Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 2014-09-15 - 60 năm Sài Gòn trong tôi


60 năm Sài Gòn trong tôi
Văn Quang – viết từ Sài Gòn



Tượng đài Thủy Quân Lục Chiến giữa công viên Sài Gòn trước năm 1975 nay đã không còn. Văn Quang viết: “Tôi đứng trước Nhà Hát Thành Phố nhìn cảnh “vườn không nhà trống” đó mà ngậm ngùi nhớ tới pho tượng Thủy Quân Lục Chiến sừng sững đứng bảo vệ thành phố ngày nào, và nhớ tới những đồng đội TQLC đã ngã xuống hoặc giờ này đã ở khắp phương trời xa.
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân -2014-09-01- Chuyện Anh Bốn Thôi & Chị Phạn Thị Lành


sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

Chuyện Anh Bốn Thôi & Chị Phạm Thị Lành


Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ.

Tôi đọc đi, đọc lại tập tuỳ bút mỏng (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của nhà văn Nguyễn Khải vài ba lần. Lý do, một phần, có lẽ vì ông viết hơi cô đọng và (phần khác) vì ông có quan tâm ít nhiều đến tình cảnh của đám thường dân vô danh và bé nhỏ – cỡ tôi:
 Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống…”
Những dòng chữ thượng dẫn, thốt nhiên, lại khiến tôi nhớ đến anh Bốn Thôi trong một tập tuỳ bút khác (Lại Thư Nhà) của nhà văn Võ Phiến:
Anh Bốn Thôi mồ côi cha mẹ, từ nhỏ sống với chú thím. Chú thím anh ta không có con, nên thương mến cháu. Anh chịu chăm chỉ tập làm công việc, nhưng tính thực thà ít lời...
Anh chỉ có niềm tin ở cái quây quần ấm áp của một nhóm vợ con. Trong đời anh đã trầy lên trật xuống, nhục nhã nhiều phen vì vợ con, rốt cuộc là để gầy ra cái tập thể nhỏ bé, trong đó anh cảm thấy yên tâm, không cần biết đến cuộc sống mênh mông. Trong đó anh cũng cảm thấy đầy đủ; dù sống dù chết, anh không muốn rời xa nó...
 Thế mà rồi mãi anh ta vẫn không được yên. Lớn lên, gần như hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ… Và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như của một người ngoại cuộc.
Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở. Ở Hoa-thịnh-đốn, ở Mạc-tư-khoa, ở Bắc Kinh, Tân Đề-li, Vọng-các, Ba-lê v.v… ở khắp các nơi trên thế giới người ta theo dõi anh, bàn tán về anh. Người ta đem anh ra so sánh với người dân Đức ở Bá-linh, người dân Lào ở Vạn Tượng…, người ta dòm ngó, dò xét cử chỉ của anh, cân nhắc, đánh giá sự can đảm của anh, tài nghệ của anh. Xung quanh hành động anh chắc chắn có những cuộc mặc cả, những trù hoạch bố trí, những mưu mô âm thầm giữa nước này nước nọ. Và cũng có cả những lời hô hào, cổ võ, những tuyên bố lớn tiếng về nhiều vấn đề quan trọng, lý tưởng cao đẹp.
Là công dân của một đất nước đã từng anh dũng đánh thắng mấy đế quốc to, và trở thành lương tâm của thời đại nên anh Bốn Thôi tất bật và vất vả không ngừng (“hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ…”) thì cũng phải (giá) thôi!
Nhân loại có biết bao kẻ đã ước ao, khao khát được trở thành dân Việt cơ mà? Chỉ hiềm rằng trong số những người này không ai biết được rằng cuộc sống của Bốn Thôi hoàn toàn và tuyệt đối không có gì vui – theo như nhận xét của nhà văn Nguyễn Mộng Giác:
“Đấy, cuộc đời của Bốn Thôi, nhân vật tiêu biểu nhất của Võ Phiến. Người nông dân cục mịch có nét mặt buồn hiu lạnh lẽo, thiếu hẳn sự vồ vập mãnh liệt nhưng trong lòng, chất chứa không biết bao nhiêu khát vọng tội nghiệp. Người nông dân ấy không có cái bề ngoài coi được. Anh xấu trai, nghèo nàn, chậm chạp, vụng về. Thú vui độc nhất cho cả một kiếp đời dài là trưa trưa, tìm một chỗ dừng chân thật tịch mịch, nghếch mũi lên không mơ màng mằn mò nhổ từng sợi lông mũi … ‘Tiểu thế giới’ của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!”
Nguyễn Khải, Nguyễn Mộng Giác đều đã đi vào cõi vĩnh hằng. Võ Phiến thì chả cần bận tâm gì đến những chuyện phù thế nữa. Còn lớp người Việt kế tiếp nông dân Bốn Thôi thì sống cũng không khác xưa là mấy. Tuy không còn phải “né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ” như trong thời chiến nhưng cuộc sống của họ (xem ra) cũng không được an lành hay yên ổn gì cho cho lắm – nếu chưa muốn nói là vất vả, bầm dập, te tua, và tơi tả.
Chị Phạm Thị Lành có thể được coi như lớp con cháu của Bốn Thôi thời hậu chiến – theo như tường thuật của báo Dân Việt, số ra ngày 29 tháng 12 năm 2011:
Vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của một người thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một chết sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà Thèm và chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản xuất nên vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số...
Không có đất sản xuất, đã đành. Vợ chồng chị Lành – tất nhiên – cũng không có học vấn, nghề nghiệp hay vốn liếng gì ráo trọi. Họ cũng trơ trụi y như Bốn Thôi ngày trước, dù đất nước không còn có nhu cầu phải đánh thắng một đế quốc to nào nữa. Bởi vậy, hai người mới phải “tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số” thay vì cầm cố chạy chọt để có được những cách mưu sinh “quí phái” hơn: lao động xuất khẩu hoặc làm ô sin ở Đài Loan hay đâu đó.
Pham Thi Lanh
Chị Phạm Thị Lành. Ảnh: Dân Việt
Tuy nhiên, trong cái rủi của chị Phạm Thị Lành lại có cái may – vẫn theo tường thuật của phóng viên Hữu Danh, báo Dân Việt:
Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé số nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200 ngàn đồng tiền xổ số, dù khách chỉ “mua thiếu qua điện thoại.
Khoảng 16 giờ ngày 15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức – hành nghề chạy xe ba gác – nài nỉ mua dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số khác nhau. Gọi là “mua” nhưng chỉ là nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả tiền.
Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre mang dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn quyền định đoạt “số phận” 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần 7 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua qua điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do đó, không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín.
Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà phê để bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn đã tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo.
Hôm đó tôi để dành cho mình một tờ, lại được tặng thêm một tờ nên đổi thưởng được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này, vợ chồng tôi đem về quê cất nhà mới cho mẹ, số còn lại gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu...
Định mệnh, rõ ràng, đã mỉm cười với gia đình Phạm Thị Lành. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi đã âm thầm chia vui cùng chị và niềm vui này âm ỉ mãi cho đến sáng nay – trước khi đọc qua  nghiên khảo của Hurun Consulting Group tại Thượng Hải, do tiến sĩ Alan Phan  sưu tập và phổ biến trên trang nhà của ông –  vào hôm 21 tháng 8 vừa qua:
“có 64% nhà giàu tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch để xin di cư ra nước ngoài. Nhà giàu được định nghĩa là có tài sản hơn 12 triệu RMB (hay khoảng 1.8 triệu USD). Điểm đến mong ước? Mỹ (52%), Canada (21%), Úc (9%) và châu Âu (7%). Hai phần ba số người trên sẵn sàng bỏ quốc tịch Trung Quốc.
Trong 5 năm vừa qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ 18 tỷ USD vào địa ốc Mỹ và 8 tỷ chỉ trong 2013. Theo Wealth Insight qua tin của CNBC, người Trung Quốc hiện đang nắm giữ 685 tỷ USD trị giá tài sản tại nước ngoài (không tính đến những đầu tư chính thức của công ty quốc doanh hay tư doanh của Trung Quốc có giấy phép).
china
Ảnh lấy từ: gocnhinalan.com
Alan Phan cũng ghi lại đôi lời tâm tình của một người bạn đang ở “đỉnh cao” của giới thượng lưu ở Trung Hoa, khi Shangai đang vào lúc hôn hoàng:
 “Tôi không biết là kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận? Nhanh hay chậm, nhưng chắc nó sẽ đến. Có quá nhiều bất cập và scandals đang được dấu kín bởi nhiều phe quyền lực mà sẽ được phơi bày trong các cuộc tranh chấp. Dù mang tiếng là tỷ phú, nhưng tôi biết mình chỉ là con tốt thí, cá nằm trên thớt, và tai họa luôn đe dọa.”

…..

“Tôi đã cho gia đình qua Mỹ định cư rồi. Chỉ còn một thân một mình và chỉ cần 30 phút thông báo là tôi biến khỏi Shanghai. Chúng tôi bỏ đi nhưng vẫn yêu xứ sở này vô cùng. Không khí, thực phẩm nhiễm độc, người dân ngu xuẩn và vô văn hóa, quan chức tham lam và ăn cướp… nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện quan trọng là với những người giàu có, quyền thế như chúng tôi mà còn cảm thấy bất an thường trực… thì người dân nghèo túng ngoài kia sẽ thấy thế nào. Một ngày gần đây, sức ép sẽ làm vỡ tung nắp đậy… và như anh hay nói… God help.”
Thượng Hải và Bến Lức cách nhau xa lắm. Tài sản và địa vị của ông tỉ phú Shangai so với chị Phạm Thị Lành cũng vậy. Dù vậy, họ có cùng chung một môi trường sống bất minh và bất an cùng “với tai hoạ luôn luôn đe doạ” như nhau – theo như ghi nhận của tác giả Nguyễn Thiện Nhân, trên diễn đàn Việt Nam Thời Báo:
“Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa “bêu’ tên những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ khủng tới mức báo động đỏ, và danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu. 5/50 công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng, 11/31 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng, 7/24 công ty do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng…
Dự án boxite Tây Nguyên (Nhân Cơ và Tân Rai) vẫn tiếp tục lỗ lã, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ trên 500 tỷ đồng và còn tiếp tục lỗ tương đương trong 2015.
Kinh tế ảm đạm, thất nghiệp gia tăng, vật giá leo thang, thâm hụt ngân sách, nguy cơ vỡ nợ ngân sách… là bức tranh kinh tế từ đây đến hết 2015 và có khả năng làm đổ vỡ nền kinh tế trước thềm Đại hội XII của Đảng.”
Khi “kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận” thì “chỉ cần 30 phút thông báo” là ông bạn của tiến sĩ Alan Phan sẽ biến khỏi Shangai, sau khi đã chuyển hết tiền ra nhà băng ở nước ngoài còn chị Phạm Thị Lành thì không thể làm như vậy. Chị không thể rời Bến Lức, và e rồi cũng sẽ mất trắng số tiền nhỏ nhoi đã mang “gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu!”
Tôi chỉ còn biết cầu mong rằng thời gian qua “các cháu” đã tạm đủ lớn để cũng có thể bán vé số tự nuôi thân thôi. Chứ ở Việt Nam, hiện nay, đám thường dân như chúng tôi còn biết mưu sinh bằng cách nào khác nữa?
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân -2014-09-11- Đưa Người Ta Không Đưa Sang Sông


Đưa Người Ta Không Đưa Sang Sông


Tôi thấy trong cuộc đời của chị Thắng, chị không mang tai tiếng gì. Vẫn là con người trong sạch.

Thay vì một vòng hoa, một nén nhang, hay một lời ai điếu, tôi xin mượn một câu thơ của Thâm Tâm để đưa Võ Thị Thắng về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoa hoè, nhang khói, điếu văn này nọ (e) không thiếu trong tang lễ “trọng thể” dành cho chị – theo như tường trình của VOV:
“Vào lúc 7h30 sáng nay (25/8), tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thành phố Hồ Chí Minh, Lễ truy điệu bà Võ Thị Thắng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch đã được tổ chức trọng thể…”
Hoang Tuan Anh
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đọc điếu văn. Ảnh: VOV
“Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, trong niềm tiếc thương sâu sắc, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trưởng ban lễ tang xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của bà Võ Thị Thắng, người con của Nam Bộ thành đồng với ‘nụ cười chiến thắng’ đã trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp cho thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập – tự do – thống nhất đất nước. Tinh thần Võ Thị Thắng là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.”
Tôi sinh ra đời sau Võ Thị Thắng khá lâu nên không biết chi nhiều về “cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang” của chị. Do tìm hiểu thêm cũng biết được ba điều bốn chuyện, xin được chia sẻ với mọi người.
Theo vnexpress:
Bà Thắng sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 9 tuổi, bà bắt đầu bước chân vào con đường cách mạng bằng việc tham gia đưa thư, mang cơm cho cán bộ trong hầm bí mật. Năm 13 tuổi, bà thi đậu vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An và khi 17 tuổi, được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động trong phong trào thanh niên – sinh viên – học sinh...
Đất nước thống nhất, người phụ nữ với nụ cười chiến thắng năm nào bước sang chính trường khi tham gia công tác tại Thành đoàn, rồi ở Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM, sau đó được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VIII và Khóa IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, rồi Tổng cục trưởng Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba. 
vothithang 1
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Độc lập hạng nhì cho bà Võ Thị Thắng. Ảnh: Đời Sống Pháp Luật
Phóng viên Nguyễn Thị Nhi, tạp chí Hướng Nghiệp, cũng cho biết thêm đôi nét về quá trình hoạt động cách mạng của Võ Thị Thắng:
“Chị được giao nhiệm vụ điều tra quy luật hoạt động của tên Trần Văn Đỗ và tổ chức ám sát hắn. Trần Văn Đỗ là Trưởng phường Phú Lâm, quận 6 Sài Gòn nhưng thực chất là tên mật vụ chỉ điểm có nhiều nợ máu với nhân dân. Ngày 27-7-1968, sau khi nắm tình hình địch, chị cải trang để đột nhập vào nhà tên Đỗ cùng với hai đồng chí yểm trợ vòng ngoài. Hôm đó khác với thường lệ, tên Đỗ đi ngủ sớm, chị tiến thẳng đến giường tên Đỗ lên đạn bắn hai lần nhưng cả hai phát súng đều không nổ. Thấy động, tên Đỗ tỉnh dậy, chị bắn lần thứ ba nhưng không trúng. Cảnh sát ập đến bắt chị. Suốt đêm đó và mấy ngày sau chúng tra tấn chị một cách dã man bằng nhiều cách: tra điện, đóng đinh vào ngón tay nhưng chị quyết không khai báo.

Ngày 2-8-1968, chúng đưa chị ra tòa và kết án 20 năm tù khổ sai về tội chủ mưu giết người. Đứng trước tòa, khi nghe phán xét, chị Thắng cười và nói: ‘Tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại để thi hành bản án về tôi’. Một phóng viên nước ngoài đã chụp được nụ cười của chị Võ Thị Thắng trong giây phút đó. Bức ảnh với tên gọi ‘Nụ cười chiến thắng’ đã trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam.”
Nói cho chính xác thì tội danh của chị Võ Thị Thắng là “khủng bố,” chứ không phải là “chủ mưu giết người.” Ông Trần Văn Đỗ, may mắn, thoát chết nhưng nhiều người khác thì không.
Cùng với những loạt đạn pháo kích từ ngoại ô vào trung tâm thành phố, Lực Lượng Vũ Trang Nội Thành của chị Thắng và đồng đội đã gieo kinh hoàng cũng như tang tóc cho không ít người dân miền Nam – trong một thời gian không ngắn. Chỉ xin ghi lại vài ba trường hợp để rộng đường dư luận:
Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn”) của ông Vũ Quang Hùng:
Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông – Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ…
Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Nguyen Van Bong
GS Nguyễn Văn Bông năm 1967. Ảnh AP. Nguồn Flickr
Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng … trừ khử bằng chất nổ và lựu đạn. Hai năm trước đó, G.S.  Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.
Le Minh Tri
Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí bị ám sát năm 1969.
Ảnh: Minh Đức
Một nạn nhân khác nữa là nhà báo Từ Chung. Cái chết của ông được cậu con trai 12 tuổi kể lại như sau, theo bản tin của nhật báo Chính Luận, số ra ngày 1 tháng 1 năm 1966:
Cháu nghe thấy tiếng còi ô tô của bố cháu. Cháu chạy ra đứng phía trong cửa để chờ bố, cháu thấy bố cháu xuống xe rồi mở thùng xe đằng sau để lấy cái gì đó. Thế rồi có hai người đi gắn máy dừng lại, cháu nhìn rõ xe hiệu Goebel sơn màu xanh. Một người xuống xe tay cắp cặp da, mặc quần mầu xanh màu da trời, áo xanh lạt có sọc, trạc độ 26 tuổi. Người ấy mở cặp da lấy ra một khẩu súng và tiến lại gần bố nhắm bắn luôn mấy phát liền. Bố cháu gục xuống.
Vẫn theo bản tin thượng dẫn:
Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm 1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế mời giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.
Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn chướng, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v… nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã luận về kinh tế. Từ Chung là người Việt Nam đầu tiên đã giản dị hóa môn học khô khan khó hiểu là kinh tế học, đưa môn học này về gần với quần chúng bình dân. Những bài xã luận của Từ Chung về kinh tế được độc giả thuộc mọi trình độ khác nhau, từ các ông giáo sư đại học, các chuyên viên kinh tế thượng thặng đến các cậu sinh viên, các bà nội trợ đều thấu hiểu tường tận những biến chuyển kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường được một số trí thức gọi đùa là “mục kinh tế chợ” đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch cuốn “Bí Danh” (Secret Name) của Lâm Ngữ Ðường.
Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn đoán chắc (như bắp) là cả ba nhân vật thượng dẫn đều có chung tội danh: thuộc thành phần phản động. Với tội danh này thì không chỉ vài ba mà (có lẽ) phải đến năm bẩy triệu người Việt đã bỏ mạng vì bom đạn, mã tấu, hay cuốc xẻng.
Cái giá để tạo dựng cái Chính Quyền Cách Mạng mạng hiện nay – rõ ràng – không rẻ nhưng thành quả thì rất đáng ngờ, và vô cùng đáng ngại! Nó cũng đáng ái ngại như cái cách mà truyền thông của Đảng và Nhà Nước Việt Nam xưng tụng “nụ cười chiến thắng” của chị Võ Thị Thắng gần nửa thế kỷ qua.

Ảnh: VOV
Trong một cuộc phỏng vấn dành do BBC, hôm 23 tháng 8 năm 2014, ông Hạ Đình Nguyên (nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Phối Hợp Hành Động Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, một tổ chức có liên hệ với các lực lượng chính trị, quân sự của miền Bắc Việt Nam, hoạt động ở Sài Gòn trước 1975) phát biểu: “Tôi thấy trong cuộc đời của chị Thắng, chị không mang tai tiếng gì. Vẫn là con người trong sạch.”
Là Ủy Viên Trung Ương Đảng, và cũng là Đại Biểu Quốc Hội liên tiếp ba khoá (IX, X và XI) rồi là Tổng Cục Trưởng Du Lịch mà “không mang tai tiếng gì” thì chị Võ Thị Thắng – rõ ràng – là một đảng viên nhưng … tốt!
Dưới bài phỏng vấn ông Hạ Đình Nguyên, đọc được trong trang FB của BBC, độc giả Lê Bích Đàocũng đã biểu đồng tình một cách ngắn ngọn và thi vị: “Chị VTT là người sống trong sạch’ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Thiệt là qúi hoá hết sức!
Dù vậy, tôi chỉ có đôi chút suy nghĩ lăn tăn. Hay nói theo ngôn ngữ của thi ca là vẫn (nghe) “sao có tiếng sóng ở trong lòng.” Chúng ta có nhất thiết phải đốt cả dẫy Trường Sơn, phải hy sinh đến cái lai quần, và hàng chục triệu mạng người – thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau – chỉ để tạo nên một đống bùn bẩn thỉu nhầy nhụa như hiện tại không?
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Tôi muốn biết! Ai cho ai cái quyền... siêu quyền lực?


Lê Thiên (Danlambao) - Chiến dịch "Tôi Muốn Biết" do Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) phát động đang tiếp tục thu hút sự hưởng ứng nồng nhiệt của hầu hết mọi giới, mọi thành phần người dân trong và ngoài nước như minh họa trên Dân Làm Báo bằng hình ảnh (bên cạnh nhiều hình ảnh độc đáo khác) xin phép được sao in lại sau đây:
Continue Reading... Nhãn:


Thư kêu gọi yểm trợ dân oan Dương Nội Cấn Thị Thêu


"...Là một người từng đồng hành với dân oan Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi xin tha thiết kếu gọi ​ tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, những người yêu công lý, yêu sự thật, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các nhân sỹ trí thức, bà con dân oan trong cả nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy hướng về phiên toà ngày 19 tháng 9 năm 2014 này. 

Đây là hành động thiết thực để bảo đảm công lý cho dân oan Cấn Thị Thêu và bà con nông dân Dương Nội..."

*
Continue Reading... Nhãn:


Tử huyệt: Tước đoạt kẻ tước đoạt



Bùi Tín (VOA) - Họ giật mình là phải lẽ. Họ sợ, vì bị điểm trúng tử huyệt. Cái huyệt chết người. Người dân trước cuộc "triển lãm" của cuộc sống thật khắp nơi nhận ra bất công xã hội không thể chấp nhận nổi nữa, đang không đòi gì hơn là lẽ công bằng: Phải tước đoạt lại của những kẻ tước đoạt để trả về cho nhân dân, cho xã hội. Và ngay lúc này... 

*
Continue Reading... Nhãn:


Tuyên cáo của Lao Động Việt ủng hộ chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết


Trong những ngày đầu tháng 9/2014, Mạng Lưới Blogger Việt Nam phát động chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết nhằm đấu tranh giành lại quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch của người dân.
Continue Reading... Nhãn:


Thời Sự Nhật Bản - 09-2014


Mưa lớn khiến sụt lở đất gây chết người ở Hiroshima

Trong suốt tháng 8, tại các vùng tây nam và miền bắc nước Nhật đã phải hứng chịu những cơn mưa lớn khiến nước các con sông dâng cao đến mức kỷ lục. Lượng nước lớn đổ xuống từ các vùng cao đã gây ra những trận sụt lở đất tại quận Asaminami của Hiroshima, Fukuoka khiến ít nhất là 52 người chết, số người chết có thể tăng vào những ngày sắp tới vì vẫn còn 28 người mất tích (cho đến thời điểm báo lên khuôn). Những cơn mưa lớn bắt đầu ở Hiroshima vào sáng sớm ngày 20 tháng 8 kéo dài liên tiếp trong nhiều giờ và nhiều ngày làm cho đất đá từ trên những chỗ cao lở và tràn xuống khiến đường xá, nhà dân ngập tràn bùn đất, công tác tiếp cứu đã gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng mưa đứt đoạn có nghĩa là mưa rồi ngưng rồi lại mưa và rất bất ngờ bằng những lượng mưa thật lớn. Được biết lượng mưa trong những ngày này bằng cả lượng mưa của cả tháng 8 năm ngoái. 

Các đợt đất lở với khối lượng lớn và tốc độ cao đã cuốn trôi hoặc san bằng hầu hết các ngôi nhà được dựng bằng gỗ. Nhiều người dân trong vùng bị nạn phải trèo lên mái nhà chờ trực thăng tới cứu.
Trong số những người chết tại Hiroshima có một lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi đang cố gắng giải cứu mọi người ra khỏi 1 căn nhà bị chôn vùi và tại Fukuoka một cảnh sát trẻ đã bị nước cuốn trôi 
Theo bộ trưởng phụ trách về thiên tai, Keiji Furuya, Lực lượng tiếp cứu gồm Tự Vệ Đội, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa khoảng 3000 người đã được huy động tới hiện trường để tìm kiếm những người bị mất tích và dọn dẹp những chướng ngại do vụ lở đất gây ra, nhưng nhiều khi công tác tiếp cứu phải tạm đình chỉ vì những cơn mưa lại đổ xuống sau đó. 
Còn đang dịp nghỉ hè nên đã có nhiều thanh niên sinh viên thiện nguyện từ khắp nơi đến giúp các gia đình dọn dẹp trong các ngôi nhà bị ngập đất, như xúc đất ra ngoài, lau chùi đồ đạc v.v…
Giới chức tỉnh Hiroshima cho biết các vụ lở đất đã xảy ra tại 53 nơi phá hủy và làm hư hại hoàn toàn 97 ngôi nhà và làm hàng trăm ngôi nhà khác bị ngập bùn đất. Lượng đất bị sụt lở ước tính là hơn 500,000 mét khối tương đương với sức chứa của 80,000 xe tải cỡ lớn, phí dụng cho việc dọn đất này mất khoảng l00 ức yen (100 triệu mỹ kim) 
Dân chúng ở khu vực đất lở và khu vực gần đó khoảng hơn 2100 người đã phải tránh nạn tại các trường học, hội quán công dân khiến các địa điểm này quá tải, và nhà chức trách địa phương đang cố gắng đưa số người tránh nạn mỗi lúc một tăng sang các vùng khác.
Ngày 22/8, nội các Nhật Bản đã phải thành lập một Ủy Ban Đối Phó Nạn Thiên Tai để có những đối sách quy mô hơn vì tình trạng thời tiết bất thường này sẽ lan rộng sang cả những vùng khác.
Theo các chuyên gia khí tượng Nhật thì vụ thiên tai sụt lở đất do mưa lớn kéo dài này diễn ra với quy mô chưa từng có ở Nhật và có thể còn kéo dài nhiều ngày nữa.
Năm 1999, Hiroshima cũng đã phải hứng chịu một loạt trên 300 vụ lở đất làm thiệt mạng hơn 30 người. 

Từ “xì căng đan” khoa học đến cái chết của một khoa học gia!

Giáo sư Sasai Yoshiki
 Ngày 5 tháng 8 vừa qua, cả Nhật Bản đã bàng hoàng khi được tin một khoa học gia danh tiếng của Nhật đã tự kết liễu đời mình tại nơi làm việc. Người ta phát hiện thi thể ông lúc 9 giờ sáng trong tư thế treo cổ giữa chân cầu thang của lầu 4 và lầu 5 thuộc tòa nhà CDB (Center For Developmental Biology - Trung Tâm Phát Triển Sinh Học RIKEN) tại Kobe, bên cạnh là đôi giày và cái cặp có đựng 3 di thư để lại cho những người trách nhiệm, ngoài ra cảnh sát còn tìm thấy 1 di thư cho người thư ký để trên bàn làm việc của ông ở lầu 2 cũng cùng tòa nhà.
Ông tên Sasai Yoshiki, 52 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ đại học y khoa Kyoto năm 1986. Năm 36 tuổi, ông là một người trẻ nhất trở thành giáo sư thực thụ (professor) của đại học nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản này, và là một trong những nhà nghiên cứu và chuyên gia về tế bào gốc hàng đầu của Nhật. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu được kỳ vọng vì có thể thay thế các tế bào trong người bị hư hại, nhất là về những ứng dụng nuôi dưỡng tế bào gốc đa năng ES, IPS thành các tế bào của thân thể như mô mắt, não bộ. Trách vụ cuối cùng là phó giám đốc trung tâm phát triển sinh học Riken (CDB).
Sự ra đi của ông gây ảnh hưởng nặng nề không những đến công trình nghiên cứu sinh hóa, y khoa của Nhật mà còn lan sang các lãnh vực khác như kinh tế. Ông là người có khả năng thành lập những kế hoạch to lớn để “chiêu mời” tài chánh từ chính phủ và tư nhân bằng những dự án mà nhóm ông đang nghiên cứu. Đã có rất nhiều công ty lớn nhỏ tập trung tại thành phố Kobe bỏ vốn đầu tư vào các ứng dụng công trình nghiên cứu của ông..
Chánh văn phòng nội các Suga đã ngậm ngùi tuyên bố chỉ vài giờ khi nghe tin: cái chết của giáo sư Sasai thật vô cùng đáng tiếc vì ông là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế và là khuôn mặt của Nhật Bản.
Giới khoa học khắp nơi và ngay cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều nhắc đến ông một cách rất trân trọng và cho đây là một mất mát lớn lao cho nền sinh học của Nhật Bản và thế giới. 
Ông được mọi người đặc biệt chú ý không chỉ ông là người tài giỏi mà còn là người trách nhiệm chỉ đạo cho một nhóm khoa học gia đã có một phát minh có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người, nhưng chỉ sau vài tháng “sự nghiệp” này đã trở thành “xì căng đan” khoa học và một số nghi vấn đã theo ông xuống tuyền đài. Để quí vị nắm vững vấn đề xin đọc lại phần tóm tắt dưới đây 

Phát minh không tiền khoáng hậu!

 
Cô Obokata – giáo sư Sasai – giáo sư Wakayama


Ngày 29 tháng 1 vừa qua, các hệ thống truyền thông Nhật Bản đã chiếu đi chiếu lại hình ảnh của một cô gái trẻ, tươi cười tay chỉ vào những biến đổi trên màn ảnh giới thiệu về một “phát minh” lịch sử có khả năng làm con người “sống lâu trăm tuổi”, “trẻ mãi không già”. Mặt mũi nhăn nheo trở thành thẳng táp, da dẻ sần sùi trở nên láng bóng mịn màng….., các bộ phận bị hư hại trong thân thể sẽ được thay thế bằng những bộ phận.. mới toanh. Nói cho rõ hơn là nhóm của cô đã công bố sự thí nghiệm thành công trên chuột trong việc chế tạo tế bào gốc (tế bào lúc phôi thai) thành tế bào gốc đa năng, được đặt tên là STAP cells (Stimulus triggered acquisition of pluripotency cells - tế bào đa năng tạo bởi sự kích thích). Ban đầu thì là chuột, nhưng từ chuột chuyển sang người sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực ra việc chế tạo tế bào gốc như tế bào ES hoặc tế bào IPS của giáo sư Yamanaka được giải Nobel 2012, đã và đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới, nhưng rất phức tạp, ES được tạo từ phôi thai, IPS thì được tạo từ da người, còn cách của cô gái trẻ đã công bố thì khá đơn giản và không mất nhiều thời gian.


STAP là gì?

STAP được tạo ra bằng cách lấy các tế bào bạch huyết (lympocyte) của chuột sinh được 7 ngày ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) với nhiệt độ của cơ thể con người trong vòng 25 phút, sau đó nuôi dưỡng khoảng 1 tuần sẽ trở thành tế bào gốc mang tính đa năng (STAP), cấy tế bào này trở lại vào chuột, các tế bào sẽ chuyển đổi thành các tế bào mô não, da, cơ, mỡ, tủy xương, phổi và gan… hoặc chích vào những phôi chuột đang trong thời kỳ phát triển sẽ sinh ra những con chuột khỏe mạnh. 
Ý tưởng này bắt đầu từ một cô gái trẻ. Cô tên Obokata Haruko sinh năm 1983. Tháng 3 năm 2006, cô đã tốt nghiệp ngành ứng dụng hóa học của đại học Waseda và tiếp tục học lên bậc Cao Học, sau khi tu nghiệp 2 năm tại ngành y của Đại học Harvard, cô đã lấy bằng tiến sĩ vào năm 2011 cũng tại Đại học Waseda.
Tháng 8 năm 2009 thì hoàn thành luận văn về STAP và mùa xuân năm 2010 cô đã gửi cho tạp chí Nature nhưng bị “chê” là không đủ tầm vóc và đang làm chuyện không tưởng. 
Năm 2011, trong lúc trở về Nhật thì xảy ra thảm nạn động đất vùng Tohoku (11/3/2011), việc xin visa để làm việc tại Hoa Kỳ bị chậm trễ không biết đến bao giờ mới có, trong lúc chờ đợi cô đã gặp lại giáo sư Wakayama Teruhiko đang là trưởng nhóm nghiên cứu Vật Lý-Hóa Học của RIKEN (Trung tâm Nghiên cứu Vật lý & Hóa học), người đầu tiên đã thành công trong việc cho ra đời chuột bằng clone. Dịp này cô ngỏ ý muốn giáo sư Wakayama hợp tác trong công trình nghiên cứu tế bào STAP đang còn dang dở. Lúc đầu thì ông cho rằng: “chuyện không thể có”, nhưng bản tính giáo sư này lại thích nghiên cứu những chuyện không thể có nên ông đã nhận lời. Tưởng là chỉ ở phòng thí nghiệm của giáo sư Wakayama một thời gian ngắn để chờ đi Mỹ, nhưng cuối cùng cô ở lại luôn sau một cuộc “thẩm tra năng lực” khá đơn giản của “hội đồng tuyển chọn RIKEN” và tháng 3/2012 cô trở thành “sếp” phòng thí nghiệm khi giáo sư Wakayama chuyển sang đại học Yamanashi.
Với rất nhiều lần thất bại trong việc dùng dung dịch acid loãng để kích thích tế bào gốc lấy từ chuột, mãi đến cuối năm 2011, thì giáo sư Wakayama nhận được báo cáo: các thí nghiệm của nhóm đã “sinh” được một con chuột mang tế bào phát sáng màu xanh lá cây biểu hiện tính đa năng. Ngay lúc nhận được báo cáo này giáo sư Wakayama cũng không tin và cho là sự tình cờ, may mắn. Sau đó thì ông cùng với cô thực nghiệm trên chuột và đã thấy được kết quả đúng như cô nói. Năm 2012, cô và giáo sư Wakayama đã viết lại  luận văn về STAP gửi đến tờ Nature nhưng vẫn bị từ chối với lý do là quá đơn giản và cách trình bày không mang tính thuyết phục.
 
Giáo sư Sasai trên hình bìa tạp chí khoa học Nature


Đầu năm 2013 thì giáo sư Sasai xuất hiện với trách nhiệm trưởng nhóm để hoàn chỉnh lại luận văn về STAP vì ông Sasai là người đã có nhiều luận văn đăng trên Nature và là bậc thầy trong cách trình bày hướng dẫn luận văn. Sau hơn 1 năm điều qua chỉnh lại, ngày 29/1 nhóm của cô đã công bố phát minh “lịch sử” này gồm 2 luận văn “Letter” và “Article” đã được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature của Anh số 505, ra ngày 30.01.2014. 

Nhưng….

Chỉ 1 tháng sau, từ nhiều phía trong giới khoa học đã dấy lên những nghi ngờ vì các chuyên gia, khoa học gia ngành sinh hóa đã phát hiện ra luận văn chế tạo tế bào STAP của nhóm Obokata đăng trên Nature có nhiều điểm nghi vấn như:
- hình để chỉ sự biến hóa từ tế bào STAP lại là hình đã bị sửa đổi, 
- dùng hình từ luận án khác không liên quan; 
- cách thí nghiệm hướng dẫn khác cách trình bày trong luận văn; 
- có khoảng 10 hàng trích nguyên từ một luận án khác…
….
“Chột dạ” vì không được nghe chính “đương sự” giải thích rõ ràng nên ngày 10 tháng 3, giáo sư Wakayama đã lên tiếng đề nghị rút lại luận văn để làm lại từ đầu. Ông cũng cho biết là sau khi rời nhóm, chuyển sang đại học Yamanashi, ông cũng không thể nào tự chế tạo được tế bào gốc STAP theo hướng dẫn của luận văn, và cho biết ông chỉ nhận tế bào gốc STAP được chế tạo từ Obokata rồi nuôi dưỡng và cấy ngược vào chuột (phần này thì thành công). Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới than phiền là dù đã làm đúng theo cách chỉ dẫn của bản luận văn đăng trên Nature nhưng chưa lần nào chế tạo được tế bào STAP thành công cả.

Phân minh 

 Ngày 14/3 và ngày 1/4, Ủy Ban Điều Tra và hội đồng quản trị của RIKEN đã họp báo xin lỗi, vì các sự việc này đã gây phương hại làm giảm độ tin cậy của người dân, của cộng đồng khoa học thế giới đối với Nhật Bản.
Trưởng ban điều tra là ông Ishii Shunsuke đã cho biết: sau vài lần gặp gỡ Obokata và nhóm, những lần điều tra riêng biệt từ nhiều phía để hỏi cho ra lẽ, Ủy Ban Điều Tra kết luận:
- Trong 6 điểm nghi ngờ, có 2 điểm bị coi là bất chính vì đã dùng hình sửa đổi và ngụy tạo. 
- Cá nhân cô Okobata cố ý chủ trương chuyện bất chính này. 
- 2 người cùng nhóm có “trọng lượng” nhất là giáo sư Wakayama và Sasai (người “chỉ đạo” trong việc viết luận văn) thì không bị kết tội bất chính nhưng bị kết tội là đã không quản lý chặt chẽ dữ liệu chính xác trước khi “công bố”, trách nhiệm cũng rất nặng nề. 
-

Phản luận

Ngày 1 tháng 4 qua một luật sư đại diện, cô đã công bố một thông báo phản luận lại những kết tội của “Ủy Ban Điều Tra” và RIKEN.
Cô nói: Tôi cảm thấy thất vọng và tức giận. Đây chỉ là một lỗi lầm không ác ý, nhưng bị kết tội là “cải sửa (kaizan- 改ざん)”, “ngụy tạo (netsuzo-ねつ造). Tôi không thể chấp nhận những cáo buộc này và sẽ “thưa” RIKEN để làm cho ra lẽ. Nếu cứ để nguyên tình trạng này thì việc chế tạo tế bào STAP sẽ bị hiểu lầm là “ngụy tạo”.
Xin quí vị xem phần giải thích bằng 2 hình dưới sẽ rõ ràng hơn.


“Sửa đổi”

Hai đường song song đánh dấu bằng mũi tên
cho thấy ô giữa là hình được cắt dán
(đăng trên tờ Nature số 505).
 


Theo Obokata là chỉ cắt dán cho…. hình dễ nhìn, nếu dùng hình nguyên thủy thì kết quả cũng không thay đổi
“Ngụy tạo”

 
Bên trái (đăng trong tạp chí Nature), bên phải (trong luận án tiến sĩ của Obokata năm 2011.
Hai hình hoàn toàn giống nhau dù điều kiện thí nghiệm khác nhau). 


Obokata giải thích đây là sự nhầm lẫn trong việc sử dụng hình và đã điều chỉnh với RIKEN và tờ NATURE ngày 9 tháng 3.

*Ngày 9 tháng 4 trong nước mắt đầm đìa, cô xin lỗi tất cả mọi người liên quan vì cách làm quá “chủ quan chỉ có mình …biết” đã làm phiền nhiễu nhiều người. Ngoài những phản luận như đã trình bày ở trên, cô khẳng định như đinh đóng cột:
- “có tế bào STAP”  
- “đã thí nghiệm thành công 200 lần, 
- “có người trong RIKEN cũng đã thành công” và 
- “trong điều kiện cho phép cô sẽ cố gắng chứng minh sự hiện hữu của STAP trước bá quan văn võ”. 
Cuối cùng cô yêu cầu: 
- Mở lại cuộc điều tra vì cô cho là không đầy đủ
…..
Sau đó, Obokata Haruko bổ túc “hồ sơ” để chứng minh những điều mình đưa ra không phải là “cải sửa”, “ngụy tạo”. 

*Ngày 16/4, xếp trực tiếp của nhóm cô là giáo sư Sasai Yoshiki (52 tuổi), đã có buổi họp báo giải thích về lý do có mặt của ông trong nhóm. Ông cho biết việc hình thành luận văn STAP trải qua 4 giai đoạn: 
1/ Phát hiện ý tưởng
2/ Thực hiện - Thí nghiệm ý tưởng
3/ Sắp xếp dữ kiện
4/ Viết và hoàn chỉnh luận văn
Ông Sasai cho biết ông “nhập cuộc” vào giai đoạn thứ 4 là giai đoạn viết và hoàn chỉnh luận văn dựa trên những kết quả có được từ các quá trình thí nghiệm bởi ông Wakayama và cô Obokata của giai đoạn 2 và 3, ông giải thích việc ông không xem xét lại các dữ kiện vì tin tưởng “Wakayama là người của thế giới” đã cùng với Obokata thí nghiệm thì làm sao mà sai trật”?
Tuy nhiên, ông nhận trách nhiệm là đã không giữ đúng vai trò của người chỉ đạo.

*Ngày 8 tháng 5, Ủy Ban điều tra cũng của RIKEN sau khi thay đổi một vài nhân sự đã họp báo cho biết là: RIKEN không mở lại cuộc điều tra vì những chứng cớ “cải sửa”, “ngụy tạo” quá rõ ràng, chẳng hạn như Obokata đã dùng những hình này trong những luận văn khác chứ không phải chỉ nhầm cho lần này, ngoài ra có muốn điều tra lại cũng không biết “đâu mà mò” vì những quyển sổ khoa học (dùng ghi chép, kết quả, tình trạng thí nghiệm v.v…) mà cô “bổ túc” không đầy đủ, rất mơ hồ, lại không ghi rõ ngày tháng…..cho nên vẫn giữ nguyên kết luận như lần trước: “cải sửa”, “ngụy tạo”. Một Ủy Ban đã lập ra để chờ ngày…. xử tội cô.
Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi của báo chí: “STAP có hay không có? Ủy Ban điều tra RIKEN vẫn né tránh: chuyện ngụy tạo luận văn và chuyện tế bào STAP có hiện hữu hay không là hai chuyện khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là xem xét luận văn,
nhưng cho biết sẽ dùng 1 năm với một nhóm khoa học mà người trách nhiệm là ông Niwa Hitoshi (cùng chấp bút luận văn STAP) để xác định STAP có hay không có. 

*Ngày 13 tháng 6, một Ủy Ban điều tra độc lập không dính dáng gì với RIKEN đã họp báo và thẳng thừng đề nghị:
- Giải tán trung tâm sinh học phát triển (CDB)
- Phạt thật nặng những người liên quan như Obokata, Sasai, Takeichi (xếp của 2 người này).
- Ủy Ban độc lập đề nghị cho Obokata gia nhập nhóm nghiên cứu xem STAP có tồn tại hay không.


Thế thì “có hay “không có”?

Thế nhưng câu hỏi mọi người muốn biết nhất: “thế thì STAP có hay không có?” vẫn chưa có câu trả lời.
Nghe có vẻ như chuyện đùa, vì nếu luận văn của cô bị coi là sửa đổi, ngụy tạo thì chuyện tế bào STAP chỉ là chuyện không tưởng, tại sao RIKEN lại phải dùng một thời gian 1 năm để kiểm nghiệm lại “có” hay “không có”? Đây là một điều thật khó hiểu mà không ai dám giải đáp.  Cũng có “tin đồn” cho rằng sở dĩ RIKEN phải “lao vào cuộc” một phần cũng là vì nghe chính 3 khoa học gia thuộc loại hàng đầu của Nhật (đứng tên chung trong luận văn STAP) là các ông Sasai Yoshiki, Wakayama Teruhiko, Niwa Hitoshi dù chủ trương phải rút luận văn và bắt đầu làm lại từ số 0….tâm sự. 
Ông Sasai nhấn mạnh: “hãy coi chuyện tế bào STAP là giả thuyết nên làm lại từ đầu, tuy nhiên sự tồn tại của nó rất cao vì vẫn chưa có phản chứng nào cho ra hồn để kết luận đó là chuyện giả dối, và nếu không đặt tiền đề là có tế bào STAP thì không thể nào giải thích được những hiện tượng sinh ra khi thực nghiệm về STAP
Giáo sư Wakayama: có nhiều “hiện tượng” kỳ lạ về STAP mà tôi không thể giải thích, vì thế chưa có chứng cớ nào để kết luận: tế bào STAP không tồn tại. 
Giáo sư Niwa: Chính mắt tôi thấy là khoảng 2 hay 3 lần Obokata đã chế tạo được tế bào STAP mà!
Thực hư thế nào thì chả ai mà biết được. Cũng có dư luận cho rằng Obokata dùng “xảo thuật”.
Sau mấy tháng loay hoay lại thêm yếu tố nhóm khoa học do RIKEN thành lập vẫn chưa tìm được điều gì mới mẻ về STAP cũng như đề nghị của dư luận, ủy ban điều tra độc lập, bộ trưởng bộ giáo dục là…. phải cho cô tham gia công việc chế tạo tế bào STAP mới rõ trắng đen, cuối cùng RIKEN đã đồng ý tạm quên chuyện “xử tội” Obokata về vấn đề ngụy tạo luận văn và đề nghị cho cô 5 tháng để chính cô chế tạo lại STAP nhưng với những điều kiện thí nghiệm thật nghiêm khắc.
- Cô sẽ làm công việc nghiên cứu này một mình trong một tòa nhà biệt lập với tòa nhà của nhóm nghiên cứu khác (cũng đang làm công việc tương tự trong RIKEN tại Kobe từ tháng 4, nhưng vẫn chưa ….. ra ngô ra khoai gì cả).
- Sẽ đặt 3 video camera để thâu cảnh cô thí nghiệm 24/24
- Lúc nào cũng có một vài người đứng cùng với cô bên cạnh vì sợ cô làm trò “ảo thuật” ….
- Cửa ra vào và các máy móc để nuôi dưỡng tế bào sẽ được quản lý bằng khóa điện tử
- Cô sẽ bắt đầu công việc này từ ngày 2 tháng 7 và chấm dứt vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, nếu trước đó mà không có một biểu hiện nào của sự thành công, công việc của cô sẽ bị chấm dứt.
Vì muốn tham gia vào việc truy tìm STAP, Obokata đã đồng ý rút luận văn đã đăng trên NATURE để làm lại từ đầu, dù trước đây cô nhất định không chịu và Nature đã rút lại luận văn của nhóm cô hôm 3 tháng 7. 
Cũng có ý kiến phản đối cho là quá nghiêm khắc, canh giữ cô như … “tù”, tuy nhiên “đương sự” thì im lặng không thấy nói gì, ngoài mấy chữ với luật sư: “Tôi sẽ cố gắng hết mình”
Ngày 2 tháng 7, sau 3 tháng vắng mặt cô đã trở lại RIKEN từ bệnh viện nơi đang tịnh dưỡng để bắt đầu công việc mà cô cho là đi tìm lại đứa con đã bị “định mệnh” bắt buộc rời xa. 
Câu chuyện tưởng là đã tạm gác sang một bên chỉ còn chờ kết quả nhưng nửa chừng lại rẽ sang một hướng hoàn toàn khác qua 

Cái chết của giáo sư Sasai. 

Sau đây là những sự kiện được những người cùng làm việc với ông Sasai cho biết từ lúc sự việc “xì căng đan STAP” xảy ra cho đến lúc ông kết liễu cuộc đời.
1/ Khoảng giữa tháng 2 sau khi luận văn STAP bị nêu lên những nghi vấn, lúc đó ông còn rất bình tĩnh đùa với bạn bè: “Chuyện đâu còn có đó, khi nào dư luận tạm lắng xuống mình sẽ phản luận từ từ”. Nhưng sau đó, những nghi vấn này lại là những nghi vấn có “cơ sở” , điều này đã khiến ông shock và phải nhập viện gần 1 tháng vì chứng Tâm thần phân liệt.
2/ Tuy vẫn đến phòng nghiên cứu đều đặn nhưng ông đã làm công việc hàng ngày trong một tinh thần thật hoảng loạn vì là một đối tượng được Ủy Ban điều tra kết tội là “phải chịu trách nhiệm nặng nề”, trong lúc đang chờ hình phạt ông đã xin từ chức phó giám đốc CDB nhưng không được chấp nhận.
3/ Trước ngày tự sát khoảng 1 tháng, ông đã mất hẳn sự tinh anh thường lệ, trong những buổi hội luận khoa học, đôi khi ông có những phát biểu mà không ai hiểu ông muốn nói gì và thường những buổi hội luận có ông lại không đưa đến một đúc kết gì. 
4/ Khi được tin Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt không liên quan đến RIKEN đưa những đề nghị nghiêm khắc như giải tán Trung Tâm Nghiên Cứu mà ông đang là Phó, và phạt thật nặng những người trách nhiệm, ông đã chán nản khuyên những người làm việc cùng phòng đi tìm công việc mới. Theo những nguồn tin dựa trên di thư ông viết cho vợ và anh trai thì đây có thể là nguyên nhân chính khiến ông mất tinh thần. 
5/ Tinh thần ông lại xuống hơn nữa, khi giữa tháng 6, RIKEN lại quyết định cho điều tra lại chi tiết về những nghi ngờ của luận văn STAP mà cuộc điều tra tưởng đã chấm dứt trước đó vào tháng 4 và ông là 1 trong người sẽ bị “hỏi cung” nhiều nhất vì được cho là người nắm vững nhất.
6/ Trong những di ngôn ông để lại gửi cho người thư ký, trưởng phòng nghiên cứu, cô Obokata ông đều nói: "Tinh thần-tâm thân tôi đã hoàn toàn kiệt sức, vượt quá giới hạn" 
Đặc biệt, trong di thư gửi cô Obokata ông đã viết: 
"Tôi đã để Obokata ở lại phải chiến đấu một mình" 
"Thật là một điều đáng tiếc vì tình huống đã xảy ra như thế này.. 
"Việc tôi bỏ đi trước là lỗi vì sự yếu đuối của tôi chứ không phải là lỗi của cô" 
"Xin đừng tự trách mình" 
"Nhất định phải tái hiện cho bằng được tế bào STAP nhé" 
"Sau khi hoàn thành, hãy bước từng bước một đi tới trong cuộc đời mới” 
“Xin tha thứ cho tôi”
Điều này chứng tỏ ông vẫn tin là có tế bào STAP và giữ lập trường bênh vực cô Obokata Haruko đến cùng, người mà ông nghĩ đang gặp khó khăn nhiều nhất vì phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Obokata đã sốc khi nghe tin về cái chết của ông Sasai và lúc nào cũng có 2 người bên cạnh thay phiên trông nom hầu tránh một trường hợp không may xảy ra. 
Việc thực nghiệm xác nhận STAP có hay không vẫn được tiến hành như thường theo lời RIKEN, nhưng những “uẩn khúc” chung quanh luận văn STAP sẽ khó mà có thể “giải mã”.
Đứng về phía người dân thường, thì chuyện “giải mã” những nghi vấn về luận văn STAP sẽ chẳng mang ý nghĩa gì quan trọng, họ chỉ muốn biết là tế bào STAP có hiện hữu hay không, vì có hay không có, đời sống con người sẽ hoàn toàn khác.
Cầu chúc hương hồn ông thong dong nơi cõi ấy và luôn hướng dẫn cho cô Obokata tái hiện lại được những điều mà chính ông và người dân thường chúng tôi đang mong đợi.


158 hòn đảo nhỏ của Nhật vừa được đặt tên 

Người ta gọi Nhật Bản là một đảo quốc vì đất nước này có đến 6.852 hòn đảo lớn nhỏ. Tuy nhiên hầu hết người Nhật sinh sống trên bốn hòn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Mặc dù đã vào thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21, nhưng vẫn còn rất nhiều hòn đảo nhỏ của Nhật vẫn còn trong tình trạng “vô danh” (không có tên). Lý do cũng dễ hiểu vì đó là những hòn đảo quá nhỏ, không có người ở. Có những hòn đảo chỉ trồi lên khỏi mực nước biển chừng vài mét.
Nếu không có chuyện Trung Cộng mưu toan xâm chiếm quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì có lẽ chính phủ Nhật cũng vẫn chưa có nhu cầu đặt tên cho những hòn đảo tí hon này. Ngày 01.08.2014, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Suga, trong một cuộc họp báo định kỳ cho biết 158 hòn đảo nhỏ vô danh của Nhật đã chính thức có tên. Trong 158 hòn đảo đó, có cả 5 hòn thuộc quần đảo Senkaku. Ông Suga cũng cho biết chính phủ Nhật đã không tự ý đặt tên mà tham khảo ý kiến người dân tại các địa phương sống gần những hòn đảo để kiếm tên thích hợp. Hầu hết tên gọi 158 đảo đều là các tên dân dã mà dân chúng trong vùng dùng với nhau cho dễ nhớ.
Ngay sau khi phát ngôn viên chính phủ Nhật họp báo, các ban ngành, đặc biệt là cơ quan Tham mưu về chính sách Hải dương Nhật, lập tức công bố trên website của từng ngành tên chính thức của 158 hòn đảo. Chính phủ Nhật muốn quảng bá tối đa trước cả thế giới bất chấp với những phản ứng lồng lộn từ Bắc Kinh mà họ dự kiến sẽ xảy ra.
Khi giới ký giả hỏi về chủ đích của chính phủ Nhật qua sự việc này, ông Suga trả lời: "Nếu gọi là muốn quảng bá cho thế giới biết thì quả thật không sai, nhưng điều quan trọng của việc phải đặt tên là Nhật Bản khẳng định đó là lãnh hải, lãnh đảo bất khả xâm phạm từ ngàn xưa của Nhật ... và đã được luật pháp quốc tế, luật Biển của Liên hiệp quốc thừa nhận để làm chứng cứ chống lại sự xâm lược của bất kỳ quốc gia nào. Việc đặt tên này có bị Trung quốc phản đối hay không thì chắc là có, nhưng dù phản đối ở mức độ nào Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường".
 
Phát ngôn viên chính phủ Nhật họp báo vào ngày 01/08/2014

Theo giới hữu trách thuộc nội các của Thủ tướng Abe thì sự việc Trung quốc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa của Việt Nam đã khiến chính phủ Nhật Bản phải gấp rút lên đối sách để đề phòng trường hợp Bắc Kinh cũng dùng trò này xâm lấn vùng biển Hoa đông. Một hội nghị bàn về cách bảo vệ các hòn đảo nhỏ đã đuợc tổ chức vào tháng 6.2014 và một việc cần làm ngay mà nhiều giới chức chính phủ, chuyên gia, học giả độc lập đồng ý là phải chính thức đặt tên và đưa cả 158 hòn đảo này lên bản đồ trước mắt toàn thế giới.
Phản ứng của Bắc Kinh đúng như dự đoán. Sứ quán Trung Cộng tại Tokyo gọi điện đến bộ Ngoại giao Nhật phản đối, đồng thời Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh là ông Kitera bị bộ Ngoại giao Trung Cộng gọi đến để kháng nghị. Đáp lại, cả bộ Ngoại giao Nhật lẫn Đại sứ Kitera đều bác bỏ việc kháng nghị này vì cho rằng chính phủ Nhật Bản có quyền đặt tên hay thay đổi tên bất kỳ hòn đảo nào thuộc chủ quyền của mình.
Theo các quan sát viên về châu Á-Thái Bình dương thì thái độ của Tokyo đã khác hẳn mấy năm trước. Trước đây, cứ mỗi khi Tokyo làm điều gì không vừa ý, Bắc Kinh lại hăm dọa chiến tranh và gọi mập mờ nơi đó là "vùng tranh chấp". Lần này việc Tokyo đặt tên cho 5 hòn đảo trong quần đảo Senkaku được coi là lời nói thẳng với Bắc Kinh: đây là hải đảo của Nhật chứ chẳng có gì để tranh chấp cả. Hải quân và không quân Nhật sẵn sàng nghênh chiến để khẳng định chủ quyền của mình. Đó là chưa kể sự tham gia của hải quân Mỹ qua hiệp ước bảo an Mỹ-Nhật hiện có. Vẫn theo giới phân tích thì lần này có vẻ Bắc Kinh chỉ phản ứng chiếu lệ rồi thôi, chứ không quá đà như những năm trước. Một lần nữa, có vẻ như chiến thuật "mềm nắn, rắn buông" lại được Bắc Kinh áp dụng.
Nhìn cảnh chính phủ Nhật huy động sức lực đến mức đó để bảo vệ 5 hòn đảo tí hon, người Việt không khỏi đau xót khi nghe Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố việc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam, việc chiếm đảo, biển và bắn giết ngư dân Việt, đều chỉ là những chuyện lục đục nhỏ trong gia đình.
Và nhìn cảnh tượng chính phủ Nhật cố sức ghi đậm tên tuổi các hòn đảo trong sổ sách quốc tế, người Việt Nam lại càng không sao hiểu được Hiệp ước phân định biên giới trên bộ ký kết công khai giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ 15 năm trước (1999) nhưng đến nay lãnh đạo đảng CSVN vẫn giữ các bản đồ đó trong vòng tối mật, không cho ai biết.


Nhật công bố Bạch thư Quốc Phòng 2014 

Bình thường chỉ cần tăng ngân sách quốc phòng lên một chút là sẽ bị Trung quốc lên tiếng chỉ trích mạnh, thế nhưng sách Trắng Quốc phòng Nhật năm 2014 không những công bố cho biết ngân sách Quốc phòng năm nay của họ nâng lên thành con số 48 tỉ mỹ kim (tăng 2,2% so với năm 2013) lại còn nói thẳng rằng những hành động trong thời gian gần đây của Trung quốc ở biển Hoa đông và biển Đông là rất nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả xấu mà không ai mong muốn. 
Bạch thư Quốc phòng hay còn gọi là sách Trắng Quốc phòng Nhật năm 2014 dày 506 trang trong đó để ra 21 trang nói về chuyện Trung quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa đông, các vụ xâm phạm lãnh hải, lãnh đảo của Nhật. Liên quan đến các xung đột vì quyền lợi ở biển Đông, Trung quốc đã và đang hung hăng sử dụng sử dụng biện pháp quân sự đối với các quốc gia trong vùng nhằm thay đổi hiện trạng, đi ngược lại với trật tự và luật pháp quốc tế hiện hành. 
Sách trắng Quốc phòng Nhật 2014 được bán với giá 1.620 yen (khoảng 16 mỹ kim) ở nhiều tiệm sách, đây là cuốn sách không thể thiếu đối với các chuyên gia hay những ai quan tâm đến vấn đề quân sự ở vùng Á châu. 


Đúng như dự đoán, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi cuốn Bạch thư Quốc phòng này được công bố rộng rãi là Trung quốc đã lên tiếng chỉ trích Nhật Bản ngay bằng những lời lẽ hết sức gay gắt kể cả những lời hăm dọa sẽ có chiến tranh mà nguyên nhân là do Tokyo gây ra qua việc tăng chi phí quốc phòng để uy hiếp các quốc gia trong vùng trong đó có Trung quốc và cả Nga.
Liên tiếp trong 2 ngày 5 và 6 tháng 8, các phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Trung quốc họp báo nói rằng: Nhật Bản đã vô cớ cáo buộc Trung quốc là nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong vùng, trong khi chúng tôi chỉ bảo vệ lãnh hải, lãnh đảo và quyền lợi cốt lõi, chính nội các Abe hiện nay của Nhật Bản mới là kẻ gây ra sự mất ổn định cho cả vùng châu Á-Thái Bình dương. Báo đài của Trung quốc thì cho đi nhiều bài bình luận quả quyết rằng dân Nhật đang bị nội các Abe đánh lừa qua việc giải thích lại điều 9 Hiến pháp để gọi là bảo vệ đất nước, nhưng thực ra là để cho quân đội Nhật có thể đi đánh nhau với các quốc gia khác. Những cuộc biểu tình của người dân Nhật phản đối việc giải thích lại điều 9 Hiến pháp được chiếu đi chiếu lại trên màn ảnh nhỏ với lời kết luận là chính phủ và nhân dân Trung quốc ủng hộ việc phản đối chiến tranh của người dân Nhật.
Chính phủ Hàn quốc cũng lên tiếng phản đối chỉ vì trong cuốn Bạch thư Quốc phòng này khẳng định rằng hòn đảo san hô Liancourt Rocks (Hàn quốc gọi là đảo Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Take shima) là lãnh thổ bất khả xâm của Nhật trong khi hòn đảo này đang đặt dưới sự kiểm soát của Hàn quốc.
Bộ trưởng Phòng vệ Nhật là ông Onodera là người đứng ra công bố cuốn Bạch thư Quốc phòng này đã được các ký giả hỏi: việc chính phủ Nhật vừa tăng ngân sách quốc phòng vừa khẳng định sự mất hòa bình, ổn định ở biển Hoa đông và biển Đông trong những năm gần đây là do Trung quốc gây nên, ai cũng đoán biết Trung quốc sẽ phản đối mạnh, về phần chính phủ Nhật thì nghĩ như thế nào? Bộ trưởng Onodera trả lời rằng sách Trắng mà bộ Phòng vệ Nhật xuất bản chỉ viết ra những sự thật, không thêm không bớt gì hết. Chẳng riêng gì Nhật mà nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ đều quan tâm về việc Trung quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển Hoa đông vào tháng 11 năm 2013 và trong tương lai gần trên vùng biển Đông. Chính phủ Nhật không sợ bị chỉ trích khi nói lên sự thật để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân. Thật ra chính quyền Thủ tướng Abe luôn luôn lắng nghe những chỉ trích từ mọi phía, nhưng sợ nhất là sự chỉ trích đến từ người dân Nhật. Theo kết quả điều tra dư luận do các cơ quan truyền thông lớn của Nhật thực hiện mới được công bố vào ngày 11/08/2014 thì 17% người dân Nhật chống lại chuyện tăng ngân sách Quốc phòng bằng mọi giá (giảm 10,4% so với năm 2013); 57,1% ủng hộ (tăng 9,6% ); số còn lại không có ý kiến. Trong 57.1% số người ủng hộ thì khoảng 15% cho rằng nếu không có chuyện Trung quốc uy hiếp biển Hoa đông và muốn chiếm đảo Senkaku thì họ phản đối chuyện tăng ngân sách quốc phòng. 
Ngân sách quốc phòng hàng năm đối với chế độ CSVN vẫn là con số bí mật của quốc gia, nếu công bố sẽ nguy hại đến tình hình an ninh quốc gia. Có thật vậy không? chắc chắn là không vì ngay cả Trung quốc, một nước Cộng sản nhưng hàng năm vẫn công bố ngân sách quốc phòng của mình, bởi vậy nên chuyện chính quyền Hà Nội không muốn công bố là để cho lãnh đạo dễ dàng bỏ túi chứ không còn một lý do nào khác. 


Từ tháng 4 đến tháng 6 GDP của Nhật giảm mạnh ảnh hưởng đến quyết định tăng thuế tiêu thụ lên thành 10%

Ngày 13/08/2014 vừa qua, văn phòng chính phủ Nhật công bố cho hay Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nhật từ tháng 4 đến tháng 6 giảm 1,7% so với 3 tháng trước. Nếu những tháng tới vẫn tiếp tục giảm ở con số này thì GDP của Nhật trong năm 2014 sẽ giảm đến 6,8%, ngang với mức giảm của năm xảy ra thiên tai động đất, sóng thần (2011) ở vùng Đông Bắc Nhật. 
Các giới chức có thẩm quyền đã giải thích rằng nguyên nhân chính khiến cho GDP giảm mạnh là vì trước đó nhiều người đã đi mua sắm để chỉ trả thuế tiêu thụ 5% vì vào đầu tháng 4 thì thuế này sẽ lên thành 8%. Biết chắc là sau khi tăng thành 8% sẽ ít người mua nên các hãng không dám sản xuất nhiều như trước vì vậy GDP giảm là chuyện đương nhiên. 
Các nhà kinh doanh lớn của Nhật như hệ thống cửa hàng tiện lợi Lawson, hệ thống tiệm ăn Royal Host…nói với các ký giả rằng trong tháng 4, ngay sau khi thuế tiêu thụ tăng lên thành 8% vẫn còn nhiều người mua sắm vì chưa cảm nhận được sự nặng gánh của việc tăng thêm 3% thuế tiêu thụ, đến đầu tháng 6 thì nhận ra rằng sao tiền trong ví lại chóng hết thế, vì vậy họ bắt đầu e dè không dám mua sắm như trước đây nữa. 
Các bình luận gia kinh tế Nhật thì cho rằng chính quyền cũng như quan chức đều hô hào chuyện tăng giá cả để ngăn chận nạn giảm phát, nhưng lương công nhân lại không tăng bao nhiêu so với hứa hẹn. Ngoại trừ những hãng lớn còn hầu như tất cả các trung tiểu xí nghiệp tiền lương không tăng bao nhiêu so với vật giá đang leo thang. Không có tiền nhiều thì làm sao mua sắm được đây? GDP giảm mạnh cho thấy tình trạng kinh tế suy thoái, nói thẳng ra là GDP giảm mạnh là do việc không tính kỹ càng về mọi mặt trước khi tăng thuế tiêu thụ lên thành 8%.
Abenomics (hiệu ứng Abe) đã làm cho hối suất đồng yen rẻ giúp cho các hãng xuất cảng hàng hóa có lời, bù lại thì giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng xấu cho các hãng sản xuất hàng tiêu thụ trong nước vì giá thành cao phải bán với giá đắt hơn trước, người tiêu thụ giảm mua sắm là chuyện đương nhiên.
Theo dự tính thì vào tháng 10 tới, nội các Abe sẽ họp để quyết định tăng thuế tiêu thụ lên thêm 2% nữa thành 10% để vào tháng 10 năm 2015 sẽ áp dụng, nhưng với tình trạng như hiện tại thì chắc Thủ tướng Abe khó mà cho tăng thuế tiêu thụ lên thành 10%. Đó là dự đoán của nhiều kinh tế gia cũng như các nhà kinh doanh lớn của Nhật. Có người còn đề nghị là giảm thuế này xuống thành 5% như trước đây may ra mới kích thích người dân mua sắm.


Hai hàn thử biểu nổi danh ở Nhật không được sở khí tượng quốc gia thừa nhận vì chưa đăng ký

Ở Nhật cái nóng mùa hè quả thật cũng rất tàn canh không thua gì Việt Nam, Hokkaido là xứ tuyết nhưng nhiệt độ vào mùa hè có nơi lên đến 34℃, nóng nhất thì chắc không có nơi nào ở Nhật qua mặt được hai thị trấn Tatebayashi ở tỉnh Gunma và Tajimi của tỉnh Gifu. 
Vào mùa hè, ngày nào mà cảm thấy nóng nhất là các đài truyền hình thường chiếu hai hàn thử biểu dựng ở trước nhà ga Tatebayashi của đường tàu điện Tobu hay trước nhà ga JR Tajimi để cho mọi người biết ngày hôm nay nhiệt độ nóng nhất ở Nhật là bao nhiêu. 
 
Hàn thử biểu, ở Tatebayashi (trái) và ở Tajimi

Thường thì nhiệt độ ở Tatebayashi nóng hơn ở Tajimi một chút, nhưng mùa hè năm 2007 Tajiami nóng đến 40,9℃, một kỷ lục mà cho đến nay Tatebayashi phải chào thua.
Kỷ lục là như vậy nhưng không được ghi vào hồ sơ lưu trữ của sở Khí tượng Quốc gia nên nhiều ký giả đã điện thoại đến hỏi vì sao vậy và được trả lời rằng hai hàn thử biểu đó không được sở Khí tượng Quốc gia thừa nhận vì không có hồ sơ đăng ký nên chẳng có liên hệ gì với sở Khí tượng Quốc gia, vì vậy các dữ kiện đã không được ghi vào sổ bộ. Theo luật của sở Khí tượng Quốc gia thì khi một nơi nào đó thiết lập một hàn thử biểu mà muốn được sở Khí tượng Quốc gia thừa nhận thì phải nạp đơn đăng ký. Sở sẽ cử chuyên gia đến hiện trường để kiểm tra xem các tiêu chuẩn của hàn thử biểu có đúng theo quy định hay không, nếu đúng thì thừa nhận, còn không thì phải hoàn chỉnh lại cho đúng. 
Các ký giả lại điện thoại đến tòa hành chánh thị xã Tatebayashi và Tajimi hỏi tại sao không làm thủ tục đăng ký thì được trả lời rằng tất cả các thiết bị đo đạc của cái hàn thử biểu dựng trước nhà ga Tatebayashi (hay nhà ga Tajimi) đều có dấu đã qua sự kiểm tra của sở Khí tượng Quốc gia nên chúng tôi nghĩ rằng là hợp lệ chứ đâu ai biết cần phải làm thủ tục đăng ký.
Như vậy là kỷ lục nóng nhất nước Nhật mà hàn thử biểu ở trước nhà ga JR Tajimi đo được vào năm 2007 là 40,9℃ coi như không được sở Khí tượng Quốc gia thừa nhận.
Người trách nhiệm của hai ga đã nộp đơn đăng ký ngay sau bị khuyến cáo.


Đường tàu điện ngầm ở Kobe sẽ thiết kế hệ thống bắt sóng điện thoại di động

Kobe là một trong những thành phố lớn và nổi tiếng của Nhật thế mà cho đến nay các tuyến tàu điện ngầm ở đây không có hệ thống bắt sóng cho điện thoại di động, ai đã bước vào xe điện ngầm ở Kobe mà khi xe chui vào hầm là coi như không cách nào liên lạc được. Người dân Kobe vừa cảm thấy bất tiện vừa có phần hổ thẹn so với các thành phố lớn khác nên đã làm đơn thỉnh nguyện lên cơ quan hành chánh địa phương để yêu cầu giải quyết chuyện này. Mặc dù là đơn thỉnh nguyện, nhưng người dân Kobe vẫn lên tiếng chỉ trích chính quyền địa phương tại sao không quan tâm đến sự tiện lợi cho người dân, chuyện thiết lập hệ thống bắt sóng điện thoại ở các tuyến tàu điện ngầm đâu phải khó khăn gì vì tất cả các nơi khác đã làm, chỉ có ở Kobe là chưa. 
Tòa hành chánh thành phố Kobe không thể làm ngơ trước thỉnh nguyện này nên đã kêu gọi các hãng xe điện ngầm và các hãng điện thoại hiệp tác để phục vụ lợi ích cho cư dân. Ngày 17 tháng 8 vừa rồi Thị trưởng Kobe họp báo cho biết sẽ đáp ứng theo nguyện vọng của người dân. Chính quyền địa phương và các hãng tàu điện ngầm đang xúc tiến và nội trong năm nay sẽ sử dụng được, nhưng trước tiên là tuyến đường Seishin-Yamate từ Shin Kobe đi Nagata (dài 6,1 km) rồi lần lượt đến các tuyến đường khác. 
Chính quyền các ở các quốc gia tự do dân chủ luôn coi trọng và thực hiện những nguyện vọng chính đáng của người dân. Còn Chính quyền CSVN tuy cũng nói thế nhưng chỉ nói cho có mà thôi. 

Sẽ ban hành Luật cấm hút thuốc trong tất cả các tiệm ăn uống ở Tokyo?

Có thể nói trong các quốc gia tiên tiến, Nhật Bản vẫn đang còn khá dễ dãi đối với vấn đề hút thuốc lá. Trước tiên là giá thuốc lá còn rẻ so với các nước khác, thứ hai là nhiều tiệm quán vẫn có chổ dành cho người hút thuốc. Sự dễ dãi này đã và đang bị nhiều người chỉ trích nên vào năm 2010. Kanagawa là tỉnh đầu tiên của nước Nhật ra luật cấm hút thuốc lá ở bịnh viện, trường học, công sở…, nhưng đối với tiệm ăn uống và khách sạn thì bắt buộc phải chia khu vực riêng dành cho khách hút thuốc. 
Ngày 17/08/2014 vừa qua, trong một chương trình thảo luận các vấn đề thời sự vào sáng chủ nhật của đài truyền hình Fuji, kênh số 8, ông Đô trưởng Masuzoe đã phát biểu rằng tôi muốn ra một điều luật cấm hút thuốc lá không những tại các nơi giống như tỉnh Kanagawa quy định mà còn cấm luôn không được hút thuốc ở tiệm ăn uống, khách sạn. Phải làm sao ra được luật này trước khi Tokyo tổ chức Olympic 2020. Vì sức khoẻ chung cho mọi người, tôi hy vọng các Nghị viên Đô thành thuộc mọi đảng phái hiệp tác để ra điều luật cấm hút thuốc này của thủ đô Tokyo.
 
Ông Masuzoe, Đô trưởng Tokyo

Ngay sau khi ông Masuzoe phát biểu như vậy, nhiều người đã điện thoại đến đài TV Fuji và tòa đô chánh để phản đối hoặc ủng hộ. Phía phản đối thì cho rằng ông Đô trưởng ra tay quá đáng, gây trở ngại cho việc làm ăn của tiệm quán, khách sạn. Người ủng hộ thì yêu cầu phải làm ngay đừng chần chừ.
Nhiều người kinh doanh tiệm ăn uống khi được hỏi ý kiến về chuyện này thì nói rằng phong trào bài trừ hút thuốc lá ngày càng phổ cập nên sớm muộn gì thì điều luật này cũng được thông qua. Một số chủ tiệm cho biết cấm hút thuốc sẽ mất một số khách, nhưng nhiều khách bước vào tiệm thấy có người hút thuốc thì trở ra, nghĩa là tiệm cũng mất khách nên nếu như tất cả đều bị cấm thì không chừng chẳng mất khách vì khách hút thuốc đi tiệm nào cũng bị cấm hút. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị rằng phải cho khách ăn uống hút thuốc chứ, nếu sợ khói thuốc làm hại sức khỏe người không hút thuốc thì yêu cầu tiệm đó đề bảng tiệm này cho hút thuốc, ai sợ khói thuốc thì đừng vào. Đó cũng chỉ là ý kiến tán thành hay phản đối và giải thích nào cũng có thể hợp với… lòng dân, nên các chính trị gia giỏi là người phải đứng trên tất cả và cân nhắc về mọi mặt như sức khỏe, kinh doanh…. để đưa ra những quyết định chính trị hợp lý.


Đảng cầm quyền Tự Dân muốn đánh thuế trên những món đồ ở tiệm Pachinko khi đem ra đổi thành tiền

Đã từ lâu (ít nhất cũng trên 40 năm) Pachinko không còn là một trò chơi để giải trí mà là một hình thức đánh bạc trá hình, nó hiện diện khắp nơi ở Nhật từ Hokkaido đến Okinawa, từ thành phố đến nông thôn. 
Ngoại trừ đua ngựa, đua thuyền, đua xe đạp, xe gắn máy để chính phủ lấy thuế còn tất cả các hình thức đánh bạc khác đều bị luật pháp ngăn cấm, ai vi phạm sẽ bị phạt từ 50 vạn yen trở xuống, nếu bị bắt lần thứ hai có thể bị bắt bỏ tù từ vài tháng đến 3 năm.
Chính vì lý do này nên toàn bộ các tiệm Pachiko không thể chung tiền thẳng cho khách đánh thắng nhiều bi mà khách phải đem bi đến quầy đổi lấy một món đồ nào đó do tiệm quy định rồi đem ra bán lại cho một nơi thu mua các món đồ đó để lấy tiền. Nơi thu mua đó thường nằm gần tiệm Pachinko mà ai cũng biết do một hay nhiều tiệm Pachinko cùng nhau lập nên. Trên nguyên tắc thì không vi phạm luật vì hành động mua qua bán lại này xảy ra ngoài tiệm. 
 
Môn chơi Pachinko

Nhiều người táng gia bại sản vì chơi Pachinko mà cảnh sát không thể can thiệp được vì các tiệm Pachinko không phải là chỗ đánh bạc. 
Do thiếu ngân sách nên vào đầu tháng 8 vừa qua, một số các dân biểu, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Tự do Dân chủ nghĩ đến chuyện cần phải đánh thuế trên những món đồ mà khách đánh Pachinko đem ra đổi thành tiền. 
Một số dân biểu, nghị sĩ có mặt trong các cuộc họp bàn đánh thuế này cho ký giả biết là có một trở ngại khó vượt qua: đó là nếu như đánh thuế vào các món đồ ở tiệm Pachinko khi đem ra đổi thành tiền thì coi như thừa nhận Pachinko là một hình thức cờ bạc hợp pháp hay sao, trong khi luật lệ nghiêm cấm. Muốn đánh thuế thì trước tiên phải sửa đổi luật cho phép đổi tiền ngay trong tiệm Pachinko, chứ cấm đổi tiền thì coi như khai tử trò chơi này mà đâu có ai dám làm chuyện này bởi vì kỹ nghệ Pachinko ở Nhật lớn quá, trong năm 2013 tổng số tiền luân lưu của trò chơi Pachinko này lên tới 20 ngàn tỉ yen và chính phủ đã thâu từ môn chơi giải trí này khá nhiều tiền thuế.

Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors