015 trở đi sẽ tăng thuế loại xe hơi có phân khối nhỏ (tiếng Nhật gọi là Kei Jidosha, 660 phân khối (660cc trở xuống mang bảng số màu vàng) và xe gắn máy. 
Hiện tại thuế hàng năm của loại xe hơi phân khối nhỏ (chở người) là 7.200 yen sẽ tăng lên thành 10.800 yen, xe gắn máy 50cc là 1000 yen sẽ tăng lên thành 2 ngàn yen, xe trên 250cc từ 4 ngàn yen tăng thành 6 ngàn yen. 
Suzuki là hãng sản xuất xe hơi phân khối nhỏ nhiều nhất của Nhật khi nghe tin này đã tổ chức họp báo chỉ trích đây là loại thuế ăn hiếp người nghèo


Ông Suzuki,
Tổng giám đốc hãng xe Suzuki họp báo
Theo ông Suzuki thì hiện nay ở Nhật số xe hơi phân khối nhỏ chiếm 40%, đặc biệt là người dân ở ngoại ô, nông dân nếu mua xe hơi thì nhiều người chọn loại xe phân khối nhỏ.
Theo ước tính của các hãng bán xe hơi thì vì không đánh thuế vào loại xe Eco Car nên sẽ không thu được khoảng 190 tỷ yen tiền thuế, nên chính phủ đã tăng thuế loại xe hơi phân khối nhỏ để đắp vào chỗ thiếu hụt này.



Từ Tháng 4 Năm 2014 Sử Dụng Thẻ Suica, Pasmo Để Đi Xe Điện Của Hãng JR Higashi Sẽ Lợi Hơn Mua Vé

Vì đầu tháng 4 năm 2014 thuế tiêu thụ sẽ tăng từ 5% lên thành 8% nên vào ngày 12 tháng 12 vừa qua tất cả các hãng xe điện đều nạp đơn xin bộ Giao thông cho họ lấy thêm 3% tiền thuế tiêu thụ khi bán vé cho khách để nạp cho đủ 8%. 

Vì các máy bán vé tự động không thể thối lại 1 yen hay 9 yen nên lấy chẵn là 10 yen. Ví dụ giá vé 130 yen nếu lấy thêm 3% thuế tiêu thụ thì sẽ là 133,9 yen. Nếu mua vé ở máy bán tự động sẽ phải trả 140 yen, trong khi nếu sử dụng thẻ Suica hay Pasmo để đi thì chỉ trả 133 yen vì các thẻ này tính toán được từng yen lẻ.

Tuy nhiên có một số địa phương thì lại tính toán theo cách 4 bỏ 5 lấy. Ví dụ giá vé 140 yen nếu lấy thêm 3% thuế tiêu thụ sẽ là 144,2 yen. Vì là 4 bỏ 5 lấy nên khi mua vé ở máy tự động thì chỉ tốn 140 yen, trong khi đi bằng thẻ Suica hay Pasmo thì phải trả đủ.
Quý đồng hương nào ở vùng có đường xe điện JR Higashi thì nên mua thẻ Suica hay Pasmo, các thẻ này có cái tiện là khỏi sắp hàng mua vé và đi bao nhiêu trả đủ bấy nhiêu, khỏi bị mất thêm mấy yen,



 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors