Nhật Bản: mặt trời mọc từ những trang sách


"Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học kẻ thù, mà chỉ sợ vô minh vì không học".

 

                                         Thói quen đọc sách của người Nhật: xưa...
Tại hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục tổ chức ở TP.HCM ngày 6.5 do IRED (viện Nghiên cứu giáo dục) phối hợp với bộ Văn hoá – thể thao và du lịch tổ chức, GS Nguyễn Xuân Xanh đã có một bài phát biểu gợi nhiều liên tưởng, khi lý giải nguyên nhân đưa Nhật Bản đến địa vị siêu cường chính là không ngừng tôn vinh việc đọc, việc học và đề cao tri thức...
"Biết được văn hoá đọc và giáo dục của Nhật Bản phát triển từ 300 năm trước, chúng ta chắc không còn quá ngỡ ngàng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và đột ngột của Nhật Bản, nhưng vẫn phải cực kỳ ngạc nhiên và ngã mũ nhiều lần trước dân tộc văn hoá này. Darwin nói ở đâu đó, rằng Nhật Bản là một kỳ quan thế giới. Đối với người Nhật, đọc sách là để khai minh, vươn lên bằng thiên hạ. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức để không ngừng phát triển và hoàn thiện mình".
Nhật Bản đã được cả thế giới nể trọng hơn 100 năm qua, nếu tính từ cuộc chiến tranh Nhật-Thanh 1894-95. Sau thắng lợi đột ngột của một dân tộc nhỏ bé, từng là học trò và chư hầu của Trung Hoa, thắng lợi trước người thầy và người khổng lồ bên cạnh mình, thì không những tất cả các dân tộc châu Á, mà còn bản thân Trung Hoa, nhưng trên hết các cường quốc phương Tây đều nhìn về Nhật Bản với con mắt cực kỳ nể phục và kinh ngạc.
Công ty đầu tiên là công ty sách
Công cuộc duy tân Minh Trị chưa đầy 30 năm mà đã thay đổi hẳn bộ mặt của dân tộc nhỏ bé này, đưa Nhật Bản từ một xã hội phong kiến lên hàng cường quốc hiện đại. Nhà Thanh sụp đổ. Mười năm sau đế chế Nga cũng chịu chung số phận. Nhật Bản đã nghiễm nhiên trở thành cường quốc toả sáng tại vùng châu Á còn sống trong đêm tối.Vì sao Nhật Bản có sức mạnh thần kỳ và nhanh chóng ấy? Nhật Bản trước hết là một dân tộc văn hoá độc đáo mà một trong những nét độc đáo đó là văn hoá đọc và giáo dục. Họ đã trưởng thành nhanh chóng bằng sự rèn luyện văn hoá từ nội tâm sâu thẳm. Và đó là đề tài tôi xin được phép trình bày sau đây.
Vào thời Minh Trị, nhiều quyển sách phương Tây được dịch sang tiếng Nhật đã được bán ra hàng triệu bản, như quyển “Tự giúp mình” (Tự trợ luận, Self-Help) của Samuel Smiles; quyển Tự do luận (On Liberty) của John Stuart Mill, hay quyển Tây dương sự tình của Fukuzawa biên soạn nói về văn minh phương Tây. Đó là những con số khủng nếu chúng ta biết rằng dân số của Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ khoảng hơn 30 triệu người. Thời Minh Trị, Cty TNHH đầu tiên ra đời là Cty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen. Sách là nền tảng tri thức để chấn hưng đất nước.
Trong các tác giả phương Tây có lẽ Herbert Spencer (1820-1903) là người có ảnh hưởng lớn nhất lên Nhật Bản Minh Trị. Ông được biết với nhiều đề tài, trong đó có thuyết tiến hoá xã hội Darwin, tức “khôn sống mống chết” nói nôm na hay thích nghi để tồn tại. Điều này dễ hiểu khi vào hậu bán thế kỷ 19 nhiều phần đất trên thế giới tiếp tục rơi vào tay các cường quốc phương Tây, trong đó có Miến Điện và Đông Dương.
Không phải văn hoá đọc của người Nhật bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị sau đêm dài phong kiến mà nó có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc này chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn tra trận để thi thố tài năng tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc, hai thứ có mối liên hệ chặt chẽ nhau.
Trong thời vàng son Genroku (1688-1704) Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, với nhiều nhà xuất bản lớn, nhà minh hoạ và nhà văn tên tuổi, với số sách bán ra thường lên đến 10.000 bản, một con số “khủng” cách đây 300 năm. Giáo dục thời Tokugawa bùng nổ, với hệ thống trường học phục vụ nhiều đối tượng và đẳng cấp khác nhau: trường Mạc phủ trung ương, trường bang của các đại danh, trường dành cho thường dân nghèo (terakoya), trường tư thục (privat academy) cho samurai lẫn thường dân (shijuku), một loại trường phi đẳng cấp (sẽ được thực hiện rộng rãi vào thời Minh Trị, giống như mô hình trường trung học cải cách của Humboldt đầu thế kỷ 19 tại Đức).
Giáo dục – dịch thuật bùng nổ
Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học kẻ thù, mà chỉ sợ vô minh vì không học.
Khi Nhật Bản bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường học đủ mọi loại! Hàng triệu người đã được học hành. Đó là những con số khủng tiếp tục của giáo dục của Nhật Bản. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khống giáo nổi tiếng Dazai Jun (1686- 1747) viết.
Vì sao có những con số khủng về giáo dục và văn hoá đọc của một dân tộc vốn là võ sĩ?
Năm 1615 tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi bình định gần ba trăm bang (han), đã truyền lệnh cho tất cả các đại danh đứng đầu các bang (daimyō), và cho các võ sĩ rằng (Điều 1): “Bun bên tay trái, Bu bên tay phải”. Bun là văn, còn bu là võ, từ đó bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Tức “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”. Và văn đi trước võ để có sự trị nước lâu bền. Võ sĩ là giai cấp cầm quyền ở Nhật Bản, trở thành giai cấp có học, và rất thấm nhuần văn hoá khổng giáo.

Vì sao có những con số khủng về giáo dục và văn hoá đọc của một dân tộc vốn là võ sĩ?
Mệnh lệnh trên có tác dụng của một “big bang” của văn hoá học và văn hoá đọc sách. Nó được tiếp tục giương cao và nhắc nhở bởi các đời tướng quân tiếp nối. Các đại danh phải học văn hoá, khoa học và nghệ thuật quản lý đất nước. Một đại danh có học phải đọc sách hằng ngày. Để học, họ lập ra các thư viện khắp các bang. Tokugawa là chế độ tự ‘toả quốc’ (sakoku) suốt 260 năm, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây 1640 (Việt Nam 1630), chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima ở Nagasaki để thông thương với Hà Lan là một quốc gia nhỏ phát triển ở châu Âu mà họ biết không thể làm tổn hại độc lập của họ được. Họ kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách báo, để tránh sự thâm nhập của Kitô giáo. Nhưng cũng chính trong hai thế kỷ đóng kín đó, qua ngõ Hà Lan, giới trí thức Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là ‘Lan học’ (Rangaku), để biết rõ sự phát triển khoa học, công nghệ trong cao trào cách mạng công nghiệp đang diễn ra ở châu Âu. Đó là bình minh của nhận thức, giúp cho Minh Trị nhanh chóng thành công.
Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 làm nền tảng phát triển khoa học cho các đại học châu Âu vừa ra đời, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhiều nhà Lan học đã phải tự sát trước sự truy bức của chính quyền cảnh sát Mạc phủ, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh, như bác sĩ nổi tiếng Sugita Gempaku (1733-1817) tự biện, người tạo cú hích mạnh mẽ cho Lan học mà sau này nhà khai sáng Fukuzawa đánh giá rất cao.
Tương tự, các nhà lãnh đạo trong chính quyền Minh Trị cũng không thể trị vì đất nước trong sự vô minh. Năm 1882, tức 14 năm sau Phục hồi Minh Trị, thống kê cho thấy có tất cả 2.170 quyển sách tiếng nước ngoài Anh, Pháp, Đức tại các văn phòng chính phủ. Các quan chức lãnh đạo của chính quyền Minh Trị đều là những người có học, trước Khổng học sau Tây học và đọc được tiếng nước ngoài, có người từng du học ở phương Tây. Mạc Phủ cũng đã sớm thành lập văn phòng dịch thuật, cái mà lúc đầu họ gọi là Viện nghiên cứu sách của người man di, có nhiều sách vở nhất, nhiều trí thức đã trưởng thành qua đó, nhanh chóng thay đổi được hệ hình tư duy của mình.
Có một cái ‘khủng’ đáng được nhắc ở đây: tính xã hội cao độ của người Nhật được thể hiện qua sự hy sinh vô cùng lớn của xã hội giúp thanh niên vượt khó trong việc học. Không những người thầy hy sinh cho học trò, mà hầu như cả xã hội đều ra tay giúp đỡ vô vị lợi. Hoàng gia Nhật dành phần lớn thu nhập cá nhân cho giáo dục công đã đành; các đại danh, những người chủ đất giàu có tranh đua với nhau hỗ trợ giáo dục đã đành, mà xuyên suốt mọi tầng lớp xã hội, các thương gia, nhà ngân hàng, nhà sản xuất - tất cả những người giàu có của các giới thương mại và công nghiệp - đều hỗ trợ việc giáo dục sinh viên; các sĩ quan quân đội, công chức, bác sĩ, luật sư, các giới nghề nghiệp, nói tóm lại tất cả đều làm như thế. Đặc biệt các giảng viên, giáo sư đại học tuy với đồng lương khiêm tốn nhưng đã biết “nhường cơm xẻ áo” với sinh viên. Hầu như tất cả các công trình giáo dục bậc đại học được thực hiện ở Nhật Bản, dù có sự giúp đỡ của chính phủ, đều là những kết quả của sự hy sinh cá nhân (Lafcadio Hearn).

...và nay
Mang lửa Prometheus về châu Á
Sự chuyển đổi xã hội Nhật Bản từ phong kiến sang xã hội công nghiệp là công trình trí tuệ của giới trí thức Nhật Bản, hạt nhân của xã hội mới. Họ là những người “khai mông” (keimō). Thứ nhất, họ khêu dậy tinh thần “văn minh và khai hoá” (bummei-kaika). Việc này được thực hiện bởi nhóm “Minh lục xã” (Meirokusha) xung quanh các nhà khai sáng lớn Fukuzawa, Mori, Nishi, Katō, Tsuda, Nakamura, Kanda và Nishimura.
Thứ hai, để tạo sự đồng thuận xã hội, giới trí thức phải bắc được chiếc cầu sống chung giữa Khổng giáo và chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực chứng khoa học phương Tây, và với thương mại, như loại hình kinh doanh đã được cường quốc Anh đại diện là sức mạnh tổng hợp của cách mạng công nghiệp và thể chế chính trị dân chủ. Thương mại, vốn đứng hàng cuối cùng trong bậc thang sĩ, nông, công, thương của xã hội khổng giáo phương Đông, nay được bốc lên vị trí hàng đầu như một đức hạnh cao quý. Thương mại là công cụ cần thiết của nghệ thuật lãnh đạo nhà nước để thực hiện trách nhiệm đạo đức khổng giáo của mình đối với nhân dân. Tri thức phương Tây và đạo đức khổng giáo phương Đông có thể sống chung và bổ túc cho nhau.
Một sự kiện có ảnh hưởng lớn lên các nhà lãnh đạo Nhật Bản liên quan đến ý thức về cuộc đấu tranh sinh tồn đang diễn ra gay gắt, khi Đoàn Iwakura là đoàn có sứ mệnh đi tìm khai sáng cho Nhật Bản tại Hoa Kỳ và châu Âu 1871- 73 dừng chân thăm nước Đức. Trong buổi chiêu đãi đoàn ngày 15 tháng 3 năm 1873 tại Berlin, Thủ tướng Bismarck của Đức đã có những lời phát biểu sau đây: Giờ đây các quốc gia trên thế giới tất cả đều tỏ ra thân thiện và lễ phép khi họ giao tiếp nhau, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Thực tế đằng sau là ngấm ngầm sự mưu hại lẫn nhau và cuộc đấu tranh giành ưu thế…
Bismarck cho rằng, nước mạnh chỉ tìm cách ức hiếp và bắt nạt nước yếu. Theo ông, một dân tộc chỉ chăm sóc tình yêu quê hương thôi chưa đủ. Nếu không xây dựng được sức mạnh thì đất nước sẽ không giành được sự tôn trọng trên chính trường quốc tế, độc lập chỉ là niềm hy vọng hảo thôi. Những lời nói của Bismarck rót đúng vào trái tim đang khao khát tìm đường khai sáng và quyết tâm sắt đá của các nhà lãnh đạo samurai.
Mori Arinori (1847-1889), Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị, người có công lớn như Wilhelm von Humboldt của Đức, đã thấy trước cuộc đấu tranh sinh tồn của thuyết tiến hoá xã hội đang diễn ra trên thế giới, đang đe doạ chính bản thân dân tộc mình, đã diễn tả sâu sắc ý nghĩa của công việc giáo dục như sau: “Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cuộc chiến tranh này. Thua cuộc chiến tranh này là sẽ thua cuộc chiến tranh bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”. Đó là sự tiến hoá xã hội đi lên của Nhật Bản mà các nhà lãnh đạo Minh Trị đã hình dung và kỳ vọng với tất cả quyết tâm.
Biết được văn hoá đọc và giáo dục của Nhật Bản phát triển từ 300 năm trước, chúng ta chắc không còn quá ngỡ ngàng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và đột ngột của Nhật Bản, nhưng vẫn phải cực kỳ ngạc nhiên và ngã mũ nhiều lần trước dân tộc văn hoá này. Darwin nói ở đâu đó, rằng Nhật Bản là một kỳ quan thế giới. Đối với người Nhật, đọc sách là để khai minh, vươn lên bằng thiên hạ. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức để không ngừng phát triển và hoàn thiện mình. Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học của kẻ thù, mà chỉ sợ vô minh vì không học. “Hãy biết kẻ thù” (Tôn Tử). Họ học sớm và học nhiều hơn Trung Hoa là quốc gia đã tiếp xúc với phương Tây cả trăm năm trước họ mà vẫn không học được gì. Họ học mà vẫn giữ được bản sắc, “tổng hợp được văn hoá Đông Tây”, trong khi Trung Hoa chính là nước vứt bỏ truyền thống của mình sau những cuộc cách mạng phiêu lưu. Nhật Bản đã mang lửa văn minh của thần Prometheus về châu Á để thắp sáng cả vùng. Họ đã thành công rực rỡ như một tấm gương sáng chói, và được cả thế giới nể phục.
Ngày nay bài học Nhật Bản không phải đã mất đi giá trị vì nó đã hơn một trăm năm qua. Không. Dân tộc nào biết cầu thị và khiêm tốn sẽ tìm thấy ở tấm gương vĩ đại này những viên thuốc hồi sinh, cũng như chính dân tộc Nhật Bản đã từng tìm được những viên thuốc hồi sinh cho mình ở việc học hỏi Trung Hoa và phương Tây một cách không sĩ diện đễ tiến lên hàng đầu trong cộng đồng các dân tộc tiên tiến.
SGTT
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - Bán dâm không có tội, bán dân mới có tội - 2015-05


Bán dâm không có tội, bán dân mới có tội
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Cùng thời gian này, gần cuối tháng Tư 2015, các phương tiện truyền thông ở VN cổ vũ 40 năm “thống nhất,” năm nay có vẻ xôm tụ hơn các năm trước, mọi tin tức về “ngày lễ lớn” này đăng lai rai trên các phương tiện truyền thông. Tôi nhận được e mail của một cô em kết nghĩa, cô định cư ở Mỹ, nhưng còn vướng gia đình ở VN nên lâu lâu cô lại về thăm nom. Bất ngờ tuần vừa qua, cô về lại Mỹ. Trong e mail cô viết: “Em về Mỹ chữa bệnh đúng lúc này để tránh nghe bị chửi.”
Chiếc túi da cá sấu màu đỏ của “siêu mẫu” Thanh Hằng mang thương hiệu Salvatore Ferragamo có giá lên đến 700 triệu đồng được đưa lên báo khiến nhiều cô gái thèm khát.


Chuyện này làm tôi nhớ đến hơn 12 năm trong cái gọi là “trại học tập cải tạo.” Ngày đi lao động mệt phờ phạc, thế mà tối về đến trại, nằm trong buồng giam buộc phải nghe chiếc loa mắc từ nóc chòi canh chĩa vào trong trại, chửi ra rả “mỹ ngụy” suốt một tháng ròng. Thế mà không phát khùng được mới là lạ. Đến bây giờ tôi vẫn còn rùng mình ghê sợ vì cái đòn tra tấn khủng khiếp này. Vì thế tôi dị ứng nặng với những gì nhắc đến ngày 30-4-75 đã làm cho biết bao gia đình tan nát, trong đó có gia đình tôi. May mà tôi còn đứng dậy được.
Lúc này tuy cuộc chửi rủa có phần bớt đi, và có vẻ như không còn “ăn khách” nữa hoặc chưa đến “thời điểm” nên chưa được làm. Làm những gì, làm ra sao đều do một “ông chủ nhiệm lớn” quyết định cho ngành truyền thông. Cho nên báo chí VN đang khai thác những thông tin đời thường, cho báo mình hấp dẫn hơn.
Đó là hai cái tin: Tiếp viên hàng không VN buôn lậu và tin người mẫu bán dâm. Đủ mọi mặt của các nhân vật chính, nhân vật phụ được khai thác tối đa. “Cuộc đời ái tình và sự nghiệp” cùng hình ảnh của các cô tiếp viên buôn lậu và người mẫu bán của trời cho được phơi bày chình ình trên các trang báo viết và báo mạng. Độc giả tha hồ “tìm hiểu” và nhìn ngắm thỏa thuê, từ quán cà phê đến nhà hàng sang trọng cũng bàn tán sôi nổi. Có lẽ thời đại này con người thích những chuyện trước mắt hơn là chuyện viển vông, người ta chán rồi.
Thật ra cả hai cái tin trên đây chẳng có gì lạ. Những chuyện như thế xảy ra nhiều lần, nhưng không ai bỏ qua chuyện “mới toanh” như thế này. Ở đây tôi chỉ tóm lược những sự kiện chính và là đi tìm nguyên do của hai thứ tạm gọi là “tệ nạn” đó ở VN.
Tiếp viên hàng không buôn lậu
Sự việc mới nhất, cơ trưởng và tiếp viên chuyến bay VN426 của hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) bị hải quan sân bay quốc tế Gimhae (Pusan - Hàn Quốc) bắt giữ hôm 10-3 vừa qua ngay khi vừa từ Hà Nội đến vì mang tổng cộng 6 kg vàng giấu dưới đế giày không khai báo hải quan. Cụ thể là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (người lái máy bay chính) giấu 4 kg vàng và một tiếp viên khác trên cùng chuyến bay VN426 giấu 2 kg vàng dưới đế giày đi trót lọt qua sân bay quốc tế này. Chỉ đến khi hạ cánh xuống sân bay sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc) hai nhân viên này mới bị hải quan sân bay Gimhae bắt giữ ngay khi bị hệ thống máy dò kim loại phát hiện có vàng trong đế giày. Sự việc đang gây dư luận rất xấu cho uy tín của VNA và ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.
Điểm lại vài vụ đã xảy ra trước đây.
Chuyện không lạ bởi nhiều năm trước đây đã từng có nhiều vụ “động trời” xảy ra. Chỉ xin điểm lại vài vụ đáng chú ý nhất:
- Ngày 26-3-2014, cảnh sát Tokyo cho biết họ đã bắt nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc vì nghi ngờ cô này vận chuyển hàng ăn cắp. Theo đó, người này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125,000 yen (hơn $1,000 Mỹ kim) trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc Tế Kansai, tháng 9 năm ngoái. Ngoài ra, cơ quan cảnh sát Nhật còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng có thể đã nhúng tay vào việc vận chuyển hàng ăn cắp. Trong số này, đã có 5 người bị thẩm vấn, bao gồm một phi công và 4 tiếp viên. Chưa kể, có nhiều vụ nhân viên Vietnam Airlines buôn lậu hàng qua cửa khẩu, bị bắt tại Việt Nam.
- Tháng 9-2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của Vietnam Airlines bị an ninh sân bay Nội Bài phát giác mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) về nhưng không khai báo.
- Cuối năm 2011, siêu mẫu Vĩnh Thụy đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử và ngoại tệ về Sài Gòn thông qua một số tiếp viên của VNA. Bị khởi tố cùng Vĩnh Thụy có tiếp viên Thái Anh Tiến, tiếp viên VNA.
- Tiếp Viên của VNA còn liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn. Vào tháng 11/2008, Vietnam Airlines đã từng buộc thôi việc đối với phi công Lại Quốc Việt vì tình nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Với việc vận chuyển trái phép $6.5 triệu đô Úc về Việt Nam, phi công Trần Đình Đang cũng đã bị kết án với mức 4 năm rưỡi tù giam.
Đó chỉ là vài vụ “lẻ tẻ” trong những năm gần đây.
Hàng xách tay là hàng gì?
Những năm gầy đây tôi thường nghe nói đến “hàng xách tay” và khi cần mua hàng nhiều người mong chọn được hàng xách tay vùa rẻ, vừa là hàng chính hiệu từ nước ngoài mang về, tất nhiên là tốt và bảo đảm hơn những hàng bán tại các cửa hàng tại VN thường bị hàng nhái, hàng giả, hàng của mấy chú ba Tàu. Nhiều nhất là mỹ phẩm và các mặt hàng điện tử như điện thoại “xịn,” máy tính, máy quay phim chụp hình. Tôi cứ nghĩ là của bà con từ nước ngoài về mang theo bán lại thôi. Thật ra đó là hàng lậu của mấy cô cậu tiếp viên hàng không tuồn về VN. Bởi các dòng mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu, chất lượng cao của Nhật cùng hàng điện tử chính hãng được người Việt ưu chuộng hơn cả. Hàng xách tay khi đem về Việt Nam được bán với giá cao mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào.
Ở Hà Nội có cả một khu dân cư chuyên bán “hàng xách tay.” Sự tồn tại của cái chợ “hàng xách tay” này cho thấy không phải một mà nhiều đường dây làm ăn phi pháp. Nhát đòn thì buôn vài ba cái, dạn đòn thì mang về cả chục cái gửi mỗi bạn đồng hành, thậm chí gửi cả khách đi máy báy quen mỗi người một hai cái mang giùm, đâu có sao.
Nỗi nhục quốc thể
Ở VN người dân thường nhìn những nữ chiêu đãi viên xinh đẹp, với chiếc áo dài, lưng thon, nở nụ cười tươi như hoa buổi sáng chào đón khách hàng. Tiếp viên hàng không là một nghề cao quý, là đại diện cho hình ảnh một quốc gia. Họ được ăn ngon, mặc đẹp, ngủ khách sạn hạng sang, đi nước ngoài như đi chợ, lương tháng năm bảy chục triệu. Vậy tại sao một số tiếp viên phải buôn lậu?
Câu trả lời quá dễ dàng, bởi đạo đức xuống cấp, bởi thời đại này “tiền là tiên là Phật, là sức bật con người.” Đã là dân sang phải diện đồ sang, phải có xe hơi, phải có nhà đẹp và hàng chục thứ “sang chảnh” khác nữa khiến người càng sang càng đẹp, được xã hội vì nể phải làm cho ra mặt “ta đây.” Vả lại xã hội tham nhũng từ dưới lên, từ trên xuống, họ có buôn lậu tí đỉnh cũng là lẽ thường trong cái xã hội này. Đôi khi họ còn được bạn bè thân thuộc kính trọng hơn vì cái “tài” của mình. Lúc đó họ chẳng còn biết mình là ai, chẳng còn nghĩ đến tổ quốc tổ cò làm gì cho bận. Đúng là một nỗi nhục quốc thể, nhưng còn nỗi nhục của người công dân VN đối với bạn bè quốc tế, ai gánh chịu?
Và, một câu hỏi nhức nhối khác: tại sao sân bay Tân Sơn Nhất cũng có đủ máy móc lại không thể phát hiện ra số vàng giấu trong đế giày của các tiếp viên?
Đến chuyện người mẫu bán dâm
Cũng lại là chuyện “muôn năm cũ.” Bán dâm nước nào chẳng có, chỉ có ít hay nhiều thôi. Chuyện người mẫu và các cô chân dài trong làng showbiz Việt bán dâm đã từng xảy ra quá nhiều lần. Có thể kể đến vụ bán dâm nghìn đô bị phanh phui vào hồi tháng Sáu năm 2012, hoa hậu Nam Me-kông Mỹ Xuân được xác định là người có vai trò “đáng kể nhất” khi vừa làm gái bán dâm, vừa trực tiếp quản lý và điều hành đường dây. Và trong khi những tên tuổi có đôi chút tiếng tăm liên quan tới đường dây mua bán dâm này như: Hồng Hà, Thiên Kim, Mỹ Xuân, Jenny Phương... bị phơi bày trên mặt báo với đầy ê chề, tủi hổ, đau đớn.
Và cần phải nói huỵch toẹt ra rằng con số bị bắt chỉ quá khiêm nhường. Hầu hết những vụ các tú ông tú bà đưa các em “hành nghề” ở các khách sạn mới bị tóm. Còn những vụ các quan, các đại gia đưa các nàng đến biệt thự, nhà riêng, hoặc đi nước ngoài “hành lạc” thì cơ quan nào cũng đành bó tay. Và còn cả những khách sạn có bảo kê, công an đụng rục rịch đi bắt là họ đã biết trước. Chẳng qua là “bị sao quả tạ chiếu mệnh” nên mấy cô mới bị bắt quả tang thôi.
Theo tin “nóng” nhất, đêm 7/4 lực lượng chức năng ập vào ba khách sạn tại quận 1 và huyện Bình Chánh (Sài Gòn) thì bắt quả tang 6 cặp nam – nữ đang mua bán dâm. Trong 6 cô gái bị bắt thì cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam 4 cô. Đến nay, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam hình sự 5 người có liên quan đến vụ án. Cụ thể, tú ông Lê Bảo Lộc - Giám đốc công ty đào tạo người mẫu Gia Khang bị khởi tố, tạm giam về hành vi môi giới mại dâm; các người mẫu, diễn viên đồng phạm với Lộc gồm Nguyễn Thị Hải Yến, quê tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Thị Diệu Hiền quê tỉnh Khánh Hòa, Đặng Thị Ánh Đào và Lê Thị Bảo Trân quê tỉnh Kiên Giang bị khởi tố, tạm giam về hành vi môi giới mại dâm và bán dâm.
Đường dây bán dâm do Lộc đứng đầu này còn tổ chức các chuyến bán dâm cho các đại gia dạng “sex tour” với mức hàng chục ngàn USD/chuyến. Trong số các gái bán đâm dưới bàn tay của Lê Bảo Lộc còn có cả cháu gái là Lê Thị Bảo Tr.. Đau lòng hơn, có nhiều cô trong đường dây này hiện đang là sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở TP. Sài Gòn.
Nên hay không nên công bố tên tuổi của người bán và mua
Để có đề tài mới hơn, các trang báo lại thi nhau đăng tải những bài phỏng vấn và tranh luận về đề tài “ăn tiền” này. Có người đặt câu hỏi trong khi các cô gái bán dâm bị công khai tên tuổi, thậm chí cả “đời tư sự nghiệp”, tại sao những người bỏ tiền ra mua dâm lại được giấu kín tên tuổi? Họ đề nghị báo chí phải công bằng, loan tin đầy đủ tên những vị khách mua dâm. Đừng vì họ là đại quan, đại gia mà được ưu đãi. Có vị lại lý luận chỉ nên công bố tên tuổi của những tú ông tú bà, chăn dắt, dụ dỗ các cô gái đó, nhưng không nên công khai tên tuổi các cô gái trót lầm đường lạc lối, đừng đẩy họ vào con đường cùng, hãy nghĩ đến tương lai dài của họ. Và, ngay cả những người đi mua dâm cũng không nên công khai tên tuổi của họ vì như thế là là vi phạm quyền nhân thân của công dân và còn gia đình con cái cũng như công việc của họ.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này
Có phải chăng, các vụ quan tham, ăn hối lộ, tham nhũng hằng ngày phơi trên mặt báo đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của toàn xã hội? Chính vì vậy nên cả xã hội chạy hớt hơ hớt hải theo đồng tiền. Mặt khác những tiện nghi xa hoa đế vương của mấy cô người mẫu, ca sĩ, diễn viên dù là dở ẹc, cũng được “trưng bày” trên nhiều trang báo. Hàng hiệu giờ đã trở thành một thứ thông tin đắt giá như danh tiếng của bất cứ “ngôi sao” nào trong giới giải trí. Một bộ váy áo đáng giá chục ngàn đô, một cái bóp đáng giá cả tỉ đồng, chiếc xe hơi vài tỉ … khiến các cô gái thèm khát như đó là mơ ước lớn nhất của đời mình. Đời sống hào nhoáng, xa hoa, lộng lẫy ấy khác xa với đời sống của hàng mấy chục triệu người dân lao động và những người cùng khổ đang sống ở Việt Nam.
Bởi thế lại có lập luận cho rằng các cô gái bán dâm vì hoàn cảnh khó khăn, một “nghề” không ăn cắp ăn trộm của ai, không ép uổng ai, làm ra tiền bằng công sức của chính mình. Chỉ có bọn tham quan ăn cắp ăn cướp của dân, tức là bán dân mới có tội.
Văn Quang (24-4-2015)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - Tình trạng bức cung, dùng nhục hình và oan sai vẫn tái diễn - 2015-08


Tình trạng bức cung, dùng nhục hình và oan sai vẫn tái diễn

Trùng hợp với phiên tòa sơ thẩm vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người tại công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) được mở vào sáng ngày 07 tháng 4 vừa qua và gần đây những vụ người dân thường chết oan và quốc hội VN cũng đang tranh luận sôi nổi về vấn đề này, dư luận tại VN lại nổi sóng khiến người dân “bức xúc”.
Trước hết xin nói về từ ngữ “bức xúc” mà các quan chức và báo chí VN thường dùng để chỉ ra thái độ của người dân trước những việc làm sai trái, thiếu minh bạch của các cơ quan công quyền. Trường hợp nào cũng chỉ là “bức xúc” để đánh đồng việc lớn cũng như việc nhỏ. Đánh chết người hay ăn trộm một con gà cũng chỉ như nhau. Tiếng Việt đâu có nghèo nàn đến thế. Cần phải phân biệt rõ việc nào người dân bực tức bất bình, việc nào người dân căm phẫn, việc nào người dân oán hận... Không thể dùng từ ngữ “bức xúc” để làm nhẹ bớt tội ác trước những cảm nghĩ chính xác nhất của người dân. Đó là kiểu “ăn gian chữ nghĩa”.

05- Bà Ngô Thị Tuyết (chị Ngô Thanh Kiều) ra trước cổng TAND tỉnh Phú Yên gào khóc phản đối mức án do tòa án tỉnh này vừa tuyên.

Trong 3 năm gần đây đã có 226 trường hợp chết tại trại tạm giam.
Chuyện gần nhất, vào ngày 8-4 vừa qua, tại trụ sở của Công an huyện Khoái Châu, Hưng Yên xảy ra vụ một nghi can chết bất thường. Nạn nhân là anh Nguyễn Đức Duân (SN 1982) ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, người bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Trước khi tử vong bị can này khỏe mạnh bình thường, gần 1 tháng bị tạm giam không có biểu hiện gì. Vụ việc này lại bổ sung thêm con số người chết khi bị tạm giữ, tạm giam vốn đang gây nóng bỏng dư luận.
Báo cáo trước đoàn giám sát của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về “tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Bộ Công an cho biết: Từ tháng 10.2011 đến tháng 9.2014 (trong 3 năm) đã có 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Ngoài những mang tai tiếng như vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án điển hình về bức cung nhục hình. Ông Chấn đã phải ở tù oan đến 10 năm mới được minh oan. Tiếp đến vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bức cung, nhục hình trong điều tra gây chấn động dư luận vì mức độ tàn nhẫn của điều tra viên.
Nếu bạn vào Google, gõ từ khóa “chết tại trụ sở công an”, sẽ có ngay hơn 7,2 triệu kết quả; còn với từ khóa “tự tử tại trụ sở công an” thì con số này là 1,5 triệu khiến những ai quan tâm không khỏi giật mình.
Sắp xếp, bắt tay, bao che việc bức cung
Trong năm 2015, 2016, chưa giải quyết xong 11 vụ án kéo dài trên 5 năm và các vụ án khác dư luận quan tâm. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc vi phạm trong tố tụng dẫn đến bức cung nhục hình chết người rõ ràng chứng tỏ có việc xử lý chưa nghiêm minh và dấu hiệu bao che cho nhau của cán bộ các cơ quan pháp luật. Tại sao chỉ khi báo chí vào cuộc, có lệnh của cấp trên chỉ đạo xuống thì mới xem xét nghiêm túc sự việc theo hướng quy lỗi cho người thừa hành (ban đầu, cơ quan tố tụng ở địa phương chỉ nhăm nhăm bào chữa cho mình).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định: Tại sao có những vụ cả 5-7 cán bộ tham gia vụ ép cung, nhục hình? Tôi không thể hình dung nổi sao xảy ra chuyện này. Rõ ràng có sự sắp xếp, bắt tay, bao che cho nhau để làm sai như vậy”.
Vụ án “điển hình” tại Tuy Hòa
Sở dĩ ông Phước nhận định như vậy vì trong cùng thời điểm này, ngày 07-4-2015 vừa qua, phiên tòa sơ thẩm vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) được mở. Vụ án này đã được xét xử cách đây đúng 1 năm, nhưng vì phiên xét xử của tòa án Tuy Hòa không nghiêm minh nên phải xử lại. Vụ án này tôi đã tường thuật khá chi tiết trong bài “Xin anh đừng đánh, từ sáng tới giờ em bị đánh bầm giập rồi” vào ngày 04-4-2014. Đó là tiêu đề dựa theo lời van xin của nạn nhân bị điều tra viên đánh đến chết. Xin tóm tắt vụ án này để bán đọc tiện theo dõi.
Theo cáo trạng, do nghi ngờ ông Kiều liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản, ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa đã chỉ thị cho cấp dưới đến nhà bắt ông Kiều vào lúc 3g15 ngày 13.5.2012, rồi đưa về trụ sở Công an Tuy Hòa. Tại đây, các bị cáo trên đã thay nhau dùng dùi cui đánh ông Kiều, trong đó, Thành đã cầm dùi cui bổ thẳng vào đầu ông Kiều 2 - 3 cái. Lúc 17g40 cùng ngày, ông Kiều tử vong do chấn thương sọ não.
Cấp nhỏ bị tù, cấp lớn hưởng án treo
Trước đó, trong phần luận tội, kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Tuy Hòa, đề nghị mức án từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra - Công an TP Tuy Hòa, người có cấp bậc nhỏ nhất trong số 5 bị cáo), 4 bị cáo còn lại được đề nghị từ 12 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (!).
Những lời khai của 5 bị can này trái ngược nhau gần như một cuộc “đấu khẩu” và anh nào cũng muốn tự bảo vệ mình nên “tố” nhau lung tung trước tòa làm cho những lời khai bất nhất. Nhưng cũng chính từ đó cũng thấy được gần như toàn bộ cảnh tra hỏi của những người có trách nhiệm.
Lời khai sau cùng:“Tôi rất nhục nhã khi phải đứng chung với các anh“
Trong phiên tòa thứ nhất này, từ đầu đến cuối bị cáo chính Nguyễn Thân Thảo Thành đều nói mình không đánh nạn nhân.
Nói lời sau cùng tại phiên xử sáng 29-3-2104, bị cáo Thành nói: “Tôi rất nhục nhã khi đứng với những con người như thế này. Họ đánh chết người mà không dám nhận. Tôi xin các phóng viên hãy nói rõ việc này. Tôi là con người thẳng thắn. Những gì tôi nói là sự thật”.


Phiên tòa thứ hai: đề nghị của luật sư bị bác bỏ
Đến phiên tòa thứ hai vào ngày 13-4-2015, LS Đôn đề nghị khởi tố bị cáo Lê Đức Hoàn về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Đồng thời, cần giám định lại, làm rõ các thương tích ở đầu, ngực, bụng anh Kiều do ai gây ra.(Xin nhắc lại, trả lời HĐXX về tình trạng thương tích trên thi thể anh Ngô Thanh Kiều, giám định viên Hoàng Việt, đại diện Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên, nói: “Qua khám nghiệm, trên thi thể nạn nhân có rất nhiều vết thương, không thể đếm hết. Khi các cán bộ điều tra cùng chúng tôi chia nhau đếm thì xác định sơ bộ có khoảng 63 vết thương”.)
Luật sư Đôn đặt câu hỏi: “Có hay không việc “thí tốt”, dồn tội cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, là bị cáo có cấp bậc thấp nhất, là người ở một vùng quê xa nghèo, không thân thế?”
Luật sư Võ An Đôn tình nguyện bào chữa không công cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều, cho rằng: “HĐXX đã liều lĩnh, đạp lên dư luận, pháp luật để ra bản án trái pháp luật. Một bản án bỏ lọt tội phạm nguy hiểm. Cụ thể ở đây là ông Lê Đức Hoàn phạm 3 tội nhưng không bị khởi tố tội nào. Một bản án không đúng khung hình phạt. Năm bị cáo trên phải bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” hoặc tội “Giết người” mới đúng”.
Tuy nhiên đại diện VKSND cho rằng, không có căn cứ chấp nhận các đề nghị đó. VKS cũng bác đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa. Thế là một lần nữa đề nghị chính đáng của luất sư và gia đình nạn nhân kể như “huề cả làng”.
Ông Phó CA Tuy Hòa chỉ bị án treo, phạt cũng như không
Chiều 15-4-2015 phiên tòa đã tuyên án. Lê Đức Hoàn nguyên phó CA TP Tuy Hòa chỉ bị phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo vì... có nhiều năm công tác, có nhiều thành tích trong công tác nên được giảm nhẹ hình phạt. Có lẽ vì bị dư luận chỉ trích dữ dội nên lần này tòa xử “án treo” cho có mà thôi, xử kiểu này cũng như không!
Còn các “đàn em” khác bị kết ánh tù. Người có cấp bậc nhỏ nhất là Nguyễn Thân Thảo Thành: (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa) nhận mức án nặng nhất là 8 năm tù. Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên) 2 năm 6 tháng tù. Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 2 năm 3 tháng tù. Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 2 năm tù. Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) một năm tù cho hưởng án treo.
Sau khi nghe tòa tuyên án, cha của nạn nhân bị chết oan đã đổ gục ngay trên ghế, còn bà Tuyết (chị của nạn nhân Kiều) gào khóc trước cổng tòa phản đối mức án do tòa án tỉnh này vừa tuyên!
Dùi cui quật vào lòng tin của dân
Lê Thanh Phong đã viết trên báo Lao Động: “Chẳng cần phải chờ đợi một bản án và những tuyên phạt của hội đồng xét xử cho các bị cáo là công an dùng nhục hình đối với Ngô Thanh Kiều, thì nhân dân cũng đủ kết luận và "tuyên án” đối với họ. Cho dù các các điều tra viên có cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân thì cũng không thể vơi bớt nỗi đau trong lòng của người vợ mất chồng, hai đứa con mất cha, cũng không xoa dịu được cơn giận của người dân.
Nhân dân tuyên án dựa trên hành vi: 5 anh công an này đã dùng dùi cui quật vào lương tâm của chính mình. 5 anh công an này đã dùng dùi cui quật vào danh dự của người công an nhân dân. 5 anh công an này đã dùng dùi cui quật vào lòng tin của dân”.
Thật ra những cảnh bức cung, dùng nhục hình, người dân sợ quá phải nhận tội, bất kể tội gì dù tội giết người, đã từng diễn ra rất nhiều lần tại các cơ quan điều tra. Tuy nhiên đề nghị phải gắn camera thu hình và có luật sư khi bị hỏi cung được rất nhiều người ủng hộ vẫn chưa có lời giải đáp. Những vụ án xử như thế này chỉ mang thêm nhiều tai tiếng. Như thế thì đừng hỏi tại sao tình trạng bức cung, dùng nhục hình và oan sai vẫn tái diễn và sẽ còn dài dài.
Văn Quang - 17-4-2015
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - Tham nhũng “bẩn” nhất-2015-05


Tham nhũng “bẩn” nhất
Văn Quang– Viết từ Sài Gòn

Nếu đặt câu hỏi “tham nhũng nhỏ và tham nhũng lớn, cái nào đáng sợ hơn”, có lẽ sẽ có rất nhiều người trả lời không cần suy nghĩ: “tham nhũng kiểu nào cũng đáng sợ”. Vâng, trả lời như thế chẳng có gì sai. Nhưng theo đa số người dân thì tham nhũng nhỏ đáng sợ hơn vì nó ở ngay sát nách người dân, hàng ngày phải sống chung với nó, hở ra là nó “chụp liền”, có khi còn nguy hiểm tới tính mạng. Còn mấy ông tham nhũng lớn ở trên cao quá xa, người dân không biết các ông ấy “ăn” những khoản nào, ở đâu và ảnh hưởng tới mình ra sao.
Bàn đến tham nhũng ở VN lúc này có lẽ là câu chuyện quá cũ. Nhưng thực tế tham nhũng ở VN chẳng lúc nào cũ, bao giờ nó cũng “mới” bởi nó liên tục xuất hiện dưới mọi hình thức, mọi nơi, mọi chỗ. Ngoài những cái to nhất, “hoành tráng” nhất, nhậu nhiều nhất Đông Nam Á, VN lại có thêm một cái nhất nữa là tham nhũng “bẩn nhất”.
Theo Trace International, một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ thì cuộc khảo sát năm 2014 chấm điểm 197 quốc gia trên thế giới thì Việt Nam đứng hạng 188 với 82/100 điểm, thuộc nhóm 10 quốc gia tham nhũng nhất. Kém nhất là tình trạng thiếu minh bạch trong hành chánh.
Vì đâu những sự thiếu minh bạch đó cơ hội phát triển và sống lâu, sống mạnh tại VN?

                                              Bò cho người nghèo “lạc” vào nhà cán bộ
Từ học đường đến trưởng thành
Trong một bài phân tích về những “Nạn đầu gấu trong học đường ở VN”, tôi đã nêu rõ cái nguy hại trong lớp học và quyền hành của “đầu gấu” học đường biến những em học sinh thành những công cụ cho một hệ thống “cai trị” lạnh lùng, thậm chí biến những em học sinh giỏi thành học sinh dốt và dốt thành giỏi. Nếu em học sinh giỏi mà không cùng vây cánh với trưởng lớp và các “Sao đỏ” thì cuối năm “bình bầu” chắc chắn sẽ bị bầu là học sinh dốt, còn em dốt nhưng là “Sao đỏ”, là cùng phe với trưởng lớp sẽ được bầu là xuất sắc, tiên tiến.
Chính từ những nguyên nhân này mà khi trưởng thành các em “tiên tiến” này trở thành những cán bộ then chốt của làng xã, và quen với “tác phong” ăn trên ngồi trước thiên hạ nên trở thành những quan làng quan xã đàn áp nhân dân, vơ vét quyền lợi của người dân không từ một thứ gì nên mới có câu “ăn cả cái khố rách của dân”. Tôi đã hứa chứng minh với bạn đọc hiện tượng này.
Trong tuần vừa qua, báo chí VN và nhiều nước đã loan những tin tức về nạn hối lộ của các nhà thầu Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như biện pháp của World Bank (ngân hàng thế giới) cấm cửa công ty Mỹ vì liên quan đến tham nhũng tại VN. Sự việc này khá dài nên tôi sẽ tường thuật trong một bài khác.
Cũng trong vài tuần vừa qua báo chí cũng lại phanh phui nhiều chuyện “ăn bẩn” của các quan làng quan xã. Ở đây tôi chỉ chứng minh một vụ được coi là “bẩn nhất” và quan trọng hơn là các “xử lý” những vụ này như thế nào.
Có thể liệt kê vài vụ đã qua như vụ quan xã Trịnh Xá ăn chặn tiền người tàn tật; quan xã ăn chặn tiền trợ cấp người khuyết tật; cán bộ xã ăn chặn tiền chính sách; cho quan tham làm công an ấp; vụ quan xã nửa đêm “chui” gầm giường vợ người khác...
Gần đây nhất là những vụ dê, gà, bò heo cấp cho người nghèo "lạc" vào nhà cán bộ
24 con dê, 1.250 con gà và số tiền hỗ trợ người dân mua bò, lợn... thậm chí đến cả con nhím cấp cho dân khố rách áo ôm đã không đến tay người dân mà lần lượt theo nhau vào nhà cán bộ hoặc anh em, họ hàng của các cán bộ. Những câu chuyện thật như bịa này đã khiến không ít người dân bất bình.
Gà cấp cho người nghèo “chạy” vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã
Người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đang phẫn nộ vì 1.250 con gà giống được huyện hỗ trợ cho dân nghèo để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bị các quan xã ăn chặn đưa về nuôi và đã bán gần hết.
Tháng 11-2014, người dân xã Quế An thấy cán bộ xã chia nhau 1.250 con gà giống, mang về nhà nuôi, trong đó có cả bí thư và chủ tịch xã.
Bà Lê Thị Phiên (64 tuổi, ngụ cạnh UBND xã Quế An) nói: “Hôm gà vừa về tới UBND xã thì cán bộ xã chia nhau mang về nuôi. Tôi thấy tận mắt cán bộ xã chở gà về nhà”.
Bà Phiên và một số người khác cho hay trong số 1.250 con gà hỗ trợ người dân nghèo của xã Quế An thì ông Hoàng Kim Minh (Chủ tịch xã) lấy 200 con; ông Trần Văn Quyên (Bí thư xã) cùng các cán bộ khác nhận mỗi người 50 con. Trong danh sách “nhận nhầm” gà này ngoài chủ tịch UBND xã, cón có chủ tịch hội nông dân, trưởng công an, chủ tịch hội phụ nữ xã...
Sự việc sau đó vỡ lở và người dân tố cáo đến các cơ quan chức năng. Nhưng anh Tr., người tố cáo sự việc, cho biết: “Khi phát hiện việc gà hỗ trợ cho bà con nhưng lãnh đạo xã nhận về nuôi, chúng tôi đã phản ánh đến các cấp chính quyền. Nhưng sự việc vẫn không được giải quyết nên chúng tôi thông tin cho báo chí”.
Theo anh Tr., sau khi anh tố cáo sự việc, có nhiều người “bắn tin” là anh nên cẩn thận vì sẽ bị trả thù. “Nhiều người dặn tôi ra đường phải cẩn thận, không sẽ bị tai nạn. Rồi dọa sau này sẽ bị làm khó khi làm giấy tờ cho con cái. Nói chung là họ đe dọa ghê lắm.
Anh Trí còn cho biết: “Tôi có đầy đủ danh sách lãnh đạo xã nhận gà về nuôi mà không cấp phát cho người dân”.
Hiện nay số gà trên đã được bán gần hết. Về việc ăn chặn gà của dân, ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch xã Quế An, thừa nhận với báo chí có sự việc cán bộ xã nhận gà về nuôi và ông “chỉ lấy 50 con gà như các cán bộ khác chứ không phải là 200 con”. Về hướng giải quyết, ông cho biết sẽ họp kiểm điểm những cán bộ lấy gà của dân và sẽ yêu cầu cán bộ đã nhận gà nộp lại tiền để mua gà trả lại cho người dân.
Ông Lê Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn) cho biết trong ngày 12-3, lãnh đạo huyện đã nhận được thông tin về sự việc người dân tố cáo gà hỗ trợ của huyện “chạy” vào nhà bí thư, chủ tịch xã Quế An. Ông Dũng nói: “Sự việc người dân phản ánh là đúng. Hiện huyện đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp kiểm tra thông tin để... báo cáo lại và có hướng xử lý”. Nhưng “xử lý” kiểu nào mới là điều quan trọng.
Vụ việc gần nửa năm sau bị người dân phát giác. UBND huyện đã kiểm điểm tập thể cán bộ xã Quế Sơn và các cá nhân liên quan, kiểm điểm trách nhiệm Phòng Nông nghiệp huyện và các thành viên phụ trách chương trình xây dựng Nông thôn mới vì để xảy ra sai phạm. Thế là xong, giờ thì khoanh tay đợi xem.... cấp trên làm trọng tài. Lại phê bình và hứa... “khắc phục”!
“Đọc mà chỉ muốn chửi”
Cái kiểu “kiểm điểm” này đã thành một kịch bản cũ rích khiến người dân càng thêm căm phẫn. Mời bạn đọc vài lời “nhắn gửi” của người dân đến các quan:
- Bạn Hồ Lê Minh Duy viết: “ Ăn cắp, ăn chặn = chiếm đoạt 1200 con gà, hành vi này đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Sao không khởi tố vụ án, khởi tố bị can những người này. Mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm?. Thử hỏi nếu 1 người dân thường trộm cắp vài con gà khi bị bắt quả tang có được trả lại gà và được miễn tội “ trộm cắp” không?
- Bạn Canchodoi nóng tính hơn: “Đọc mà chỉ muốn chửi! Sai thứ nhất là chậm triển khai (để có thời gian bàn mưu tính kế nuốt trôi gà). Sai thứ 2 là rõ như ban ngày! Phải cắt chức, truy tố! Cứ kiểm điểm hoài, kiểm điểm mãi. Ức ói nước mắt!
- Bạn hoaphuongdo viết: “Vụ việc này không phải là cấp nhầm đối tượng mà rõ rằng là ăn cướp của người nghèo mang tính có tổ chức. Vụ việc này cần được truy tố hình sự chứ không phải là chỉ kiểm điểm cho qua chuyện. Đọc bản tin mà thấy ức quá đi. Chuyện thật như đùa, chỉ có ở VN”.
Chỉ cần nhìn một vụ tham nhũng nhỏ xíu bạn cũng đã thấy rõ các quan làng quan xã “ăn cả cái khố rách của dân” là không sai. Tôi nghĩ không cần tường thuật thêm những vụ khác.
Và một thái độ vô cảm tột cùng của các quan huyện
Theo báo Tinmoitruong.vn ngày 15/10, trong khi cơn bão Nari đổ bộ vào các tỉnh miền Bí thư và Phó Chủ tịch TP. Tam Kỳ - Quảng Nam (nơi cơn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão) vẫn vô tư ngồi ăn nhậu tại nhà hàng khiến cho nhiều người thấy quá chướng mắt. Bão số 11 đã làm 3 người dân Quảng Nam chết, nhiều người mất tích và bị thương. Thiệt hại về nhà cửa, đường sá, hoa màu hết sức nặng nề.
Thế nhưng, vào lúc 13h30 ngày 15/10, xe hơi biển số xanh chở ông Bùi Quốc Đinh - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ và ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ (kiêm Trưởng Ban phòng chống lụt bão TP.Tam Kỳ) đến phòng VIP 1 quán Vĩnh Ký tại khu dân cư số 1, phường Trường Xuân đế nhậu cùng nhiều Giám đốc các doanh nghiệp khác. Lúc này bên ngoài nhân dân đang nỗ lực chèo chống nhà cửa, cây cối đến đuối sức, nhiềungườikhông mua được thức ăn, nước uống do không cóngườimua bán. Cuộc nhậu của các “quan lớn” và giám đốc các doanh nghiệp TP. Tam Kỳ kéo dài từ 13h30 đến 19h cùng ngày mới tàn.
Về phía các quan, sau khi bị dư luận “khui” ra, chẳng thiếu gì những lời lẽ cải chính hùng hồn. Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ long trọng đính chính: “Tôi và anh Đinh (ông Bùi Quốc Đinh, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ) ngồi ăn cơm tại quán Vĩnh Ký đến tầm khoảng 6h tối cùng ngày là anh em đứng dậy ra về vì còn phải báo cáo tình hình thiệt hại bão số 11 trên địa bàn cho tỉnh nữa”. Đến lúc này cải chính sao chẳng được. Ngồi ăn cơm mà mất tới gần 6 tiếng? Ăn gì mà nhiều thế? Chắc là ngồi ở phòng VIP nhậu bù khú với nhau thôi, việc này chỉ có các ông và mấy em chân dài quần ngắn phục vụ tận tình biết rõ hơn ai hết. Các ông hãy hỏi lại chính lương tâm mình, nếu lương tâm các ông chưa rụng hết răng, may ra nó biết cắn rứt chút đỉnh.
Văn Quang - 10 tháng 4-2015
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - Thích to để "tự sướng" - 2015-05


Thích to để "tự sướng"
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Trước hết để nói về hai chữ “tự sướng” gần đây hay được báo chí VN dùng trong nhiều trường hợp, nhất là những người tự chụp ảnh đều được cho là “tự sướng.” Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng.
Thật ra từ ngữ này trước đây chỉ dùng trong trường hợp người ta tự làm một cách nào đó khiến mình sung sướng (tính từ). Xin lỗi bạn đọc, hành động này khiếm nhã nên tôi không dám viết rõ ở đây. Tôi thấy dùng từ ngữ “tự sướng” cho người tự chụp ảnh có vẻ không đúng chỗ. Thí dụ Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-bak chụp hình theo yêu cầu của nữ cầu thủ Ji So-yun có phải để “tự sướng” không? Tất nhiên là không rồi.
Mẹ già đau đớn bên đứa con bệnh tâm thần phải xích lại nhiều năm nay, trong khi chính phủ chi hàng chục triệu Mỹ kim chỉ để “tự sướng,” không ích lợi cho ai.



Tuy nhiên trong bài này lại có vẻ đúng, bởi người ta thích to để “tự sướng” với nhau hoặc che đi cái mặc cảm tự ti “nước mình nghèo và nhỏ quá” và bản thân dân mình cũng “rách như cái mền” nên cố phồng mang trợn mắt lên để tỏ ra “mình cũng sang như các anh ở nước giàu có.”
Thí dụ như hồi giữa tháng 8/2013, đại gia Lê Ân đã mua mua chiếc giường Hoàng gia với giá hơn 6 tỷ đồng (gần $280,000), sản xuất trong hơn ba tháng và sẽ vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam.
Giải thích về việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua giường, ông Ân khẳng định, “Giá của chiếc giường với tôi không phải là cao. Trung Quốc mua được thì người Việt Nam cũng mua được. Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền.”
Không dừng lại ở đó, đại gia Lê Ân còn cho tạc ba bức tượng của ba người vợ từng phụ bạc, ôm tài sản của ông ra đi trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, Vũng Tàu.
Đã đành anh có tiền, miễn là đồng tiền lương thiện, anh chơi gì chẳng được nhưng trong khi ai cũng biết dân và nước VN còn nghèo, trong khi xã hội đều được khuyến cáo phải tiết kiệm thì những hành vi khoe khoang này trở nên xa xỉ, chướng mắt và lố bịch. Trước khi kể đến vài hiện tượng mang tính cách quốc gia nổi lên trong thời gian gần nhất, tôi kể vài kiểu chơi ngông của đại gia Việt khiến đại gia thế giới có lẽ cũng phải “chào thua” trước đại gia Việt.
Đặt trước mua quan tài $463,000
Quan tài có nhiều loại và tương đương với nó là “đẳng cấp” cùng với số tiền phải chi trả cũng khác nhau. Quan tài hạng bình thường thì không có gì phải nói và đầy rẫy. Hạng quan tài dành cho người trung lưu thì có khác hơn một chút. Còn các loại quan tài dành cho tầng lớp thượng lưu, quan chức, đại gia thì có sự khác biệt hoàn toàn. Một người am hiểu vấn đề này cho biết, với những người này, người ta sẽ đặt quan tài từ khi vẫn còn khoẻ mạnh, hoặc khi mới ngã bệnh, chứ ít khi qua đời rồi con cái mới chạy đi mua. Vì có sự chuẩn bị từ trước nên họ rất kỹ trong việc chọn lựa từ kiểu dáng, mẫu mã, vật liệu… Họ thường thuê hẳn một người thiết kế riêng, sau đó mới đưa bản vẽ đến để cửa hàng đóng.
Thường thì họ sẽ chọn gỗ Pơmu hoặc gỗ Sưa, hai loại gỗ này khá đắt tiền nhưng đúng là chất lượng tuyệt hảo. Muốn có một cỗ quan tài bằng gỗ này sẽ phải đặt trước ít nhất 3 tháng để gom nguyên liệu. Giá của nó thì thực sự là xứng tầm đại gia, ít nhất cũng phải $400,000 đến $600,000 USD/cỗ.
Đã từng có đại gia ở Hải Phòng lên tận Hà Nội đặt quan tài gỗ sưa, tiền không phải là vấn đề. Sau đó lại yêu cầu chạm khắc rồng phượng đủ thứ, dát vàng 18k, tổng chi phí rơi vào khoảng… 10 tỉ đồng ($463,000).
Kỳ công chọn nhà ướp xác và mộ phần khi còn sống
Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh 'Đức gấu.' Ông Đức nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn tự mình xây dựng một trang trại, trong đó có khu lăng mộ chờ ướp xác mình. Hầm mộ ướp xác được ông Đức khởi công từ năm 2000, hoàn thiện năm 2006. Công trình nhằm hướng Tây Bắc, số bậc thang dẫn lên hầm mộ được các pháp sư tính toán cẩn thận. Ba pháp sư cao tay (hai người Việt Nam, một người Trung Quốc) cùng chọn hướng hầm mộ là Tây Bắc.
Trên quả đồi rộng trồng nhiều cây bách diệp và cây gỗ lát, phần nổi của hai hầm mộ là khối bê tông kiên cố, dài 12m, rộng 7.5m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25m.
Trên bề mặt đặt thêm tấm bê tông lớn mô phỏng hình một bàn cờ tướng, bàn cờ này mới được làm thêm năm 2007. Vị trí đặt xác ông Đức được ông thiết kế sâu 18m và nằm sâu trong ngóc ngách lòng núi
Để tự ướp xác mình, ông Đức phải nghiên cứu đủ các loại tài liệu Việt Nam, nước ngoài. Những chuyến chu du hàng tháng trời tới Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc tốn hàng chục ngàn đôla để vào các bảo tàng, đến tận những trung tâm nghiên cứu ướp xác người để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Đức cũng không ngại hao tốn công sức đi tìm các dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ướp xác tốt nhất. Ông vào tận núi Bà Đen, Tây Ninh - nơi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn để tìm hiểu địa chất, địa hình nơi đây, tìm mua tinh dầu Cổ Am, tinh dầu Gù Hương để tẩm xác.
Ông cũng tới Ninh Thuận rất nhiều lần để đặt mua than trai - một loại than rất hiếm đốt từ thân cây trai, một loài cây chỉ mọc ở Ninh Thuận, trồng cả chục năm nhưng thân cây chỉ bằng cổ chân.
Bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác... đến nay tất cả đã được ông Đức chuẩn bị đầy đủ đặt tại lòng hầm mộ.
Chơi toàn thú dữ
Thời đại này chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc không còn là những con vật quý hiếm nữa. Giờ đây những vị mang thương hiệu đại gia thực thụ phải đi liền với nuôi… thú dữ. Vì thế, các đại gia cũng không ngần ngại trong việc tậu cho mình vài ba con trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ hay cá sấu cho “vui cửa vui nhà.”
Quan điểm của họ là mua được những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt, vì thế, thú chơi này cũng được phân tầng bậc. Thường thường thì "chơi" đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà. Để củng cố thứ bậc và thể hiện đẳng cấp của mình, các đại gia sẵn sàng chi tài chính cho các chuyến săn hàng tận Lào, Campuchia, Ấn Độ hay sang tận cả các nước châu Phi. Số tiền bỏ ra không dưới hàng trăm tỉ.
Đại gia dùng 140 cây vàng dát nhà vệ sinh
Nghiện dát vàng từ thang máy tới căn nhà, ông Đường “bia” tên thật là Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình (Hà Nội) đã bỏ ra 140 cây vàng để dát vàng cho cả toilet. Từ giá treo khăn, tới vòi hoa sen, vòi rửa thậm chí là cả hộp đựng giấy vệ sinh của phòng tắm được mạ vàng, khiến cho căn nhà trở nên độc và xa xỉ bậc nhất Việt Nam.
Đến kiểu chơi sang của nhà nước
Giữa tháng 3-2015, nhiều cư dân mạng chia sẻ hai tấm ảnh mang tính tương phản cao: Một chụp tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vừa hoàn thành ở Quảng Nam với chi phí 411 tỉ đồng ($19 triệu Mỹ kim), một chụp một bà mẹ anh hùng khốn khó trong đời thực. Hình ảnh này khiến dư luận dậy sóng. Rõ ràng công luận có lý do để phẫn nộ bởi nếu dùng khoản tiền khổng lồ ấy để giúp đỡ những bà mẹ anh hùng đang sống trong cảnh khốn khó sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn nhiều. Và ngay cả những bà mẹ VN không cần phải là anh hùng nhưng gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn cũng cần được giúp đỡ. Họ cũng là người mẹ VN. Chẳng thiếu gì những cành đời đau thương của các bà mẹ VN.
Thí dụ như hoàn cảnh của bà Lê Thị Kỷ 74 tuổi ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh hàng ngày người mẹ già khốn khổ phải đi lên rừng đốn củi, nhổ rau má về bán kiếm tiền nuôi đứa con tâm thần. Hôm nào mệt không đi được, không có tiền mua con mắm, bó rau là đứa con tâm thần không chịu ăn, đập phá, đá đổ nồi cơm. Một sợi xích dài được buộc vào chân người đàn ông đó, đầu kia thắt vào cột nhà, mỗi khi anh ta cất bước dậy đi là sợi xích căng lên, khiến anh đau điếng, la hét. Bà Kỷ chỉ còn ôm mặt khóc.
Hoàn cảnh như thế có đáng được cứu giúp không? Xây đài 411 tỉ đồng to nhất Đông Nam Á để làm gì? Mới khánh thành được vài ngày, nền gạch tượng đài Mẹ Việt Nam vỡ vụn. Rồi qua thời gian dãi nắng dầm mưa, pho tượng lại phải được trùng tu, sửa chữa, ngốn thêm bao nhiêu tiền của nữa? Đúng là kiểu khoe mẽ để các quan tự sướng với nhau thôi.
Tháp truyền hình VN sẽ cao nhất thế giới
Cùng thời điểm, báo chí cũng đưa tin về việc khởi công xây dựng tượng Phật Thích Ca cao nhất thế giới (cao 81 m) khắc vào vách núi Sam tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), ngoài ra là tháp truyền hình Việt Nam phá kỷ lục thế giới (cao 636 m) tại Hà Nội, thậm chí còn cao hơn cả tháp Tokyo Sky Tree của Nhật.
Có thể vẫn có những người tự hào về hai kỷ lục sắp thành hiện thực đó nhưng nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy việc xây một biểu tượng Phật giáo bề thế đi ngược lại triết lý nhà Phật về việc hạn chế khoa trương, trong lúc tư duy xây tháp truyền hình bây giờ đã trở nên lạc hậu. Đang là thời truyền hình vệ tinh và tích hợp các dịch vụ truyền thông ứng dụng công nghệ cao, chẳng có quốc gia nào xây tháp truyền hình cao ngất như trước. Ngay cả các tháp truyền hình nổi tiếng như tháp Eiffel, tháp Tokyo, tháp Seoul hiện nay chỉ để khai thác làm điểm cho khách du lịch quan sát trên cao.
Đúng là một hội chứng “phát cuồng với những cái khổng lồ.” Theo một thống kê chưa đầy đủ, hội chứng phát cuồng với những cái khổng lồ được gọi chung là gigantomania rất được ưa thích ở Liên Xô thời Stalin, ở Đức thời phát xít và ở Bắc Hàn hiện nay và bây giờ thêm “ông Việt Nam” nữa!
Văn Quang (3-4-2015)

Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân - Chu1`t Lính Miền Nam - 2015-05


Chút Lính Miền Nam


Cho tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay tôi cứ đinh ninh là ngụy
Tha thứ cho tôi một thế hệ bị lừa !
Lê Phú Khải


Bạn tôi, tất cả, đều là lính ráo. Chúng tôi không chỉ có chung những năm cầm súng, và một quãng đời tù mà còn chia chung rất nhiều … cố “tật!”. Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu hồi còn chinh chiến: những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người.
Thỉnh thoảng, khi (quá) vui, chúng tôi cũng hay mang những vị thượng cấp cũ ra làm đề tài giễu cợt. Hai ông huynh trưởng thường bị nhắc tới để cười chơi là Trần Hoài Thư, và Phan Nhật Nam. Lý do: cả hai vị vẫn nhất định chưa chịu giải ngũ, dù cuộc chiến đã tàn tự lâu rồi!
Trung Úy Trần Hoài Thư vẫn thản nhiên đưa quân Qua Sông Mùa Mận Chín. Đại Úy Phan Nhật Nam vẫn cứ la hét um xùm qua máy truyền tin (giữa Mùa Hè Đỏ Lửa) như thể là cái mùa Hè năm 1972 đó vẫn còn kéo dài đến bây giờ, dù hơn 40 năm đã lặng lẽ trôi, với cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống.

Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn (và sau màn trình diễn “một ngàn bài Bolero”) tôi hay xin “trân trọng tuyên bố cùng toàn thể các chiến hữu các cấp” rằng :
  • Ai viết cái gì tôi cũng đọc tuốt luốt, trừ hai vị thẩm quyền (nhí) này thì khỏi!
  • Sao vậy cà?
  • Bởi vì thơ với văn của hai ổng có nhiều câu mà “lỡ” đọc một là nó bị kẹt luôn trong đầu, gỡ không ra, nên tui không dám đọc thêm nữa:
Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẩng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Ðể thấy miền Nam lính hiền ghê gớm
Ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
một nơi nào hơn ở Việt Nam ?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam ? 

Trần Hoài Thư (“Ta Lính Miền Nam”)
lính 1
Nguồn ảnh: internet
Không chỉ bi tráng, bi hùng, hay bi phẫn mà (đôi khi) người lính miền Nam còn phải đối diện với lắm nỗi bi thương:
“Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám… Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây chết với đôi mắt không cảm giác. Thằng bé theo tôi cùng cùng tên hiệu thính viên lẻn ngay vào bếp kiếm thức ăn. Tôi đi đến trước chị đàn bà…
– Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?
Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần, chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi giây chuyền vàng, một đôi bông tai.
– Của chị đây hả? – Vẫn im lặng. Nỗi im lặng ngột ngạt, lạ lùng.
– Con mẹ này điên rồi thiếu uý, chắc sợ quá hóa điên…
Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.
– Chị kia quay lại đây tôi trả cái này…  Tôi nói vọng theo.
Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng, trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hỏang thảm hại làm răn rúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khỏang trên dưới hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét mặt thêm thanh tú.
Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy, cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẳng rơi xuống đất, hai cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:
– Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ…  Im lặng, chỉ có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực…
Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi…
Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này.
Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này… (Phan Nhật Nam. Dấu Binh Lửa. Sài Gòn: Hiện Đại, 1969).
lính 2
Ở thời điểm này, có lẽ, Phan Nhật Nam không hề biết rằng “sự ngộ nhận đớn đau tủi hổ” của dân chúng với những người lính miền Nam chả phải là “ngẫu nhiên” đâu. Nó đã được đối phương chuẩn bị rất kỹ, và tuyên truyền rất công phu – theo như nhận xét (gần đây) của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:
“Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi đoán người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mĩ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người…”
Và đây cũng chả phải chỉ là chuyện “ngày xưa ở miền Bắc” đâu. Sau khi thắng cuộc “bộ máy tuyên truyền” vẫn tiếp tục bôi bẩn và xỉ nhục những người lính miền Nam, như thể họ vẫn còn là những kẻ thù ác độc và  nguy hiểm.
Rảnh, thử xem qua vài đoạn trong một truyện ngắn (“Chuyện Vui Điện Ảnh”) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bà viết viết về “tai nạn nghề nghiệp” xẩy đến cho một tài tử nghiệp dư, chỉ vì lỡ thủ vai một thằng lính miền Nam:
Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn…
Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không chê vào đâu được. Long Xưởng hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết, con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút.
Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang mang thai.
Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta. Phim bạo liệt, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như người ta, nó chết trong dằn vặt. 
Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Điên dại tới lúc bị bắn chết. Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm…
Chú Sa vẫn tiếp tục đi về trên con hẻm hẹp te mà nghe trống vắng thênh thang. Tụi con nít nghe tiếng xe đạp chú tè tè lọc cọc thì chắc mẩm đứa nào đứa nấy mặt xanh mặt tím chạy vô nhà trốn. Tụi nó hỏi nhau: “ổng đi chưa?”, cũng tại má tụi nó nhát hoài, lì lợm, không ăn cơm là bị chú Sa ăn thịt. Rõ ràng là ấn tượng về thằng thiếu úy Cón mạnh mẽ quá sức tưởng tượng, rõ ràng là người ta bị giật mình bởi tội ác.
Bà con ngại ngần ác cảm giạt xa chú … Chú Sa thấy đây đúng là một tai nạn …
Cái “tai nạn” riêng của Chú sa chỉ xẩy ra trong phạm vi của một con hẻm nhỏ và sẽ không kéo dài lâu.  Còn hàng triệu thằng lính miền Nam thật –  cùng vợ con, thân nhân của chúng – không chỉ phải chịu đựng sự “ngại ngần ác cảm” của đám đông mà còn bị Nhà Nước Cách Mạng kỳ thị (và miệt thị) không biết đến bao giờ!
Mãi cho đến ngày 2 tháng 5 năm 2014, người ta mới nghe một viên chức ngoại giao của phe thắng cuộc, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn, nói đôi lời tử tế:
Ngày xưa ta không thể nói là không có chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Đó là chính phủ cũng được quốc tế thừa nhận chứ. Đó cũng là một nhà nước có quân đội thực thi nhiệm vụ quốc gia của họ để bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng của họ.
Và đó cũng chỉ là sự tử tế ngoài miệng! Ngày 12 tháng 4 vừa qua, công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ và buộc tội (“gây rối trật tự công cộng”) một số thanh niên đã mặc quân phục hay áo thun màu đen có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, trong cuộc tuần hành vì cây xanh ở Hà Nội.
lính 3
Các bạn trẻ mặc áo thun đen có biểu tượng QLVNCH. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Hai tuần sau, sáng 27/4/2015, công an quận Hoàn Kiếm đã kết hợp với công an Nghệ An khám xét nhà của anh Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) tịch thu quân phục lính VNCH của anh Dũng.
Việc gì mà phải hốt hoảng đến nỗi “khám nhà,” “tịch thu” và “vu vạ” tội trạng cho vài thanh niên chỉ vì y phục mà họ mặc trên người như thế? Chả lẽ cái chế độ hiện hành có thể bị rung chuyển chỉ bởi vài cái áo (“thun màu đen, có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hoà”) sao?
Hơn nửa thế kỷ tuyên truyền lừa gạt, bôi bẩn, miệt thị những kẻ thua cuộc (bộ) chưa đủ nguôi ngoai thù hận hay sao?  Nắm trọn quyền bính của cả một nhà nước trong tay mà sao có thể hành sử một cách đê tiện, và tiểu tâm đế́n thế?
Dù thế, thời gian đã không đứng về phe thắng cuộc, và đã dần hé mở dần chân dung của những người lính miền Nam:
Cho tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay tôi cứ đinh ninh là ngụy
Tha thứ cho tôi một thế hệ bị lừa !
Năm tháng đi qua
Gần hết cuộc đời tôi mới ngộ ra
Không giọt máu Việt Nam nào là ngụy
Trừ những thằng bán nước – đi đêm
Lê Phú Khải
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân - Đất Nước Nhìn Từ Long An - 2015-05


Đất Nước Nhìn Từ Long An


Họ dốt về chuyện quản lý đất nước, quản trị điều hành. Còn chuyện trấn áp kiểm soát thì họ khá lắm.
Đoan Trang


Cuối năm 2012, nhà báo Huy Đức cho ra mắt bộ sách Bên Thắng Cuộc. Ông dành chương cuối (chương XXII) để viết về thế hệ của những đảng viên cộng sản – hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam – với ít nhiều kỳ vọng, cùng… dè dặt:
Cho dù trong Bộ chính trị khoá X (2006-2011) vẫn có những người trưởng thành qua chiến tranh, họ bắt đầu thuộc thế hệ “làm cán bộ” chứ không còn là thế hệ của những “nhà cách mạng”. Nếu có khả năng nắm bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Ngay cả khi duy trì phương thức nắm giữ quyền bính tuyệt đối hiện thời, nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ có thể trao cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn dân; họ có quyền chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vẫn còn quá sớm để nói về họ. Khi cuốn sách này ra đời, họ vẫn đang nắm giữ trong tay mình vận hội của chính họ và đất nước.

Hơn hai năm sau, sau “khi cuốn sách này ra đời,” vào hôm 14 tháng 4 năm 2015, xẩy ra việc “Dân Oan Long AnNổ Bình Hàn Gió Đá, Tạt Axit Làm Bị Thương Lực Lượng Cưỡng Chế Thu Hồi Đất.” Hôm sau nữa, vào ngày 15: Bình Thuận: Dân Chặn Xe Trên Quốc Lộ 1 Và Đụng Độ Với Cảnh Sát Cơ Động.”
Về sự kiện thứ hai, blogger Trương Huy San đã có lời bàn:
Nếu có một cơ hội để đối thoại, người dân Tuy Phong, chắc chắn, sẽ không lựa chọn giải pháp cứng rắn như họ đang làm.”
Cũng như người dân ở Tuy Phong (Bình Thuận) dân oan ở Thạnh Hóa (Long An) đã không có cơ hội nào để đối thoại với chính quyền địa phương, hay trung ương, nên họ lựa “chọn giải pháp cứng rắn” là “tạt axit làm bị thương lực lưỡng cưỡng chế và thu hồi đất.”
dan oan 1
Ảnh lấy từ: RFA
Sự việc, tất nhiên, không xẩy ra trong một sớm một chiều –   theo lời người trong cuộc:
 “Chúng tôi đi khiếu kiện khắp nơi nhưng không ai giải quyết, từ tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa cho đến tòa án nhân dân tỉnh Long An để được bồi thường giá đất thực tế cho chúng tôi. Họ bồi thường cho chúng tôi với giá chỉ 300.000 đồng/m2 nhưng họ lại bán cho chúng tôi ở vị trí liền kề lên tới 25 triệu/m2. Từ chỗ đó chúng tôi nhận 300.000 đồng không thể mua được ở đâu.
Chúng tôi đã bị tòa án nhân dân huyện và tỉnh đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện, vì vậy chúng tôi đã gởi đơn lên tòa án nhân dân tối cao đồng thời làm đơn tố cáo ra trung ương. Từ năm 2012 cho đến nay thì vẫn chưa được cơ quan nhà nước nào giải quyết thỏa đáng cho chúng tôi.”
Ủa, vậy chớ “từ năm 2012” đến nay đại biểu Quốc Hội đơn vị Long An ở đâu và làm gì? Câu hỏi tương tự cũng xin đặt ra cho qúi vị đại biểu Quốc Hội ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Đông), Cồn Dầu Đà Nẵng …  và tất cả những nơi mà đất đai của dân chúng đã (hay sẽ) bị thu hồi hay cưỡng chế.
dan oan 2
Nguồn: Dân Luận
Người dân không biết (hay không thiết) kêu cứu? Câu trả lời có thể tìm được qua phóng ảnh của một “tờ báo tin,” gửi từ văn phòng của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc:
dan oan 3
Nội dung và hình thức của lá thư “báo tin” này khiến người ta có cảm tưởng như là nó đã được gửi từ một cái bưu trạm – nơi một huyện lỵ xa xôi hẻo lánh nào đó – bởi một anh bưu tá, chứ không phải từ văn phòng của một vị Đại Biểu Quốc Hội (“năng nổ”) cỡ như ông Dương Trung Quốc.
Ngoài Quốc Hội, nước CHXHCNVN còn có Mặt Trận Tổ Quốc với đủ thứ cơ quan, ban ngành, đoàn thể và hội hè…  Họ đều hiện diện – vào hôm 13 tháng 4 năm 2015, hôm đọc lệnh cưỡng chế đất đai Thuận Hoá – và đều cúi đầu im lặng, khi bị người dân chất vấn về vai trò của đại diện M.T.T.Q. trong vụ cướp (ngày) này. Nhìn thấy những gương mặt sượng sùng và ngượng ngùng của ông hội trưởng nông dân, bà hội trưởng phụ nữ thị trấn Long An… (qua youtube) thiên hạ mới hiểu tại sao có những lời chế diễu cay độc, về cái định chế hữu danh vô thực này:
Mặt Trận Tổ Quốc, còn gọi là nhà nước Chịu Trận, vì nó là một thứ bung xung vỹ đại hứng đòn – phản đòn – đỡ đòn cho các nhà nước kia. Nhà nước này còn có một chức năng định kỳ như một lò hộ sinh, phù phép hiệp thương ba lên bốn xuống trong mỗi mùa bầu cử, cho ra những đứa con đúng kiểu mẫu đặt hàng của đảng… Quá trình vận động, thành tích cao nhất của Mặt Trận Tổ Quốc là tạo ra Mặt Trận Việt Minh trước trước 1954, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước 1975 – hai lá bài này khá ăn khách, nhưng tới hồi lật tẩy thì vô cùng bỉ ổi! (Vũ Biện Điền. Phiên Bản Tình Yêu, Vol. II. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2012.)
dan oan 4
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh A.P Chú thích: VOA
Cùng với Quốc Hội và M.T.T.Q, “Việt Nam có hơn 700 tờ báo.” Tất cả đều đứng “xếp chặt hàng ngũ” sau lưng Nhà Nước, và sẵn sàng “ngậm máu” hay “bốc lửa bỏ tay người.”
Dù không ông/ bà phóng viên nào ai có mặt tại hiện trường, và cũng không ai đến tận địa điểm cưỡng chế khi vụ việc đã xẩy ra, tất cả các cơ quan truyền thông của chính phủ vẫn cứ đồng loạt (tỉnh táo) loan tin:
Sáng 14/4/2015, đoàn cưỡng chế của huyện Thạnh Hóa tiến hành cưỡng chế một số hộ dân không chấp hành quyết định giao đất để thi công công trình bờ kè sông Vàm Cỏ Tây đi ngang qua thị trấn Thạnh Hóa...
Đúng 9h cùng ngày, Đoàn cưỡng chế phân công Tổ vận động tiếp cận các hộ dân trên để vận động trước khi tổ chức cưỡng chế thì các đối tượng có thái độ hung hăng, thách thức, không chịu hợp tác, đồng thời sử dụng axit, dao, kéo tấn công lực lượng cưỡng chế. Do diễn biến tình hình nhanh và các đối tượng không chấp hành quyết định nên lực lượng chức năng đã áp sát, khống chế 14 đối tượng và áp giải về Công an huyện để điều tra, làm rõ.
Và sự việc đã được “làm rõ,” với tội trạng hẳn hoi, chỉ sau một buổi “họp liên ngành” ngắn ngủì:
Sau khi sự việc xảy ra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tiến hành họp liên ngành để đánh giá mức độ, tính chất của vụ việc và xác định hành vi vi phạm của các đối tượng; xác định 7/14 đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng …
Sự kiện này khiến tôi nhớ đến tiếng thở dài (não nề) của ông Hà Sĩ Phu, hồi năm 1995:
Anh có mọi quyền lực trong tay, anh muốn nói gì, nói cả ngày cũng được, thì anh có nhường một tờ báo, một diễn đàn cho những người khác trình bày tiếng nói của họ hay không?
Anh n
ắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bày đặt cái gì cũng được, thì anh có dành cho Nhân dân một Hội đồng để giúp anh thu thập tiếng nói của Dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy sang phụ trách luôn “Hội đồng Nhân dân” cho nhất quán?
Người dân Long An còn biết “đối thoại” cách nào, hay cầu cạnh đến ai ngoài bình gió đá và acid
Hãy nhìn lại những kỳ vọng (dè dặt) của nhà báo huy Đức, vài năm về trước:
Nếu có khả năng nắm bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Ngay cả khi duy trì phương thức nắm giữ quyền bính tuyệt đối hiện thời, nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ có thể trao cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn dân; họ có quyền chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vẫn còn quá sớm để nói về họ. Khi cuốn sách này ra đời, họ vẫn đang nắm giữ trong tay mình vận hội của chính họ và đất nước.
Bây giờ thì có thể “nói về họ” mà không sợ là “quá sớm” nữa:
Nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ đã không kiên trì với cái chủ trương (lớn) là phải thác bauxite Tây Nguyên bằng mọi giá – kể cả cái giá mà “nhân dân” sẽ phải trả cho những thiệt hại về môi sinh, cũng như tài chính trong tương lai gần!
Nếu họ cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn dân thì đâu có tiếng súng nổ ở Hải Phòng, có kẻ phải khỏa thân giữ đất ở Cần Thơ, và có chuyện tạt acid vào đoàn cưỡng chế ở Long An.
Nếu chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo thì đâu có những con tầu rỉ xét Vinashin, và cơ hội để biến vài tỉ Mỹ Kim thành sắt vụn, cùng với những lời hứa hẹn giáo dở và  trơ tráo – kiểu như: “Năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”
Nếu có khả năng nắm bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới thì họ đâu có hèn nhược tới cỡ phải cố bám vào một chính sách “ngoại giao viển vông” (“vừa hợp tác vừa đấu tranh”) với “mười sáu chữ vàng,” và cũng đâu đốn mạt tới độ “ăn của dân không từ một cái gì.”
Họ – nói cho nó rõ – chính là những kẻ nội thù đã đưa cả dân  Việt đi hết từ tai hoạ này, sang tai ương khác. Tuy thế, vào ngày 18 tháng 4 năm 2015 vừa qua, vẫn có thư của “những người bức xúc về vận nước, chân thành gửi đến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,” với ít nhiều kỳ vọng, cùng “mấy lời tâm huyết đề nghị được xem xét… hoặc biết chớp lấy thời cơ, đưa dân tộc đi tới, hay lại để vuột mất cơ hội, khiến đất nước bị chìm sâu vào sự lệ thuộc, tiếp tục chịu sức ép nặng nề của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thời Tập Cận Bình.”
Bốn mươi hai vị “bức xúc về vận nước” ký tên dưới bức thư thượng dẫn đều là những nhân vật tăm tiếng, có thể coi là thành phần tinh hoa của xã hội Việt Nam hiện nay. Khi mà giới người này vẫn chưa nhận diện được kẻ thù của dân tộc, vẫn tiếp tục gửi “đề nghị,” với hy vọng “được” chúng “xem xét” thì đất nước –  tất nhiên –  còn lắm gian truân.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors