Kỷ nguyên mới của ngoại giao tàu chiến


Mark Landler

Thoạt nghe có vẻ lạ trong một kỷ nguyên của chiến tranh trên mạng internet và những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng mặt trận mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là một vùng biển nhiệt đới, tại đó động cơ khai thác trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào ngoài khơi đã châm ngòi một cuộc xung đột giống như kiểu ngoại giao tàu chiến trong thế kỷ 19.
Chính quyền Obama lần đầu tiên can dự vào vùng Biển Đông đầy trắc trở hồi năm ngoái khi Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tuyên bố, tại một cuộc họp căng thẳng của các nước Châu Á ở Hà Nội, rằng Mỹ sẽ tham gia với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong việc chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống lĩnh vùng biển này. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc giận dữ trước điều mà nước này xem như sự can thiệp của Mỹ.

Bấm vào để phóng to
Tuy gợi nhớ lại thế kỷ 19, đó là chưa kể cuộc chiến tranh lạnh, cuộc đối đầu ở Biển Đông báo hiệu một loại hình mới của xung đột trên biển – kiểu xung đột đang diễn ra từ Địa Trung Hải cho tới Bắc Băng Dương, trong đó những cường quốc kinh tế khát nhiên liệu, những nguồn dồi dào năng lượng dưới biển mới tiếp cận được và thậm chí những thay đổi về khí hậu của trái đất đang cùng nhau tạo nên một cuộc tranh giành các vùng biển trong thế kỷ 21.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất có tham vọng trên biển. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đụng độ với Síp (Cyprus) và gây căng thẳng với Hy Lạp và Israel về các mỏ khí đốt tự nhiên nằm dưới vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Nhiều cường quốc, trong đó có Nga, Canada và Mỹ, đang tích cực rảo quanh Bắc Cực, tại đó băng địa cực đang tan dần mở ra những tuyến đường vận tải hàng hải và khả năng rất hấp dẫn của những mỏ dầu và khí đốt bao la dưới biển.
“Cuộc săn tìm tài nguyên này sẽ chiếm lĩnh những vùng nước mênh mông khắp thế giới trong ít nhất vài thập niên nữa,” Ngoại trưởng Clinton nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, mô tả cuộc cạnh tranh toàn cầu nghe giống như một Cuộc Cờ Đại Chiến1 trên biển.
Những căng thẳng như vậy chắc chắn sẽ theo chân Tổng thống Obama tuần này, khi ông họp với các lãnh đạo của Trung Quốc và những nước Châu Á khác ở Honolulu và trên đảo Bali của Indonesia. Các quan chức trong chính quyền đã nói họ hy vọng tất cả các bên sẽ dẹp bớt các bất đồng, mặc dù điều đó sẽ không che đậy những cuộc xung đột sắp tới.
Daniel Yergin, một chuyên gia năng lượng và tác giả của cuốn sách mới “The Quest: Energy, Security, and the Remaking of the Modern World” (Cuộc tìm kiếm: Năng lượng, An ninh và Sự tái tạo Thế giới Hiện đại) nhận xét: “Tiềm ẩn đằng sau toàn bộ tình hình này là việc công nhận rằng ngày càng có tỉ lệ lớn các tài nguyên dầu nằm ở ngoài khơi. Khi ta có các tài nguyên năng lượng nằm trên đất liền, ta biết rõ đâu ra đâu. Khi chúng nằm ngoài khơi, mọi việc trở nên mơ hồ hơn”.
Theo tác giả Yergin, hiện nay mỗi ngày có hai mươi chín triệu thùng dầu, một phần ba sản lượng toàn cầu, xuất phát từ các mỏ ngoài khơi. Riêng Biển Đông ước tính có trữ lượng 61 tỉ thùng dầu và khí, cộng với 54 tỉ thùng chưa được khám phá, trong khi đó vùng Bắc Cực dự đoán có 238 tỉ thùng, cộng với những nguồn chưa khám phá có thể gấp đôi số đó.
Khi các quốc gia chạy đua dựng dàn khoan và đưa tàu thăm dò dầu rà soát lòng biển, những tuyên bố chủ quyền trên biển mâu thuẫn nhau đang góp phần châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang hải quân. Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi các quốc gia có lực lượng hải quân tăng nhanh nhất là những nước có phần trong những vùng năng lượng này.
Trung Quốc tăng từ 2 tàu khu trục sản xuất từ thời Liên Xô vào năm 1990 lên đến 13 tàu khu trục hiện đại vào năm 2010, theo Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở Luân Đôn. Trong công cuộc đẩy mạnh hải quân có khả năng tác chiến ở những vùng nước sâu ngoài khơi đại dương (blue-water navy), Trung Quốc cũng đang xây dựng hàng không mẫu hạm. Malaysia và Việt Nam đang tăng cường hải quân của mình với những chiến hạm và tàu ngầm. Ấn Độ do đang muốn bảo đảm tiếp cận được vùng Viễn Đông nên cũng tăng cường. Và Hải quân Israel đang yêu cầu tăng thêm tàu để đương đầu với những tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ đang vây quanh những giàn khoan của Israel.
David L. Goldwyn, nguyên đặc sứ về các vấn đề năng lượng quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Các quốc gia muốn bảo đảm rằng họ có khả năng phát triển tài nguyên và bảo đảm rằng những tuyến đường giao thương của họ được bảo vệ”.
Cuộc cạnh tranh này cũng nguyên do của những lời kêu gọi Mỹ củng cố sức mạnh hải quân của mình, ngay cả trong thời kỳ cắt giảm ngân sách. Mitt Romney, được nhiều người xem là ứng viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc đua bầu cử tổng thống, gần đây đã tuyên bố rằng ông sẽ “đảo ngược tình trạng rỗng ruột của Hải quân của chúng ta và tuyên bố một sáng kiến tăng tỉ lệ xây dựng hạm đội từ 9/năm lên 15/năm”. Theo giới phân tích, với tỉ lệ xây dựng hạm đội ít ỏi và ngân sách bảo trì eo hẹp hơn, Hải quân Mỹ lâu nay buộc phải chấp nhận một hạm đội già cỗi mà một số người cho rằng không đủ sức đáp ứng những thách thức của nó.
Dù vậy, chính quyền Obama xưa nay vẫn tích cực thực hành đường lối ngoại giao tàu chiến, thuật ngữ chỉ việc đạt được các mục tiêu ngoại giao bằng cách phô trương rầm rộ sức mạnh hải quân. Hồi mùa thu năm ngoái, tổng thống Obama cử hàng không mẫu hạm George Washington đến Hoàng Hải để tập trận chung với Hàn Quốc, để nhắn nhủ một thông điệp đến Bắc Triều Tiên và nước ủng hộ chính của họ là Trung Quốc. Nước cờ này gợi nhớ quyết định của chính quyền Clinton hồi năm 1996 cử Hạm đội 7 đến cảnh báo Trung Quốc không được tấn công Đài Loan.
Mỹ đã sử dụng ngoại giao tàu chiến ở Châu Á ít nhất là từ năm 1853, khi Thiếu tướng hải quân Matthew C. Perry đưa hạm đội của mình vào Vịnh Tokyo, khiến Nhật lo sợ nên phải mở cửa cho ngoại thương. Nhưng ngày nay, người Trung Quốc đang hình thành một phiên bản Châu Á của Học thuyết Monroe2 nhằm thúc đẩy những tham vọng thiên triều của họ.
Đối với tổng thống Obama, với gốc gác ở Hawaii và Indonesia giúp ông thấm nhuần thế giới quan Thái Bình Dương, việc rút quân ở Iraq và Afghanistan giúp cho ông có lý do chuyển hướng nhìn sang phía đông. Mỹ đã nỗ lực củng cố quan hệ với những đồng minh cũ ở Châu Á, như Nhật và Hàn Quốc, cũng như những người khổng lồ mới như Ấn Độ. Tuy các quan chức chính quyền không muốn nói công khai, mục tiêu là tập hợp một liên minh làm đối trọng với sức mạnh đang tăng của Trung Quốc.
Trong một chuyến công du Châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta cam kết không rút lui khỏi khu vực này. Ông nói: “Thậm chí có lẽ ngược lại, chúng tôi sẽ tăng sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương”. Tuần này, tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố một hiệp định với Úc về sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ ở đó.
Trên đất liền, hẳn nhiên cuộc chạy đua giành các nguồn cung năng lượng cũng không phải là mới. Từ thập niên 1950 đến 1970, Mỹ khéo léo giữ cho Nga đứng ngoài nước Iran nhiều dầu. Hiện nay, Trung Quốc bận rộn ký kết các thương vụ ở Châu Phi giàu năng lượng. Nhưng kỹ thuật đã thay đổi thế cân bằng, đưa các mỏ dầu và khí đốt dưới biển vào cuộc cờ mà trước nay chưa từng có.
James B. Steinberg, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ với kinh nghiệm ở cả ba khu vực này, nói: “Suy cho cùng đó là câu hỏi những cuộc xung đột này sẽ diễn ra khi nào và như thế nào. Liệu những nước này sẽ xem đây là những cơ hội mọi bên cùng có lợi, hay xem đây là những cuộc cạnh tranh có kẻ thắng người thua?”
Đối với Trung Quốc, Biển Đông từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng vì là một tuyến đường cung cấp dầu và các nguyên liệu khác để thúc đẩy nền kinh tế. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có những nguồn gốc lịch sử sâu xa, có từ thập niên 1940, khi Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vẽ đường lưỡi bò kéo dài xuống phía nam của Trung Quốc, ôm gọn phần lớn vùng biển này và hai quần đảo bị tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tranh cãi về những khối đá núi lửa này chẳng ý nghĩa gì, chỉ trừ một điều là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang đụng độ nhau trong cuộc đua giành dầu. Hồi mùa xuân vừa rồi, trong hai biến cố riêng biệt, Việt Nam tố cáo các tàu Trung Quốc cố tình cắt cáp khảo sát địa chấn của một tàu thăm dò dầu. Một cựu quan chức Mỹ cho rằng một kịch bản ác mộng sẽ là tàu chiến Trung Quốc bắn vào một tàu khoan dầu Exxon.
Nếu Biển Đông đang âm ỉ, thì vùng phía đông Địa Trung Hải đang sôi sục. Ở đó, những tuyên bố chủ quyền đối với các trữ lượng khổng lồ khí đốt ngoài khơi Síp và Lebanon đã gây ra căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang chiếm đóng một nửa nước Síp, cũng như với Israel. Síp và Israel đang khoan lấy khí đốt, khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ. Tổ chức du kích Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon đã đe dọa tấn công các giàn khoan khí đốt của Israel.
Càng làm phức tạp thêm tình hình này là sự bất đồng gay gắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sau khi đặc nhiệm Israel đánh chặn gây chết người một tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng chở hàng cứu trợ cho người Palestine ở Gaza hồi năm ngoái.
Charles K. Ebinger, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Brookings, nói: “Người Thổ Nhĩ Kỳ nói, ‘Người Israeli đã sỉ nhục chúng tôi; chúng tôi có thể làm gì để đáp trả?’ Một phần của vấn đề này chỉ là sự quyết đoán ngày càng tăng của chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ở khắp nơi”
Có lẽ đấu trường cạnh tranh ít nguy hiểm nhất nằm ở phương bắc băng giá, một phần bởi vì các chuyên gia tin rằng nhiều mỏ trong số những mỏ khoáng sản của Bắc Cực nằm trong phạm vi một trong những khu đặc quyền kinh tế 200 dặm của những quốc gia bao quanh đại dương đó. Nhưng ngay cả những nước không có bờ biển quanh Bắc Cực, như Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng đang cử những tàu phá băng đến vùng đó để thăm dò những mẫu hình thời tiết và sự di trú của cá.
Oái ăm thay, phần tranh chấp lớn nhất là giữa hai đồng minh trung thành Mỹ và Canada. Băng đang tan dần đã mở ra Hành lang Tây Bắc nổi tiếng, chạy qua một khu quần đảo ở phía bắc Canada. Mỹ xem hành lang này là một tuyến đường thủy quốc tế, cho phép tàu bè Mỹ đi lại không hạn chế. Chính phủ Canada nhất quyết cho rằng đó là tuyến đường thủy sâu trong đất liền, nghĩa là tàu nước ngoài chỉ có thể sử dụng tuyến đường đó nếu được Ottawa chấp thuận.
Hẳn nhiên khó có khả năng Canada và Mỹ gây chiến với nhau, mặc dù sự giằng co có thể khiến các luật sư về biển bận rộn nhiều năm. Các quan chức cảnh báo rằng khi nhiệt độ tăng lên, tiếp theo sẽ là cái đầu nóng. Ông Steinberg nói: “Đó là một tranh chấp pháp lý nghiêm trọng. Khi băng tan hết, thì sẽ nảy sinh một số vấn đề thực sự.”
Mark Landler là phóng viên Nhà Trắng của báo The New York Times.
1 Nguyên văn: Great Game, dùng để chỉ cuộc đua tranh và xung đột chiến lược giữa Đế chế Anh và Đế chế Nga giành quyến thống lĩnh Trung Á trong thế kỷ 19. (N.D.)
Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) được Ngoại trưởng Mỹ John Quincy Adams chấp bút, và được Tổng thống Mỹ James Monroe công bố ngày 2/12/1823, trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại ỹ trong thời gian dài. Theo học thuyết này, những nỗ lực của các nước Châu Âu nhằm thuộc địa hóa đất đai hay quấy nhiễu các nhà nước ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ bị xem là hành động xâm lược, đòi hỏi Mỹ phải can thiệp. (N.D.)
Bản tiếng Anh: A New Era of Gunboat Diplomacy, The New York Times, 12/11/2011
Continue Reading... Nhãn:


Chiến lược “ăn mảnh tích tiểu thành đa” của Trung Quốc ở Biển Đông


Robert Haddick, Tạp chí Foreign Policy, 3/8/2012

Lầu Năm Góc gần đây đặt hàng cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ra khuyến nghị những kế hoạch bố trí quân sự ở Thái Bình Dương. Bản báo cáo ngày 26 tháng 7 của CSIS khuyến nghị Lầu Năm Góc nên rút bớt lực lượng ra khỏi Đông Bắc Á và tái phân bổ về hướng Biển Đông. Cụ thể là CSIS kêu gọi Lầu Năm Góc đặt nhiều tàu ngầm tấn công ở Guam, tăng cường sự hiện diện của Lực lượng Thủy quân Lục chiến trong khu vực này, và nghiên cứu khả năng đặt một đội tiêm kích hàng không mẫu hạm ở Tây Úc.
Biển Đông rõ ràng đang nóng dần lên thành nơi có thể bùng nổ xung đột. Những tranh chấp về lãnh thổ, quyền đánh bắt hải sản, và cho thuê khai thác dầu đã tăng nhanh trong năm nay. Hội nghị ASEAN gần đây ở Phnom Penh, Campuchia, nhằm đạt được tiến bộ về quy tắc hành xử cho Biển Đông, đã đổ vỡ trong cay đắng và, lần đầu tiên trong 45 năm, không thỏa thuận được tuyên bố chung lúc bế mạc. Việt Nam và Philippines vô cùng phật lòng vì những nước láng giềng Đông Nam Á của họ không đạt được tiến bộ nào về một lập trường thống nhất phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển này.
Sự gia tăng sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực này, qua lời kêu gọi của cả bản báo cáo CSIS lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong một bài diễn văn hồi tháng Sáu ở Singapore, một phần là để ngăn ngừa hành động xâm lược lộ liễu, chẳng hạn việc đột ngột tái diễn Chiến tranh Triều Tiên, hay việc Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công toàn diện và chớp nhoáng (blitzkrieg) đánh Đài Loan. Trong bối cảnh những kịch bản đó nay được xem là xa vời, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực này xem như có tác dụng. Nhưng nếu có một đối phương chơi trò “ăn mảnh tích tiểu thành đa” (salami-slicing)* thì sao? Tức là dùng chiến lược từ từ tích lũy những hành động nhỏ, mỗi hành động không đủ trở thành biến cố gây chiến tranh (casus belli), nhưng dần dà theo thời gian sẽ tích tụ thành một thay đổi chiến lược lớn. Giới soạn thảo chính sách và giới hoạch định quân sự Mỹ nên cân nhắc khả năng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược tích-tiểu-thành-đa ở Biển Đông, mà nếu có thật thì sẽ làm đảo lộn những kế hoạch quân sự của Washington.
Phụ lục 4 trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc năm nay về sức mạnh quân sự của Trung Quốc minh họa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, qua cái gọi là “đường chín đoạn”, cùng với những tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn của các nước xung quanh vùng biển này. Một bản tin mới đây của BBC cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc so với những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý mà Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã dành cho những nước xung quanh vùng biển này. Mục tiêu của trò ăn mảnh tích tiểu thành đa của Bắc Kinh là, thông qua những hành động nhỏ nhưng bền bỉ, dần dần tích lũy chứng cứ cho sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc ở lãnh thổ họ đã tuyên bố chủ quyền, với chủ định lấy tuyên bố chủ quyền đó xóa nhòa những quyền lợi kinh tế theo quy định của UNCLOS và có lẽ thậm chí cả quyền của tàu bè và máy bay được qua lại vùng hiện nay được xem là những tài nguyên chung toàn cầu (global commons). Với những “sự kiện thực tiễn” (facts on the ground) được tạo ra từ từ nhưng theo kiểu lũy tích, Trung Quốc hy vọng giải quyết trên cơ sở thực tế (de facto) và trên cơ sở pháp lý (de jure) những tuyên bố chủ quyền của mình.
Hồi tháng tư đã xảy ra một cuộc đối đầu hải quân giữa Trung Quốc và Philippines khi những tàu đánh cá của Trung Quốc bị phát hiện bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines gần Bãi cạn Scarborough. Cuộc đối đầu này đã kết thúc sau nhiều tuần mà không giải quyết được các vấn đề pháp lý nền tảng. Trong một diễn biến khác, Philippines hiện nay có dự định bắt đầu khoan tìm khí đốt tự nhiên ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) gần Đảo Palawan của mình, và chương trình này bị Trung Quốc phản đối. Gần đây một tàu khu trục hải quân Trung Quốc mắc cạn cách Palawan 90 dặm; năm ngoái, các tàu chiến Trung Quốc đe dọa đâm vào một tàu khảo sát của  Philippines gần Bãi Cỏ Rong.
Ở vùng biển đối diện, và trước thềm hội nghị thượng đỉnh xấu xố ở Phnom Penh, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), một công ty quốc doanh, công bố danh sách những lô ngoài khơi chào mời các công ty thăm dò dầu khí nước ngoài đấu thầu. Trong trường hợp này, những lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – trên thực tế, một số lô trong đó đã được Việt Nam cho thuê để thăm dò và phát triển. Hiếm có nhà phân tích nào nghĩ rằng một công ty nước ngoài như Exxon Mobil tiếp tay hợp thức hóa việc Trung Quốc ăn chặn những quyền lợi kinh tế của Việt Nam. Nhưng trò cho thuê các lô dầu khí của CNOOC chỉ là một cách khẳng định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, ngược với những ranh giới vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS mà phần lớn các nhà quan sát nghĩ là đã được giải quyết.
Cuối cùng, hồi tháng 6, chính phủ Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm (Woody Island) trong Quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Tam Sa sẽ là trung tâm hành chính cho những khu được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Quần đảo Trường Sa gần Bãi Cỏ Rong và Palawan, và Bãi cạn Scarborough Shoal. Trung Quốc cũng đã tuyên bố những kế hoạch đưa đơn vị đồn trú quân sự tới vùng này.
Những hành động của Trung Quốc trông giống như nỗ lực thiết lập một cách dần dần và có hệ thống tính chính danh cho những tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực này. Họ đã dựng nên một chính quyền dân sự địa phương, và chính quyền dân sự này sẽ chỉ huy một đơn vị đồn trú quân sự thường trực. Họ đang khẳng định những quyền lợi kinh tế của mình bằng cách cho thuê các lô dầu khí và vùng đánh bắt hải sản bên trong các vùng đặc quyền kinh tế của những nước khác, và họ đang cử hải quân cản trở bước phát triển đã được các nước khác trong khu vực phê chuẩn. Ở cuối con đường này có hai chiến lợi phẩm: lượng dầu dưới Biển Đông có thể cung cấp cho Trung Quốc trong 60 năm, và khả năng vô hiệu hóa hệ thống liên minh quân sự Mỹ trong khu vực này.
Thất bại của ASEAN trong việc thiết lập một quy tắc ứng xử để giải quyết các tranh chấp trong vùng biển này lại có lợi cho chiến lược tích-tiểu-thành-đa của Trung Quốc. Nếu được thiết lập, một quy tắc ứng xử đa phương đã tạo được khuôn khổ pháp lý cho giải quyết tranh chấp và đặt tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên cơ sở bình đẳng. Do không có quy tắc đó, hiện nay Trung Quốc có thể dùng lợi thế sức mạnh của mình để thống lĩnh những tranh chấp song phương với những nước láng giềng nhỏ của mình và có thể làm vậy mà không chịu các hậu quả chính trị do hành động vượt ra ngoài những luật lệ đã thỏa thuận.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc dự định gởi quân tiếp viện đến khu vực này và đang hình thành những học thuyết chiến thuật mới để đương đầu với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng giới hoạch định chính sách ở Washington sẽ bị kẹt vào thế bế tắc khi cố gắng áp dụng sức mạnh quân sự này đối với một kẻ biết sử dụng thành thục chiến lược tích-tiểu-thành-đa. Nếu kẻ đó biết chia nhỏ hành động đến mức vụn vặt, không một hành động nào nghiêm trọng đến mức đủ lý do để khơi mào chiến tranh. Làm sao một nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể đủ lý do can thiệp vào chuyện một giàn khoan dầu của CNOOC thả neo bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay tàu khu trục Trung Quốc rượt đuổi tàu khảo sát của Philippines trên vùng Bãi Cỏ Rong, hay một trung đội bộ binh Trung Quốc xuất hiện trên đảo đá gần Quần đảo Trường Sa? Khi [một cường quốc] suy tính một cuộc chiến tranh vô cùng tốn kém với một cường quốc [khác], những biến cố nhỏ như vậy nếu được xem như nguyên nhân gây chiến thì quá vô lý. Nhưng nếu được tích lũy dần dà theo thời gian và trên không gian [đủ lớn], những hành động cỏn con đó có thể cộng dồn thành một thay đổi căn bản trong khu vực.
Dù Mỹ dường như là một diễn viên không có vai trò gì lớn lao trong màn kịch này, phần được mất của Mỹ cũng khá cao. Cả nền kinh tế toàn cầu lẫn kinh tế Mỹ phụ thuộc vào sự tự do đi lại qua vùng biển này; hoạt động thương mại toàn cầu trị giá 5,3 ngàn tỉ đô-la đi qua Biển Đông mỗi năm, và 1,2 ngàn tỉ đô-la đi qua các cảng của Mỹ. Thứ hai, Mỹ quan tâm nhiều đến việc ngăn chặn bất cứ cường quốc nào đơn phương viết lại theo ý mình luật biển quốc tế lâu đời. Cuối cùng, tính khả tín của hệ thống liên minh của Mỹ và tính đáng tin cậy trong vai trò đối tác an ninh sẽ bị đe dọa.
Một kẻ áp dụng chiến lược tích-tiểu-thành-đa đặt gánh nặng hành động gây xáo trộn lên vai đối phương của mình. Đối phương đó sẽ ở vào vị thế khó xử khi phải ra tay can thiệp dường như vô căn cứ và thực hiện chủ trương hung hăng gây hấn không thể biện hộ được. Đối với, Trung Quốc, họ chỉ việc không thèm đếm xỉa đến hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và tiếp tục với chiến lược tích-tiểu-thành-đa của mình, với giả định hợp lý là Mỹ sẽ không thể nào nghĩ tới chuyện đe đọa gây ra chiến tranh giữa các cường quốc chỉ vì một biến cố cỏn con ở một vùng biển xa xăm.
Nhưng chuyện cỏn con dưới góc nhìn của Mỹ là thể là chuyện trọng đại đối với những nước như Philippines và Việt Nam đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ và các quyền lợi kinh tế của mình tránh khỏi sự giành giật quyền lực trắng trợn. Thực tế này có thể khiến các nước này có động cơ mạnh hơn để tỏ ra xông xáo hơn trong việc phòng thủ trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc. Và nếu chiến sự bùng nổ giữa Trung Quốc và một trong những nước nhỏ này, giới làm chính sách ở Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc những hậu quả về uy tín và về chiến lược khi tấn công một nước láng giềng yếu hơn.
Cả Mỹ lẫn các nước thành viên ASEAN sẽ rất muốn có một quy tắc ứng xử được thỏa thuận để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng nếu thay vì thế Trung Quốc lại chọn chiến lược tích-tiểu-thành-đa, giới hoạch định chính sách ở Washington có thể kết luận rằng phản ứng duy nhất bền vững về mặt chính trị là khuyến khích các nước nhỏ này hãy bảo vệ các quyền lợi của mình một cách mạnh mẽ hơn, cho dù điều đó có thể gây ra xung đột, với hứa hẹn Mỹ sẽ hậu thuẫn quân sự. Như vậy nghĩa là đảo ngược chính sách hiện nay của Mỹ, vốn từ trước đến nay tuyên bố trung lập đối với những tranh chấp biên giới trên vùng biển này.
Mỹ đến nay đã tỏ ra trung lập vì không muốn tự dấn thân trước vào một chuỗi biến cố mà họ có thể không kiểm soát được. Cách tiếp cận này là điều dễ hiểu nhưng sẽ ngày càng mâu thuẫn với những lời hứa an ninh mà Mỹ đã đưa ra với các nước bạn trong khu vực này và với mục tiêu bảo tồn những tài nguyên chung toàn cầu. Giới hoạch định chính sách và chiến lược ở Washington sẽ phải cân nhắc xem Mỹ có thể làm gì, nếu có, để đối phó với một kẻ áp dụng chiến lược tích-tiểu-thành-đa ma mãnh như vậy.
Robert Haddick là thư ký tòa soạn của Small Wars Journal.
Salami-slicing nghĩa đen là cắt xúc xích thành lát nhỏ, dùng để chỉ việc chia nhỏ (thường là lén lút) hành động để không bị chú ý. Nghĩa của từ này trong quân sự / ngoại giao / chính trị được giải thích trong đoạn văn này. Trong kinh tế / tài chính, từ này dùng chỉ để những hành động ăn xén gian lận, ví dụ như gắn chip vào cây xăng ăn gian một vài mililít khi khách đổ xăng, hay nhân viên ngân hàng lén lút làm tròn đơn vị xu lẻ trong giao dịch rồi chuyển sang một tài khoản khác để biển thủ. Trong tin học, từ này chỉ hành động âm thầm tấn công nhiều máy tính riêng lẻ để đến một lúc nào đó đánh sập cả hệ thống đã nhiễm bẩn. Giải thích dông dài như vậy để thấy hết ý nghĩa của từ này trong tiếng Anh, và hiểu rõ ý đồ thâm độc của Trung Quốc. (N.D.)
Bản tiếng Anh: Salami Slicing in the South China SeaForeign Policy, 3/8/2012.
Bản tiếng Việt: Phạm Vũ Lửa Hạ, Blog lên đông xuống đoài.
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors